Tân cố vấn an ninh của Trump gây lo ngại từ Âu sang Á

0
449
Former U.S. Ambassador to the UN John Bolton speaks at the Conservative Political Action Conference (CPAC), Friday, Feb. 24, 2017, in Oxon Hill, Md. (AP Photo/Alex Brandon)
VOA

Việc ông John Bolton được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn làm tân cố vấn an ninh quốc gia khơi dậy phản ứng mạnh mẽ khắp thế giới hôm 23/3. Phần lớn các nhà quan sát lo ngại rằng lập trường diều hâu của ông Bolton sẽ gây khó khăn hoặc làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề đối ngoại mà Mỹ đang đối mặt, đặc biệt là vấn đề Iran và Triều Tiên.

Ít có nơi nào mà phản ứng đó lại mạnh mẽ như ở vùng Trung Đông vốn bị chia rẽ gay gắt.

Một số nhà bình luận nhận định quyết định bổ nhiệm ông Bolton là một cái đinh nữa đóng vào cỗ quan tài thỏa thuận hạt nhân thời Obama giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran, vốn đã bị ông Trump nghi vấn.

Những người khác thì cho rằng ông Bolton sẽ càng làm suy yếu bất kỳ hy vọng mong manh nào còn sót lại về một “giải pháp hai nhà nước” cho xung đột giữa Israel và người Palestine đang nổi lên trong tương lai gần.

Ông Bolton, trong những tháng gần đây, hoan nghênh kế hoạch của ông Trump dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel về Jerusalem. Naftali Bennett, một thành viên trong nội các an ninh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, gọi ông Bolton là “một chuyên gia an ninh xuất sắc, một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm và là một người bạn trung thành của Israel.”

Haaretz, website tin tức thiên tả ở Israel, tỏ ra ít nhiệt tình hơn. Họ dẫn lại phát biểu năm 2016 của ông Bolton rằng ý tưởng về hai nhà nước Israel và Palestine tồn tại song song đã “chết từ lâu.”

Thay vào đó ông Bolton cho rằng lãnh thổ của Palestine nên được đặt dưới chủ quyền của Ai Cập và Jordan.

John Bolton is not known for a diplomatic approach…here’s one of the best examples….watch the whole clip… pic.twitter.com/em33DWjgAj

— Yashar Ali 🐘 (@yashar) March 22, 2018

Ellie Geranmayeh, nhà nghiên cứu chính sách cao cấp tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, nói với Reuters rằng việc bổ nhiệm ông Bolton, cùng với việc bổ nhiệm ông Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ hồi tuần trước, làm giảm đi đáng kể xác suất ông Trump sẽ theo đuổi thỏa thuận hạt nhân kể từ tháng 5 trở đi.

“Cả hai nhân vật này đều lớn tiếng chống đối thỏa thuận hạt nhân, ủng hộ thay đổi chế độ ở Iran và ông Bolton đã nhiều lần kêu gọi ném bom thay vì ngoại giao như là cách để giải quyết vấn đề hạt nhân.”

Ông Trump bao quanh mình bằng “những cố vấn cùng chí hướng,” bà Geranmayeh nói, và “thanh trừng những người bất đồng.”

Nhưng bà lưu ý lập trường của ông Bolton về thỏa thuận Iran sẽ gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và các cường quốc Châu Âu đồng ký kết.

Các quan chức Châu Âu bày tỏ lo ngại về những thay đổi nhân sự tại Washington. “Từng nhân tố điều hòa trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng lần lượt ra đi. Chúng tôi đã hy vọng ‘những người chín chắn trong gian phòng đó’ sẽ thuyết phục được Trump, nhưng bây giờ họ đang lần lượt bỏ đi,” một nhà ngoại giao EU nói với Reuters.

Một số nhà quan sát Iran và khu vực nhìn thấy mây đen bão tố đang tụ hội. “Tổng thống Trump đã chọn một nội các chiến tranh,”Ali Alfoneh, nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Atlantic, nói với Reuters.

Ông Bolton là người ủng hộ hàng đầu cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 và kêu gọi thay đổi chính quyền ở Triều Tiên.

Lời kêu gọi tấn công phủ đầu Triều Tiên của ông từng khiến quốc gia cộng sản sở hữu vũ khí hạt nhân này phẫn nộ gọi ông là “cặn bã loài người.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis là một trong số những người ít ỏi trong chính quyền Trump hiện thời ủng hộ sử dụng ngoại giao thay cho vũ lực.

“Đây là tin tức đáng lo ngại,” Kim Hack-yong, nhà lập pháp bảo thủ và là người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Hàn Quốc, phản ứng về việc bổ nhiệm ông Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia. “Triều Tiên và Mỹ cần có đối thoại nhưng điều này chỉ thổi bùng lên lo ngại liệu các cuộc hội đàm có diễn ra được hay không.”

Ông Bolton đã mô tả kế hoạch của ông Trump hội kiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “cú sốc ngoại giao” và nói rằng đó sẽ là một cơ hội dẫn tới một mối đe dọa hành động quân sự.

“Tôi nghĩ rằng cuộc gặp này giữa hai nhà lãnh đạo có thể là một cuộc gặp khá ngắn ngủi, nơi mà ông Trump nói, ‘Nói cho tôi nghe là quý vị đã bắt đầu giải trừ hạt nhân hoàn toàn, vì chúng tôi sẽ không đàm phán kéo dài. Quý vị có thể cho tôi biết ngay bây giờ hoặc chúng tôi sẽ bắt đầu nghĩ về điều gì đó khác,” ông nói với đài phát thanh WMAL của Washington.

Cựu quan chức tình báo Hàn Quốc Nam Sung-wook nhận định ông Trump thậm chí có thể còn không có cơ hội đưa ra thông điệp đó.

“Việc ông Bolton được bổ nhiệm vào vị trí này khiến cho tình hình rất khó khăn mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều thậm chí có thể không diễn ra,” ông nói với Reuters. “Đường đi sẽ rất chông gai ngay cả trước hội nghị thượng đỉnh.”

265700cookie-checkTân cố vấn an ninh của Trump gây lo ngại từ Âu sang Á