Sau khi tốt nghiệp vào năm 1992, trong khi bạn bè chạy long tóc gáy xin việc, phần lớn cứ mãi thất nghiệp, thì tôi được giữ lại Trường Viết văn. Tôi làm hợp đồng hơn một năm, thì được biên chế ngạch giảng viên sau khi trải qua một buổi thi do Bộ Văn hóa và Trường Viết văn phối hợp tổ chức. Tôi phải “giảng” cho các “giám khảo” nghe một bài về truyện ngắn. Nghe xong mọi người nhất trí chấm điểm “xuất sắc”.
Sau khi anh Đỗ Quang Hạnh rời trường về làm việc ở báo Lao Động, tôi được cử làm phó chủ nhiệm lớp viết văn khóa 5 (anh Phạm Hậu làm trưởng phòng giáo vụ kiêm luôn chủ nhiệm). Tuy mang danh “giảng viên” nhưng công việc của tôi, cũng giống như anh Hạnh trước đó, là làm lịch mời thầy, đón thầy, theo dõi sáng tác của sinh viên, đọc sơ khảo tác phẩm họ nộp mỗi học kỳ và thỉnh thoảng “giải cứu” cô cậu nào đó bị vợ chồng… nghi ngoại tình!
Sang khóa 6 thì tôi là chủ nhiệm lớp, vì khi đó anh Phạm Hậu đã nghỉ hưu sớm. Nhưng rồi tôi và ông hiệu trưởng mới không làm việc được với nhau, nên vừa bén duyên với các bạn sinh viên được hơn một năm, tôi quyết định xin đi khỏi trường. Đó là cả một sự gian nan, (gian nan ngay từ quyết định) mà tôi sẽ kể vào dịp khác.
Tôi nhớ khi đó là giữa tháng 10 năm 2000, tôi lên lớp nói chuyện với các sinh viên khoá sáu đúng một buổi chiều về nghề nghiệp, bản lĩnh và nhân cách của người cầm bút. Trước khi lên lớp, Tiến sĩ Lê Ngọc Tân-người về thay anh Phạm Hậu làm trưởng phòng giáo vụ- lấy sự thân tình bảo tôi: “Hôm nay bác cứ nói chuyện viết lách thôi nhé.” Tôi không chú ý mấy đến lời dặn đó, chỉ nghĩ là anh Tân nhắc theo thói quen. Trước khi giờ nói chuyện bắt đầu, cậu lớp trưởng tên là Hải bước đến gần tôi nói nhỏ: “Xin phép thầy, có thêm cả mấy bạn hâm mộ thầy xin được vào nghe.” Tôi cười như vừa hiểu ra chuyện gì. Tất nhiên là tôi không phản đối. Tôi cũng không hỏi “mấy bạn hâm mộ” tôi kia là ai nhưng biết chính xác họ là ai. Kệ, rỗi thì cứ ngồi đấy mà nghe rồi muốn làm gì thì làm. Tiện có mặt họ, tôi nói với sinh viên rằng, nỗi sợ lớn nhất là chấp nhận sống trong sợ hãi.
Đó là bài giảng đầu tiên, cũng là bài giảng cuối cùng và là BÀI GIẢNG DUY NHẤT của tôi -nếu có thể gọi như vậy-trong suốt gần 8 năm tôi nhận lương giảng viên của trường viết văn Nguyễn Du. Cuối buổi, tôi chào các sinh viên, nói lời xin lỗi họ, mong họ thông cảm cho quyết định bất đắc dĩ của tôi. Hầu hết các sinh viên đều hiểu rằng, tôi không thể ở lại trường được nữa. Cũng có bạn nói đùa: “Thầy bỏ…học trò chạy lấy thầy”. Biết là đùa một trăm phần trăm, nhưng lòng tôi vẫn nhói lên nỗi buồn pha lẫn chút hổ thẹn.
Đó là lý do tôi tránh mặt họ mỗi lần họ muốn đến thăm tôi nhân ngày nhà giáo.
Thế mới biết làm Thầy khó vô cùng, khó hơn cả làm vua chúa. Tôi luôn tự nhủ rằng mình không có duyên, không được trao sứ mệnh và cũng không đủ phẩm cách để làm Thầy.
—————–
Chú thích ảnh: Cán bộ giáo vụ, một số sinh viên khóa 4, khóa 5 và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán với thầy Trần Quốc Vượng.