Thiên Hạ Luận
“…Ngay tại Nga, nhân Dân Nga đã nhiều lần đòi đưa Lenin ra khỏi lăng. Ông Putin giữ Lenin lại trong lăng, vì ‘còn có người có quá khứ liên quan đến Lenin’. Có nghĩa là việc đưa Lenin ra khỏi lăng sẽ do thế hệ lãnh đạo sau Putin thực hiện…”
Trân Văn
Tuần này, chuyện Nghệ An sẽ xây dựng tượng đài Lenin trên một khu đất có diện tích 4.300 mét vuông ở trung tâm thành phố Vinh [1] đã tạo ra một trận bão dư luận trên mạng xã hội…
Trước tin vừa kể, ông Mạc Văn Trang nhận xét: Nghệ An – Xô viết vẫn là Nghệ An [2]! Ông Hai Nguyen Phu thì than “lạ” khi rất nhiều quốc gia ở Đông Âu đập bỏ tượng Lenin. Hai Nguyen Phu còn phán đoán, sở dĩ Fidel Castro yêu cầu không dựng tượng sau khi ông ta qua đời vì có thể ông ta biết nếu làm như thế sẽ có ngày tượng bị đập bỏ vì chọn sai đường, thiên hạ xuống đường biểu tình đòi thay đổi chứ không chịu chờ chết đói. Cũng vì vậy, chuyện Nghệ An, địa phương đang chiếm đa số ghế trong bộ máy lãnh đạo, nuôi tham vọng trở thành phe nhóm đầu triều là điều… “đáng lo ngại cho tương lai đất Việt” [3]! Trước tin vừa kể, Lệ Cam Trần – một trong rất nhiều người từng xem các video clip ghi lại cảnh thiên hạ kéo đổ tượng Lenin – lắc đầu vì… “không biết nói sao luôn” [4]!
Bên cạnh những người bày tỏ sự ngạc nhiên, ngán ngẩm là những người bất bình, phẫn nộ. Ông Manh Dang bảo: Nghệ An – tỉnh vừa xin gạo cứu đói sắp dựng tượng đài Lenin bằng đồng khối! Tỉnh ủy ở đó là loài gì đó chứ chẳng phải người [5]! Tương tự, Hung Tran nhắc lại chuyện Nghệ An năm nào cũng xin hỗ trợ và chất vấn: Đã thăm dò lòng dân chưa? Đồng thời bình thêm: Thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn u mê và ấu trĩ như vậy thì đúng là hết thuốc chữa [6]… Phan Châu Thành mỉa mai: Một phút yên lặng, nghiêng mình kính cẩn trước các vị lãnh đạo ‘có tầm nhìn vượt thời gian’. Bà con đói nghèo ngắm tượng Lenin chắc sẽ quên bớt đói nghèo. Xin cảm ơn những người đầy tớ ưu tú của nhân dân, đã nâng công tác lãnh đạo lên một tầm cao mới [7].
Suy nghĩ gần giống như Phan Châu Thành, Minh Tâm Lê: Hy vọng sắp tới, khi ngắm tượng, nhân dân Nghệ An sẽ khơi dậy được sự tự hào truyền thống, không còn ‘xin gạo cứu đói khi giáp hạt’, không còn chứng kiến những thảm cảnh đau lòng như con em chui vào container” để sang lao động ở Anh, ở châu Âu, không còn cảnh leo hàng rào ở biên giới Mexico – Mỹ để thế lực thù địch, phản động bôi nhọ. Tin tưởng vào một ngày mai tươi mới [8].
Dẫu cũng bất bình như nhiều người khi Nghệ An quyết định xây dựng tượng đài Lenin giữa lúc “hàng vạn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người thất nghiệp”, khốn khó, bế tắc bao trùm xã hội, cũng xác định quyết định đó là chuyện… “rất bậy bạ” nhưng Thành Đĩa Bay cho rằng: Không công bằng khi nhân dân cả nước nghĩ nhân dân Nghệ An bậy bạ như vậy. Sự thật là cũng như những nơi khác, nhân dân Nghệ An không có quyền gì trong chuyện xây tượng đài này. Đó chỉ là ý kiến của một nhóm người đảng cử, họ tham tàn bày chuyện ra để kiếm tiền, bất chấp điều đó có hại cho dân, cho nước và cho cả cái đảng họ. Cho nên chúng ta phải thương dân Nghệ An hơn bởi lãnh đạo đảng cử ở tỉnh ta không… tệ như ở họ [8].
Trong thư ngỏ gửi “lãnh đạo Nghệ An về tượng đài Lenin dặt tại Vinh”, ông Nguyen Ngoc Chu lưu ý: Ngay tại Nga, nhân Dân Nga đã nhiều lần đòi đưa Lenin ra khỏi lăng. Ông Putin giữ Lenin lại trong lăng, vì ‘còn có người có quá khứ liên quan đến Lenin’. Có nghĩa là việc đưa Lenin ra khỏi lăng sẽ do thế hệ lãnh đạo sau Putin thực hiện. Dựng tượng đài Lenin ở Vinh là làm khó cho ông Putin và nhân dân Nga vì nước Nga đã loại bỏ hoàn toàn Lenin ra khỏi đời sống từ 30 năm nay, hơn thế, người Nga hiện thời xem Lenin là nguyên nhân đau thương cho nước Nga. Làm sống lại và đề cao tên tuổi một cá nhân mà nhân dân Nga xem là có tội cần quên đi thì có phải đã làm tổn thương đến nhân dân Nga? Việc chính quyền tỉnh Ulyanovsk tặng tượng Lenin cho chính quyền tỉnh Nghệ An không đại diện cho ý nguyện của nhân dân hai tỉnh Ulyanovsk và Nghệ An. Chắc chắn đa số nhân dân Nghệ An không muốn đặt tượng đài Lenin ở bất cứ nơi nào trên đất Nghệ An. Hãy hỏi ý kiến của nhân dân Nghệ An là sòng phẳng nhất.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Chu: Các nước XHCN trước đây ở Đông Âu đã đập bỏ hết tượng Lenin. 14 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây cũng đập bỏ tượng Lenin. Mông Cổ, Ethiopia cũng đập bỏ tượng Lenin. Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đều không còn tượng Lenin. Việt Nam trót đặt tượng Lenin ở Hà Nội thời Liên Xô chưa sụp đổ. Đó là điều đã rồi mà phần xử lý sẽ ghi tên hậu thế. Không có lý do gì để chính quyền Nghệ An lại đi ngược với toàn thế giới – đặt mới tượng đài Lenin ở Vinh. Ngay cả tại nước Nga, không nơi nào kể cả tỉnh Ulyanovsk đặt mới tượng đài Lenin. Những đứa trẻ đến chơi quanh nơi có tượng đài Lenin tất sẽ hỏi người lớn: Ông này là ai, sao phải đặt tượng mà không đặt tượng tổ tiên của mình? Sao phải tôn thờ một ông mà chính quê hương ông ta không tôn thờ? Nếu chính quyền Nghệ An vẫn tiếp tục đặt tượng đài Lenin ở Vinh thì có nghĩa là đưa thêm việc cho hậu thế sau này phải dỡ bỏ. Đó là điều chắc chắn. Đây không phải là cách ghi tên vào lịch sử [9].
***
Có không ít người thắc mắc rất nghiêm túc như Nguyen Tong: Hồi bé, mình đã nghe đồng dao: Ông Lenin ở nước Nga. Mà sao ông đến vườn hoa nước này?.. Lịch sử Việt Nam thiếu gì anh hùng hào kiệt mà phải mang cái ông ngoại lai đó về thờ [10]?
Chú thích
[1] https://baonghean.vn/dung-tuong-dai-lenin-tai-trung-tam-thanh-pho-vinh-post221499.html
[6] https://www.facebook.com/100010680797267/videos/3544877859156825/