VIẾT CHO EM : THẦY GIÁO NGUYỄN NĂNG TĨNH.

0
241

Phạm Minh Hoàng

Tôi gặp Tĩnh lần đầu tiên vào khoảng tháng 5/2016 tại vườn rau Lộc Hưng. Hôm ấy Tĩnh và các anh chị em bạn hữu đến thăm hỏi gia đình của một tù nhân lương tâm. Sau bữa cơm, hai anh em chúng tôi ra nằm kềnh dưới hàng bí leo. Đu đưa trên võng, tôi hỏi về đời sống và công việc của Tĩnh. Cảm nhận đầu tiên của tôi là Tĩnh có cách nói chuyện thật nhẹ nhàng, thỉnh thoảng trên khuôn mặt thanh tú của em nở một nụ cười kín đáo, có lẽ tiềm ẩn trong em những suy nghĩ sâu xa hơn.

– Em dạy nhạc trong một trưòng Cao Đẳng ở Nghệ An.

Tôi nhìn các tia nắng xuyên qua kẽ lá và đọc được những gì Tĩnh đang nghĩ trong đầu :

– Cái nghề của anh em mình, ngày xưa người ta gọi là bán cháo phổi, nhưng bây giờ mình bán cái gì em nhỉ ?

Tĩnh nhìn tôi ngơ ngác. Tôi nghĩ em chưa hề nghe đến từ “bán cháo phổi”. Từ này hình như xuất phát trong Nam từ rất lâu. Tĩnh thì ở mãi Nghệ An và còn quá trẻ. So với tôi em thua gần 2 con giáp. Nhưng không cần tôi giải thích, Tĩnh cũng hiểu ngay.

– Dạ đúng vậy, nhưng mình có niềm vui với các em nhỏ anh ạ.

Tôi gật đầu đồng ý. Quả thực vậy, nghề giáo đối với những người như tôi và Tĩnh không chỉ là phương tiện sống, nhưng đó là cơ hội để gặp gỡ và trao đổi với các em học sinh, sinh viên. Tôi còn nhớ trong những lần ngồi ăn cơm bụi với sinh viên, có em đã lên tiếng không đồng ý với những suy nghĩ của tôi về thời sự, về đất nước. Nhưng tôi không thấy khó chịu và ngược lại, hứng thú với suy nghĩ của bạn ấy, thậm chí còn “moi móc”để bạn ấy nói hết giòng tâm tư của mình. Tôi vui mừng vì sinh viên của mình dám trải lòng mình một cách chân thành mà không sợ nửa tiếng nữa tôi kêu lên bảng (!). 

Đem chuyện này kể cho Tĩnh nghe, tôi muốn gởi gấm đến cho đồng nghiệp và cũng là người em của mình rằng cái nghề “bán cháo phổi” ngày nay phải còn thêm “bán trái tim” nữa. Tĩnh xoa xoa tay nhìn tôi ái ngại :

– Chắc thầy nhớ phấn trắng bảng đen lắm phải không ?

Tôi gật đầu. Định nói thêm rằng còn nhiều thứ khác ưu tiên hơn, nhưng chắc Tĩnh cũng hiểu vì chúng tôi cùng suy nghĩ, cùng hoàn cảnh.

                                              * * * 

Khi đặt bút viết những giòng chữ này thì mọi thứ đều thay đổi. Không những bị mất việc mà tôi còn bị mất luôn quê hương. Còn Tĩnh thì đang trong tù với mức án 11 năm. Sau ngày tuyên án, hình ảnh thầy Tĩnh đang dạy cho các em hát bài Trả Lại Cho Dân được lan truyền rộng rãi trên mạng. Tôi ngồi lặng nghe mà nhớ lại hình ảnh ở Lộc Hưng hôm nào. Tĩnh cũng đã “bán trái tim” để có được “quyền được nghe được nói”. 

Có lần ngồi nhẩm tính, trên khoảng 300 tù nhân lương tâm và những người đang trong tầm ngắm của an ninh CS thì có khoảng 1/8 là các thầy cô. Tuy nhiên, với những gì tai nghe mắt thấy trong suốt thời gian dạy học, tôi có thể chắc chắn rằng con số này cao hơn rất nhiều, và nếu cộng cả sinh viên lại thì đây là một lực lượng không nhỏ. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến hai đồng nghiệp đã nằm xuống vì lý tưởng tự do dân chủ là Thầy Đinh Đăng Định và Thầy Đào Quang Thực. 

Các cuộc “cách mạng màu” ở Đông Âu và ở các nước độc tài thường được khởi động từ giới học sinh, sinh viên. Tôi tin rằng sự hy sinh và đóng góp của Thầy Định, Thầy Thực và Thầy Tĩnh sẽ là những tấm gương cho các thế hệ học sinh sinh viên mai sau.

Sở dĩ tôi tin tưởng điều này vì ngay trong thời gian xét xử thầy Tĩnh, truyền thông chính thống cũng đã tấn công vào một người thầy khác, ông Lê Hữu Thuận. Có điều đặc biệt đây lại là một giảng viên Trưởng khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Trần Phú, Hà Tĩnh. Một người đã “thấm nhuần tư tưởng Mác Lê”, được sắp xếp đi rao giảng “đạo đức Hồ Chí Minh” mà lại “suy thoái, có hành động lệch lạc, trở thành con rối cho kẻ địch lợi dụng” thì đố ai biết được những gì các thầy, cô và sinh viên khác đang nghĩ gì trong đầu. 

Để kết thúc tôi xin trích lại bài viết của em Trần Minh Nhật, cựu tù nhân lương tâm viết về Thầy Tĩnh :”Thật ý nghĩa biết bao, trong ngày quốc tế nhân quyền năm nay, khi giải thưởng Lê Đình Lượng được trao cho thầy Nguyễn Năng Tĩnh vì tiếng hát lẻ loi trong nhà tù sẽ không bị lãng quên. Vâng, thầy đã dạy cho các em nhỏ hát từ giữa ngục tù rộng lớn. Và nay từ sau song sắt của nhà tù nhỏ, xin thầy cứ an tâm sẽ chẳng có ai chặn được tiếng hát của tự do đâu, thầy ạ.”

666810cookie-checkVIẾT CHO EM : THẦY GIÁO NGUYỄN NĂNG TĨNH.