7-1-2018
Sự việc và Nhận định
Vào hai ngày 2/1/2018 và 3/1/2018 Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm vụ án nổ súng làm 16 người thương vong xảy ra vào ngày 23/10/2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Long Sơn.
Được biết sự kiện bi thảm xảy ra do nông dân mất đất vô cùng bức xúc trước hành động của đoàn cưỡng chế đất do Công ty Long Sơn phái đến san ủi khu đất đang tranh chấp nhiều năm trước đó.
Đây là vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm kể từ sau vụ án Đoàn Văn Vươn nổi tiếng vào năm 2012. Rất nhiều người dân địa phương đã sát cánh cùng thân nhân các bị cáo đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm diễn ra trong hai ngày đầu năm mới.
Phiên tòa đã kết thúc vội vã vào chiều ngày 3/1/2018 với kết quả gây phẫn nộ lớn trong công luận nói chung và người dân địa phương có quyền lợi liên quan đến vụ án nói riêng. Ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, bị tuyên án tử hình, các nông dân khác tham gia vào vụ nổ súng đều bị tuyên án nặng từ 9 tháng đến 20 năm tù giam.
Khi được nói lời sau cùng, ông Ninh Viết Bình, 35 tuổi, người bị tuyên án 20 năm tù, đã nói trong nước mắt rằng “nếu không có Công ty Long Sơn thì hôm nay các bị cáo đã không có mặt tại tòa và đã không gây ra tội lỗi.”
Nói cách khác, dư luận theo dõi vụ xử án đều cùng chung nhận định rằng hành động của các bị cáo, đặc biệt ông Đặng Văn Hiến, đều xuất phát từ tâm lý phẫn uất do bị dồn đến đường cùng, và việc sử dụng súng để chống trả là việc làm bất đắc dĩ trước hành vi trái pháp luật ngay trước đó của những người bị hại.
Tuyên bố
Trước sự kiện bi thảm nói trên và bản án nặng nề dành cho các nông dân mất đất, chúng tôi tuyên bố như sau:
Thứ nhất, bản án sơ thẩm dành cho ông Đặng Văn Hiến là sự phỉ báng công lý, vì tội danh “giết người” hoàn toàn không phù hợp với diễn biến vụ án cũng như hành vi của các bị cáo, và hội đồng xét xử đã không xem xét thấu đáo, hợp tình hợp lý mọi tình tiết của vụ án, đặc biệt là hành động tự vệ trong trạng thái tinh thần bị kích động của các nông dân mất đất trước sự tấn công và cướp phá tài sản ngang ngược, bất chấp pháp luật của đoàn cưỡng chế đất do Công ty Long Sơn phái đến. Không ai cổ vũ giải pháp bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, nhưng rõ ràng tòa án đã không phân tích đầy đủ nguyên nhân và điều kiện phạm tội của các bị cáo trước khi tuyên án.
Thứ hai, sau hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng gây hậu quả nghiêm trọng, ông Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú với mong ước hưởng sự khoan hồng của pháp luật, mà lẽ ra ông đương nhiên có quyền hưởng theo các quy định pháp lý hiện hành, bởi vì đầu thú là tình tiết giảm nhẹ hình phạt mà hội đồng xét xử nên cân nhắc khi lượng hình. Tuy nhiên giờ đây ông Hiến lại trở thành nạn nhân của sự đui mù công lý và phải chịu hình phạt nặng nhất trong khung hình phạt.
Thứ ba, chính quyền tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức rõ ràng hoàn toàn tắc trách trong việc giải quyết dứt khoát tranh chấp đất kéo dài tại địa phương, khiến người dân không an cư lạc nghiệp; điều đó vừa thể hiện thái độ xem thường nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vừa phần nào đó góp phần gây nên hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc nói trên.
Thứ tư, luật pháp và các cơ quan thực thi pháp luật lẽ ra phải bảo vệ công dân, bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của họ, thì nay lại mặc nhiên trở thành và được sử dụng như công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân một cách trắng trợn. Ai đã cho phép Công ty Long Sơn tự lập đoàn cưỡng chế đất với quyền sử dụng vũ khí và quyền tấn công dân địa phương, nói cách khác ai đã trao thẩm quyền thực thi pháp luật cho một công ty tư nhân như vậy? Câu hỏi này dứt khoát phải được làm rõ.
Thứ năm, nguồn gốc chính của sự kiện bi thảm tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông suy cho cùng là ở quan niệm và quy định pháp lý về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, bởi nó mặc nhiên trao cho các chính quyền địa phương một quyền lực nguy hiểm là tước đoạt đất của người dân để trao cho các nhóm lợi ích vốn thừa và sẵn sàng sử dụng tiền bạc trục lợi bằng cách hối mại quyền thế.
Thứ sáu, xã hội chắc chắn sẽ bất ổn và rối loạn khi người dân không còn đặt niềm tin vào pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật, bởi lúc đó họ sẽ tự ban phát công lý cho chính mình với hậu quả là xung đột xã hội sẽ gia tăng. Bản án tử hình nặng nề trong vụ án này hoàn toàn không giúp ngăn chặn tình trạng phản kháng của nông dân mất đất trong tương lai, mà ngược lại càng khiến người dân phẫn nộ vì công lý chẳng những không được thực thi, mà còn bị nhạo báng bởi những kẻ cầm cán cân công lý sai lệch.
Yêu cầu
Vì những lẽ nêu trên, chúng tôi yêu cầu Chủ tịch Nước và Tòa án Tối cao nước CHXHCN Việt Nam nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án này. Điều mà chúng tôi, trong tư cách là công dân Việt Nam, cần và đòi hỏi ở một nhà nước của dân, do dân và vì dân là: CÔNG LÝ.
Lập ngày 8 tháng 1 năm 2018
DANH SÁCH NHỮNG TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN ĐÃ KÝ TÊN
TỔ CHỨC:
1. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Lê Thân, cựu tù nhân Côn Đảo
2. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập. Đại diện: nhà văn Nguyên Ngọc
3. Diễn đàn Xã hội Dân sự. Đại diện: TS Nguyễn Quang A
CÁ NHÂN
1. Huỳnh Kim Báu, cựu Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu Nước TPHCM, Chủ nhiệm danh dự CLB Lê Hiếu Đằng
2. Đào Công Tiến, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM
3. Lê Thân, CLB Lê Hiếu Đằng, Nha Trang
4. Lê Công Định, luật gia, Sài Gòn
5. Võ Văn Thôn, cựu Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM
6. Hoàng Hưng, nhà thơ, Sài Gòn,
7. Hoàng Dũng, PGS. TS., TPHCM
8. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, Hội An
9. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
10. Nguyễn Quang A, TS, Hà Nội
11. Phan Tấn Hải, nhà văn-nhà báo, Hoa Kỳ
12. Võ Văn Tạo, nhà báo, Nha Trang
13. Nguyễn Thị Mười, hưu trí, Sài Gòn
14. Bùi Hiền, nhà thơ, Canada
15. Lưu Thủy Hương, nhà văn, CHLB Đức
16. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, TPHCM
17. Trần Minh Thảo, viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng
18. Vũ Thư Hiên, nhà văn, CH Pháp.
19. Ngô Kim Hoa – Nhà báo tự do, thành viên CLB LHĐ- Sài Gòn
20. Lại Thị Ánh Hồng- Thành viên CLB LHĐ- Sài Gòn
21. Nguyễn Thị Kim Chi, NSƯT, Sài Gòn.
22. Thùy Linh, nhà văn, Hà Nội.
23. Nguyễn Đăng Quang, nguyên cán bộ Bộ Công an, Hà Nội
24. Nguyễn Thanh Mai, nhân viên văn phòng, CH Séc
25. Ý Nhi, nhà thơ, TPHCM
26. Bùi Minh Quốc, nhà báo, Đà Lạt
27. Lê Văn Sơn, nhà báo tự do, Nghệ An.
28. Phạm Đình Trọng. Nhà văn. Sài Gòn
29. Trần Tiến Đức, nhà báo độc lập, Hà nội
30. Mạc Văn Trang, TS Tâm lý học, Hà Nội
31. Anthony Đặng Hữu Nam, Linh mục Giáo phận Vinh
32. Nguyễn Thiện, tác giả chương trình Dân ta biết sử ta, TPHCM
33. Khổng Hy Thiêm, kỹ sư, Khánh Hòa
34. Hà Dương Tường, nhà giáo về hưu, CH Pháp
35. Nguyễn Sĩ Thụy, 57 tuổi, giáo viên, TP Huế
36. Phạm Toàn, nhà giáo dục, Hà Nội
37. Hà Quang Vinh, hưu trí, Tp HCM
38. Lê Hồng Hà, công nhân, Hoa Kỳ
39. Nguyễn Hoành, hưu trí, TP. HCM
40. Vũ Quốc Ngữ, nhà báo tự do, Hà Nội
41. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội
42. Đặng Bích Phượng, hưu trí, Hà Nội
43. Đoàn Hòa, Cộng Hòa Séc
44. Đaminh Lê Thanh Trưởng, linh mục, Đồng Nai
45. Đặng Đăng Phước, giáo viên, Buôn Ma Thuột,
46. Minh Đức Cao, thợ xây dựng, CHLB Đức
47. Thị Diên Nguyễn, thợ xây dựng, CHLB Đức
48. Nguyễn Minh Phát, công nhân, Canada
49. Nguyễn Trọng Bách , kỹ sư , Nam Định
50. Minh Huệ Bekker, kỹ sư hưu trí, CHLB Đức
51. Phạm Tư Thanh Thiện, nhà giáo về hưu, CH Pháp
52. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo về hưu, CH Pháp
53. Lê Thị Hồng Hạnh, hưu trí, Hà Nội.
54. Nguyễn Thị Từ Huy, Nghiên cứu sinh triết học chính trị, đại học Paris 7, Cộng hoà Pháp
55. Nguyễn khắc Mai, nhà nghiên cứu văn hóa, Hà nội
56. Dương Đình Giao, nhà giáo đã nghỉ hưu, Hà Nội
57. Nguyễn Thu Giang, nguyên PGĐ Sở Tư pháp TPHCM
58. Nguyễn Trần Hải: cựu sĩ quan Hải quân nhân dân VN đã nghỉ hưu, Hải phòng
59. Giáng Vân, nhà thơ, Hà Nội
Xin mời quý vị hưởng ứng tuyên bố này tiếp tục ký tên, với họ tên, nơi cư trú (tỉnh/thành phố, quốc gia), và nghề nghiệp, chức danh (nếu có).