Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGTÔI HỌC TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO

TÔI HỌC TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO

Hôm nọ tôi lại xơi được một bát phở bò đặc biệt nên cao hứng kêu gọi học tiếng Anh để kiến quốc. Viết xong thì nhiều bạn hỏi là vấn đề là học thế nào chứ ích lợi của tiếng Anh thì ai cũng rõ rồi. Tôi nghĩ đã trót khơi ra rồi thì phải viết tiếp về cách học (của tôi) cho trọn tình vẹn nghĩa với non sông.

Cách học của tôi thì chỉ đảm bảo đúng với tôi, và không nhất thiết là cách hay. Xin lưu ý để đỡ thắc mắc không cần thiết. Nếu bạn nào cũng như tôi, tức là học đi học lại không ăn thua, 26 tuổi mới bắt đầu học nghiêm túc, thì có thể tham khảo.

Về tinh thần, tôi học tiếng Anh có mục đích rõ ràng, đó là hoạt động nhân quyền. Đó là cái động cơ tên lửa Saturn V giúp tôi luôn có hứng thú học.

Về kỹ thuật, toàn bộ cách học của tôi dựa trên một giả định đơn giản: đầu vào (nghe và đọc) quyết định đầu ra (nói và viết).

Càng nghe nhiều, càng đọc nhiều thì càng nói và viết được nhiều, được đúng, được hay. Cũng không cần thiết phải ép bản thân nói và viết quá sớm, cứ nghe và đọc cho thỏa thích rồi một ngày đẹp trời tự khắc tiếng Anh bật ra ở đầu lưỡi và đầu bút một cách hết sức tự nhiên. Bởi vậy khi em trai tôi nói muốn học tiếng Anh thì tôi chỉ gửi cho một loạt phim đủ thể loại cho xem thoải mái thời gian đầu.

Cách học tự nhiên là cách học ít áp lực, dễ tạo được hưng phấn và khi sử dụng tiếng Anh thì không bị ràng buộc quá nhiều vào những quy tắc ngữ pháp hay nỗi lo sợ nói/viết sai. Cái này rất quan trọng. Dù nắm vững ngữ pháp đến đâu mà khi nói vẫn phải ngập ngừng chia động từ trong đầu rồi mới nói được thì vẫn chưa ăn thua, vì nỗi sợ hãi vẫn đè nặng lên cái lưỡi của bạn, ngăn cản bạn giao tiếp. Tôi có được dạy ngữ pháp, nhưng phần lớn khi nói và viết tôi quên sạch, ban đầu sai rất nhiều, nhưng nhờ dần bỏ được nỗi sợ hãi nói/viết sai mà tôi dạn hơn và sau này đúng dần lên. Từ khóa quan trọng của cách học này là: copy. Thấy người ta nói sao trong tình huống nào thì mình bắt chước, bắt chước, bắt chước; khi mình gặp tình huống tương tự thì tự khắc câu chữ bật ra.

Tôi có may mắn là sau khi bắt đầu học không lâu thì được sang Philippines sống. Họ là nước nói tiếng Anh, tôi lại làm việc trong một văn phòng nhiều người nói tiếng Anh nên tôi có lợi thế mà hầu hết mọi người không có. Nhưng vẫn có cách để tăng cường cả chất và lượng của đầu vào rồi từ đó cải thiện đầu ra.

Xin chia sẻ một số kinh nghiệm cụ thể như sau.

NGHE

Tôi cũng xem phim như mọi người, cái này quan trọng. Ngoài ra, tôi hứng thú với hai thứ: diễn văn chính trị và nhạc kịch.

Diễn văn chính trị thì nên tìm các nữ chính trị gia vì giọng họ thanh hơn, dễ nghe hơn. Nghe nam chính trị gia khá là khó cho người mới bắt đầu, ví dụ như nghe Bill Clinton giọng khàn thì dễ đầu hàng. Tôi nghe các bài diễn văn của Hillary Clinton nhiều, vì giọng chậm, thanh, dễ bắt từ, tiếng Anh của bà này lại hay. Tôi nghe bài “No way, no how, no McCain” của bà ấy chắc phải cả trăm lần từ năm 2008 tới giờ. Chống chỉ định nghe diễn văn của một-tổng-thống-của-một-nước-phương-Tây, theo tôi là tiếng Anh không hay bằng nhiều chính trị gia khác, đã học thì học người hay luôn thể.

Nhạc kịch thì có một cái rất hay là họ hát tròn vành rõ chữ, dứt phụ âm cuối của từ nào mới hát sang từ tiếp theo, nên với những vở tôi đã nghe thì khá là dễ nghe. Thêm nữa là các bài nhạc kịch thường có câu chuyện, dễ tạo hứng thú. Và thêm nữa là nhiều bài nhạc kịch có ca từ rất đẹp, dạy ta nhiều giá trị nhân văn. Nếu quan tâm tới chính trị thì nên nghe vở “Les Misérables” (Những người khốn khổ) của Broadway, 10th anniversary (sẵn có trên Youtube). Tôi nghe đi nghe lại vở này nhiều năm nay, rồi say đắm cô Lea Salonga người Philippines tới giờ.

Rồi tôi lại có cơ hội đi dự các hội thảo nói tiếng Anh. Thời gian đầu đến nghe như vịt nghe sấm, nhưng mỗi hội thảo qua đi tôi lại thấy khả năng nghe cải thiện hẳn. Thường mỗi hội thảo có một chủ đề, căng tai lên nghe nửa buổi là quen với nhiều thuật ngữ và cấu trúc người ta dùng cho chủ đề đó. Riết rồi cũng xài được như ai.

ĐỌC:

Cái này thì tôi không có kinh nghiệm gì đặc biệt vì cũng chỉ đọc báo, rồi sau này đọc sách tiếng Anh thôi. Nên chọn đọc cái gì bản thân thấy quan tâm, thích chính trị thì đọc chính trị, thích bóng đá thì đọc bóng đá, không nên ép bản thân.

Ban đầu nên đọc cái gì dễ thôi: truyện thiếu nhi, tin thời sự, v.v. Nên kiếm một cuốn nào đó mà bạn đã đọc và nắm được bản dịch tiếng Việt rồi, sau đó kiếm bản tiếng Anh đọc. Hồi mới đọc sách tiếng Anh, nhận ra chữ nọ chữ kia ứng với từ nọ từ kia trong bản tiếng Việt tôi phải nói là sướng tê tái.

DỊCH:

Tôi nạp đầu vào bằng cách dịch những thứ tôi thích. Đó là cách rất hay ho và nhanh chóng giúp tôi nạp được cả từ lẫn ngữ. Ban đầu thì dĩ nhiên là khó và dễ nản, sau quen rồi thì dịch nhanh hơn, rồi dần dần hình thành cả quan điểm dịch.

Một điểm rất nên chú ý là người Việt thường chú trọng quá nhiều vào từ (word) mà xem nhẹ ngữ (phrase, một cấu trúc có nghĩa). Cần hiểu tiếng Anh theo ngữ chứ không phải là suy đoán nghĩa bằng cách ghép các từ lại với nhau. Nhiều ngữ nó có lịch sử và câu chuyện riêng của nó, rất thú vị, và không thể hiểu bằng cách tra nghĩa của từng từ.

Khi dịch, rất nên hiểu trọn vẹn cả câu rồi viết lại câu đó sang tiếng Việt theo cách dễ hiểu nhất cho người Việt, thoát hẳn ra khỏi cấu trúc gốc trong tiếng Anh. Khi diễn đạt lại được trong tiếng Việt theo cách dễ hiểu nhất cho người Việt rồi thì có nghĩa là ta thực sự hiểu câu tiếng Anh có nghĩa gì, chứ không phải chỉ là hiểu mang máng.

***

Sau cùng, bạn nên biết là người bản ngữ nước nào cũng sai chính tả, sai ngữ pháp, y như người Việt xài tiếng Việt. Đừng tạo áp lực cho bản thân là phải nói, viết đúng 100%, cũng đừng xấu hổ khi nói, viết sai. Ai chê bai ngữ pháp, ngữ âm của bạn thì có thể tiếp thu chứ đừng lấy đó làm nản. Mục đích của giao tiếp là hiểu nhau, và với tuyệt đại đa số người Việt thì cũng đừng đặt mục tiêu nói, viết như người bản ngữ. Học nhẹ nhàng như một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Rồi đến một ngày nào đó, bạn sẽ chợt nhận ra là bạn đang suy nghĩ những vấn đề khá phức tạp bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Tôi nói vậy để bạn có động lực học, vì với tôi đó là những trải nghiệm khá lý thú, như là khám phá thêm được về những năng lực của bản thân mà trước giờ mình chưa hề hay biết vậy.

Chúc bạn học VUI. Học được tiếng Anh, nhớ KIẾN QUỐC.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular