Ngành Y là một ngành đặc biệt. Từ lúc bước chân vào trường đại học Y Khoa cho đến lúc giã từ vũ khí, người bác sĩ phải luôn luôn học tập không ngừng. Thế hệ của tôi may mắn được học tập, tiếp cận với các Thầy Cô là bác sĩ được Mỹ đào tạo trước năm 1975. Các Thầy Cô có vốn Anh Văn rất giỏi, đọc được tất cả tài liệu Y khoa trên thế giới và luôn khoan dung độ lượng, gợi mở cho đàn em một thế giới Y khoa bí ẩn và có sức hấp dẫn đặc biệt. Tôi còn nhớ, năm đó tôi sinh viên năm thứ tư. Tôi vào thư viện của bệnh viện Nhi Đồng 2 để đọc tài liệu về triệu chứng học bằng tiếng Anh. Nói là đọc cho oai chứ tra tự điển muốn khùng luôn! Ngồi gần tôi là một bác sĩ đầu hai thứ tóc. Bác ấy đọc hết tài liệu này đến tài liệu khác. Năm ấy, 1984, làm gì có Internet. Sách báo ngoại văn rất hiếm. Bác sĩ ấy không cần người thủ thư, tự bắc ghế leo trèo để tìm sách. Quyển nào quyển nấy dày cộp tiếng Anh và tiếng Pháp. Đang đọc nửa chừng, bác ngửng đầu lên hỏi tôi :” Sinh viên năm mấy?”. Tôi trả lời:” Dạ, con học năm thứ tư”. Bác sĩ ấy chỉ nói cộc lốc:” Tốt!”. Sau này tôi mới biết bác sĩ ấy là bác sĩ Trần Đông A, một bác sĩ phẫu thuật Nhi nổi tiếng, được đào tạo Y Khoa từ trước 1975. Tôi cũng không ngờ những ngày bác sĩ Đông A vào thư viện đọc sách là bác ấy đang tìm tài liệu để chuẩn bị cho ca mổ nổi tiếng thế giới tách đôi cặp song sinh Việt Đức! Tôi kể dài dòng như thế này là vì đang ưu tư đến một thực trạng xuống cấp của bác sĩ Việt Nam về chuyên môn và y đức. Y đức bao gồm luôn cách đối xử với đồng nghiệp. Trong đó, nổi bật lên sự đố kỵ. Có một số bác sĩ sống lâu lên lão làng, đi học kiếm dăm ba bằng cấp. Sau đó ung dung mài bằng cấp mà ăn cho tới già, không có khả năng tự đào tạo để cập nhật kiến thức mới của thế giới! Tại sao lại không cập nhật được? Đơn giản là vì không hề có khả năng đọc tài liệu Y Khoa bằng tiếng Anh. Nhưng khổ nỗi là các bác sĩ trẻ đàn em bị vạ lây. Đứa nào có khả năng nghiên cứu đọc sách nhiều, ngoại ngữ giỏi là bị ghét! Đó là thói đố kỵ trong ngành Y, bệnh này thường xảy ra ở các lãnh đạo yếu chuyên môn mà không cầu tiến. Tôi chạnh nhớ ngày xưa. Người bác sĩ nổi tiếng cả thế giới đó khi thấy một sinh viên quèn tập tễnh bước chân vào thế giới khoa học, ông không chê cười hay đố kỵ mà chỉ một lời khen cũng đủ làm thay đổi một cuộc đời của người bác sĩ tương lai…