Friday, December 13, 2024
HomeBLOGVNTB - Tuổi lên 5 của Hội Nhà báo độc lập Việt...

VNTB – Tuổi lên 5 của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – Kỳ 2: Tôi là ký giả tự do

Thảo Vy

Kỳ 1: Không vi phạm pháp luật và được Hiến pháp bảo hộ

(VNTB) – Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, một hội luận ‘bỏ túi’ ở một số cộng tác viên thường xuyên góp mặt trên trang web Việt Nam Thời Báo – http://www.vietnamthoibao.org/, được tác giả Thảo Vy lược thuật.

Ngày thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Chia sẻ của ký giả Nguyễn Tuấn, hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nguyên phóng viên báo Đời sống và Pháp luật (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam)

Tại sao lại độc quyền hành chính trong chuyện hành nghề?

“Tôi muốn nhắc đến tấm thẻ nhà báo”. Nguyễn Tuấn nói. Thuộc lứa tham gia lực lượng thanh niên xung phong để có thể ‘viết lại lý lịch đời mình’ thời hậu chiến tháng 4-1975, sau khi rời tấm áo xanh bạc màu, trải qua nhiều nghề trong phận ‘cu-li’, Nguyễn Tuấn được một người anh dìu dắt vào nghề viết lách.

“Ban đầu, tôi được hướng dẫn ‘đá gà chết’, nghĩa là viết các bài về những vụ án từ hồ sơ vừa xong kết luận điều tra. Sau một năm, tôi bắt đầu được cử ngồi dự phiên tòa, nghe xử và viết. Hồi đó ít thấy án về tù nhân lương tâm như bây giờ. Năm kế tiếp, thạo nghề hơn, tôi bắt đầu tham gia mảng phóng sự xã hội; bắt đầu làm quen với những phận đời nằm sau các bản án tuyên.

Điều kiện hành nghề thì vẫn vậy, tôi không được Bộ Văn hóa Thông tin (giờ là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp thẻ nhà báo. Họ nói tôi thiếu tấm bằng đại học. Mà theo quy định, khi chưa hay không có thẻ nhà báo, người ấy chỉ được quyền ghi trên danh thiếp là ‘phóng viên’, thứ hạng thuộc ‘chiếu dưới’ về nghề nghiệp so danh xưng ‘nhà báo’. Điều này là độc đoán hành chính!”. Nguyễn Tuấn kể.

Đến năm 2015, cũng qua chính người anh hướng dẫn vào nghề, Nguyễn Tuấn biết đến Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

“Đúng là phải đến khi ấy, tôi mới nhận ra đang rất cần những hội đoàn ký giả không chịu sự lệ thuộc vào Bộ Văn hóa Thông tin, không phải răm rắp nghe theo lời định hướng về tin, bài của bề trên tuyên giáo.

Tôi đã tin rằng nếu như ở miền Nam trước 1975, cũng như ở hầu hết các nước cho tới giờ, thẻ nhà báo do tòa soạn cấp cho người của mình, mà giá trị của nó tùy thuộc quốc tịch và uy tín, tên tuổi của tờ báo, thì giờ đây nếu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sử dụng loại thẻ này để giúp những ký giả tự do như tôi, tôi tin sẽ mang giá trị trong tín nhiệm của người dân!”. Nguyễn Tuấn bày tỏ.

Những ám ảnh chụp chiếc mũ phản động

Sau khi rời báo Đời sống và Pháp luật, Nguyễn Tuấn cộng tác với một vài Văn phòng Luật sư, và làm cộng tác viên báo chí chuyên mảng pháp đình, hay gọi theo cách của làng báo ở miền Nam trước tháng 4-1975, là ‘ký giả tự do’.

Rồi Nguyễn Tuấn bắt đầu tham gia cùng nhóm ký giả tự do khác ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam trong đưa tin, bài về các hoạt động thiện nguyện của chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn. Thời gian đó, lực lượng an ninh thường phục (từ quen dùng ám chỉ an ninh chìm kiểu này là ‘bánh canh’) thường xuyên ‘ăn dầm nằm dề’ phía quán đối diện cổng chùa Liên Trì. Hình ảnh của ký giả Nguyễn Tuấn lọt vào ống kính của ‘bánh canh’. Họ đã tìm đến tận nhà của ký giả Nguyễn Tuấn để dò xét, hăm he.

“Ban đầu quả tình tôi cũng ngại. Biết mình không làm gì sai luật, nhưng gia đình của tôi thì lo lắng vì chuyện công an đến thăm nom kiểu này. Được sự động viên chia sẻ của một số đàn anh trong nghề, tôi quen dần và cẩn trọng hơn trong viết lách để trách bị chụp mũ phản động.

Rồi sau đó tôi còn tham gia làm tin, bài về các cuộc biểu tình ở khu trung tâm Sài Gòn. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng tham gia, nhưng tờ báo của họ thì không thể đăng tải các tin tức thời sự đó. Đồng nghiệp hỏi tôi khi vào Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, có bị ai làm khó dễ không? Hỏi để cho biết, chứ tôi thấy chẳng ai ngại ngần…

Tôi và các đồng nghiệp nghĩ rằng nếu mình vẫn giữ được ngòi bút tử tế, đưa tin đúng sự thật cùng với những đa chiều, những góc nhìn đa dạng, thì dẫu có bị hăm he, thậm chí ‘tạm giữ hành chính’ đi chăng nữa, thì cuối cùng tự do vẫn len lỏi đi được con đường vốn có của nó!”. Ký giả Nguyễn Tuấn chia sẻ.

VNTB – Tuổi lên 5 của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – Kỳ 2: Tôi là ký giả tự do

Nguồn : VNTB.

http://www.vietnamthoibao.org/2019/07/vntb-tuoi-len-5-cua-hoi-nha-bao-oc-lap_3.html

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular