Phạm Chí Dũng
Người Việt 16/5/2019
Ông Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện trong cuộc họp tại Hà Nội sau đúng một tháng vắng bóng kể từ chuyến thăm Kiên Giang ngày 14 Tháng Tư, 2019. (Hình: AFP/Getty Images)
Vô tình hay hữu ý, việc “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện vào ngày 14 Tháng Năm, 2019, tròn một tháng sau “biến cố bạo bệnh” ở Kiên Giang (quê hương “anh Ba X”), lại trùng với việc công an bắt giam và khởi tố hai quan chức tổng giám đốc là Tề Trí Dũng ở Sài Gòn và Bùi Quang Huy ở Hà Nội.
Cả hai quan chức kinh tế vừa bị bắt trên đều được dư luận ồn ào cho là sân sau của những quan chức chính trị cao cấp. Tề Trí Dũng móc xích với cựu ủy viên trung ương, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM Tất Thành Cang. Còn Bùi Quang Huy được cho là sân sau của đương kim Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tức Chung “Con.”
Nhưng khác hẳn kẻ “ăn đất” Tất Thành Cang đã bị mất phần lớn chức vụ và đang được cho ngồi chơi xơi nước để “viết lịch sử đảng bộ TP.HCM,” Chung “Con” lại đang được đồn đoán khá nhiều về khả năng nhân vật này không những được cơ cấu vào danh sách “cán bộ quy hoạch cấp chiến lược” cho đại hội 13, mà còn có thể giành trọn một ghế trong Bộ Chính Trị.
Cho tới nay vẫn chưa ló dạng “tác giả” của vụ Bùi Quang Huy-Nhật Cường-Chung “Con,” nhưng hẳn phải là một quan chức hoặc một nhóm quan chức đủ cao cấp thì mới có thể “đánh” nổi Nguyễn Đức Chung.
Vụ Nguyễn Phú Trọng vừa tái xuất hiện có thể khiến người ta liên tưởng về lần “mất tích” của ông ta vào khoảng thời gian cuối Tháng Mười Một, đầu Tháng Mười Hai, năm 2017.
Khi đó, Hội Nghị Trung Ương 6 vừa kết thúc với kết quả tẻ nhạt đến mức khiến nhiều người đâm ra nghi ngờ vào “lò” của Trọng đã bị ai đó dội nước ướt sũng và tắt ngấm. Cũng vào lúc đó, Tổng Bí Thư Trọng (ông ta chưa được ngồi ghế chủ tịch nước vì Trần Đại Quang vẫn còn sống) đã có một thời gian vắng bóng trên chính trường đến khoảng nửa tháng khiến phát sinh một số dư luận về khả năng ông ta bị “tai biến.”
Nhưng đến ngày 8 Tháng Mười Hai, Trọng bất ngờ xuất hiện trong một cuộc họp của Ban Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương do ông ta chủ trì vào buổi sáng, để ngay chiều hôm đó quan chức vừa bị tước ghế ủy viên Bộ Chính Trị là Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam, tạo nên một cú chấn động trên chính trường và đánh dấu một bước ngoặt lớn và chuyển sang giai đoạn máu lửa hơn nhiều trong chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng.
Có gì mới ở “bệnh nhân” Nguyễn Phú Trọng?
“Không để chống tham nhũng bị chùng xuống…” và “có khi phải làm mạnh hơn” – “bệnh nhân” Nguyễn Phú Trọng nhấn nhá và nhắc đi nhắc lại khi chủ trì cuộc họp với một số chóp bu chủ chốt như Thủ tướng Phúc, Chủ Tịch Quốc Hội Ngân và Thường Trực Ban Bí Thư Vượng, được Đài Truyền Hình Việt Nam ghi hình và trích xuất đưa lên bản tin tối 14 Tháng Năm.
Động tác này được hiểu như chủ ý của “Tổng tịch” muốn đánh dấu sự trở lại ghế ngồi của ông ta một cách chính thức và hoành tráng, dù đó chỉ là một cuộc họp hẹp trong nội bộ cao cấp chứ không phải là một sự kiện chính trị lớn.
Giọng nói và cách phát ngôn vẫn như trước khi Nguyễn Phú Trọng bị “đột quỵ,” nghĩa là vẫn ổn, và nếu ông ta có bị méo miệng như đồn đoán của dư luận thì cũng đã phục hồi hầu như hoàn toàn. Nhưng dấu hỏi còn lại vẫn là buổi thu hình đó đã không lần nào cho thấy Trọng di chuyển khỏi cái ghế mà có vẻ như ông ta đã bị bắt cứng vào đó. Điều này thêm một lần nữa làm dấy lên mối nghi ngờ của dư luận về khả năng “tập đi” của Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa thể hoàn thiện, và có lẽ còn xa mới đạt đến trình độ nói năng không mấy bị vấp váp của ông ta.
Tình trạng phục hồi, hoặc tạm phục hồi khá nhanh về sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng như người ta được chứng kiến ông ta trên truyền hình là khá logic với những tin tức ngoài lề gần nhất: Trọng đã vượt qua cơn nguy kịch và đang dần phục hồi, với chế độ chăm sóc đặc biệt của đội ngũ bác sĩ hàng đầu và Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương.
Nhưng lại hiện ra một sự thay đổi khá rõ trong lần tái xuất của Nguyễn Phú Trọng vào ngày 14 Tháng Năm: ít cười hơn hẳn so với trước đây, cách nói năng và biểu hiện gương mặt của Trọng đượm vẻ nghiêm khắc, gia trưởng và độc đoán. Trước những cử tọa Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Trần Quốc Vượng cắm cúi ghi chép, giọng nói và cách vung tay của Trọng vẫn bộc lộ cái thế uy quyền sau khi ông ta đã ngồi vào ghế chủ tịch nước của Trần Đại Quang, nhưng còn hơn thế, vừa riết gióng vừa nghiệt ngã như một thông điệp ngầm về việc ông ta đã trở lại quyền lực và không còn ở đâu có thể bật ra cái cảnh “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” trong những ngày Trọng phải nằm giường.
Chỉ đạo “đốt lò” từ giường bệnh
Cách nhấn mạnh và lặp đi lặp lại của Nguyễn Phú Trọng về công tác “đốt lò” cùng nhấn mạnh vai trò của “các đồng chí Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương” đã phần nào giải thích một hành động có vẻ khá bất thường của ủy ban này. Đó là đầu Tháng Năm 2019, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của cựu Chủ Nhiệm Trần Quốc Vượng và của đương kim Chủ Nhiệm Trần Cẩm Tú đã họp về tiếp tục “đốt lò” và còn có vẻ muốn “đốt lò” nóng hơn.
Trong cuộc họp đó, hàng loạt tướng lĩnh cao cấp thuộc quân chủng Hải Quân-Bộ Quốc phòng, đặc biệt trong số là có Đô Đốc Hải Quân Nguyễn Văn Hiến, đã bị lôi ra kỷ luật mà nguồn cơn rất có thể liên quan đến chuyện “ăn đất.” Đặc biệt là Vũ Văn Ninh, một cựu phó thủ tướng, ủy viên Trung Ương Đảng thời Nguyễn Tấn Dũng, cũng bị lôi ra “đốt” mà nguyên do rất có thể liên đới đến vụ bán rẻ như cho cảng Quy Nhơn vào thời Đinh La Thăng còn là bộ trưởng Giao Thông Vận Tải.
Trước cuộc họp trên của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, nhiều dư luận cho rằng cơn chấn động bệnh tật đối với “Tổng tịch” Nguyễn Phú Trọng sẽ khiến “lò” của ông ta tắt ngấm, hoặc cùng lắm cũng chỉ âm ỉ mà không thể duy trì được nhiệt lượng như trước đây.
Bây giờ thì đã rõ. Chính vào lúc đó, từ giường bệnh Nguyễn Phú Trọng đã có sự bàn bạc và chỉ đạo trực tiếp đối với hai nhân vật là Trần Quốc Vượng và Trần Cẩm Tú về việc duy trì “đốt lò” và còn có thể gia tăng nhiệt lượng của nó.
Một cú đánh khá mạnh của ủy ban này, vào thời điểm này, có lẽ sẽ khiến át đi phần nào những dư luận bất lợi về tình hình sức khỏe tồi tệ và thậm chí sắp “tịch” của “Tổng tịch,” qua đó sẽ “lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân” dành cho nhân vật mà niềm đam mê “ngồi tiếp” qua Đại Hội 13 có vẻ không hề suy suyển bất chấp trọng bệnh. Một trong những thủ pháp lấy lại niềm tin như thế là phải tiếp tục “đốt lò.”
Vụ cựu Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh bị lôi ra kỷ luật đang khiến người ta nhớ lại trường hợp cựu Bí Thư Thành Ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Theo logic đó, trong thời gian tới “lò” có thể áp sát và đốt một số quan chức, cựu chức và cả đương chức, của khối chính phủ, nơi mà mật độ tham nhũng diễn ra dày đặc nhất từ trước tới nay.
Sẽ là một Nguyễn Phú Trọng khác hẳn?
Một khả năng khác cũng đang hiện hình dần, sau cơn chấn động thập tử nhất sinh ở Kiên Giang, Nguyễn Phú Trọng có thể thay đổi, thậm chí đổi khác nhiều về nhận thức đối với thế giới chính trị xung quanh ông ta, từ đó dẫn đến sự thay đổi về phương pháp và hành động của ông ta trong công cuộc trị đảng, trị quân theo quan điểm cứng rắn và khắc nghiệt hơn.
Và không loại trừ khả năng sau khi hồi phục sức khỏe, Trọng sẽ tăng mạnh tốc độ “đốt lò” như một cách chạy đua với thời gian ngắn ngủi còn lại trước Đại Hội 13 và những năm tháng còn lại được chăng hay chớ của cuộc đời ông ta.
Đó là tin buồn, rất buồn đối với giới cựu quan chức tham nhũng, đương kim quan chức tham nhũng và với cả những đối thủ chính trị chỉ muốn Trọng “nhắm mắt xuôi tay” càng sớm càng tốt.
“Có khi phải làm mạnh hơn” – Trọng nhấn mạnh ngay vào lần đầu tiên có thể ngồi “chủ trì họp lãnh đạo cao cấp.”
Chính trường Việt Nam, đã chao đảo bởi công cuộc “đốt lò” từ giữa năm 2017 đến gần đây, lại sẽ tràn ngập cơ hội chứng kiến một Nguyễn Phú Trọng mà nguy cơ bệnh tật sẽ càng khiến ông ta nung nấu ý chí phải làm một việc đủ ý nghĩa vào cuối đời và để được “lưu danh sử xanh.”
Trong tâm thế đó, Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ còn khuấy đảo “đốt lò” dữ dội hơn nhiều so với trước đây và đe dọa sinh mạng hàng đàn hàng lũ quan chức đang nơm nớp hình dung ra địa ngục. (Phạm Chí Dũng)