Tám luận điểm dối trá của tuyên truyền Nga

0
155

Phan Phuong Dat

February 25, 2023

Một năm trước, quân đội Nga đã tiến hành cuộc xâm lược vào Ukraina từ nhiều hướng: phía bắc – từ lãnh thổ Belarus, phía đông – từ cái gọi là “LPR” và “DPR” và phía nam – từ Crimea đã bị sáp nhập. Vladimir Putin gọi đây là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhiệm vụ chính là “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraina. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã ghi nhận 18.657 thương vong trong dân thường Ukraine: 7.110 người chết và 11.547 người bị thương. Đây chỉ là những con số được xác nhận, thiệt hại thực tế chắc hẳn là lớn hơn nhiều.

Tuyên truyền đã trở thành một trong những vũ khí chính của chế độ Putin trong cuộc chiến với Ukraina – nó đã tỏ ra vô cùng hiệu quả cả trong và ngoài nước. Tuyên truyền có một số luận điểm được yêu thích đã trở thành meme (nhưng đối với một số người, đó là chân lý phổ biến). Chúng ta sẽ phân tích tại sao những luận điểm này là sai.

Luận điểm #1 “Tám năm qua anh đã ở đâu?”

Lần đầu tiên, cụm từ “tám năm” được nhắc đến trong bài phát biểu của Putin vào sáng sớm ngày quân Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraina – ngày 24/2/2022: “Tôi đã quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt, mục tiêu của nó là bảo vệ những người dân bị chế độ Kiev ức hiếp và diệt chủng suốt 8 năm qua.

Trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, những người Nga bị sốc đã bắt đầu lên tiếng phản đối chiến tranh, bao gồm trên mạng xã hội. Đáp lại, những bình luận cùng một kiểu bắt đầu xuất hiện với cùng một câu: “Anh đã ở đâu 8 năm qua, khi chúng ném bom Donbass?”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói: “Trong vòng 8 năm, các nước phương Tây đã thản nhiên đứng nhìn việc sát hại và ngược đãi hàng nghìn thường dân ở Đông Nam Ukraina. Trên thực tế, họ đã trở thành đồng phạm trong cuộc diệt chủng kéo dài nhiều năm đối với cư dân của LPR và DPR.”

Đến nay, luận điểm này vẫn được những người ủng hộ chiến tranh tích cực sử dụng mỗi khi Nga bắn phá các thành phố của Ukraina: “Donetsk đã phải sống trong tình trạng này hơn 8 năm.”

Sự thật: Cuộc chiến ở Donbass 8 năm trước cũng do Nga bắt đầu

Về điểm này thì tuyên truyền nói đúng – cuộc chiến đã bước sang năm thứ 9. Những người phản đối Putin cũng nói vậy, khi họ gọi ngày 24/2/2022 là “khởi đầu của một cuộc xâm lược toàn diện”.

Ai và bằng cách nào đã thúc đẩy tình trạng thân Nga ở Donbass là chủ đề cho một nghiên cứu riêng biệt. Nhưng rõ ràng là, khi thuộc Ukraina, Donbass là một khu vực giàu có, công nghiệp và đô thị hóa. Năm 2012 Donetsk đã đăng cai một số trận của Giải vô địch bóng đá châu Âu. Còn bây giờ Donbass đã biến thành một hố đen, với tình trạng không được công nhận, chiến tranh liên miên và luật pháp không được thực thi.

Nhưng tôi mới chính là người bóp cò bắt đầu chiến tranh. Nếu biệt đội của chúng tôi không vượt biên giới, thì rốt cuộc mọi thứ đã kết thúc như ở Kharkov hay Odessa. Sẽ có vài chục người bị giết, bị đốt, bị bắt, và mọi chuyện dừng ở đó. Thực tế là, chính biệt đội của tôi đã quay bánh đà của cuộc chiến, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn đến hôm nay,” Igor Strelkov (Girkin) đã thẳng thắn thừa nhận. Anh ta là một thành viên của lực lượng đặc nhiệm Nga, người vào năm 2014, với tư cách chỉ huy chiến trường, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến vũ trang ở vùng Donetsk và Lugansk.

Ngày nay, mối quan hệ của anh ta với FSB đã được điều tra kỹ. Người ta cũng biết rằng Strelkov đã nhận vũ khí từ Nga, bao gồm cả vũ khí hạng nặng và cả dàn tên lửa Buk đã bắn hạ chiếc Boeing của Malaysia. Để đáp trả chủ nghĩa ly khai có vũ trang được thúc đẩy từ bên ngoài, Ukraina đã phát động một chiến dịch chống khủng bố – chính là các cuộc pháo kích vào Donbass mà tuyên truyền nói đến.

Cường độ của các chiến dịch chống khủng bố và số thương vong ở cả hai bên đã giảm trong suốt 8 năm. Vào năm 2021, theo bộ phận báo chí của Ủy viên Nhân quyền “DPR”, 70 quân nhân và 7 thường dân đã chết trong khu vực. Tại thời điểm 30/1/2023, Liên Hợp Quốc đã xác nhận danh tính của 9998 nạn nhân trên lãnh thổ Donetsk và Lugansk – 4144 người thiệt mạng và 5854 người bị thương. Số người chết chính xác vẫn chưa được biết.

Luận điểm #2. “Bandera, phát xít mới, nghiện ma túy”

Lúc phát động chiến tranh, Putin đã hướng đến những người lính Ukraina và kêu gọi họ “giành quyền lực về tay mình”, bởi lẽ “băng nhóm tân phát xít và những kẻ nghiện ma túy ở Kiev đã bắt toàn bộ người dân Ukraina làm con tin.”

Putin không nêu tên cụ thể, nhưng những kẻ tuyên truyền đã cố tình đánh vào hai mục tiêu: những kẻ phát xít mới là trung đoàn Azov của Ukraina, và kẻ nghiện ma túy là Tổng thống Ukraina Vladimir Zelensky.

Hình ảnh Zelensky là một “con nghiện ma túy” được quảng bá bằng cả sự trợ giúp của các “nhà ma túy học”, những người dễ dàng đưa ra chẩn đoán dựa trên các bức ảnh của nhà lãnh đạo Ukraine. Ví dụ, một tay tâm lý học quân sự Alexei Zakharov nào đó tuyên bố: “Nghiện ma túy là đặc điểm của môi trường nghệ thuật. Nếu nói về khía cạnh tâm lý của hành vi của Zelensky, thì sẽ cần bác sỹ tâm thần chứ không phải tâm lý, bởi vì anh ta nghiện. Chỉ bác sỹ mới có thể giúp anh ta, với tư cách một bệnh nhân. Người đó nghiện ma túy, và đó là một bệnh tâm thần nghiêm trọng cần được điều trị.”

Kẻ tuyên truyền Vladimir Soloviev thường xuyên gọi Zelensky là thủ lĩnh của “băng nhóm nghiện ma túy và tân Quốc xã”. “Các băng nhóm vũ trang gồm những kẻ hôi của, cướp bóc và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc đang hoành hành ở Kyiv” – những lời này của đại diện chính thức Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov đã được lặp lại ồ ạt trên Runet (môi trường tiếng Nga trên internet – ND) một năm trước. Kể từ đó, dường như quân đội Nga chiến đấu với “những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc” thay vì với Lực lượng vũ trang chính quy của Ukraina.

Sự thật: Toàn dân Ukraina đứng lên bảo vệ đất nước

Thật vô nghĩa để bình luận về những cáo buộc rằng Zelensky nghiện ma túy – không có fact nào xác nhận điều này. Thậm chí hơi xấu hổ để nói về chủ đề này, nếu ta nhớ lại câu chuyện về 400 kg cocaine được cảnh sát phát hiện trong Đại sứ quán Nga ở Argentina.

Chủ nghĩa phát xít Đức là một hiện tượng lịch sử rất cụ thể: hệ tư tưởng của nước Đức Hitler giai đoạn 1933-1945. Tân phát xít (neo-nazis) được hiểu là những kẻ ngưỡng mộ Hitler, mà cả bây giờ người ta cũng có thể tìm thấy trên khắp thế giới (Nga cũng không ngoại lệ), nhưng ngày nay đây chỉ là một hiện tượng nhỏ lẻ. Tuyên truyền Nga thường dùng từ “Ukronazis” để chỉ những người ủng hộ “Khu vực cánh hữu” – một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mà sau đó trở thành một đảng chính trị. Trong cuộc bầu cử Quốc hội U năm 2014 (ngay sau maidan – sự kiện mà tuyên truyền Nga gọi là “chiến thắng của chủ nghĩa Ukronazis”), “Khu vực cánh hữu” chỉ nhận được 2,4% phiếu bầu. Đó là tất cả sự ủng hộ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraina.

Đối với Ukraina, sẽ đúng hơn nếu nói về một sự trỗi dậy của quốc gia: đó là khi một dân tộc xây dựng nhà nước của mình, và nhấn mạnh đến sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ của mình.

Ukraina, sau khi giành được độc lập hoàn toàn với sự sụp đổ của Liên Xô, đã bước vào thời kỳ xây dựng một nhà nước dân tộc. Người Ukraina tự hào là người Ukraina. Ngôn ngữ Ukraina với tư cách ngôn ngữ nhà nước, văn học Ukraina trong trường học, những anh hùng đấu tranh cho tự do của Ukraina trong lịch sử – tất cả đều là những yếu tố của chính trị quốc gia. Không có gì đặc biệt chống Nga trong đó – trước khi bắt đầu chiến tranh, mặc dù ở các khu vực phía đông thường có các cuộc thảo luận về tình trạng thống trị của ngôn ngữ Nga ở đó và một số luật được chính quyền Ukraina thông qua liên quan đến vấn đề này bị chỉ trích.

Tiểu đoàn Azov (lại một thứ bị tuyên truyền coi là “thành trì của chủ nghĩa phát xít mới”) được thành lập năm 2014 với tư cách là một đơn vị tình nguyện, nhưng vào thời điểm phòng thủ Mariupol đã là một phần của Lực lượng Vũ trang Ukraina. Có thể đọc thêm về lịch sử của sự hợp nhất này. Quân đội Nga giao chiến với quân đội Ukraina. Hai bên có cả quân nhân chuyên nghiệp và quân động viên. Đồng thời, Ukraina không có vấn đề gì trong việc tổng động viên như ở Nga. Điều này dễ hiểu: người Ukraina cầm súng bảo vệ quê hương, chứ không phải đi chiếm đất của người khác.

Luận điểm #3: “Chúng ta đi giải phóng họ”

“Người Ukraina đang mong chờ Nga giải phóng họ khỏi chế độ Kyiv,” – tất cả đều nói như theo chuỗi, từ những người dẫn chương trình Kênh 1 Nga cho đến những nhà bình luận ủng hộ chiến tranh trên mạng xã hội. Kiểu như 8 năm trước, một cuộc đảo chính đã diễn ra ở Ukraina, những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới đã nắm quyền và đàn áp dân số nói tiếng Nga. Nga đã đến để giải phóng người dân khỏi bọn “Bandera” và cho họ cơ hội sống trong hòa bình và không sợ khi nói tiếng Nga.

Thượng phụ Kirill: “Nga chưa bao giờ tấn công bất kỳ ai. Thật đáng kinh ngạc khi một quốc gia vĩ đại và hùng mạnh lại không tấn công bất kỳ ai mà chỉ bảo vệ biên giới của mình.”

Vào ngày 24/2, khi tuyên bố về “chiến dịch đặc biệt”, Putin nói rằng “kế hoạch của chúng ta không bao gồm việc chiếm đóng các lãnh thổ Ukraina. Chúng ta sẽ không áp đặt bất cứ điều gì lên bất kỳ ai bằng vũ lực.” Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lặp lại: “Không có ai nói về sự chiếm đóng. Từ này không thể áp dụng ở đây.” Thượng nghị sĩ Slutsky nhắc lại lời họ: “Chúng ta không định chiếm Ukraina, như ở Ukraina và các nước khác người ta buộc tội chúng ta.”

Margarita Simonyan: “Không có ai chiến đấu với người Ukraina, Ukraina hiện đang được giải phóng … Shoigu còn nói rằng ông ta kêu gọi đối xử lịch sự với quân Ukraina, bởi vì họ đã tuyên thệ và tuân theo mệnh lệnh. Còn đại diện Bộ Quốc phòng Konashenkov tuyên bố rằng Nga sẽ không ném bom các thành phố yên bình, khác với bọn độc ác kia. Nga thậm chí không ném bom các doanh trại, vì ở đó cũng có người, chúng ta chỉ ném bom các sân bay quân sự, trận địa phòng không và các thứ khác.”

Nhưng không lâu trước cái gọi là trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng “L/DNR”, Kharkiv và Zaporozhye vào Nga, Putin đã tuyên bố rằng Ukraina không phải là một quốc gia thực sự: “Tôi không thể không nhớ lại Liên Xô được thành lập như thế nào, khi Nga đã tạo ra Ukraina hiện nay. Chính Nga đã tạo ra Ukraina hiện nay, chuyển giao các lãnh thổ quan trọng vào đó, các lãnh thổ lịch sử của chính Nga, cùng với dân số”.

Sự thật: Xâm lược lãnh thổ của nước khác thì gọi là “chiếm đóng” chứ không phải “giải phóng”

Maidan năm 2014 là điểm khởi đầu cho hoạt động tuyên truyền của Nga, vốn vẫn coi kẻ chạy trốn Viktor Yanukovych là tổng thống “hợp pháp” của Ukraina. Tuyên truyền lờ đi thực tế là kể từ đó, hai cuộc bầu cử tổng thống đã được tổ chức ở Ukraina và hai ứng cử viên khác nhau đã giành chiến thắng và cả hai lần kết quả đều được cộng đồng thế giới, bao gồm cả Nga, công nhận.

Trước cuộc xâm lược toàn diện, Putin không hề phủ nhận tính hợp pháp của chính quyền Zelensky.

Vào ngày 24/2, quân đội Nga đã vượt qua biên giới quốc gia và xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia láng giềng. Đây được gọi là “xâm lược”. Nỗ lực nhằm sáp nhập các lãnh thổ bị chiếm đóng vào Nga thông qua cái gọi là “trưng cầu dân ý” đã khẳng định mưu đồ ích kỷ và hiếu chiến của Putin. Tuyên truyền đã thay thế từ “xâm lược” bằng từ “giải phóng” theo nguyên tắc của Goebbels: lời nói dối càng kinh khủng thì càng nhanh chóng được mọi người tin (thực ra, đây là một câu nói được diễn giải từ cuốn “Mein Kampf” của Hitler: “Đại chúng […] có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của một lời nói dối lớn hơn là lời nói dối nhỏ”).

Nếu quân đội Nga hiện đang giải phóng người Ukraina khỏi bất cứ thứ gì, thì đó là “giải phóng” họ khỏi nhà cửa, tài sản, bạn bè, và nhiều khi là khỏi cuộc sống của chính họ.

Còn cái tuyên bố rằng “Nga chưa bao giờ tấn công bất kỳ ai” đơn giản là không đúng sự thật.

Luận điểm #4: “Chúng ta đang chiến tranh với toàn bộ NATO”

Sau khi bắt đầu đợt động viên, tuyên truyền chuyển sang xoay quanh luận điểm rằng quân đội Nga không chiến đấu với Ukraina, mà với toàn bộ Liên minh NATO. Bằng cách đó, họ biện minh cho tổng động viên và những thất bại trước đó ở mặt trận. “Đã đến thời điểm chúng ta thực sự chiến tranh với phương Tây tập thể, với NATO, hay ngược lại – với NATO, với phương Tây tập thể”, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nói. “Đúng, chúng ta thấy toàn bộ NATO đang chiến đấu chống lại chúng ta như thế nào, và ở đây những câu chuyện rằng “chúng tôi không chiến đấu mà chỉ trang bị vũ khí” thật lố bịch”, – Ngoại trưởng Sergey Lavrov xác nhận.

Margarita Simonyan: “Tôi có vui không khi đợt động viên được công bố, ngay cả khi là động viên một phần? Không. Có thể chiến đấu với Ukraine bằng gót chân trái chân sau. Bởi vì – sức mạnh quân sự Ukraina và vũ khí Ukraina thì là cái quái gì? Nhưng chiến đấu với toàn bộ phương Tây, với NATO (và không chỉ NATO), thì không thể như vậy. Vì vậy, rõ ràng là chúng ta không thể không động viên quân.

Viktor Litovkin, bình luận viên quân sự của TASS: “Phải hiểu rằng, chúng ta không chiến tranh với Ukraina, mà là với NATO, với Hoa Kỳ. Chỉ là chúng đánh nhau với ta bằng mạng sống của người dân Ukraine. Và vì đối đầu với NATO và Hoa Kỳ không phải là một cuộc dạo chơi đơn giản, nên cần thêm nhân lực, thiết bị quân sự, nỗ lực hơn nữa để giành chiến thắng ở đó và bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của người dân Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk.”

Sự thật: Gần như cả thế giới lên án hành động xâm lược của Nga

Bản chất của toàn bộ chính sách của Putin là đối đầu với phương Tây. Ngay từ đầu, cuộc xâm lược Ukraina đã được rêu rao với khẩu hiệu “không để NATO đến biên giới của chúng ta”, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại: Phần Lan và Thụy Điển hiện đang gia nhập NATO. Tuy nhiên, Phần Lan không phải là quốc gia đầu tiên trong liên minh giáp biên giới với Nga. Latvia, Litva và Estonia đã tham gia từ năm 2004, còn Na Uy thì đã ở đó từ 1949 khi NATO ra đời.

Nhân tiện, vào tháng 2/2023, tình báo Na Uy đã báo cáo rằng quân số Lực lượng Vũ trang Nga ở biên giới với các nước NATO đã giảm “xuống còn 1/5 lực lượng”. Tức là, trên thực tế, giới lãnh đạo quân sự Nga không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa xâm lược nào từ NATO. Điều này có thể hiểu được: Nga chưa bao giờ có xung đột vũ trang với Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Tập trận chung thì có, chiến tranh thì không. Đã có lúc các chính trị gia thậm chí thảo luận về câu hỏi liệu Nga có nên gia nhập NATO hay không, nhưng họ không tìm thấy bất kỳ ý nghĩa hay khả năng kỹ thuật nào.

Vì Ukraina là nạn nhân của cuộc xâm lược, hàng chục quốc gia đang hỗ trợ quân sự cho nước này. Trước khi có cuộc xâm lược toàn diện, không hề có điều này.

Luận điểm #5: “Putin không có lỗi, ông ta buộc phải khơi mào chiến tranh”

Cả bản thân Putin lẫn những kẻ tuyên truyền liên tục nói rằng Nga không tấn công Ukraina. “Chiến dịch đặc biệt” được cho là một biện pháp gìn giữ hòa bình. Kẻ có lỗi là Hoa Kỳ, NATO và chế độ Kiev, mà đã bị phương Tây giật dây để biến Ukraina thành “chống Nga”.

Chúng ta đã chịu đựng trong một thời gian dài, cố gắng đi đến một thỏa thuận. Nhưng hóa ra, chúng ta chỉ đơn giản là bị dắt mũi, bị lừa dối. Chúng ta đã làm mọi cách để giải quyết tình hình bằng các biện pháp hòa bình. Nhưng kẻ thù đã chuẩn bị để đưa cuộc xung đột vào giai đoạn nóng. Chúng ta không còn cách nào khác. Gốc gác của quyền lực nhà nước ở Ukraina là một cuộc đảo chính, chúng ta không được quên điều này“, Putin nói trong một bài phát biểu.

Một giả thuyết cũng nói rằng, nếu không phải do quyết định sáng suốt của Putin bắt đầu “chiến dịch đặc biệt”, thì NATO sẽ tấn công Donbass và sau đó là Nga.

Chủ tịch Duma Viacheslav Volodin: “Theo nghĩa đen, trong ba giờ đồng hồ, nếu chúng ta không làm điều đó, thì cuộc chiến sẽ được khơi mào bởi các băng đảng theo chủ nghĩa dân tộc, Bandera, được NATO nuôi nấng, từ lãnh thổ Ukraine và tiếp theo sẽ là thảm họa – cả nhân đạo và quân sự. Bởi vì thường dân của DPR và LPR – 4 triệu người, còn sau đó là biên giới của chúng ta gần kề.

Sự thật: Trách nhiệm khơi mào chiến tranh thuộc về người đã ra lệnh

Sẽ thật ngu ngốc nếu các “băng đảng theo chủ nghĩa dân tộc” vượt qua biên giới Liên bang Nga khi mà gần như tất cả các lực lượng vũ trang thiện chiến của Nga đều đang tập trung ở đó. “Quân đội thứ hai thế giới” sẽ đẩy lùi họ chỉ trong vài giờ. Mà khi đó cả thế giới sẽ đồng cảm với Nga – một khi Nga là nước bị tấn công. Sẽ không có lệnh trừng phạt, không có sự cô lập, không có việc phương Tây cung cấp vũ khí ồ ạt cho Ukraina.

Putin bắt đầu cuộc chiến vì ông ta đã chuẩn bị cho nó từ năm 2014. Ông ta muốn cuộc chiến này. Nếu không, thì không khó để tìm ra giải pháp ngoại giao cho tất cả những vấn đề được nêu ra để biện minh cho cuộc xâm lược. Chiến lược gia chính trị, trợ lý tổng thống Nga Vladislav Surkov gần đây đã thành thật thừa nhận rằng các thỏa thuận Minsk (để giải quyết tình hình ở Donbass, được ký vào năm 2015) đã được Nga dự tính không thực thi ngay từ đầu.

Luận điểm #6: “Đời đời tưởng nhớ người anh hùng”

Vào ngày 21/9, Putin tuyên bố “động viên một phần”, gọi đó là “biện pháp thích hợp trong bối cảnh các mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt.” Ông ta ngay lập tức hàm ý Nga không tiến hành chiến tranh xâm lược mà chỉ tự vệ.

“Để bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, để đảm bảo an ninh cho nhân dân ta và người dân ở các vùng lãnh thổ được giải phóng”, Putin nói.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nói rằng 300.000 người sẽ được huy động. Một chiến dịch thông tin rộng rãi đã được tung ra ngay lập tức. Các kẻ tuyên truyền, những người nổi tiếng đang ủng hộ chiến tranh và các quan chức ở các khu vực của Nga thi nhau tuyên bố rằng “bổn phận của mỗi người yêu nước là đi bảo vệ Tổ quốc.” Các video bắt đầu xuất hiện với những “người đàn ông dũng cảm” không ngại ra mặt trận. Còn những người không chịu đi chết và đi giết chóc thì ngược lại, là những kẻ hèn nhát và phản bội.

Vladimir Soloviev: “Đó là những kẻ bị nỗi sợ hãi đè bẹp, thỉnh thoảng lại lên cơn hoảng loạn, thậm chí còn khó gọi chúng là đàn ông, chúng là những kẻ hèn nhát và phản bội tổ quốc, hãy cứ để chúng chạy đi, chúng sẽ chẳng có ích gì ngoài mặt trận, đó là một mắt xích yếu, khi có cơ hội đầu tiên chúng sẽ quỳ gối đầu hàng.”

Mạch tuyên truyền về anh hùng hóa được tiếp tục trong các bản cáo phó. Tất cả các quân nhân thiệt mạng của Nga, bao gồm cả các tù nhân thuộc đội Wagner, đều được tuyên truyền gọi là những anh hùng, đã hy sinh vì bầu trời hòa bình và an ninh của nước Nga. Bất kỳ tin nào về cái chết hoặc đám tang của một quân nhân nữa đều kèm theo một số lượng lớn các bình luận giống nhau như “đời đời tưởng nhớ anh hùng!”, “xin cúi đầu trước các vị thân sinh của anh hùng!”, “anh ấy đi để bảo vệ quê hương.” Các kẻ tuyên truyền đang cố gắng trình bày với khán giả rằng cuộc chiến ở Ukraina là chiến tranh “vệ quốc”.

Sự thật: Người ta bảo vệ Tổ quốc trên đất mình, chứ không phải bên ngoài biên giới

Nhắc lại lần nữa: Quân đội Nga đã vượt qua biên giới của một quốc gia láng giềng. Đây là một cuộc tấn công. Còn phòng thủ thì ngược lại: khi bạn bị tấn công và bạn chống trả. Trên thực tế, Lực lượng Vũ trang Ukraina đang làm điều đó.

Bộ luật Hình sự Nga có Điều 353: “Lập kế hoạch, chuẩn bị, khởi xướng hoặc tiến hành chiến tranh xâm lược”. Từ bảy năm đến hai mươi năm tù. Ngoài ra còn có Điều 359: “Lính đánh thuê”. Điều này dành cho tất cả những người được tuyển dụng bởi cái gọi là “Công ty quân sự tư nhân Wagner”. Luật pháp Nga không có thứ gọi là “công ty quân sự tư nhân”, vì vậy trên thực tế, Wagner là một tổ chức vũ trang bất hợp pháp. Đây là điều 208 của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga: từ 8 đến 15 năm đối với tội tham gia và từ 10 đến 20 năm đối với tội thành lập, tài trợ và lãnh đạo.

Những người lính bình thường, theo quy định, không bị xét xử vì tham gia vào các hoạt động chiến sự do nhà nước của họ lãnh đạo. Nhưng họ không được miễn trách nhiệm đối với các tội ác chiến tranh: cướp bóc, giết thường dân, tra tấn tù nhân – tất cả những điều này đều bị trừng phạt.

Vì vậy, “anh hùng” trong bất kỳ cáo phó nào đều chỉ là uyển ngữ. Chẳng có gì là anh hùng khi chết như một kẻ chiếm đóng và xâm lược ở một vùng đất của người khác.

Luận điểm #7: “Người Ukraina tự đánh bom, Bucha là fake còn tên lửa Nga rất chính xác”

Ngay từ đầu cuộc chiến, phía Nga đã phủ nhận các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự. Họ khẳng định rằng quân đội Nga chỉ tấn công các mục tiêu quân sự – và luôn sử dụng vũ khí có độ chính xác cao.

Sergei Lavrov: “Các quân nhân của chúng tôi tham gia chiến dịch đặc biệt có mệnh lệnh nghiêm ngặt – chỉ sử dụng vũ khí có độ chính xác cao để tiêu diệt cơ sở hạ tầng quân sự. Ngay cả doanh trại nơi các quân nhân Ukraina đóng quân cũng không phải chịu bất kỳ cuộc tấn công, bất kỳ cuộc bắn phá nào.”

Đại diện Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov: “Vũ khí chính xác cao của Lực lượng Vũ trang Nga chỉ vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự, cơ sở phòng không, sân bay quân sự và máy bay của Lực lượng Vũ trang Ukraina.”

Phía Nga phủ nhận rằng họ bắn phá vào các tòa nhà dân cư. Tuyên truyền thổi luận điểm rằng “Ukraina tự đánh bom mình”, rằng tên lửa phòng không Ukraina rơi xuống các khu dân cư.

Bộ Quốc phòng Nga: “Thông tin về một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào một tòa nhà dân cư trên Đại lộ Lobanovsky ở Kiev là không đúng sự thật. Bản chất thiệt hại của ngôi nhà cho thấy một tên lửa phòng không đã bắn trúng nó. Rõ ràng rằng, trong quá trình chống đỡ một cuộc tấn công ban đêm bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraina, một lỗi đã xảy ra trong hệ thống dẫn đường của tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1 của Ukraina, và tên lửa này đã đánh trúng góc của tòa nhà dân cư”.

Quân đội Nga bắt đầu công khai phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina sau vụ nổ trên cầu Crimea. Các cuộc pháo kích lớn vào các lãnh thổ Ukraina được các kẻ tuyên truyền gọi là “một cuộc tấn công trả đũa.” Tổng cộng, bốn đợt tấn công bằng tên lửa đã bao trùm Ukraina vào ngày đầu tiên sau vụ nổ. Nhiều thành phố mất điện và nước.

Vào cuối tháng 3, quân đội Nga rút khỏi thành phố Bucha của Ukraine. Sau đó, một số lượng lớn thi thể của thường dân thiệt mạng đã được tìm thấy ở đó. Theo Liên Hợp Quốc, trong thời gian chiếm đóng Bucha, quân đội Nga đã giết ít nhất 73 thường dân, với 105 vụ giết người khác có thể xảy ra đang chờ xác nhận. Ngay sau khi những bức ảnh đầu tiên xuất hiện, tuyên truyền bắt đầu nhân rộng các giả thuyết rằng tại sao các vụ giết người ở Bucha là “fake”.

Bộ Quốc phòng Nga: “Tất cả các đơn vị của Lực lượng vũ trang Nga đã hoàn toàn việc rời Bucha vào ngày 30/3 và “bằng chứng tội ác” ở Bucha chỉ xuất hiện vào ngày thứ tư sau đó, khi các nhà báo và quân đội Ukraina đến đó.

Một luận điểm khác của Bộ Quốc phòng và nhiều bình luận viên là “xác chết còn tươi”. “Tất cả thi thể của những người có hình ảnh được chế độ Kiev công bố, sau ít nhất bốn ngày, đã không bị cứng lại, không có những vết đặc trưng của xác chết, và có máu chưa đông ở các vết thương trên người họ.”

Vladimir Putin cũng gọi những vụ giết người ở Bucha là “fake” – cũng giống “như những gì người Mỹ đã làm ở Syria và Afghanistan.” “Ở Bucha cũng là fake tương tự. Alexander Grigoryevich [Lukashenko] hôm nay đã đưa cho tôi tài liệu để chuyển cho FSB, họ đã bắt được những cuộc nói chuyện về việc đó – làm thế nào, ai và phương tiện giao thông nào đã đến khu định cư này và tạo điều kiện để tổ chức hành động khiêu khích này“, ông ta nói.

Sự thật: Những tội ác chiến tranh đã được ghi lại trong chế độ real-time

“Chối bỏ mọi thứ” là võ đơn giản nhất. Bất kỳ tên tội phạm nào cũng phủ nhận việc liên quan đến tội ác nếu bị nghi ngờ. Nhưng phủ nhận cả việc đã có tội ác xảy ra thì là cấp độ cao hơn.

Vấn đề (của tuyên truyền) là chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số. Phía trên sân khấu của các hoạt động chiến tranh, có hàng trăm vệ tinh không gian hoạt động, liên tục chụp ảnh Trái đất. Nhân tiện, trên cơ sở các bức ảnh đó, cuộc điều tra nổi tiếng của The New York Times đã được thực hiện. Các nhà báo đã chỉ ra rõ ràng rằng thi thể của những thường dân bị giết xuất hiện trên đường phố Bucha trong giai đoạn quân Nga chiếm đóng thành phố.

Còn dưới đất, hầu hết mọi người đều có điện thoại thông minh có camera chụp ảnh và quay phim. Sự thật về các tội ác chiến tranh được ghi lại ngay trong quá trình chúng được thực hiện, và các bằng chứng của các nhân chứng ngay lập tức được ghi lại và chia sẻ qua Internet ra khắp thế giới. Không thể giả mạo hàng chục và hàng trăm nguồn độc lập. Ngoài ra, tất cả các nạn nhân của cuộc chiến này đều có tên. Có những người bạn và người thân kể câu chuyện của họ. Gọi họ là “fake” tức là thể hiện sự thiếu tôn trọng vô sỉ đối với nỗi đau của người khác.

Chúng ta quay trở lại các quy luật logic: thật là một tình huống khá kỳ lạ, rằng người Ukraina bắt đầu “tự đánh bom” chỉ sau khi quân Nga tiến vào lãnh thổ Ukraina.

Luận điểm #8: “Không được chống lại đất nước của mình, ngay cả khi nó sai”

Đây là đòn tuyên truyền cuối cùng cho những người còn hoài nghi. Thông điệp được gửi đến cả những người đã rời bỏ đất nước lẫn những người trong nước không ủng hộ “chiến dịch đặc biệt”: “Chính quyền có thể không lý tưởng, nhưng trong những thời điểm khó khăn, phải đồng hành cùng đất nước.” Và “là người Nga là rất quan trọng” trong thời kỳ “tất cả đều bài xích Nga”.

Các kênh Z và các bot trên mạng xã hội tích cực phát tán một đoạn trích từ cuộc phỏng vấn với nam diễn viên Sergei Bodrov: “Trong chiến tranh, không được nói xấu quân mình. Không bao giờ. Ngay cả khi họ sai. Ngay cả khi đất nước của bạn sai trong chiến tranh, bạn không được nói xấu về nó“.

Vyacheslav Volodin: “Người của ta đang chiến đấu ở đó, binh lính, sĩ quan. Họ đang chiến đấu vì ai? Vì bạn và tôi, vì an ninh của đất nước chúng ta. Chúng ta có hiểu rằng, nếu không có điều này thì an ninh không thể đảm bảo? Có hiểu. Và trong mối liên quan đó, nói rằng chiến dịch này là không cần thiết hay nghi ngờ nó thì đều là sự phản bội đối với những người lính và sĩ quan của chúng ta.”

Nikolai Baskov: “Bài xích Nga (russophobia), hiện đang phát triển trên thế giới, là để nhằm mục đích khiến chúng ta cảm thấy mình là những kẻ hạng hai đáng thương, tầm thường và tự ti. Ví dụ, để chống lại chúng ta, có thể nói, người ta đã thống nhất đồng đô la và đồng euro, kiểu như, chúng mày chẳng là ai. Chúng mày, những người Nga, chúng mày có thể nói gì? Vì vậy, theo tôi, bây giờ quan trọng nhất chính là vị thế của đất nước chúng ta, của nhà nước của chúng ta – trong sự thống nhất, đoàn kết, trong niềm tự hào rằng chúng ta là người Nga.

Một “bản ghi nhớ cho công dân Nga trong cuộc chiến thông tin” cũng bắt đầu lan truyền trên mạng, một điểm trong đó là: “Trong chiến tranh, tuyệt đối không được chống lại đất nước của mình và các nhà lãnh đạo đất nước. Chống lại đất nước của mình trong chiến tranh là một sự phản bội.”

Sự thật: Chiến tranh tàn phá không chỉ Ukraina, mà cả Nga

Vào những năm 1940, khi quân đội Đức Quốc xã đánh chiếm được các nước láng giềng châu Âu và tấn công chớp nhoáng vào Liên Xô, các thành viên của phong trào kháng chiến chống Hitler đã bị hành quyết ở trong nước Đức. Sau khi Hitler lên nắm quyền, các nhà khoa học, nhà văn và triết gia, và cả những công dân bình thường không ủng hộ hệ tư tưởng Đức Quốc xã đã rời bỏ đất nước. Ngày nay, những người Đức chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít được gọi là anh hùng chứ không phải kẻ phản bội. Và những “người yêu nước” hóa ra lại là đồng bọn của các tội phạm chiến tranh. Con cháu của họ đến nay vẫn chưa nguôi mặc cảm tội lỗi.

Hỗ trợ người thân, ở bên mọi người – đây là bản năng vốn có của con người với tư cách là một “động vật xã hội”. Nhưng trong thế giới con người, không giống như con vật, có những phạm trù đạo đức – thiện và ác. Cơ sở của nền văn minh nhân loại là chống lại cái ác và tin vào chiến thắng của cái thiện. Để đơn giản hơn trong việc phân biệt cái này với cái kia, có rất nhiều life hack, từ Bộ luật Hình sự (nhắc lại Điều 353) cho đến Bài giảng trên núi (Mười điều răn, trong đó có “Ngươi chớ giết người”).

Nước Nga, khi tấn công Ukraina, đã phạm một tội ác khủng khiếp. Trong tình huống này, hỗ trợ “đất nước của chúng ta” và “các chàng trai của chúng ta” tức là ủng hộ cho tội ác. Hơn nữa, cuộc chiến là thảm họa không chỉ đối với Ukraina mà còn đối với chính Nga. Hàng vạn người chết lúc trai trẻ, gia đình họ đau khổ. Hàng trăm ngàn người đã rời bỏ đất nước. Sự cô lập quốc tế làm cho nhà nước trở nên nghèo hơn, nghĩa là tất cả các vấn đề chưa được giải quyết (thuốc chữa bệnh, nhà ở cho trẻ mồ côi, đường xá, khu dân cư) sẽ vẫn không được giải quyết. Thêm vào đó là chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương của những người tham gia chiến sự, thương tích và khuyết tật của họ, và những tâm hồn què quặt của các nạn nhân của tuyên truyền. Hậu quả của cuộc chiến đối với Nga sẽ nghiêm trọng không kém đối với Ukraina. Chỉ khác là sẽ không có ai giúp người Nga đối phó với chúng.

Dịch từ bài tiếng Nga trên svoboda.org “Война – это мир”. Как врет пропаганда и можно ли вылечить отравленного ей. Bài gốc có nhiều ảnh và link. Tiêu đề bài dịch do người dịch đặt.

https://phanphuongdat.com/2023/02/25/tam-luan-diem-doi-tra-cua-tuyen-truyen-nga/

695510cookie-checkTám luận điểm dối trá của tuyên truyền Nga