Friday, December 13, 2024
HomeNEWSThái Lan sẽ phải làm rõ vụ ‘bắt cóc Trương Duy Nhất?’

Thái Lan sẽ phải làm rõ vụ ‘bắt cóc Trương Duy Nhất?’

Phạm Chí Dũng

Người Việt 17/2/2019

Cơn sốt báo chí

Trong khi chính quyền Việt Nam vẫn cố thủ trong lô cốt cấm khẩu sau quá nhiều đồn đoán về “Trương Duy Nhất bị tổng cục 2 bắt cóc” tại Thái Lan vào ngày 26 Tháng Giêng, 2019, tình hình đang diễn biến không khác mấy diễn biến hậu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh khi nhiều tờ báo quốc tế đang “tham chiến” vụ “Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok,” tạo nên một làn sóng truyền thông xôn xao rộng lớn mà khiến chính quyền Thái Lan có thể phải điều tra một cách có trách nhiệm hơn chứ không thể qua loa hay “nể bạn Việt Nam” về vụ này.

Một số tờ báo Thái Lan đang săn tìm thông tin về vụ Trương Duy Nhất mất tích, trong đó quan tâm đến “Trương Duy Nhất thực chất là người thế nào.” Một số phóng viên người Thái thậm chí đã nghi ngờ về việc ông Nhất đã bị mật vụ Việt Nam (công an hoặc quân đội) bắt cóc. Mối nghi ngờ này càng được củng cố khi đã có khá nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, Theo Dõi Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả và Liên Minh Báo Chí Đông Nam Á lên tiếng yêu cầu chính phủ Thái Lan phải làm rõ vụ Trương Duy Nhất mất tích ra sao, số phận của Nhất thế nào,… đồng thời những tổ chức này nhắc lại “bài học kinh nghiệm” từ vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức. Trong khi đó, có tin cho biết nhà nước Đức rất quan tâm đến vụ Trương Duy Nhất vì vụ này có nhiều chi tiết giống với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Báo Thái lại có thể dẫn đến sự cộng hưởng của giới truyền thông quốc tế, đặc biệt những tờ báo đã nắm rõ về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cơn địa chấn phát sinh từ vụ này lan từ Đức sang một số quốc gia khác như Slovakia, Pháp, Czech, Nga…

Blogger Trương Duy Nhất trong phiên tòa xét xử Tháng Ba, 2014 ở Đà Nẵng và bị kêu án hai năm tù vì các bài viết được cho là “chỉ trích chính quyền và lãnh đạo cộng sản”. (Hình: Getty Images)

Báo chí thời Trịnh Xuân Thanh

Vào năm 2017, một tuần sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin, Bộ Ngoại Giao Đức đã ra thông báo phản đối Việt Nam một cách mạnh mẽ, sau đó là những tờ báo và truyền hình của Đức tham gia vào một chiến dịch mổ xẻ vụ bắt cóc này, kéo dài đến phiên tòa của Tòa Thượng Thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long – một mắt xích tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, và còn kéo dài đến gần cuối năm 2018.

Từ hai tờ báo TAZ, Frankfurter Allgemeine của Đức và sau này là Dennik N của Slovakia, một làn sóng tin tức vụ Trịnh Xuân Thanh đã lan ra khá nhiều tờ báo lớn trên thế giới và khiến cái tên Trịnh Xuân Thanh được đặc cách nằm trong từ điển bất thành văn về hồ sơ tình báo châu Âu liên quan đến các vụ khủng bố và bắt cóc.

Rõ là từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh, chính thể Việt Nam đã nổi tiếng tới mức khiến phần lớn, nếu không nói là tất cả, các nước trong Khối Liên Minh Châu Âu giương cao ngọn cờ cảnh giác với giới quan chức và công an Việt Nam, đồng thời khiến “uy tín Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế” (một cách tuyên rao không biết chán của Bộ Ngoại Giao Việt Nam) lao dốc hơn bao giờ hết.

Nhưng cho tới nay, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn hầu như chưa được phía Việt Nam giải quyết với Đức, khiến cho mối quan hệ Đức-Việt vẫn đóng băng, quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam vẫn bị tạm ngừng, các chương trình viện trợ của Đức cho Việt Nam bị tạm hoãn và kéo theo rất nhiều khó khăn cho giới doanh nhân Việt Nam sang Đức làm ăn và với giới Việt kiều sinh sống tại Đức.

Công tâm mà nói, kể từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, phía Việt Nam đã có một số động tác làm êm dịu tình hình và lấy lòng các nước ở châu Âu, đặc biệt là không thiếu hứa hẹn với người Đức mà vào một vài thời điểm đã tưởng như xoa dịu sự phẫn nộ của quốc tế. Tuy thế, chính những chiến dịch đàn áp nhân quyền liên tu bất tận và ngày càng khốc liệt tàn bạo của chính quyền Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến trong nước đã mang lại hiệu ứng ngược hoàn toàn: Liên Minh Châu Âu vốn dĩ hòa vi quý, đã phải thẳng tay hoãn vô thời hạn EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu – Việt Nam) vào Tháng Giêng, 2019, mà nguồn cơn sâu xa không nói ra chính là việc chính quyền Việt Nam đã chẳng hề làm bất cứ điều gì để cải thiện nhân quyền theo những đòi hỏi chi tiết của EU trong bản nghị quyết nhân quyền ban hành vào giữa Tháng Mười Một, 2018.

Thái sẽ phải điều tra kỹ?

Một năm rưỡi sau vụ nhà nước Đức tố cáo Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay tại Berlin, vụ “Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok” – nổ ra vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán năm 2019 – đang hứa hẹn sẽ trở thành một vụ Trịnh Xuân Thanh thứ hai. Nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, vụ việc này lại dần biến thành “Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Bangkok.”

Ngày 8 Tháng Hai, 2019, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên lên tiếng về vụ “Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok.” “Chúng tôi biết các báo cáo về việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị mất tích ở Thái Lan. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và hoan nghênh chính phủ Thái Lan điều tra về vụ mất tích của ông Nhất” – đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết khi nêu quan điểm về thông tin chính phủ Thái Lan mở cuộc điều tra mặc dù không có dữ liệu về việc ông Nhất đã nhập cảnh hợp pháp vào nước này.

Cho dù có thể không mấy quan tâm đến sức nặng đòi hỏi của các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhưng chính phủ Thái Lan không thể bỏ qua lời yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ.

Trước đó, một số dư luận lo ngại rằng chính quyền Thái Lan sẽ khó mà lên án chính quyền Việt Nam tổ chức bắt cóc người một cách bất hợp pháp trên đất Thái do một “thỏa thuận ngầm” nào đó (nếu có) giữa hai bên, cộng thêm mối quan hệ Việt-Thái được xem là “ngày càng tốt đẹp.” Củng cố cho khả năng này là cách phát ngôn của lãnh đạo Cục Di Trú Thái Lan rằng họ đã không có hồ sơ về việc Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan – một vấn đề có thể được hiểu là ông Nhất đã vào đất Thái theo cách không hợp pháp và do vậy các cơ quan Thái có thể sẽ cho rằng họ không liên can đến vụ việc này.

Nhưng áp lực từ các tổ chức nhân quyền quốc tế và động thái “hoan nghênh” của Hoa Kỳ đang đặt chính phủ Thái vào một tình thế tế nhị và khó khăn: hoặc họ sẽ không điều tra gì cả hay chỉ làm cho có và sẽ phải hứng chịu búa rìu từ dư luận và những chính phủ dân chủ về một chế độ quân phiệt và thiếu tôn trọng tự do báo chí ở Thái Lan; hoặc họ sẽ phải điều tra làm rõ Trương Duy Nhất mất tích như thế nào, vì sao mất tích, và liệu có đúng như nhiều dư luận là đã có một cuộc bắt cóc đối với Nhất hay không – đồng nghĩa với việc phải làm sáng tỏ thủ phạm của vụ bắt cóc này là ai hoặc cơ quan nào…

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng – một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Bằng chứng gián tiếp đã lộ diện

Cho tới nay, dấu hiệu duy nhất cho thấy chính quyền Việt Nam “mở miệng” chỉ là một số bài viết của giới dư luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ “Nhôm” và cả những hoạt động thuộc về “phe cánh chính trị” của ông Nhất – hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.

Ba tuần sau vụ ông Nhất bị mất tích ở Bangkok, bắt đầu xuất hiện vài tin tức mơ hồ về “Trương Duy Nhất đã có mặt ở Việt Nam,” nhưng không phải từ các cơ quan “có trách nhiệm” hay báo chí của Việt Nam, mà chỉ từ những facebooker “lề đảng” và có mối quan hệ gần gũi với công an.

Tuy thế, cái cách mà giới dư luận viên đặt vấn đề như trên lại khiến lộ ra một tín hiệu: nếu chính quyền Việt Nam không dính dáng gì đến vụ Trương Duy Nhất và không lo ngại phải chịu trách nhiệm về vụ này, nó sẽ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến việc chỉ đạo dư luận viên viết bài bao biện, thanh minh và dọn đường dư luận cho đảng như thế. Nói cách khác, bắt đầu hiện ra những bằng chứng gián tiếp về việc Trương Duy Nhất có thể đã bị bắt (hoặc bắt cóc), đưa về Việt Nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.

Nếu mối nghi ngờ của báo chí và dư luận về Trương Duy Nhất bị bắt cóc được xác thực, người ta sẽ khó có thể tưởng tượng một “nhà nước bắt cóc” đã không rút được kinh nghiệm xương máu nào sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà vẫn “ăn vặt quen mồm.”

Vào lúc này đây, dường như cuộc đời đang trở nên quá cám cảnh với giới chóp bu Việt Nam. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, hẳn Bộ Ngoại Giao của Ủy Viên Bộ Chính Trị Phạm Bình Minh và cả Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng đã “rút kinh nghiệm sâu sắc” để không còn phải làm cái việc “đổ vỏ” cho kẻ khác. Có lẽ sẽ quá miễn cưỡng để những cơ quan này chịu hé môi về vụ Trương Duy Nhất, theo đúng tinh thần “thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ” đang trở nên rất phổ cập trong tâm não giới chóp bu Việt Nam. (Phạm Chí Dũng)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular