Friday, November 22, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIVụ kiện công ty Formosa của gần 8.000 người Việt đang ở...

Vụ kiện công ty Formosa của gần 8.000 người Việt đang ở bước then chốt

RFA

Vụ các nạn nhân Việt Nam kiện công ty Formosa vì gây ra thảm họa môi trường hồi năm 2016 hiện đang ở thời điểm mang tính quyết định. 

Hôm 17 tháng 1 năm 2022, Liên minh Giám sát Formosa tổ chức một cuộc họp báo tại thủ đô Đài Bắc, Đài Loan. 

Đây là một nhóm các tổ chức hoạt động nhằm hỗ trợ các nạn nhân của thảm họa môi trường do công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở các tỉnh miền trung Việt Nam hồi năm 2016. 

Trong cuộc họp báo, liên minh này kêu gọi Tòa Tối Cao Đài Loan xem xét lại việc yêu cầu bên nguyên đơn phải công chứng giấy ủy quyền cho luật sư tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Hà Nội, do lo ngại tình trạng vi phạm nhân quyền ở quốc gia độc đảng này. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, linh mục Phê rô Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Văn phòng Trợ giúp Công nhân và Di dân Việt Nam tại Đài Loan, cho biết thêm thông tin về sự việc:

Lý do chúng tôi kêu gọi điều đó là bởi vì đây là một yêu cầu gây ra nguy hiểm cho nguyên đơn. Rất nhiều phần trăm, tôi có thể nói là khoảng từ 90 cho đến 95 phần trăm những người đến văn phòng Kinh tế Văn hoá Đài Loan tại Việt Nam mà công chứng thì sẽ bị sách nhiễu, bị bắt, bị điều tra và có thể giam tù. Trước đó đã có những sự việc như vậy xảy ra rồi. 

Cho nên chúng tôi kêu gọi Toà Án Tối Cao Đài Loan có cách nhìn khoan dung về cái việc ủy quyền này, để tạo cho các nguyên đơn là những người bị hại, có cơ hội được thưa kiện và được xét xử tại Đài Loan.

Năm 2019, ba năm sau thảm họa, khoảng 8.000 người dân Việt Nam sống ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự việc đã đệ đơn kiện nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh tại toà án Đài Loan. 

Sau hai lần bị tòa án các cấp bác đơn, hồi tháng 12 năm 2021, Tối cao Pháp viện Đài Loan ra phán quyết hủy quyết định bác đơn của Toà Thượng thẩm, và cho yêu cầu xét lại đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiện vụ việc đang đối mặt với thách thức mới mang tính quyết định đối với toàn bộ nỗ lực theo đuổi vụ kiện, khi Tòa tối cao yêu cầu hàng ngàn nguyên đơn ở Việt Nam phải công chứng giấy ủy quyền tại trụ sở Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc, tương đương với Đại sứ quán Đài Loan. 

Khi mà bắt các nguyên đơn đi công chứng tại Văn phòng Kinh tế Văn hoá Đài Loan tại Việt Nam thì trước hết phải công chứng cái hồ sơ đó tại thôn, tại xã cái đã, xong thì phải đưa ra Bộ Ngoại giao của Việt Nam công chứng, rồi sau đó mới đưa đến Văn phòng Kinh tế Văn hoá tại Việt Nam để chứng. 

Thành thử ra khi đưa ra một cái điều kiện như vậy có nghĩa là gì, là một cái chuyện không thể thực hiện được. Và tôi nghĩ đây là cái yếu tố chính trị đã can dự vào quyết định của Tòa Tối Cao của Đài Loan.” – Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Hùng nói thêm. 

Cũng theo vị cố vấn cho Hội Công lý cho nạn nhân Formosa thì nạn nhân của thảm họa môi trường do Formosa gây ra hồi năm 2016, bị chính quyền sách nhiễu và đàn áp trong thời gian qua, khi lên tiếng đòi hỏi quyền lợi. Do vậy, việc phải đi công chứng giấy ủy quyền ở các cơ quan nhà nước sẽ khiến họ bị lộ diện, và đối mặt với việc bị đàn áp. 

Ngay tại cuộc họp báo, Liên minh Giám sát Formosa cùng nhau hô khẩu hiệu:

Hành trình công chứng ở Việt Nam vô cùng nguy hiểm, chúng tôi đề nghị Tòa án tối cao đặt tính mạng nguyên đơn lên hàng đầu. 

Chúng tôi yêu cầu Tòa án tối cao xem xét nghiêm túc tình hình nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam!

Ông Kuo Hung-Yi, luật sư đại diện cho phía nguyên đơn cũng cho biết hậu quả nếu việc công chứng giấy ủy quyền không thể diễn ra:

Nếu chúng ta không thể thực hiện việc công chứng, thì điều đó có nghĩa bên nguyên đơn không thể ủy quyền cho luật sư để đại diện cho họ trước toà, và như vậy thì vụ kiện sẽ không thể được tiến hành.” 

Công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hồi năm 2016 gây ra thảm họa môi trường cho các tỉnh miền Trung nhận lỗi và đồng ý đền bù 500 triệu đô la Mỹ thông qua nhà nước Việt Nam để bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của thảm họa này. 

Hàng trăm người ở Nghệ An nhiều lần đến Tòa án Vũng Áng, Hà Tĩnh để nộp đơn kiện công ty này do không được nhận đền bù thỏa đáng nhưng bị chính quyền ngăn chặn và nhiều người bị công an, côn đồ đánh đập. 

Anh Nguyễn Văn Hóa, một phóng viên của Đài Á Châu Tự Do khi ghi hình các vụ kiện này đã bị bắt giữ và bị kết án 7 năm tù giam. 

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular