Trà My
“Binh bất yếm trá” là một trong 36 kế sách trong binh pháp của Tôn Tử, và nó cũng là điều nằm lòng của các tướng lĩnh cũng như chính trị gia. Mọi sự chủ quan, khinh địch, hay đánh giá thấp đối thủ, cũng như cao ngạo tự tin quá mức, sẽ dẫn đến sự thất bại tất yếu.
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước Đại hội 12, đã thất bại trước ông Nguyễn Phú Trọng, cũng bởi nguyên nhân vừa kể. Tiếc rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa là một tướng lĩnh, vừa là một chính khách có tên tuổi, cũng đi theo vết xe đổ của đàn anh Ba Dũng.
Kể từ cuối năm 2021 đến nay, nhất là từ cuối năm 2023, Bộ Công an dưới sự chỉ huy của Tô Lâm, đã hoành hành, gây xáo trộn chính trường Việt Nam, như chốn không người, dù rằng, cho đến thời điểm trước Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, quyền lực của Tổng Trọng vẫn bao trùm trong nội bộ Đảng.
Ngược dòng thời gian, đầu tháng 11/2021, Bộ trưởng Tô Lâm đã dính vào scaldal “bít tết dát vàng” đầy tai tiếng ở Anh Quốc. Ngay sau đó, một số lãnh đạo và phe cánh trong Đảng đã muốn nhân cơ hội tìm cách hạ bệ Tô Lâm. Kể cả ông Trọng, trong một Hội nghị lãnh đạo Đảng cấp cao, đã lên tiếng mỉa mai: “miếng ăn là miếng tồi tàn. Kém ăn một miếng lộn gan lên đầu”.
Tô Lâm coi đó là một sự xúc phạm cá nhân, nên ngay lập tức, cuối tháng 12 cùng năm, ông đã chỉ đạo Bộ Công an khởi động đại án Việt Á, tiếp đó là đại án “chuyến bay giải cứu”, tống giam hàng loạt quan chức cấp cao, như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… Sau đó, 2 phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, rồi cả Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đều phải xin thôi chức.
Vậy mà, không dừng lại ở đó, Tô Lâm “thừa thắng sốc tới”, đầu năm 2024 tiện tay thịt luôn 2 uỷ viên Bộ Chính trị thuộc hàng “Tứ trụ”, là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – vốn là 2 đệ tử trung thành, do Tổng Trọng dìu dắt và nâng đỡ.
Điểm khác biệt trong việc hạ bệ Vương Đình Huệ, khác với Võ Văn Thưởng ở bối cảnh, ông Huệ bị các “đồng chí” của ông trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ép từ chức, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh.
Có thể nói, với tiền lệ của ông Huệ, từ nay, sẽ không còn ai trong Bộ Chính trị, kể cả “Tứ trụ”, được phép an toàn hay “bất khả xâm phạm”, một khi đã nhúng chàm. Đây thực sự là một cơn địa chấn của nền chính trị Việt Nam. Hơn nữa, Huệ Vương còn là ông “trùm” của phe Nghệ Tĩnh, mà chính ông Trọng cũng dựa vào lực lượng này để duy trì quyền lực.
Quan trọng hơn, ông Huệ bị truất phế ngay sau chuyến thăm cấp cao tại Trung Quốc, với sự tiếp đón trọng thị của các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và nhà nước Trung Quốc, kể cả ông Tập Cận Bình. Vậy mà, chỉ hơn 1 tuần sau khi Huệ Vương về nước, tình hình đã đảo lộn đến mức khó tin.
Giới quan sát thấy rằng, hoặc lãnh đạo Hà Nội bây giờ không còn coi lãnh đạo Bắc Kinh ra gì nữa, hoặc phía sau Đảng Cộng sản Việt Nam có một thế lực hùng mạnh hơn, dám coi thường cả Trung Quốc.
Việc ông Tô Lâm ra tay xử lý hàng loạt các cán bộ cao cấp, chủ chốt, một cách chớp nhoáng, là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Cộng sản Việt Nam, từ sau Hội nghị Thành Đô (1990) đến giờ. Kể cả khi Đặc phái viên của họ Tập là bà Hạ Vinh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tức tốc bay sang Hà Nội đòi can thiệp cho Huệ Vương, thì cũng vô tác dụng.
Giới quan sát cho rằng, chưa bao giờ, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam dám vuốt mặt mà không nể mũi đối với Trung Quốc và Tập Cận Bình đến mức như thế. Và đó chính là lý do khiến ông Tô Lâm rơi vào tình thế bế tắc, gần như không có lối thoát.
Một nguồn tin từ nội bộ Đảng, ở Hà Nội, tiết lộ cho biết:
“Bộ Chính trị họp rất căng thẳng, các phe đã hợp lực để ép Bộ trưởng Tô Lâm phải nhận chức Chủ tịch nước. Tất nhiên, ông Tô Lâm không muốn, nhưng chỉ còn ít ngày nữa thì rất khó, có thể lật kèo được hay không thì chưa biết?
Sở dĩ các phe hợp lực ép Tô Lâm lên chức Chủ tịch nước, vì không muốn Tô Lâm ngồi ở ghế Bộ trưởng Công an nữa, do đánh bắt quá nhiều người của các phe, nên trước mắt cứ hợp sức để đẩy được Tô Lâm đi cái đã. Và Tô Lâm khi ngồi ghế Chủ tịch nước mà không kiểm soát được Bộ Công an, rồi thì sau đó, số phận cũng rất mong manh, có thể bị đốn ngã bất cứ khi nào, như Võ Văn Thưởng. Đang có làn sóng đánh vào công ty sân sau của Tô Lâm, là Tập đoàn Xuân Cầu để gây sức ép.”
Chúng ta hãy chờ xem./.