Buổi chiều 30 tháng 8, vua Bảo Đại đứng trước nhà mình. Ông kiên nhẫn chờ phái đoàn Trần Huy Liệu đến để trao ấn kiếm, vĩnh viễn chấm dứt chế độ vua chúa nghìn năm trên nước Việt.
[78] NĂM ÔN LẠI LỊCH SỬ
Ngày 30/08/1945, vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Chính Phủ Lâm Thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Trong sử sách chỉ có trích một câu ngắn của vua Bảo Đại trong Chiếu thoái vị rằng ” …muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập”.
Còn cả CHIẾU THOÁI Vị thì không được nhắc đến ! “Một mẩu bánh mì vẫn là bánh mì, một mẩu sự thật sẽ không còn là sự thật và tính khách quan không còn nữa”.
Dưới đây xin đăng toàn văn Chiếu thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại vị vua cuối cùng – Triều đại Phong kiến Việt Nam (công bố chính thức từ 25/08/1945)
CHIẾU THOÁI VỊ
“Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Vì nền độc lập của Việt Nam.
Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc. Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: Ở giờ phút quyết định này của Lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết.
Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng.
Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước. Mặc dù vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.
Trước khi từ giã ngai vàng, Trẫm chỉ có ba điều muốn nói:
—Thứ nhất: Trẫm yêu cầu tân chính phủ phải giữ gìn lăng tẩm và miếu mạo của hoàng gia.
—Thứ hai: Trẫm yêu cầu tân chính phủ lấy tình huynh đệ đối xử với các đảng phái, các phe nhóm, các đoàn thể đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước, mặc dù không theo cùng đường hướng dân chủ của mặt trận, như vậy có thể giúp cho họ được tham gia vào sự kiến thiết đất nước, và chứng tỏ rằng tân chế độ đã được xây dựng trên tình đoàn kết dứt khoát của toàn thể nhân dân.
—Thứ ba: Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều kiện cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, hầu củng cố nền độc lập quốc gia.
Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.
Việt Nam độc lập muôn năm…”
Đại diện Việt Minh chấp nhận ba điểm của vua và đề nghị thêm:
1- Bảo Đại phải ra khỏi Hoàng cung và chỉ được mang theo những đồ dùng riêng.
2- Trừ của riêng, tài sản của triều đình là tài sản của chính quyền cách mạng.
Nguồn: FB Nguyễn Thái Sơn.
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10221906971525121&id=1283953479
————————
CHIẾU THOÁI VỊ CỦA BẢO ĐẠI: CẦN ĐƯA ĐẦY ĐỦ VÀO SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG
Toàn văn Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại. Đó không chỉ là di sản mà còn có ý nghĩa thời sự cho việc xây dựng một nước Việt Nam mới:
1) Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của hoàng gia và rộng hơn là đặt lên trên lợi ích của các đảng phái chính trị.
2) Xác lập một nền dân chủ thực sự với tinh thần “thà làm người dân tự do hơn làm một ông vua bị cai trị’. Dân chủ là tất yếu của văn minh.
3) Đoàn kết toàn dân, ngăn chặn sự thôn tính, chia rẽ Bắc Nam, thực chất là sự xung đột ý thức hệ, đảng phái gây chiến tranh nồi da xáo thịt. Chỉ bằng cách đó mới có thể xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập và phát triển thịnh vượng.
Chiếu thoái vị này có giá trị tương đương như là Tuyên ngôn nhân gian của Nhật Hoàng sau Đệ nhị thế chiến.
Tôi tin Bảo Đại không ban chiếu thoái vị bởi sức ép nào mà xuất phát từ cái tâm của một ông vua yêu nước thương dân và cái tầm của một bậc minh quân ưu thời mẫn thế. Chiếu thoái vị còn viết bởi trải nghiệm đắng cay của một chứng nhân lịch sử, rất có ích cho con cháu muôn đời làm bài học dựng xây đất nước!
Chu Mộng Long