Tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan

0
1501

Brief 9.8: Tình hình Đài Loan

Aug 9

Sau khi các cuộc tập trận quy mô lớn kết thúc, tình hình có vẻ như đã chuyển dần sang tình trạng bình thường mới, với việc Trung Quốc duy trì sự hiện diện liên tục của hải quân và không quân ở eo biển Đài Loan.

1. Chuyển động quân sự

Eo biển Đài Loan

Tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan có xu hướng hạ nhiệt, bất chấp việc Trung Quốc vẫn liên tục tục tiến hành các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này.

Trong ngày 8.8, Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc thông báo nước này sẽ tiếp tục các cuộc tập trận chống ngầm và tấn công trên biển.

Tuy nhiên, không có cảnh báo hàng không hoặc hàng hải nào được ban hành. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong ngày 8.8, có 39 máy bay và 13 tàu hải quân Trung Quốc được phát hiện xung quanh Đài Loan. Trong số đó có 21 máy bay đã bay qua phía đông của đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan.

Sau khi các cuộc tập trận quy mô lớn kết thúc, tình hình có vẻ như đã chuyển dần sang tình trạng bình thường mới, với việc Trung Quốc duy trì sự hiện diện liên tục của hải quân và không quân ở eo biển Đài Loan.

Trưa 9.8, Bộ tư lệnh Chiến khu Đông bộ tiếp tục thông báo tiến hành các cuộc huấn luyện xung quanh Đài Loan, tập trung vào diễn tập phong tỏa.

Theo Reuters, nhiều tàu chiến Trung Quốc vẫn hiện diện ở gần đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan và cố gắng vượt qua đường trung tuyến, một số tàu chiến khác vẫn hoạt động ở phía đông Đài Loan.

Trong khi đó, Đài Loan cũng bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật ở huyện Bình Đông phía tây nam.

Chuyển động khác

Sau các cuộc tập trận quy mô lớn ở gần Đài Loan, Trung Quốc thông báo tổ chức bắn đạn thật ở phía đông Trạm Giang từ ngày 8 đến 11.8.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc được phát hiện hoạt động ở phía nam Tam Á vào ngày 7.8. Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy tàu sân bay Sơn Đông hay Liêu Ninh tham gia vào các cuộc tập trận vừa qua. Trước đó, tàu Liêu Ninh đã quay về Thanh Đảo ngày 3.8, trước khi Trung Quốc bắt đầu tập trận.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hiện hoạt động ở phía nam đảo Shikoku trong khi tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli vẫn hiện diện gần Okinawa.

Trang USNI News dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho biết Mỹ dự kiến sẽ tiến hành một số hoạt động tự do hàng hải ở khu vực trong những ngày tới, bao gồm việc di chuyển qua eo biển Đài Loan.

2. Đánh giá

Trong lần phát biểu đầu tiên về tình hình Đài Loan trong những ngà qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định rằng Trung Quốc sẽ không leo thang thêm nữa sau các cuộc tập trận.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc vẫn giữ nguyên đánh giá của họ rằng Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong 2 năm tới, theo Politico.

Share

Tại cuộc họp báo quốc tế sáng 9.8, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp cáo buộc Trung Quốc cản trở hoạt động bình thường ở tuyến đường biển và đường hàng không nhộn nhịp nhất thế giới, và sử dụng các cuộc tập trận để chuẩn bị cho cuộc tấn công Đài Loan.

Ông Ngô Chiêu Tiếp chỉ ra ba ý đồ của Trung Quốc:

Trước hết, mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan đã tồn tại nhiều năm và không ngừng gia tăng, đây là một thực tế khách quan. Trung Quốc đang muốn biến eo biển Đài Loan thành nội thủy. Mục đích của họ là gây ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của cộng đồng quốc tế trong vùng biển và vùng trời ở eo biển Đài Loan bằng cách phủ nhận hiện trạng eo biển Đài Loan là tuyến đường biển quốc tế. Lần này, Trung Quốc đã có những hành động cụ thể nhằm phá hoại sự hiểu biết ngầm về đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Sau khi các cuộc tập trận kết thúc, Trung Quốc có thể cố gắng bình thường hóa nó nhằm làm suy yếu hiện trạng lâu đời ở hai bên eo biển Đài Loan.

Thứ hai, Trung Quốc cũng nhân cơ hội thực hiện kịch bản xâm lược Đài Loan lâu đời của họ. Ngoài việc huy động một số lượng lớn máy bay và tên lửa, họ còn sử dụng các cuộc tấn công mạng, thông tin sai lệch, cưỡng bức kinh tế… để uy hiếp và làm mất tinh thần của Đài Loan.

Cuối cùng, với phạm vi các vụ thử tên lửa, Trung Quốc rõ ràng là muốn ngăn cản các nước khác can thiệp vào âm mưu xâm lược Đài Loan của họ. Hoạt động diễn tập chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Nói cách khác, ý đồ thực sự của cuộc tập trận lần này là nhằm thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan và toàn bộ khu vực. Nó đã mang lại những yếu tố cực kỳ bất ổn, đe dọa an ninh khu vực.

Duân

628510cookie-checkTình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan