Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGTRUNG QUỐC NHẠY CẢM VỚI KỶ NIỆM 100 NĂM PHONG TRÀO "NGŨ...

TRUNG QUỐC NHẠY CẢM VỚI KỶ NIỆM 100 NĂM PHONG TRÀO “NGŨ TỨ” VÀ 30 NĂM SỰ KIỆN “LỤC TỨ” NHUỘM MÁU THIÊN AN MÔN

Fb Người Đà Lạt Xưa

Biểu tượng của Phong trào Ngũ Tứ năm 1919 đang bị bóp méo và lợi dụng bởi Tập Cận Bình, bởi vì họ Tập muốn lợi dụng “Ngũ Tứ” để đối chọi lại lý tưởng đấu tranh của Sự kiện Lục Tứ năm 1989 đang được phát huy bởi các nhà hoạt động dân chủ tại Hồng Kông và Đài Loan.

Năm nay là kỷ niệm 100 năm của Phong trào Ngũ Tứ và 30 năm sự kiện thảm sát cùng xảy ra trên một quãng trường Thiên An Môn; vì thế nhà cầm quyền Trung Quốc hiểu rõ đây là một thời điểm rất nhạy cảm và Bắc Kinh hiện đang tăng cường mọi biện pháp duy trì an ninh toàn quốc, kể cả đặc khu Hồng Kông và Thượng Hải.

Trong 100 năm qua, quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh đã chứng kiến 3 biến cố lịch sử bao gồm: Phong trào Ngũ Tứ vào năm 1919, Sự kiện Ngũ Tứ 1976 và Sự kiện Lục Tứ 1989. Trong bài viết này, Sự kiện 1976 sẽ được gát sang một bên bởi vì nó có thể được coi như một tranh chấp nội bộ đảng cộng sản, giữa phe nhóm Đặng Tiểu Bình đã xách động quần chúng, mượn cái tang của Chu Ân Lai, để lật đổ tập đoàn cầm quyền của bè lũ bốn người, còn được gọi là Tứ Nhân Bang, dẫn đầu bởi Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao Trạch Đông); vì thế sự kiện 1976 không có ý nghĩa cách mạng để so sánh với hai sự kiện 1919 và 1989.

Hai sự kiện 1919 và 1989 nên được tìm hiểu bởi các bạn trẻ Việt Nam muốn biết thêm về tiền thân và sự tàn ác của cộng sản Trung Quốc.
.

PHONG TRÀO NGŨ TỨ

Phong trào Ngũ Tứ, tiếng Anh là “May Fourth Movement”, còn được gọi “Ngũ Tứ vận động” (五四運動), là một phong trào đấu tranh khởi động bởi sinh viên học sinh Trung Quốc; vì được bùng nổ vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 nên được gọi là phong trào Ngũ Tứ.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, kẻ bại trận là Đức phải chịu ký kết bản Hòa ước Versailles (Treaty of Versailles), trong đó có điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc từ tay Đức sang cho Nhật Bản. Vào ngày 04/05/1919 (một trăm năm trước đây), hơn 3.000 sinh viên của 13 trường đại học tại Bắc Kinh đã tập trung tại quảng trường Thiên An Môn và xuống đường tại Bắc Kinh để chống lại quyết định này. Các sinh viên đã đưa ra khẩu hiệu “ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc” (đối ngoại: giành lại chủ quyền đất nước; đối nội: trừng trị bọn bán nước). Đáp ứng lời kêu gọi của sinh viên Bắc Kinh, sinh viên các thành phố lớn khác gồm có Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Trùng Khánh, Quảng Châu.. đã kéo nhau xuống đường và chịu đối mặt với sự đàn áp của chính quyền đưa đến việc bắt giam trên 1.000 sinh viên.

Mặc dù bị đàn áp, phong trào Ngũ Tứ đã lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc, lôi cuốn thêm các tầng lớp khác, công nhân và thương nhân, tham gia. Cuối cùng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc buộc phải trả tự do cho tất cả những người bị bắt và ra lệnh cho Cố Duy Quân (顧維鈞), đại biểu Trung Quốc tại Hội nghị Hòa Bình Paris từ chối không ký vào Hòa ước Versailles. Trung Quốc là quốc gia duy nhất không ký hòa ước này trong ngày lễ ký kết.

Phong trào Ngũ Tứ 1919 không nên bị nhầm lẫn với Phong trào Văn Hóa Mới (New Culture Movement) kéo dài từ giữa thập niên 1910s cho đến 1920s. Phong trào Văn Hóa Mới là phong trào “tư tưởng” (thought) cho một sự cải cách văn hóa, trong khi Phong trào Ngũ Tứ là “hành động” (action) tham gia chính trị trực tiếp. Sáng lập Văn Hóa Mới bắt nguồn từ Viện trưởng Đại học Bắc Kinh, ông Thái Nguyên Bồi (Cai Yuanpei 蔡元培), sau đó nhận được sự góp sức của Quản thủ thư viện Lý Đại Chiêu (Li Dazhao, 李大釗) và Trưởng khoa Trần Độc Tú (Chen Duxiu, 陳獨秀). Một điều đáng ghi nhớ, Trần Độc Tú đã kêu gọi Trung Quốc bỏ đi “ông Khổng tử” (Mr. Confucius) để thay thế bằng hai “ông Dân Chủ” (Mr. Democracy, de xiansheng, 德先生) và “ông Khoa Học” (Mr. Science, sai xiansheng, 赛先生)

Dựa vào lòng mong muốn độc lập “Trung Quốc là của người Trung Quốc”, tác dụng chính của Phong trào Ngũ Tứ coi như kết thúc thắng lợi, khi các cuộc xuống đường chấm dứt vào ngày 03/07/1919. Tuy nhiên, tác dụng phụ đã đến từ “tư tưởng” của Phong trào Văn Hóa Mới sau khi “hành động” của Phong trào Ngũ Tứ kết thúc. Đó là sự xâm nhập và truyền bá chủ nghĩa cộng sản Mác-Lênin, từ Liên Xô mang vào Trung Quốc bởi Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú.

Đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập vào tháng Bảy 1921. Từ đó, Mao Trạch Đông đã đánh cướp đi cái ý nghĩa của hai phong trào khi cho rằng Ngũ Tứ phát động “theo lời gọi của Cách mạng Nga và Lê Nin”.
.

TẬP CẬN BÌNH ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM NGŨ TỨ

Trong diễn văn ngày 30/04/2019 tại Đại hội kỷ niệm 100 năm Phong trào Ngũ Tứ, Tập Cận Bình đã đánh tráo khái niệm để giải thích ý nghĩa của Ngũ Tứ 1919 theo một cách hoàn toàn mới. Hình ảnh của “giới trẻ” luôn được đề cập mạnh mẽ trong lời lẽ tuyên truyền, nhưng họ Tập đang đi trên một sợi dây giống như trong đoàn xiếc, sẽ phải tìm cách che đậy mầm mống nổi dậy của thế hệ trẻ bằng cách đánh tráo khái niệm “yêu nước” trở thành “yêu đảng” và “yêu xã hội chủ nghĩa”. Tập Cận Bình đã định nghĩa “lòng yêu nước” trong một khuôn khổ lệch lạc, trong cùng lúc nhận chìm xuống hai biểu tượng “dân chủ” và “khoa học” dưới thời Ngũ Tứ, bởi vì họ Tập đang sợ “tuổi trẻ” của Hoa Lục, Hồng Kông và Thượng Hải nổi dậy.

Ngày nay, không còn một tờ báo nào ở Hoa Lục nhắc nhở đến “ông Dân Chủ” và “ông Khoa Học” là hai nhân vật biểu tượng “có thể cứu lấy Trung Quốc ra khỏi bóng tối chính trị, đạo đức, học tập và trí tuệ, trong bóng tối mà tự nó tìm thấy chính nó” như Trần Độc Tú đã từng viết trong tờ Tuổi Trẻ Mới (New Youth, 新青年) vào đầu năm 1919.

Sự đánh tráo khái niệm “Ngũ Tứ” của Tập Cận Bình còn nhằm vào mục tiêu đối phó với khái niệm “Lục Tứ” của các phong trào giành độc lập, dân chủ và tự do cho Hồng Kông và Đài Loan. Hiện nay, các nhà hoạt động và các đảng phái dân chủ Hồng Kông đang liên tiếp tổ chức xuống đường và tưởng niệm 30 năm cho hàng ngàn nạn nhân đã bị thảm sát trong Sự kiện Thiên An Môn 1989.
.

SỰ KIỆN LỤC TỨ

Sự kiện Thiên An Môn 1989 là vụ thảm sát kinh hoàng trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, vì nó đã xảy ra đúng vào ngày 4 tháng 6, nên được gọi là Sự kiện Lục Tứ (六四事件). Các bạn muốn tìm hiểu chi tiết về cuộc thảm sát này, có thể “google” dòng chữ sau đây “Sự kiện Thiên An Môn 1989”.

Ngày cao điểm nhất đã có khoảng một triệu người tập hợp tại Quảng trường. Nhiều nhà trí thức đã viết bài liên tục trên báo để nhắc nhở lại di sản của “tinh thần Ngũ Tứ” (May Fourth Spirit). Mở đầu chỉ là cuộc xuống đường nhân tang lễ ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang, 胡耀邦) là một lãnh đạo cải cách nhất của cộng sản Trung Quốc; sau đó mở rộng thành cuộc biểu tình chống lại tham nhũng, đòi hỏi tự do báo chí, tự do ngôn luận và tái lập quyền kiểm soát của công nhân đối với ngành kinh doanh. Kết cuộc là một sự đàn áp dã man nhất trong lịch sử nhân loại.

Đặng Tiểu Bình là hung phạm trong Sự kiện Lục Tứ, đã điều động Quân đoàn 27 đến bao vây Quảng Trường Thiên An Môn và các khu vực lân cận ở Bắc Kinh, dùng súng ống và xe tăng để đàn áp bắn giết sinh viên và người dân biểu tình ôn hòa. Đó là một cuộc thảm sát man rợ không chỉ gây chấn động Trung Quốc mà còn tạo ra một sự kinh hoàng trên toàn thế giới.

Theo thông báo chính thức của Bắc Kinh cuối tháng 6/1989, chỉ có trên 200 thường dân và 23 binh lính thiệt mạng trong cuộc đàn áp tại quảng trường Thiên An Môn. Phát ngôn viên Trung Quốc cho rằng số người tử thương là những kẻ phản động tấn công vào các lực lượng bảo vệ an ninh tại khu vực này. Ngược lại, con số báo cáo của Tây phương thì hoàn toàn khác hẵn. Theo một điện tín ngoại giao bí mật gởi đi bởi ông Alan Donald, Đại sứ Anh tại Trung Quốc hồi năm 1989, thì số người chết trong cuộc thảm sát tại Thiên An Môn đã lên đến trên 10.000 người.

Năm 2018, tờ Next Magazine của Hong Kong đăng tin, tình báo Hoa Kỳ đã thu thập được từ tài liệu của nội bộ Trung Nam Hải vào ngày 16/06/1989, cho thấy con số thương vong đã báo cáo từ ngày 3 đến 4 tháng Sáu 1989 tại Thiên An Môn và phố Trường An có 8.726 người bị giết, từ ngày 3 đến 9 tháng Sáu 1989 tại vùng ngoại vi Thiên An Môn thuộc nội thành Bắc Kinh có 1.728 người bị giết. Như vậy, tổng số người chết là 10.454 người, và con số người bị thương lên đến 28.796 người.
.

KẾT LUẬN

Mặc dù cuộc thảm sát Thiên An Môn đã bị cộng sản Trung Quốc khóa kín thông tin trong nước suốt 30 năm qua, nhưng Trung Quốc không thể khóa được mạng lưới thông tin tự do của người Hồng Kông và Đài Loan. Và chắc chắn, không ai có thể khóa được mạng lưới để tìm hiểu thông tin của các bạn Việt Nam, nếu các bạn thật lòng muốn tìm hiểu sự thật.

Người dân Hoa Lục cần phải nhận thức được giá trị của Dân Chủ. Người Hồng Kông và Đài Loan phải nỗ lực đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ mà họ đang còn hưởng thụ được. Tất cả không thể tiếp tục làm quen với bóng tối và nằm mơ để có được cải cách.

Từ thời Mao Trạch Đông cho đến Thiên An Môn, Hồ Diệu Bang chỉ là một biểu tượng cải cách quá ngắn ngủi, ngoài ra Trung Quốc độc tài toàn trị vẫn không có gì thay đổi.

Fb Người Đà Lạt Xưa
viết thay cho Fb Selena Zen
May Fourth, 2019

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular