Saturday, December 14, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGTrung Quốc: khi công dân chỉ là những “ký tự điện toán”!

Trung Quốc: khi công dân chỉ là những “ký tự điện toán”!

The New Viet

ByNGUYỄN TRUNG KIÊN

Việc Chính phủ Trung Quốc xây dựng hệ thống theo dõi công dân không còn là chuyện lạ. Tìm cách đọc được suy nghĩ người dân giờ đây là một phần quan trọng trong chính sách cai trị của Trung Quốc. Hơn nữa, điều đáng quan tâm là họ đã “xuất khẩu” kỹ thuật lẫn chính sách theo dõi đặc sệt phong cách toàn trị đến nhiều quốc gia khác. Bài lược dịch dưới đây từ The Atlantic số mới nhất cho thấy rõ hơn bức tranh này…

Hàng triệu camera đang “thấy” gì?

Trung Quốc đã có hàng trăm triệu camera theo dõi. Phần lớn cảnh quay do các camera của Trung Quốc thu thập được phân tích cú pháp bằng các thuật toán đều giúp chỉ ra các loại đe dọa về an ninh. Trong tương lai gần, mọi người dân khi bước vào khu vực công cộng có thể được xác định, ngay lập tức, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để tích hợp họ với một khối lượng cực kỳ khổng lồ các dữ liệu cá nhân, bao gồm mọi giao tiếp bằng ký tự và giản đồ cấu tạo protein độc nhất của cơ thể họ. Theo thời gian, các thuật toán sẽ có thể xâu chuỗi các điểm dữ liệu lại với nhau từ nhiều nguồn – hồ sơ du lịch, bạn bè và cộng sự, thói quen đọc sách, các lần mua hàng – để dự đoán sự phản kháng chính trị trước khi nó xảy ra. Chính quyền Trung Quốc có thể sớm đạt được một sự siết chặt chính trị chưa từng có đối với hơn 1 tỷ dân.

Với trí tuệ nhân tạo, Tập có thể xây dựng bộ máy chuyên chế có năng lực đàn áp lớn nhất trong lịch sử, mà không cần đến nguồn nhân lực mà Mao từng cần, để đưa thông tin về bất đồng chính kiến vào một chỗ tập trung duy nhất. Trong các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo nổi bật nhất Trung Quốc – SenseTime, CloudWalk, Megvii, Hikvision, iFlytek, Meiya Pico – Tập Cận Bình đã tìm được các đối tác thương mại luôn sẵn sàng. Và ở vùng của người thiểu số theo đạo Hồi giáo tại Tân Cương, Tập đã tìm thấy một lượng dân cư lớn để tiến hành thử nghiệm.

Hệ thống theo dõi công dân có mọi nơi tại các thành phố lớn Trung Quốc (Pinterest)

Các cảm biến tích hợp với hệ thống trí tuệ nhân tạo ẩn nấp khắp mọi nơi, kể cả trong ví và túi quần của người Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà nhân chủng học Darren Byler, một số người Duy Ngô Nhĩ đã chôn điện thoại di động chứa kinh sách Hồi giáo, hoặc thậm chí giấu thẻ nhớ chứa dữ liệu của họ vào bánh bao để bảo vệ sự an toàn, khi chiến dịch diệt chủng về văn hóa của Tập lên đến đỉnh điểm. Nhưng cảnh sát đã buộc họ phải cài đặt ứng dụng theo dõi trên điện thoại mới của họ. Các ứng dụng sử dụng các thuật toán để truy tìm “các virus ý thức hệ” suốt ngày đêm. Chúng có thể quét nhật ký trò chuyện để tìm các câu Kinh Koran và tìm chữ Ả-rập trong các đoạn tin nhắn và các file hình ảnh khác.

Cơ sở dữ liệu của cảnh sát muốn biết liệu người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu rời nhà qua cửa sau thay vì cửa trước hay không. Nó muốn biết liệu họ có dành ít thời gian nói chuyện với hàng xóm hơn trước đây hay không. Việc sử dụng điện thoại được theo dõi bởi một thuật toán nhằm phát hiện sự sử dụng bất thường nào đó có thể giúp chỉ ra một cư dân chưa đăng ký điện thoại với cảnh sát. Người Duy Ngô Nhĩ chỉ có thể đi vài dãy nhà trước khi gặp một trạm kiểm soát được trang bị một trong số hàng trăm nghìn camera theo dõi tại Tân Cương. Cảnh quay từ camera được xử lý bằng thuật toán khớp khuôn mặt với ảnh chụp nhanh do cảnh sát chụp khi “kiểm tra sức khỏe”. Tại các cuộc kiểm tra này, cảnh sát trích xuất tất cả dữ liệu họ có thể có từ cơ thể của người Duy Ngô Nhĩ. Họ đo chiều cao và lấy mẫu máu. Họ ghi lại giọng nói và quét ADN.

Phần mềm theo dõi SenseTime có thể nhận biết chi tiết nhân dạng lẫn xe cộ (Reuters)

Một số người Duy Ngô Nhĩ thậm chí bị buộc phải tham gia các thí nghiệm khai thác dữ liệu di truyền, để xem cách ADN của người Duy Ngô Nhĩ tạo ra sự khác biệt của cằm và tai như thế nào so với người Hán. Khi người Duy Ngô Nhĩ đến rìa khu phố của họ, một hệ thống tự động sẽ ghi nhận. Hệ thống tương tự theo dõi họ khi họ di chuyển qua các trạm kiểm soát nhỏ hơn, tại ngân hàng, công viên và trường học. Khi họ bơm xăng, hệ thống có thể xác định xem họ có phải là chủ xe hay không. Tại đường vành đai của thành phố, họ buộc phải bước ra khỏi ô-tô của mình, vì vậy khuôn mặt và thẻ căn cước của họ có thể được chụp tự động một lần nữa.

CETC, công ty nhà nước xây dựng phần lớn hệ thống theo dõi của Tân Cương, hiện tự hào về các dự án thử nghiệm ở Chiết Giang, Quảng Đông và Thâm Quyến. Một quy định mới yêu cầu các công ty viễn thông phải quét khuôn mặt của bất kỳ ai đăng ký dịch vụ điện thoại di động, do vậy, dữ liệu điện thoại giờ đây có thể được gắn vào khuôn mặt của một người cụ thể. SenseTime, công ty giúp xây dựng hệ thống theo dõi tại Tân Cương, gần đây đã khoe khoang rằng phần mềm của họ có thể xác định khuôn mặt của những người đang đeo khẩu trang. Một công ty khác, Hanwang, tuyên bố rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của họ có thể nhận ra khuôn mặt của người đeo khẩu trang chính xác đến 95%. Việc thu thập dữ liệu cá nhân của Trung Quốc thậm chí còn thu được từ những công dân chưa có điện thoại. Ở vùng nông thôn, dân làng đã xếp hàng để được các công ty tư nhân quét khuôn mặt từ nhiều góc độ nhằm đổi lấy dụng cụ nấu nướng.

Hệ thống có khả năng phát hiện người Duy Ngô Nhĩ theo đặc điểm dân tộc của họ và nó có thể biết được mắt hay miệng của người đó đang mở hay đóng, họ có đang cười không, họ có để râu hoặc đeo kính râm hay không. Nó ghi lại ngày, giờ và số sê-ri – tất cả đều có thể theo dõi được đối với người dùng cá nhân – của những điện thoại hỗ trợ Wi-Fi đã đi qua trong tầm phủ sóng của nó. Nó được vận hành bởi Alibaba và tham chiếu đến City Brain, một nền tảng phần mềm được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo mà Chính quyền Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho công ty này xây dựng.

Thành phố Bắc Kinh dày đặc cảnh sát giám sát công dân bằng các thiết bị theo dõi hiện đại (Quartz)

Các luồng dữ liệu có thể được đưa vào một hệ thống giống như City Brain về cơ bản là không giới hạn. Ngoài các cảnh quay từ 1,9 triệu camera nhận dạng khuôn mặt mà công ty viễn thông Trung Quốc China Tower hợp tác với SenseTime lắp đặt, City Brain có thể thu nhận nguồn cấp dữ liệu từ các camera gắn trên cột đèn và treo trên các góc phố. Nó có thể sử dụng các camera mà cảnh sát Trung Quốc giấu trong mũ giao thông và những camera được gắn cho các sĩ quan, cả sĩ quan mặc quân phục lẫn sĩ quan mặc thường phục. Nhà nước có thể buộc các nhà bán lẻ cung cấp dữ liệu từ camera tại cửa hàng, hiện có thể phát hiện hướng nhìn của người mua hàng vào giá đựng hàng hóa, và có thể sớm nhìn thấy các góc xung quanh bằng cách “đọc bóng” của người mua hàng.

“Đọc” được suy nghĩ người dân

Dữ liệu của mô hình có thể được đồng bộ hóa theo thời gian với âm thanh từ bất kỳ thiết bị nối mạng nào có micro, bao gồm loa thông minh, đồng hồ thông minh và các thiết bị khác như nệm thông minh, tã thông minh và đồ chơi tình dục thông minh. Tất cả các nguồn này có thể kết hợp thành một hỗn hợp âm thanh đa kênh, theo vị trí cụ thể có thể được phân tích cú pháp bằng các thuật toán đa âm thanh có khả năng diễn giải các từ được nói bằng hàng nghìn thứ tiếng. Sự kết hợp này hữu dụng cho các nghiệp vụ an ninh, đặc biệt là ở những nơi không có camera: iFlytek của Trung Quốc đang hoàn thiện một công nghệ có thể nhận dạng các cá nhân bằng “giọng nói” của họ.

Trong những thập kỷ tới, City Brain hoặc các hệ thống kế nhiệm của nó thậm chí có thể đọc được những suy nghĩ không thành lời. Trung Quốc gần đây đã bắt người dân tải xuống và sử dụng một ứng dụng tuyên truyền. Chính quyền có thể sử dụng phần mềm theo dõi cảm xúc để theo dõi phản ứng với một kích thích chính trị trong một ứng dụng. Phản hồi bằng cách im lặng hoặc mang tính kiềm chế đối với đoạn văn bản hoặc đoạn clip từ bài phát biểu của Tập sẽ là một điểm dữ liệu có ý nghĩa đối với thuật toán được dùng để đưa ra dự báo.

Các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc gần như không bận tâm lắm về đạo đức công nghệ. Một số đang giúp Tập phát triển trí tuệ nhân tạo cho mục đích theo dõi một cách rõ ràng. Sự kết hợp giữa chế độ độc đảng Trung Quốc và tàn dư của tư duy kế hoạch hóa tập trung khiến giới tinh hoa trong ĐCSTQ vẫn đầy quyền lực trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Nhưng trước đây, mối liên hệ giữa chính quyền và ngành công nghiệp công nghệ rất kín đáo. Gần đây, Chính quyền Trung Quốc bắt đầu cử đại diện vào các công ty công nghệ, để tăng cường các chi bộ Đảng Cộng sản trong các công ty tư nhân lớn.

Bán công nghệ cho các cơ quan an ninh của nhà nước là một trong những cách nhanh nhất để các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc thu lợi nhuận. Một công ty viễn thông quốc gia là cổ đông lớn nhất của iFlytek, gã khổng lồ về nhận dạng giọng nói của Trung Quốc. Sự hợp lực là rất nhiều: Khi cảnh sát sử dụng phần mềm của iFlytek để theo dõi các cuộc điện thoại, các tờ báo quốc doanh đã đưa tin ủng hộ. Đầu năm nay, ứng dụng tin tức được cá nhân hóa Toutiao đã đi xa hơn khi viết lại sứ mệnh của mình để nêu rõ một mục tiêu sống động mới: điều chỉnh dư luận với mong muốn của chính quyền. Từ Lập, CEO của SenseTime, gần đây đã mô tả chính phủ là “nguồn dữ liệu lớn nhất” của công ty ông.

Xuất khẩu “chính sách theo dõi”

Trung Quốc hiện cũng là nhà bán thiết bị theo dõi được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Chính phủ Malaysia đang làm việc với Yitu, một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, để trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát Kuala Lumpur như một sự bổ sung cho nền tảng City Brain của Alibaba. Các công ty Trung Quốc trang bị cho Singapore 110.000 cột đèn có camera nhận dạng khuôn mặt. Tại Nam Á, Trung Quốc đã cung cấp thiết bị theo dõi cho Sri Lanka. Trên Con đường Tơ lụa cũ, công ty Dahua của Trung Quốc đang rải khắp các đường phố ở thủ đô Mông Cổ bằng các camera theo dõi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Xa hơn về phía Tây, tại Serbia, Huawei đang giúp thiết lập một “hệ thống thành phố an toàn” hoàn chỉnh với camera nhận dạng khuôn mặt.

Những năm đầu thế kỷ này, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE đã bán cho Ethiopia một mạng không dây với khả năng truy cập tích hợp bằng ‘cửa sau’ (backdoor access) dành cho chính quyền. Trong một cuộc đàn áp sau đó, những người bất đồng chính kiến bị vây bắt để thẩm vấn tàn bạo, trong đó họ buộc phải bật lại âm thanh từ các cuộc điện thoại gần đây mà họ đã gọi [để thử giọng nói]. Ngày nay, Kenya, Uganda và Mauritius đang trang bị cho các thành phố lớn của họ những mạng lưới theo dõi do Trung Quốc sản xuất.

Tại Ai Cập, Trung Quốc đang tìm cách tài trợ việc xây dựng một thủ đô mới. Nó dự kiến sẽ chạy trên nền tảng “thành phố thông minh” tương tự như City Brain, mặc dù một nhà cung cấp vẫn chưa được nêu tên. Ở miền Nam châu Phi, Zambia đã đồng ý mua hơn 1 tỷ USD thiết bị viễn thông từ Trung Quốc, bao gồm cả công nghệ theo dõi Internet. Hikvision của Trung Quốc, nhà sản xuất camera theo dõi được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới, có văn phòng tại Johannesburg.

CloudWalk Technology đã ký một thỏa thuận với Zimbabwe (Quarzt)

Năm 2018, CloudWalk Technology, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Quảng Châu, tách ra từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã ký một thỏa thuận với chính phủ Zimbabwe để thiết lập một mạng lưới theo dõi. Các điều khoản của nó yêu cầu Zambabwe gửi hình ảnh về cư dân của mình (với luồng di cư từ khắp các vùng cận Sahara ở châu Phi) cho các văn phòng Trung Quốc của CloudWalk, cho phép công ty tinh chỉnh khả năng nhận diện hình ảnh sẫm màu – các khuôn mặt của người da đen, mà trước đây được chứng minh là phức tạp đối với các thuật toán của nó.

Đã thiết lập các đầu tàu ở châu Á, châu Âu và châu Phi, các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc hiện đẩy mạnh vào Mỹ Latin, khu vực mà Chính quyền Trung Quốc mô tả là “lợi ích kinh tế cốt lõi”. Trung Quốc đã tài trợ cho Ecuador 240 triệu USD để mua một hệ thống camera theo dõi. Bolivia cũng mua thiết bị theo dõi với sự trợ giúp bằng khoản vay từ Bắc Kinh. Venezuela gần đây đã ra mắt hệ thống thẻ căn cước công dân quốc gia mới để ghi lại các đảng phái chính trị của công dân trong cơ sở dữ liệu do ZTE xây dựng.

(Lược dịch từ The Panopticon Is Already Here của Ross Andersen, phó tổng biên tập nguyệt san The Atlantic)

Tác giả Nguyễn Trung Kiên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đương đại

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular