Monday, December 23, 2024
HomeBLOGTRƯỜNG CAI NGHIỆN - NHỮNG PHẬN NGƯỜI (1)

TRƯỜNG CAI NGHIỆN – NHỮNG PHẬN NGƯỜI (1)

Bạch Cúc
PHƯỢNG!

Phượng có mái tóc đen dài, mượt và óng ả. Đó là thứ quý giá nhất trên cơ thể mà cô còn giữ lại được sau những tháng ngày buông trôi vào con đường nghiện ngập.

Tôi thích mái tóc của Phượng, cô là người duy nhất khiến tôi luôn cố gắng dành thời gian chải tóc cho Phượng vào mỗi buổi chiều khi có gió về. Gió làm xới tung mái tóc của Phượng, gió làm tôi và Phượng xích lại gần nhau. Một mái tóc dài ngồi thoai thoải, bình an đón nhận sự chăm sóc vuốt ve từ những nhát lược vụng về nhưng ăm ắp sự yêu thương của cô quản giáo trẻ tuổi. Bậc thềm trước cửa phòng là nơi tôi ngồi tỉ mỉ chải tóc, tết tóc cho Phượng và lắng nghe Phượng kể về đời Phượng. Đó là cuộc đời của một “cô điếm” đẹp và có học đầu tiên mà tôi gần gũi.

Tôi công nhận Phượng đẹp thật, làn da vàng ệch lấm chấm chi chít đầy mụn trứng cá bởi tác hại của ma túy và những biến đổi sau giai đoạn cắt cơn. Nhưng, không thể che đi được cái mũi thanh tú và đôi mắt đúng kiểu mắt phượng. Một đôi mắt có đuôi dài, ươn ướt nước, ươn ướt sự lẳng lơ vô ý và sự mơn trớn của một con mèo hoang dại.

Phượng dẫn dắt tôi trải nghiệm cuộc đời bằng ký ức của Phượng. Tôi hình dung ra được muôn vàn lý do để khiến một đứa con gái lỡ bước sa chân và phải bằng lòng với số phận làm điếm của mình. Đa số chẳng phải vì tiền bởi với các cô gái làm nghề này: tiền chẳng có giá trị gì vì có bao nhiêu cũng chẳng đủ!

Phượng giúp tôi hiểu về số phận, hiểu lý do đẩy đưa khiến những cô gái chấp nhận việc “nâng mông và cúi mặt” trên giường đôi khi rất đơn giản nhưng quả thật là chua cay! Họ quăng đi thân xác họ đôi khi không phải vì nghèo đói mà chỉ vì những bất mãn với gia đình và với xã hội quanh họ.
Họ ngạo nghễ ngẩng cao đầu, đáp trả lại “ân tình” mà cuộc đời dành cho họ bằng đức hạnh của một con điếm!

Họ tự hào họ còn hơn khối những kẻ gian tham, hơn hẳn những thằng cướp cạn. Giá trị của họ đáng giá hơn giá trị của những người lãnh đạo luôn bày ra đủ loại chiến dịch để lùa họ vào trại phục hồi nhân phẩm. Mặc dù, có thể chỉ mới đêm qua thôi, những con người ấy còn nằm dài bên trên và ngấu nghiến thọc sâu vào mình họ…!

Phượng nôn nao khi biết ngày tôi sắp trở lại thành phố. Cô loay hoay viết một lá thư thật dài cho ông Nội, người mà cô mong nhớ và trân trọng nhất trong tất cả những người đã đóng góp công sức nhào nặn nên thân xác và cuộc đời của cô! Cô chẳng thương cha cũng chẳng nhớ về mẹ, đôi khi còn chút oán giận hai con người đã lỡ có công sinh mà chẳng chịu ráng thêm một chút giáo dục cô, thấu hiểu cô và biết cô cần những gì ở họ.

Đáng tiếc là tôi không giữ được bức thư của Phượng, tôi chỉ hoàn thành được một phần mong ước của cô, tôi giúp cô nắm chặt bàn tay ông, và lời hứa sẽ hoàn lương của cô, khi tôi tìm được nhà ông bằng tất cả trí nhớ còn sót lại sau sự mô tả của Phượng.

Những gì tôi góp nhặt được trong những tháng ngày ở nơi ấy đã bị người ta xé tan nát trước khi tôi quẩy ba lô, bước qua cổng và hùng dũng trở về nơi tôi đã xuất phát. Mọi địa chỉ, nhật ký, thư từ tôi chỉ còn lưu giữ bằng ký ức khắc khoải của mình. Quãng thời gian đó đã cho tôi thật nhiều bài học, nó cho tôi biết phía bên kia chân trời màu gì và xã hội này xây dựng giá trị con người bằng những loại đạo đức giả tạo nào?…

Trong lúc tôi đang “trình bày” và chuẩn bị ghi nhận khuyết điểm với Trưởng khu bởi sự non nớt, sự gần gũi quá mức của mình với học viên thì nghe tiếng ồn ào huyên náo tại lán trại nơi tôi quản lý. Bỏ mặc bài giảng dang dở với cái miệng chu chu nhòn nhọn của anh Trưởng, tôi cắm đầu chạy thật nhanh về thì thấy Phượng đã nằm sóng sượt, miệng mũi cô đỏ lòm toàn máu là máu. Mái tóc đen dài của Phượng rối tung và bê bết cát với sự la ó, chỉ chỏ của “50 con Đại bàng đường phố”!

Thấy tôi Phượng òa khóc tức tưởi, cô nức nở như một đứa trẻ oan ức bị đòn, máu và nước mắt chan hòa thấm ước một khoảnh trước ngực áo Phượng. Tôi sững sờ và choáng váng như bị chính ai đó vừa tát thẳng một cái mạnh vào mặt:

– Ai? Ai đã đánh Phượng?

– Con, con đã đánh Phượng đó!

– Cũng chỉ tại cô thôi!

Một đứa con gái, mà không, một thằng con trai thì đúng hơn vì nhìn nó tôi chẳng thể nào biết nó đã biến thành trai từ lúc nào bởi dáng dấp ngang ngạnh và mái tóc húi cua sát gáy.

– Tại sao là tại cô?

– Tại cô thương nó, cô chải tóc cho nó mỗi ngày, cô quan tâm nó hơn tụi con nên nó đáng bị ăn đòn!

Tôi ngồi bệt xuống nền gạch, thẫn thờ, lòng tôi còn rã rượi hơn mái tóc của Phượng. Phượng đã lấy tóc để che mặt, che đi cái răng cửa đã bị đấm văng đâu mất , che những hờn ghen vụn vặt đáng thương ở một nơi chắc hẳn phải khuất xa và rất khác một cuộc đời bình thường…

Tôi nhìn về nơi có rừng cây trải dài tăm tít một màu trắng, nơi có mùi hương hoa Cà phê tỏa ngát vào sáng sớm và mỗi buổi chiều. Nơi có một con suối lạnh ngắt đỏ oạch toàn bùn và đất. Hình như lúc này đây bùn đang xối xả đổ vào lòng tôi, chẳng khác gì những buổi tắm đêm mặc dù tôi đã cố gắng gạn lọc nước nhưng đầu tóc và mình mẩy vẫn đỏ quệt. Bùn thẫm đẫm vào lòng tôi bài học đầu tiên, bài học của tình yêu thương và sự san sẻ chưa đúng cách…

YÊU THƯƠNG CŨNG RẤT CẦN SỰ CÔNG BẰNG, THẬT THẾ!

Bạch Cúc Homestay

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular