Nguyễn Thùy Dương
NỮ KIỆT THỦ THIÊM
+++++++++++++++++
Tác giả chiến tích “Toma-dép”, Nguyễn Thùy Dương viết về gia đình mình qua bao nhiêu năm tháng, thăng trầm khổ ải trên giải đất tổ tiên!
Thật bất ngờ! Một giọng văn Nam Bộ ngọt ngào như nước nguồn sông Đồng Nai!
Những câu văn ngắn, rắn chắc, chân tình như lục bình trôi về biển, như trần tình trước nhân dân!… NĐH
____________________________________________________
SỐNG NGHÈO, CHẾT KHỔ
Nguyễn Thùy Dương
Phần 1: Duyên phận cùng khổ
Ông Bảy có 7 anh chị anh. Chị lớn lấy chồng, còn lại sáu anh em trai ế vợ đều hết do nghèo quá không ai lấy. Theo phong tục miền Nam, ông Bảy dù thứ 7 nhưng là con thứ 6 trong nhà. Má ông Bảy đẻ ông Tám khó quá nên lìa đời. Hai năm sau, ba ông cũng đi chầu ông bà. Chị Hai nghèo ráng lo thằng Tám, còn lại mấy anh em đi ở mướn cho nhà giàu.
Ông Bảy đi ở hồi 7-8 tuổi, còn nhỏ chỉ phụ cắt cỏ, gieo hột giống, phụ việc vặt trong nhà chủ kiếm cơm. Chủ thương cho học, được học chữ nho để đọc được thôi, về sau ông được học lỏm thêm được thêm chữ Việt. Vậy là ông biết hai tuồng chữ, đọc thì được, chứ viết như cua bò. Sau lớn lên ông thích tuồng chữ Nho hơn, coi hát đình quệt cho nó oai.
Năm ông Bảy hơn 10 tuổi, chủ giao ông chăn bò, chăn được chục năm thì ông lấy vợ. Vợ ông Bảy là cô ở đợ chung nhà luôn. Năm sau, bà Bảy đẻ được thằng con trai coi bộ cũng được lắm. Ông sáng lùa bò ra đồng, đi chợ về nấu cơm cho vợ. Nhưng ai có dè bà Bảy ở nhà chờ đói quá, bà ra sau nhà thọc (hái) trái đu đủ chín hòm hòm vô gọt ăn. Ông Bảy đi chợ về nghe con khóc dữ, chạy vô thì vợ sùi bọt mép cứng đơ rồi.
Đám ma bà Bảy diễn ra đơn giản, ông Bảy xin nghỉ, ôm con đi xin sữa. Đứa nhỏ thiếu sữa, bịnh ngặt không lâu cũng chết. Ông Bảy buồn, xin chủ cho nghỉ, ông bán mấy con bò. Bị vì hồi đó chăn lâu nên ông bà cho con bò cái già, nó đẻ được mấy lứa. Ông nhập chung bầy bò chủ chăn luôn. Ông lãnh lương cũng được một mớ, ông chia cho mấy anh em, rồi quẩy giỏ bỏ xứ mà đi. Năm đó, ông mới hơn 20 tuổi. Mang tiếng bỏ xứ chứ cũng không xa lắm, cách có con sông thôi. Bỏ từ thành Tuy Hạ qua Cát Lái (cách 5 cây số).
Ông Bảy bỏ xứ đi mần mướn tiếp. Ông cứ cặm cụi mần không để ý chuyện vợ con, bao nhiêu tiền ông đi đá gà, đá cá. Chơi hết tiền thì thôi, không trộm cắp ai hết. Nhà ông Bảy ở kế bên một nhà làm thuốc. Thầy thuốc nhà đó già rồi, thiên hạ đồn có tay phục dược dữ lắm. Gia đình giàu có, quan trong huyện cũng phải tìm tới. Nhà đó có đứa cháu ngoại coi cũng ngộ. Con nhỏ hay chạy chơi vòng quanh mấy bụi bông trang, da trắng phau, mắt to tròn, mũi thanh, thấy thương lắm. Mấy bữa đi đá gà về ông Bảy hay mua cho nó mấy cái bánh. Con nhỏ khoái lắm.
Rồi nhà con nhỏ phá sản, ông ngoại nó khám bịnh cho quan. Dần lâu sa đà vô bàn đèn, thuốc phiện, gia sản bán hết, không ai tới khám. Ông ngoại nó chết vừa chôn người ta siết nhà luôn. Cả gia đình mười mấy người dọn ra bờ ruộng ở, nhà làm thuốc nên không trữ ruộng. Tới lúc bại sản không có nổi công ruộng để mần. Nên đi cắt cỏ bàng, cỏ lát về đan đệm, đan giỏ.
Con nhỏ lớn lên đẹp lắm, nó cao nhong nhỏng. Ông Bảy đứng tới mang tai con nhỏ. Nó lớn lên lấy chồng gặp phải thằng âm hồn, con nhỏ sanh đứa con gái. Thằng chồng bỏ, tại hổng biết sanh, trước đó thằng chồng lấy hai bà vợ đều sanh con gái. Con nhỏ năm đó mới 18, trẻ măng như bông chớm nở, ôm đứa con gái khóc không nên tiếng. Đêm ông Bảy nằm nghe đứa nhỏ khóc mà tội. Ông nhớ thằng con trai ông, năm đó nó cũng khóc như vậy, rồi lịm dần trên tay ông. Được đâu một tháng, sau khi cô Bảy hàng xóm bị chồng bỏ, ông Bảy mê đá gà bên này bỏ đá gà, qua xin chắp nối với cô Bảy.
Nhà cô Bảy đan chiếu mừng húm. Có thằng rước dùm đỡ miệng ăn, nghèo quá mà. Ngặt nổi cô Bảy hông chịu, do anh Bảy lớn hơn cô 18 tuổi. Má cô Bảy đánh cô dữ lắm, roi phướn đánh tím mình mẩy. Cuối cùng cô chịu về ở với ông Bảy. Ngày theo chồng, cô Bảy chỉ quẩy cái giỏ mấy bộ đồ cũ, ôm theo đứa con nhỏ.
Ông Bảy tính tới tính lui. Hồi đó, một mình ênh sao cũng được, giờ có vợ con phải lo cho vợ con. Ông được người chỉ đi xin ruộng quan Tây. Nào giờ, ông có biết quan Tây đâu. Ông sợ Tây lắm, Tây nó lớn lắm, tóc cũng khác màu. Ông cũng đánh liều ra đồn Cát Lái xin ruộng. Hên sao, ông gặp quan Việt với quan Tây. Ông thấy đỡ lo, có quan Việt là mừng. Ông nói qua hoàn cảnh rồi cũng thiệt tình kể qua có người chỉ qua xin ruộng. Quan Việt nói gì đó với quan Tây, ông Tây nghe xong cười haha, rồi lại nói gì đó với ông Việt. Hai ông cùng cười, cuối cùng ông Việt nói lại:
– Đất gì là đất xin, đất này là của trời đất. Mày khai được tới đâu, cho tới đó. Miễn thuế 3 năm đầu.
Ông Bảy mừng quá, bái lạy lia lịa. Quan Việt tiếp lời:
– Mày biết mấy tuồng chữ.
– Dạ, thưa quan. Con biết hai tuồng chữ mà rành chữ nho hơn. Có điều con biết đọc thôi à!
– Mày đỡ hơn thằng hồi nãy. Mày tên gì?
– Dạ, thưa Quan. Con tên Nguyễn Văn Cát, tên thường kêu là Bảy Hạt. Vợ con là Nguyễn Thị Siêng, tên thường kêu là Bảy Siêng.
– Mày nghèo là đúng rồi. Siêng cỡ nào cũng số hột cát à con. Dìa đi!
Ông Bảy bái quan rồi dìa. Cái ông lo là lấy gì ăn trong lúc khai hoang? Vợ thì còn con nhỏ? Kể từ bữa đó, ông nghỉ đi ở. Ông lên rừng đào củ mài về luộc đem theo ra đồng cắt cỏ khai hoang. Bà Bảy ban đầu ở nhà sau thấy chồng cực quá cũng ra đồng phụ. Ông bà bẻ tràm dựng cái lều nhỏ bỏ con trên bờ còn mình đi cắt cỏ. Ông lựa khoản đất gần chỗ nước vô ra cho có nước. Lần đầu, ông bà bắt tay mần ruộng. Vợ chồng ăn củ mài thay cơm. Đứa con thiếu sữa ốm nhách. May sao, bữa đó thằng Chín đi ngang. Nó hỏi:
– Chú Bảy! Cơm đâu mà chú thím hổng ăn, đi ăn củ mài chi cho khổ dạ?
– Gạo đâu mà ăn, hổng ăn củ mài cho đói hả?
– Hông có thì đi xin, tía con cũng xin mà. Hồi đó đói y như chú thím đi xin lúa về ăn.
– Ở đâu mà xin?
– Quan Tây chứ đâu trời, quan thiếu gì lúa!
Ông bà Bảy hết hồn nhìn thằng Chín.
***