Friday, December 27, 2024
HomeBLOGTổng thống Nguyễn Văn Thiệu: dân chủ và hòa giải.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: dân chủ và hòa giải.

Nguyễn Quang Duy

Người mình thường nhắc nhở nhau lời của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu “Đừng nghe những gì cộng sản nói,…”.

Nhưng thật ít người biết ở cuối đời ông Thiệu đã công khai giải pháp dân chủ và hòa giải để tái thiết quốc gia.

Tưởng niệm ngày ông Thiệu lìa trần, 29/9/2001, xin cùng nhau suy ngẫm về con đường dân chủ hóa Việt Nam ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn do Đài Truyền Hình Việt Nam Denver Colorado tổ chức vào ngày 03/05/1993.

Cộng sản cần hòa giải với dân

Ông Thiệu cho biết đã cố gắng tận lực đấu tranh với cả cộng sản lẫn đồng minh, nhưng không làm tròn nhiệm vụ được nhân dân giao phó, nên hoàn toàn nhận trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Theo ông Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia trên căn bản công pháp quốc tế đã bị cộng sản xâm chiếm bằng vũ lực.

Hà Nội không thực hiện hòa giải hòa hợp, không tôn trọng quyền tự quyết của người miền Nam (có cả người cộng sản miền Nam) như Hà Nội đã ký trong Hiệp Định Ba Lê năm 1973.

Ông cho rằng Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại trong tim óc của 30 triệu người dân miền Nam. Hà Nội vẫn nợ người dân miền Nam và vẫn chỉ nên được xem là chiếm đóng miền Nam trái phép.

Nếu Hà Nội không hòa giải chính trị bằng tổ chức bầu cử tự do, người miền Nam hằng trăm năm nữa vẫn không nhìn nhận họ là đại diện cho Việt Nam.

Ông thiệu cho biết từ năm 1984 ông bắt đầu kết nối các chiến hữu trong và ngoài nước để thành lập Tổ chức Vận động Yểm trợ Dân chủ và Tái thiết Việt Nam và đưa ra một giải pháp dân chủ và hòa giải gồm 3 giai đoạn được tóm tắc dưới đây.

 

Giai đoạn 1: Vận động

Vận động cả người dân, báo chí lẫn chính phủ quốc hội Mỹ, các quốc gia tự do và vận động cả Liên Hiệp Quốc, vừa để tố cáo cộng sản vi phạm nhân quyền, vừa để vận động nhân quyền, nhưng quan trọng nhất phải là vận động dân chủ hóa Việt Nam.

Hoa Kỳ đã ký vào Hiệp Định Ba Lê năm 1973, vì thế người mình cần luôn luôn nhắc nhở Hoa Kỳ tôn trọng lời hứa dân chủ hóa Việt Nam họ đã ký kết.

Khi Việt, Miên và Lào có tự do dân chủ, thì Đông Nam Á mới thực sự là một khối dân chủ và ổn định, tạo được thế quân bình trong khu vực Á châu. Như vậy không chỉ có lợi cho Việt Nam mà cho cả Mỹ và các quốc gia tự do.

Ông Thiệu nhấn mạnh tự do và dân chủ của Việt Nam phải do chính người Việt nỗ lực đấu tranh khôi phục lại.

Vì vậy cần lấy việc vận động người dân trong và ngoài nước làm chính, còn người ngoại quốc chỉ vận động yểm trợ đấu tranh.

Ông chọn giải pháp chính trị ôn hòa, không bạo động, không bạo loạn tránh một cuộc nội chiến gây hận thù triền miên cho các thế hệ mai sau.

Ông Thiệu cho biết cũng cần vận động những người cộng sản ý thức được tình trạng quốc gia đang lâm vào chỗ trì trệ để cùng đồng bào trong và ngoài nước đi đến một giải pháp dân chủ hóa Việt Nam.

 

Giai đoạn 2: Thành Lập Hội Đồng Dân Chủ và Hòa Giải

Nguyên văn ông Thiệu kêu gọi:

“…tất cả các thành phần quốc gia trong và ngoài nước ngồi lại để soạn thảo một chương trình cải tiến và cải tổ đất nước, xây dựng dân chủ cấp quốc gia rộng rãi, có thể gọi là Hội Đồng Xây Dựng Dân Chủ hay Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp dân tộc cũng được.

Trong bài này xin được gọi là Hội Đồng Dân Chủ và Hòa Giải gọi tắc là Hội Đồng.

 

Giai đoạn 3: tiến trình dân chủ hóa.

Vai trò chính của Hội Đồng là xây dựng một tiến trình dân chủ hóa đất nước hay một con đường dân chủ hóa Việt Nam.

Bước đầu, vận động để tiến tới một cuộc bầu cử tự do có quốc tế giám sát bầu ra một quốc hội lập hiến;

Bước thứ hai, quốc hội lập hiến xây dựng một hiến pháp mới cho Việt Nam;

Bước thứ ba, xây dựng một thể chế hợp hiến, hợp pháp như quốc hội lập pháp và chính phủ từ thượng tầng quốc gia cho đến địa phương tỉnh, quận, xã, ấp; và

Bước thứ tư, xây dựng dân chủ và hòa giải, có tự do bầu cử mới có dân chủ, và khi có dân chủ rồi người Việt cần tiếp tục củng cố, duy trì và hoàn chỉnh nền tảng tự do dân chủ để tiến đến hòa giải dân tộc.

Ông Thiệu cho rằng người Việt hải ngoại không nên cố gắng tập hợp thành một tổ chức thống nhất, chỉ lãng phí thời giờ và công sức, vì môi trường sinh hoạt hải ngoại là dân chủ, đa nguyên, đa đảng.

Ông Thiệu cũng cho rằng không thể lập chính phủ lâm thời ở hải ngoại vì chính phủ cần có dân, có đất và cần được quốc tế công nhận.

Ông tin rằng một ngày nào đó sẽ hình thành một chính phủ từ trong nước, người hải ngoại chúng ta cần sẵn sàng tìm hiểu và hỗ trợ một cách tích cực.

Ông Thiệu tin rằng cũng không cần phải kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản mà cứ vận động đến khi nào có một chính quyền chuyển tiếp.

Nếu chính quyền chuyển tiếp giao cho Hội Đồng tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lập hiến thì rất tốt, bằng không thì nỗ lực của Hội Đồng trong quá trình dân chủ hóa Việt Nam cũng đã được ghi nhận.

 

Hòa giải chính trị

Ông Thiệu nêu rõ cho đến khi nào Hà Nội thực thi quyền tự quyết của người dân bằng lá phiếu bầu cử tự do thì mới xóa bỏ được hận thù, việc thắng thua qua chọn lựa của người dân thì mới có thể có hòa giải (chính trị) và hòa hợp thực sự.

Hòa giải chính trị thật ra chỉ là bước đầu của một quá trình hòa giải dân tộc, cần phải tiếp tục hòa giải các mặt khác nữa như lịch sử, văn hóa, vùng miền, trong đó có cả hòa giải về chênh lệch giàu nghèo giữa những tầng lớp xã hội và giữa các địa phương.

Hòa giải phải thực hiện trước vì đó là giải pháp để mọi người cùng hướng tới cùng nhìn nhận các vấn đề trái biệt.

Khi mọi người đã đồng ý chấp nhận giải pháp bầu cử tự do, thì khi đó không phải chỉ có hai bên mà rất nhiều bên, đa nguyên, đa đảng, mới hòa hợp tiến hành bầu cử quốc hội lập hiến, soạn hiến pháp, bầu cử quốc hội lập pháp và chính phủ các cấp.

Còn cộng sản Hà Nội sử dụng khẩu hiệu “hòa hợp và hòa giải” trái ngược với ý nghĩa bên trên, nghĩa là cứ hợp với nhau thì mọi trái biệt sẽ tan biến.

Bài học lịch sử về “hòa hợp và hòa giải” là ngày 30/4/1975, Tổng Thống Dương Văn Minh thuộc thành phần thứ ba phải đầu hàng vô điều kiện bộ đội Bắc Việt.

Đến ngày 31/1/1977, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trên danh nghĩa của những người cộng sản miền Nam, hoàn tất nhiệm vụ và giải thể.

Mọi khác biệt chính trị được thống nhất làm một, cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa, một xã hội không ai rõ hình dạng ra sao.

Ngày nay cộng sản bế tắc cả lý luận lẫn thực tiễn, xã hội và đất nước lâm vào bế tắc toàn diện.

 

Giải pháp dân chủ hóa khả thi?

Sau đảo chánh 1/11/1963, chính trị tại miền Nam rơi vào khủng hoảng, biểu tình thường xuyên xẩy ra với hằng loạt các cuộc đảo chính, chính phủ dân sự Phan Huy Quát không hoạt động được phải trao trả quyền lực cho Quân Đội.

Ngày 19/6/1965, Hội đồng Quân lực bầu Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Ngay sau đó ông Thiệu tuyên bố cho mở cuộc bầu cử quốc hội lập hiến.

Quyết định của ông được tất cả quân đội, người dân và mọi đảng phái, mọi phe cánh chính trị nhiệt tình ủng hộ, chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị.

Ngày 3/9/1966, Quốc Hội Lập Hiến hình thành với 118 dân biểu đắc cử và đến ngày 1/4/1967, Hiến pháp 1967 được công bố làm cơ sở pháp lý cho sinh hoạt chính trị của nền Đệ Nhị Cộng hòa.

Bởi thế ông Thiệu mới đưa ra giải pháp dân chủ và hòa giải như một con đường dân chủ hóa Việt Nam.

 

Mỹ đổi chiến lược

Ngày nay Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược công khai thúc đẩy các quốc gia độc tài cộng sản phải thay đổi thể chế sao cho phù hợp với quyền lợi của quốc gia họ, của thế giới và nhất là quyền lợi của Hoa Kỳ.

Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 24/09/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến “bóng ma của chủ nghĩa xã hội” như sau:

““Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà các quốc gia phải đối mặt là bóng ma của Chủ nghĩa Xã hội. Nó là kẻ phá hoại quốc gia, kẻ hủy hoại xã hội…”

“…Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản không phải vì công lý, bình đẳng, không phải nâng đỡ người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những điều tốt đẹp cho đất nước.

“Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản chỉ vì một điều duy nhất: quyền lực của giai cấp thống trị.”

Vì thế những ý kiến ông Thiệu đưa ra về vận động quốc tế thật đúng lúc cho chúng ta vận dụng vận động quốc tế.

 

Trung cộng lo sợ sụp đổ

Trong bạch thư Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa được Bắc Kinh cho phổ biến vào thứ sáu 27/9/2019, nói rất rõ Trung cộng cần sự lãnh đạo mạnh mẽ, thống nhất của đảng Cộng sản nếu không sẽ “sụp đổ”:

Trung Quốc có diện tích rộng lớn, có các điều kiện quốc gia phức tạp, và nhiều khó khăn quản trị hiếm khi được nhìn thấy. Không có lực lượng lãnh đạo thống nhất và mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ tiến tới chia rẽ và sụp đổ, mang đến thảm họa cho thế giới.

Nếu Bắc Kinh sụp đổ thì cộng sản Hà Nội khó có thể tồn tại.

Nhưng lời văn mang tính cách đe dọa cái chết Trung cộng sẽ là một thảm họa cho thế giới.

Việt Nam lại ở ngay cạnh Trung cộng và cộng sản Hà Nội vẫn chưa mảy may thay đổi dứt khoát đứng về phía dân tộc nên lời đe dọa cần được quan tâm hơn.

 

Hiện tình Việt Nam

Điều ông Thiệu nhận xét gần đây được chứng minh qua việc Hà Nội ra Luật Quốc tịch 2008 đòi hỏi người hải ngoại phải ghi danh giữ quốc tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Trong vòng 6 năm cho đến ngày 1/7/2014, có chưa tới 6.000 trong số 4,5 triệu người ghi danh, nghĩa là chỉ hơn 0,1% số người Việt hải ngoại muốn nhận Hà Nội làm đại diện cho họ và gia đình.

Sau 44 năm, người Việt tiếp tục bỏ nước ra đi, sinh viên du học không trở về, phái đoàn Quốc Hội thăm Đại Hàn mất tích 9 người, đảng viên cộng sản muốn diễn biến hòa bình, dân thì nghèo, xã hội khủng hoảng, đất nước đối mặt với chiến tranh, nếu có một cuộc trưng cầu dân ý chắc chắn đa số người Việt sẽ muốn thay đổi thể chế.

Phải chăng đến lúc mọi bên, mọi phía, mọi phe cánh cần ý thức được vận mệnh đất nước đang lâm nguy trước giặc Tàu xâm lược để cùng nhau thực hiện giải pháp dân chủ và hòa giải do Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đề ra.

 

Ghi ân

Nhân ngày giỗ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu năm nay là con dân Việt Nam cộng Hòa xin chân thành ghi ân Tổng Thống và tất cả những bậc tiền bối đã hy sinh bảo vệ miền Nam tự do.

Con đường dân chủ và hòa giải ngày một gần đích hơn, lịch sử sẽ công bằng đánh giá lại vai trò của Tổng Thống và viết lại trang sử Việt Nam cộng Hòa bi thương nhưng hào hùng.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

29/9/2019

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular