DÂN LUẬN
Đầu tháng 3 năm 1908, ở Quảng Nam khởi phát phong trào biểu tình chống sưu thuế mà lịch sử gọi là “Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ” hay còn gọi là “Trung kỳ dân biến” trải dài từ Thanh Hóa tới Phú Yên. Phong trào thu hút hàng triệu người tham gia trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức như Trần Quý Cáp, Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan, Ông Ích Đường, Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Hàng Chi, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Trần Cao Vân, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế…
Hãy nói cho tôi biết có phải vì mạng xã hội và facebook đã thúc đẩy những người dân nghèo khổ và các nhân sĩ trí thức Trung Kỳ vào năm 1908 đứng lên biểu tình phản đối chính quyền Pháp một cách vô cớ hay không?
Năm 1930, phong trào biểu tình của nông dân và công nhân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mở đầu từ ngày 1 tháng 5 ở khu công nghiệp Bến Thủy kéo theo 97 cuộc bãi công và biểu tình khác, cho đến tháng 9 năm 1930 mới kết thúc, kéo theo hàng trăm ngàn người tham gia.
Phong trào biểu tình này phải chăng do mạng xã hội và smart phone gây ra?
Tôi chỉ kể sơ lược 2 cuộc đại biểu tình của người dân nghèo khốn khổ của chúng ta vào trước 1945 để trả lời các cuộc biểu tình mà ông Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng dẫn chứng là do mạng xã hội trong bài phát biểu gần đây của ông ấy.
Cuộc đại biểu tình 1908 thì Toàn quyền Lannessan thú nhận “Nguyên nhân chủ yếu là vì thuế khóa quá nặng, và những cuộc biểu tình nổ trước tiên ở Trung Kỳ vì tại đây, người ta tăng thuế nhanh nhất nhưng lại kém sáng suốt nhất. Thuế đã nặng, cách thu lại phiền phức, ngoài ra ta còn đặt thêm các việc độc quyền muối, rượu…”
Còn nguyên nhân chính của phong trào Nghệ Tĩnh theo nhà sử học Duiker là vì “nông dân bất mãn về điều kiện kinh tế”, và theo nhà sử học Bernal là “mùa lúa gạo tháng mười năm 1929 và tháng năm 1930 đều tệ”.
Hẳn ai cũng biết, trước năm 1945, ngoài cách truyền thông duy nhất là truyền miệng thì những người công nhân và nông dân không có bất kỳ phương thức truyền thông nào khác. Thế nhưng họ vẫn có thể tập hợp hàng triệu người tham gia các cuộc biểu tình.
Vậy thì vấn đề đâu phải ở chỗ là do phương tiện truyền thông?
Nếu vì phương tiện truyền thông, tại sao ở Thụy Sĩ, ở Na Uy, ở những nước mà nhân dân sống trong cảnh thanh bình, mạng wifi miễn phí và luật biểu tình sẵn có nhưng nhân dân không đi biểu tình?
Không, không phải là phương tiện truyền thông mà chính là mâu thuẫn xã hội mới là nguyên nhân gây nên các cuộc biểu tình. Nếu không có mâu thuẫn xã hội thì có cho tiền, nhân dân cũng không đi biểu tình đâu thưa ông Thưởng!
Cho nên theo tôi, các ông đừng tìm cách đổ tội cho mạng xã hội. Nếu muốn nhân dân không biểu tình, không phản đối chính quyền thì phải giải quyết cái gốc, đó là triệt tiêu mâu thuẫn xã hội đang tích tụ ngày một đầy lên.
Những mâu thuẫn xã hội đó là kinh tế ngày càng thụt lùi, người dân ngày càng khốn khó, quan chức ngày càng giàu lên, tham nhũng tràn lan, nợ công tăng cao, người tài bị loại ra nhường chỗ cho kẻ vô tài vô đức quản lý đất nước.
Đó chính là nguyên nhân cần phải gọi tên.
Còn mạng xã hội, nó không có tội gì hết thưa ông Thưởng!