Sunday, December 15, 2024
HomeDÂN CHỦTranh luận với ông Vũ Tiến Lộc về những lý do cần...

Tranh luận với ông Vũ Tiến Lộc về những lý do cần bỏ loại hình “hộ kinh doanh” và chuyển thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.

LS Trần Vũ Hải

(Bài này đã được gửi cho VCCI như tài liệu cho toạ đàm của VCCI ngày 4/4/2019, nhưng đáng tiếc VCCI không phát tài liệu cho người tham dự, dù một cộng sự của tôi đã đọc trong toạ đàm, vì vậy tôi đăng ở đây).

LS Trần Vũ Hải

Trong cuộc hội thảo ngày 20/2/2019 tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh Nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI đã có ý kiến đề xuất bỏ loại hình “hộ kinh doanh” và gọi họ là doanh nghiệp, được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp.
Ngày 25/2/2019 tôi đã có một bài viết trên facebook cá nhân thể hiện quan điểm không đồng ý và mong muốn tranh luận với ông Lộc về ý kiến này.
Ngày 4/3/2019 ông Lộc nhân danh Chủ tịch VCCI đã có một bài viết trên Vietnamnet có tiêu đề “Không thể đặt 30% GDP ra “ngoài vòng pháp luật””, giải thích những lý do cho quan điểm của ông về vấn đề trên. Tôi xin tóm lược những ý chính của ông Lộc như sau:
1/Kinh tế tư nhân chiếm 38-39% GDP, trong đó các hộ kinh doanh cá thể chiếm 30% GDP�2/ Các hộ kinh doanh cá thể hiện ngoài vòng pháp luật, chưa được đối xử công bằng như các doanh nghiệp chính thức, như tiếp cận vốn.�3/ Có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 1,6 triệu hộ đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Ít nhất 1,6 triệu hộ có ĐKKD này cần được công nhận là doanh nghiệp. Đây là đề xuất gọi đúng tên bản chất, đề đối xử công bằng với họ, chứ không phải vì “thành tích đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp”.�4/ Việc đưa các khu vực kinh tế này vào Luật doanh nghiệp là mục đích giúp đỡ, hỗ trợ họ phát triển, chứ không phải “trói buộc, quản lý” họ.�5/Thế giới không có hộ kinh doanh, chỉ có tương tự như doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, đều đăng ký chính thức.�6/ Cần có một chương riêng về khu vực kinh tế này trong Luật doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả của khu vực này, hiện chiếm tới 30% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,56% ngân sách.�7/ Nghị quyết số 10-NQ / TW ban hành năm 2016 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh ưu tiên “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động…chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp…”.

Cá nhân tôi đã đề xuất VCCI cần có một tọa đàm về chủ đề này, để những bên có quan điểm trái chiều được tranh luận với nhau. Tôi rất hoan nghênh VCCI đã tổ chức buổi tọa đàm này vào ngày 4/4/2019, nhưng rất tiếc do có lịch làm việc đã được lên kế hoạch từ lâu, nên tôi không thể tham dự buổi tọa đàm này. Theo đề nghị của một chuyên gia của VCCI, tôi viết bài phát biểu để một cộng sự thay mặt tôi đọc tại buổi tọa đàm này.
Để đi thẳng vào vấn đề, tôi xin tranh luận với ông Lộc về từng lý do mà tôi đã trích dẫn ở trên:

1. Tôi không rõ ông Lộc căn cứ vào đâu để khẳng định kinh tế tư nhân chiếm 39% trong đó các hộ kinh doanh cá thể chiếm 30% GDP. Nếu đúng như ông Lộc nói, các thành phần kinh tế tư nhân còn lại chỉ chiếm 8-9% GDP. Tôi nêu ra ví dụ về doanh thu năm 2018 (làm tròn) của một số doanh nghiệp tư nhân lớn như Tập đoàn Vingroup –Công ty Cổ phần: 124 nghìn tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát: 56,5 nghìn tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan: 39,4 nghìn tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động: 88 nghìn tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen: 34,5 nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần hàng không Vietjet: 63 nghìn tỷ đồng (Nguồn: cafef.vn), Công ty cổ phần ô tô Trường Hải: 83 nghìn tỷ đồng (dự kiến). Chỉ tính riêng những doanh nghiệp tư nhân này, tổng doanh thu trong năm 2018 khoảng 450 nghìn tỷ đồng, trong khi GDP 2018 được Tổng Cục thống kê tính là 5530 nghìn tỷ đồng (theo Báo Lao động ngày 29/12/2018). Như vậy chỉ 7 công ty tư nhân này đã có doanh thu tương đương 8% GDP.
Do đó, những con số 30% GDP do hộ kinh doanh đóng góp và chỉ 8-9% GDP do các doanh nghiệp tư nhân đóng góp có vẻ không chính xác. Cá nhân tôi cho rằng, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP phải ít nhất gấp đôi tỷ lệ phần trăm trên, cũng có nghĩa tỷ lệ đóng góp của hộ kinh doanh vào GDP khiêm tốn hơn nhiều so với con số mà ông Lộc đưa ra.

2. Quan điểm các hộ kinh doanh cá thể nằm ngoài vòng pháp luật là không đúng vì Luật doanh nghiệp (và Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp) và Luật quản lý thuế đều có quy định về loại hình này, thực tế có thể coi họ là thương nhân theo Luật Thương mại. Ý kiến cho rằng trong việc tiếp cận vốn, các hộ kinh doanh chưa được đối xử công bằng như các doanh nghiệp chính thức là không nắm bắt được thực tế kinh doanh và tín dụng ở Việt Nam. Vì ngay những doanh nghiệp chính thức vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn (họ phải làm nhiều thủ tục, báo cáo, trình dự án) trong khi hộ kinh doanh (cá nhân chủ hộ) có thể được các ngân hàng cấp tín dụng dễ hơn khi họ có tài sản bảo đảm tốt và không phải chuẩn bị báo cáo giải trình, chứng minh phức tạp như đối với doanh nghiệp.

3. Về ý kiến có ít nhất 1,6 triệu hộ đăng ký kinh doanh (trong số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể) cần được công nhận là doanh nghiệp, theo chúng tôi ý kiến này không có căn cứ. Thứ nhất, không rõ ông Lộc lấy số liệu trên từ nguồn thông tin chính thống nào của cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai, phần lớn những hộ này không có nhu cầu được công nhận là doanh nghiệp. Thứ ba, việc công nhận họ là doanh nghiệp không mang lại lợi ích cho phần lớn hộ kinh doanh. Thứ tư, Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp (tức quản trị doanh nghiệp), trong khi hộ kinh doanh phần lớn không cần quản trị doanh nghiệp, vì sẽ tốn kém cho chính họ, nhiều trường hợp “quá tầm” đối với chính họ.

4. Việc ý kiến đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật doanh nghiệp là để mục đích giúp đỡ, hỗ trợ phát triển chứ không phải “trói buộc quản lý” là không có ý nghĩa, vì thực tế hiện nay cũng không có cơ chế hỗ trợ gì nhiều cho những doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ hoặc nếu có cơ chế, phần lớn những doanh nghiệp này không biết đến, không quan tâm và cũng không đến với họ. Tên gọi “hộ kinh doanh cá thể” là tên gọi do lịch sử, thực chất họ là những cá nhân kinh doanh (đăng ký hay không đăng ký kinh doanh). Mặt khác, chính tình trạng tham nhũng trong mọi giới, mọi cấp quan chức hiện nay khiến cho nhiều người không muốn thành lập doanh nghiệp (bị để ý, bị kiểm tra thường xuyên), nếu gọi họ là doanh nghiệp không những trái ý muốn của họ mà còn khiến họ thành đối tượng “trói buộc quản lý”, càng dễ bị nhũng nhiễu.

5. Ý kiến cho rằng thế giới không có hộ kinh doanh là chưa chính xác, vì như trên tôi đã phân tích, hộ kinh doanh chỉ là tên gọi lịch sử, thực chất là cá nhân kinh doanh (dù có đăng ký hay không). Nếu cần thiết, sẽ đổi tên gọi này thành cá nhân kinh doanh, vị trí pháp lý sẽ giống như các nước khác. Một cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn (i) không đăng ký kinh doanh (nhưng phải đăng ký thuế), (ii) đăng ký kinh doanh, (iii) đăng ký là doanh nghiệp tư nhân. Mặt khác, chúng tôi lưu ý rằng trên thế giới cũng không có Luật doanh nghiệp, nếu theo tư duy này, Việt Nam cũng không nên có Luật doanh nghiệp (mặc dù tôi không sử dụng lập luận này để xóa bỏ Luật doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng theo tôi cần định hướng để thay thế Luật doanh nghiệp bằng nhiều luật khác như tôi sẽ trình bày dưới đây)

6. Về ý kiến cần có một chương riêng về khu vực kinh tế này trong Luật doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả của khu vực này, hiện chiếm 30% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,56% ngân sách, có vẻ như “mưu toan” nhằm các hộ kinh doanh phải tăng nộp ngân sách. Nếu đây là quan điểm chính thống của VCCI (là tổ chức bảo vệ, hỗ trợ giới doanh thương), sẽ rất đáng tiếc vì VCCI không nên có chủ trương đề nghị Nhà nước ra những chính sách nào đó để bất kỳ bộ phận nào trong giới doanh thương phải gồng mình nộp thêm ngân sách cho Nhà nước. Mặt khác, tỷ lệ đóng góp 1,56% ngân sách chưa phản ánh hết thực tế đóng góp của họ cho xã hội, cho ngân sách.

Các hộ kinh doanh trước hết giải quyết việc làm, cuộc sống cho chính thành viên trong hộ gia đình của mình, và những lao động giản đơn khác mà họ thuê mướn. Đóng góp cho xã hội này rất lớn nhưng khó đong đếm, tuy nhiên chỉ hình dung phần lớn ngân sách Việt Nam (thu từ thuế, phí) hiện nay được sử dụng cho chi thường xuyên trong đó phần chủ yếu là chi cho lương, trợ cấp cho đến chục triệu công chức, viên chức, sỹ quan và chiến sĩ, những người được hưởng trợ cấp theo chính sách xã hội, chúng ta sẽ thấy khu vực kinh tế này thu hút hàng chục triệu lao động góp phần giảm gánh nặng rất lớn cho nhà nước và xã hội.

Ngoài ra, do hầu hết hộ kinh doanh chọn nộp thuế khoán nên việc nộp thuế trực tiếp của họ có thể bị coi là thấp, thực tế còn nhiều khoản thuế, phí khác họ trực tiếp đóng nhưng không được tính do khu vực này đóng. Ví dụ: họ là những người tiêu dung điện, nước, xăng dầu, ô tô, nguyên liệu hàng hóa khác, trực tiếp phải chịu các khoản thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và nhiều loại phí khác, những khoản này họ không được khấu trừ thuế hay chi phí như đối với doanh nghiệp. Nếu tính cả những khoản đó, tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào ngân sách của họ, lẽ ra phải tính cao hơn, có thể vài lần so với con số 1,56% ngân sách

7. Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2016 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân nói rõ là khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động,… chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Tức đây chỉ là đường lối khuyến khích, không chủ trương bắt buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp như ý kiến của ông Lộc.

Cá nhân tôi cho rằng, lẽ ra VCCI nên hướng quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trước hết yêu cầu các cơ quan hữu quan phải thực hiện những ưu đãi hỗ trợ đã được quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ 1/1/2018. Ví dụ, mức thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến từ từ 15-17% (so với mức 20% hiện nay), lẽ ra phải được trình ban hành từ lâu, nhưng Bộ Tài chính do áp lực về thu ngân sách vẫn đủng đỉnh chưa thực hiện, còn VCCI bỏ quên, không nhắc nhỏ các cơ quan hữu quan.

Nếu VCCI quan tâm và muốn hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI cần đấu tranh để Nhà nước có ưu đãi thuế và tài chính cho họ, cụ thể xây dựng khung chính sách để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể được hưởng lợi ích như quan điểm của ông Lộc. Khi các hộ kinh doanh họ thấy lợi ích, dễ vận động họ chuyển sang loại hình doanh nghiệp phù hợp. Nếu họ không muốn chuyển cũng không thể xóa bỏ được loại hình hộ kinh doanh cá thể.

VCCI cũng cần ủng hộ những người khởi nghiệp kinh doanh được giảm thiểu chi phí khởi nghiệp, càng nhiều hình thức kinh doanh và mô hình kinh doanh để càng tốt cho họ trong việc lựa chọn, trong đó hộ kinh doanh (hoặc cá nhân kinh doanh) có thể là mô hình tốt cho họ và do đó không có lý do gì để VCCI đề xuất loại bỏ loại hình này.

Nhân đây, tôi đề nghị VCCI với tư cách là một hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam, cần có một tầm nhìn rộng mở về khung pháp lý cho kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giới doanh thương Việt Nam và cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo tôi, các chuyên gia của VCCI có thể đề xuất Chính phủ xây dựng một Bộ luật kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, bao gồm những luật như luật công ty cổ phần, luật công ty TNHH, luật công ty hợp danh, luật doanh nghiệp tư nhân và luật về cá nhân đăng ký kinh doanh, luật phá sản, các luật khuyến khích và hỗ trợ kinh doanh. VCCI cần ủng hộ việc thiết kế một bộ luật (gồm những luật nêu trên) đáp ứng nhu cầu của những người kinh doanh để họ có nhiều lựa chọn trong việc khởi nghiệp và chấm dứt kinh doanh. Theo tôi VCCI có thể đề xuất (i) VCCI có chức năng của cơ quan đăng ký kinh doanh ( như nhiều nước khác trên thế giới) bằng cách xây dựng hệ thống VCCI có chức năng đăng ký doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương hoặc (ii) giao cho cơ quan thuế quản lý luôn việc đăng ký kinh doanh, hoặc (iii) có thể chấp nhận cả hai hình thức này để cho doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn. Trường hợp VCCI có chức năng đăng ký doanh nghiệp, người lựa chọn đăng ký tại VCCI cũng đồng thời trở thành thành viên của cộng đồng VCCI, phí môn bài hàng năm sẽ trở thành phí thành viên đóng cho VCCI. Nếu được như vậy, cộng đồng VCCI sẽ lớn mạnh và có đủ nguồn lực cần thiết để góp phần xây dựng thể chế về kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới doanh thương một cách chính đáng. Nếu VCCI quan tâm đến chủ đề này, tôi cũng sẵn sàng dành thời gian để trình bày, bàn bạc với các chuyên gia của VCCI trong một dịp khác.

Xin trân trọng cám ơn Quý Vị đã lắng nghe và thông cảm cho sự vắng mặt của tôi tại buổi tọa đàm này.

Luật sư Trần Vũ Hải.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular