Sunday, December 22, 2024
HomeDÂN CHỦTỰ DO BÁO CHÍThêm một trí thức phản biện nổi tiếng Việt Nam bị chặn...

Thêm một trí thức phản biện nổi tiếng Việt Nam bị chặn xuất cảnh

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức phản biện nổi tiếng và là một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam, vừa bị giới hữu trách Việt Nam chặn xuất cảnh vào ngày 1/5 với lý do “an ninh quốc gia”.

TS. Nguyễn Quang A, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã bị chính phủ Việt Nam giải thể trước đây vì có những kiến nghị táo bạo được cho là đi ngược với đường lối của chính quyền, cũng là người được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007), kể lại sự việc với VOA.

“Tôi có visa Schengen 5 năm. Hai năm Covid nên mình không đi đâu được, thì định bay sang Hungary chơi với bạn bè thôi. Thế nhưng mà vé máy bay đi châu Âu thì nó đắt, nên tôi thử đi Bangkok xem thế nào. Tôi mua một cái vé đi Bangkok và ngày hôm qua, 1/5, tôi đi lên sân bay Nội Bài để bay sang Bangkok. Lúc 9:40 là lúc làm thủ tục cửa khẩu thì họ nói họ phải để hệ thống xem xét lại thế nào”.

Sau nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, nhân viên hải quan thông báo với TS. Nguyễn Quang A rằng ông bị tạm hoãn xuất nhập cảnh.

“Tôi nói ‘Ok không sao cả, miễn là các bạn làm theo đúng luật. Mà theo tôi biết thì luật xuất nhập cảnh có quy định rất là rõ ràng khi nào thì nhà chức trách được tạm hoãn hay cấm xuất hiện cảnh đối với một công dân”, TS. Nguyễn Quang A kể lại cuộc đối thoại với nhân viên an ninh.

Sau khi liệt kê ra các trường hợp quy định hoãn hay cấm xuất cảnh theo luật định, TS. Nguyễn Quang A yêu cầu được cấp biên bản về quyết định không cho ông xuất cảnh.

Biên bản Tạm hoãn xuất cảnh đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

“Cuối cùng, đến khoảng 12 giờ thì có hai người ở Bộ công an từ Hà Nội lên đến sân bay Nội Bài. Họ hỏi tôi là ‘Thế bác không biết chuyện bác bị công an Hà Nội triệu tập à? Cái chuyện đó xong chưa?’”.

TS. Nguyễn Quang A cho biết vào năm cuối năm 2020 và trong năm 2021, bỗng dưng có người đến nhà đưa cho ông giấy triệu tập của cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội với nội dung “làm việc liên quan đến kiến nghị của Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công an”.

“Thế sau 3, 4 bận lên làm việc với họ thì cho đến nay không thấy động tĩnh gì hơn, thế thì chắc là có lẽ là vì cái đó”, TS. Nguyễn Quang A suy đoán. “Cuối cùng, họ đưa cho tôi một biên bản nói là chiếu theo Điều 36 của Luật Xuất nhập cảnh, trong đó có nêu 9 điểm khi nào một người có thể bị hoãn xuất nhập cảnh hay là cấm xuất nhập cảnh. Thì của tôi họ ghi là điểm thứ 9, tức là liên quan đến an ninh quốc gia”, TS Nguyễn Quang A cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quang A là trường hợp bị cấm xuất nhập cảnh mới nhất trong hàng loạt các vụ cấm xuất nhập cảnh thời gian gần đây đối với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và giới phản biện.

Trước đó, Luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình đã bị nhà chức trách Việt Nam cấm xuất cảnh khi gia đình ông ra phi trường đi tị nạn chính trị. Một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cũng nhận được quyết định tương tự khi đi công tác nước ngoài.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng tình trạng cấm xuất cảnh một cách tuỳ tiện tại Việt Nam cho thấy chính quyền đang tìm cách “trả thù” những người hoạt động nhân quyền và đang vi phạm luật pháp của chính họ.

“Thôi thấy thực sự đáng lo ngại cho tình hình nhân quyền của Việt Nam trong thời gian gầy đây”, TS. Nguyễn Quang A, người cổ xuý cho việc phát triển các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, bày tỏ, đồng thời đề cập đến một số trường hợp gần đây như Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng đã bị chính quyền bắt vào cuối tháng 12 vừa qua với cáo buộc “trốn thuế”, hay trường hợp Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh bị quấy nhiễu… cho thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng xấu đi, bất chấp việc Việt Nam vừa đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 10 năm ngoái.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong các báo cáo nhân quyền thường niên những năm gần đây cũng chỉ trích tình trạng cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, giới bất đồng chính kiến. Tuy nhiên theo quan điểm của TS. Nguyễn Quang A, vấn đề nhân quyền Việt Nam trong thời gian qua không nằm trong những ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Nếu thực sự muốn thúc đẩy nhân quyền, chính phủ Mỹ cần có những biện pháp “thực tế” hơn là chỉ những biện pháp về mặt ngoại giao, TS. Nguyễn Quang A nói thêm.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular