Quy trình kế vị của chế độ quân chủ Anh diễn ra như thế nào?

0
261

NCQT18/09/2022

Nguồn: “How does the British monarchy’s line of succession work?”The Economist22/10/2021

Biên dịch: Phạm Quốc Hào

Việc Thái tử Charles kế vị ngai vàng có vẻ sẽ rất khác với mẹ ông

“Điều duy nhất được biết đến đi nhanh hơn ánh sáng bình thường là chế độ quân chủ,” theo cách nói của Ly Tin Wheedle, triết gia kiểu Khổng Tử trong tiểu thuyết “Discworld” của Terry Pratchett. Theo truyền thống, khi một quốc vương qua đời, quyền kế vị sẽ được chuyển đến người thừa kế ngay lập tức. Ngay sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, con trai cả của bà, Charles, đã trở thành nguyên thủ quốc gia của 4 quốc gia thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, và 14 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung khác, bao gồm Úc, Canada, Jamaica và Tuvalu. Tất cả thành viên bên dưới ông trong hàng thừa kế sẽ bước lên một bậc theo thứ tự. Một hội đồng Đăng cơ bao gồm các chính trị gia, các thành viên của hội đồng cơ mật và các nhà lãnh đạo khác sẽ chỉ đơn thuần khẳng định quyền kế vị của ông. Vậy quy trình kế vị hoàng gia của Anh hoạt động như thế nào và tại sao việc Charles lên ngôi dường như khác với mẹ ông?

Cơ sở pháp lý cho quy trình kế vị có từ thế kỷ 17 dưới thời vua James II, vị vua Công giáo La Mã cuối cùng của Anh. Khi các giám mục Tin lành phản đối và mời Thân vương William xứ Orange xâm lược, vua James đã chạy trốn sang Pháp. Ngai vàng thuộc về con gái của vua James là Mary, một người theo đạo Tin lành đã kết hôn với William, và Quốc hội đã thông qua hai đạo luật: Tuyên ngôn nhân quyền năm 1689 và Đạo luật dàn xếp năm 1701. Các đạo luật này quy định rằng Quốc vương cai trị với sự đồng thuận của Nghị viện và đặt ra nhiều điều kiện mà người kế vị phải đáp ứng. Quốc vương Anh phải là hậu duệ của Công chúa Sophia (người thừa kế theo đạo Tin lành gần nhất của Thân vương William xứ Orange, người sau đó đã trở thành vua William III), và hiệp thông với Giáo hội Anh. Trước năm 2013, khi Quốc hội thông qua Đạo luật kế vị Quốc vương, những người thừa kế nam trẻ tuổi hơn được qua mặt những chị gái lớn tuổi hơn của họ để lên ngôi (Hoàng gia Tây Ban Nha và Monaco vẫn áp dụng chế độ con trai lớn thừa kế như vậy), và bất kỳ ai kết hôn với một người Công giáo đều bị cấm, thậm chí là một người Anh giáo bảo thủ chính hiệu.

Charles thoả mãn tất cả điều kiện. Kết quả là, ngoài trở thành quốc vương, ông còn được thừa kế Công quốc Lancaster và danh mục tài sản, đất đai trị giá khoảng 650 triệu bảng Anh (750 triệu USD) và quyền lãnh đạo trên danh nghĩa của Khối thịnh vượng chung. Tuy nhiên, người kế vị ông, William, sẽ không được đảm bảo vai trò lãnh đạo Khối thịnh vượng chung này. Các nhà lãnh đạo Khối đã đồng ý vào năm 2018, theo lệnh của nữ hoàng, rằng vị trí đó sẽ được trao cho con trai bà, nhưng đó không phải là nguyên tắc “cha truyền con nối”.

Trên thực tế, có vẻ như Hoàng tử William đã lên ngai vàng cùng với cha mình. Vị vua lớn tuổi nhất của Anh khi bắt đầu trị vì là William IV, người lên nắm quyền vào năm 1830 ở tuổi 64. Charles nay đã 73 tuổi. Và ông tương đối không được lòng dân. Một cuộc khảo sát của YouGov với 1.692 người Anh từ tháng 5 năm 2022 cho thấy 81% người dân có suy nghĩ tích cực về Nữ hoàng và 75% tán thành Hoàng tử William. Mức độ ủng hộ Charles chỉ ở mức 54%. Gia đình hoàng gia có thể cho rằng nên để William được chia sẻ những nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia với cha mình, để chuẩn bị cho ông hoàn thành những nhiệm vụ lớn và làm cho chế độ quân chủ trông trẻ trung và năng động hơn.

646450cookie-checkQuy trình kế vị của chế độ quân chủ Anh diễn ra như thế nào?