Thanh Trúc / RFA
Kể từ ngày 9 tháng 1 đến nay là hai mươi sáu ngày, từ khi một lực lượng cả ba ngàn cảnh sát cơ động, công an đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, giết chết cụ ông Lê Đình Kình – 84 tuổi, bắt giữ hơn 20 người với cáo buộc giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
Phía công an cũng có 3 người thiệt mạng, và ngay lập tức được chính quyền truy tặng huân chương do đã hy sinh khi thi hành nhiệm vụ.
Tuy nhiên thông tin về Đồng Tâm đến nay được truyền thông Nhà Nước loan đi chỉ theo một nguồn duy nhất từ phía Công an Việt Nam.
Một số người mong muốn có được tin tức từ chính những người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã tìm cách đến để chứng kiến tận mắt sau gần 1 tháng xảy ra sự vụ.
Chuyến thăm đến xã Đồng Tâm vào ngày 1/2/2020 được thực hiện bởi những người từng gửi Đơn Tố giác Tội Phạm lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội và Cơ Quan Điều Tra Công An thành phố Hà Nội hôm 21 tháng 1, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hình sự của cơ quan chức năng liên quan đến vụ tấn công vào Đồng Tâm gây đổ máu.
Đó là chuyến đi không báo trước, lại phải lên đường từ sớm để không bị phát hiện hay bị ngăn chặn, là lời tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cho biết:
“Thực sự chúng tôi đến để thắp hương cho cụ Kình, đó là động lực quan trọng. Thứ hai, chúng tôi muốn gặp bà con, gia đình những người bị bắt để động viên họ, cho họ cảm thấy không bị lẻ loi. Một mục đích nữa là cũng để tận mắt xem hiện trường như thế nào. Nghe nói gia đình của những người bị bắt vẫn, hằng ngày hay vài ngày một lần, bị triệu tập lên công an để thẩm vấn và bị dọa dẫm. Họ kể lại với chúng tôi và họ rất lo lắng”.
Và cũng đến để thực sự thấy Đồng Tâm nói riêng năm nay không có Tết, tiến sĩ Nguyễn Quang A trình bày tiếp:
“Vào đến nhà cụ Kình thì hầu như tất cả người nhà có mặt lúc đấy cũng như nhiều người trong chúng tôi đều òa lên khóc, nghe bà con kể thì rất là xúc động. Tình cảnh rất khó khăn của các gia đình mà người thân bị bắt, nhất là hai gia đình mà cả vợ chồng bị bắt và trẻ thơ phải nương tựa vào ông bà. Ông bà già cũng bị cú sốc rất mạnh như vậy”
“Đến nghĩa trang thắp hương cho cụ chúng tôi thấy ấm lòng một chút vì thấy nhiều vòng hoa đặt ở mộ cụ”.
Thời gian thăm nhau chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng, ông Nguyễn Quang A kể tiếp, thế nhưng cảm nhận của mọi người là không khí u uất, tang tóc phủ chụp lên Đồng Tâm chả biết bao giờ mới tan đi. Tuy vậy sau gần một tháng, biện pháp cấm cản đến Đồng Tâm không còn nghiêm nhặt như những này trước đây theo trình bày của Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
“Trước khi đi chúng tôi cũng tính là có thể gặp khó khăn này khó khăn nọ, nên chúng tôi thực sự là cố gắng đi sớm để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Suốt dọc đường vào trong làng thì đường đi cũng khó, phải hỏi hai, ba chỗ, nhưng các cháu cũng như những người mà chúng tôi hỏi thì họ chỉ rất tận tình. Chỉ độ năm bảy phút cuối cùng ở chỗ nghĩa trang thì chúng tôi thấy một người đàn ông đi vào nhưng đến khoảng giữa đường thì lại quay ra. Không biết đấy là một người bình thường hay một người theo dõi thì chúng tôi không rõ, nhưng từ suốt cả dọc đường đi đến và dọc đường về thì chúng tôi không gặp sự cố nào cả”
Một người cùng đi trong đoàn là Bà Đặng Bích Phượng cũng cho biết tình trạng căng thẳng, lo âu và sợ hãi của người có thân nhân bị giết, bị bắt đi từ ngày 9 tháng 1 vừa qua:
“Tôi là người đầu tiên bước vào căn nhà ấy. Thấy có người bước vào là họ nhỏm dậy, vừa cất tiếng chào cái là khóc luôn. Chỉ biết ôm nhau khóc mà không thể nói gì cả.”
“ Lúc trước, cách đây một năm,khi chúng tôi đến thì lúc đó chưa có gì cả. Và lúc này bước vào thì cả một gian nhà trống chỉ có bàn thờ ở đó. Cứ nói đến là khóc. Khi gặp những người mẹ của những đứa con bị bắt, bắt cả hai vợ chồng, nhà toàn bọn trẻ con phải gởi về chỗ ông bà. Những người nông dân ấy, họ không hiểu Pháp Luật lắm đâu, họ chỉ nói câu là “các bác làm thế nào để các cháu sớm trở về”. Lúc ấy mình chỉ khóc vậy thôi”.
Nhóm của tiến sĩ Nguyễn Quang A không phải là những người đầu tiên đến viếng Đồng Tâm. Theo bà Đặng Bích Phượng, trước đó đã có ít người, bằng cách này cách khác, lọt được vào thôn Hoành để nghe ngóng tình hình rồi chia sẻ trên cộng đồng mạng:
“Cứ lác đác thỉnh thoảng từng tốp nhỏ thì họ không thể nào ngăn chặn được. Có linh mục Nguyễn Nam Phong này, và trước đó có một chị nick trên Facebook là Lã Minh Luận. Hai chị em đến mà gần như trong tình trạng như là đột kích, vào chớp nhoáng xong rồi về chớp nhoáng bởi nếu ở lâu thì rất có thể là đám an ninh có thể giả dạng côn đồ đến gây sự”.
Đường dây viễn liên của RFA không thể nối kết vào máy của Facebooker Lã Minh Luận.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong cho hay ít nhất trước ông đã có một người đến thôn Hoành rồi.
Vẫn theo lời ông, đối với rất nhiều người mà ông gặp ở Đồng Tâm thì những phát súng vang động giữa đêm, cái chết tức tưởi của cụ Kình và 23 người dân bị bắt đi vẫn còn nguyên vẹn một cú sốc lớn:
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình vào xem người ta nói có đúng không. Trước mắt vì tò mò muốn biết sự thật, thứ hai vào để chia sẻ cùng bà con trong đó, đặc biệt có 4 người công giáo cũng bị bắt. Cái chính yếu là còn hơn 20 người bị bắt và đang bị xét về tội giết người. Mình cũng sợ nhưng cái sợ không ngăn được mình phải đi tìm sự thật, điều đó quan trọng hơn”.
“Thực ra thì bà con ở đó họ sợ lắm, mình vào nhà thờ giáo xứ gặp cha thì cha cũng không có nhà, mình cũng không quen ai trong đó. Sau khi được xác nhận là linh mục thì họ bắt đầu mới chia sẻ nhưng cũng trong sự dè dặt thôi”
“Tôi có đến gia đình cụ Kình để thắp hương cho cụ, sau đó tôi cũng đi về vì bà con nói mặc dù chính quyền không còn công khai canh giữ làng nhưng công an mật còn khắp trong làng”
Dù chỉ là một cuộc tiếp xúc chóng vánh, linh mục kể tiếp, ông vẫn cảm nhận được một điều sâu sắc là:
“Người dân cũng chẳng hiểu tại sao lại xảy ra chuyện như vậy, tại sao Nhà Nước lại hành động như vậy. Bởi vì đối với người Đồng Tâm thì xưa nay họ vẫn tin tưởng vào Nhà Nước, gặp ai họ cũng nói là họ tin tưởng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ông Trọng nên là họ cứ phải nói là một sự ngây thơ chính trị. Cho đến hôm bị đánh úp như vậy thì họ ngỡ ngàng, họ không thể hiểu được việc Nhà Nước gây ra cho họ, đặc biết là việc đã giết ông cụ Kình. Đối với họ là cả cú sốc lớn!”.
Hệ thống tuyên truyền của Đảng và Chính phủ Hà Nội cho đến lúc này vẫn cáo buộc dân Đồng Tâm là một tập thể manh động, chống phá chính quyền.
Chính vì vậy, theo bà Đặng Bích Phượng, được gặp tận mặt những nạn nhân bị bạo hành ở Đồng Tâm rồi thì ước vọng duy nhất và lớn nhất của bà cùng những người quan tâm là xin các tổ chức xã hội dân sự, các mạng truyền thông lề trái tiếp tục lên tiếng để trong ngoài có thể minh oan cho những người bị bắt ở Đồng Tâm từ ngày 9 tháng Một đến giờ. Chỉ truyền thông đứng đắn và trung thực mới có thể cứu được Đồng Tâm, bà Đặng Bích Phượng kết luận.