VNTB
Lynn Huỳnh
(VNTB) – “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.
Mẫu câu nằm lòng ở trên rất quen thuộc trong các nội dung thuyết giảng của cơ quan Tuyên giáo Trung ương.
Kể từ ngày 1-4-2020, nhiều ‘tòa soạn nhật báo’ đã trở thành ‘tòa soạn tạp chí’ theo một quyết định về quy hoạch báo chí của chính phủ. Bản quy hoạch này có từ thời ông Nguyễn Bắc Son còn là bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Nghe đâu người chịu trách nhiệm ‘chấp bút’ bản quy hoạch đó, khi ấy là thứ trưởng Trương Minh Tuấn. Giờ thì cả hai ông quan chức này đều đang thi hành án hình sự về tội danh liên quan tham nhũng. Tuy nhiên các nội dung của bản quy hoạch báo chí đó thì gần như không thay đổi.
Nhà báo Ngọc Vinh sau khi nghỉ hưu ở báo Tuổi Trẻ hồi đầu năm ngoái, đã có nhận xét như sau: “Bản quy hoạch báo chí này đã tạo một chấn động lớn trong giới báo chí nước nhà, tạo ra những cuộc vận động ngầm lâu nay và khi nó được ký duyệt, các cuộc chạy lại khởi động. Dĩ nhiên lãnh đạo các tờ báo và các cơ quan chủ quan không ai muốn tờ báo của mình bị biến mất trên bản đồ báo chí nước nhà, nên việc vận động là đương nhiên, gấp rút, vì thời gian không còn nhiều. Năm nay, số lượng các tờ báo tại TP.HCM sẽ bị thu hẹp chỉ còn 1/3. Và đến năm 2025, địa phương này chỉ còn duy nhất một tờ báo được phép tồn tại.
Dù có trí tưởng tượng phong phú nhất, các nhà báo cũng chưa từng nghĩ đến một thực tế là Sài Gòn – TP.HCM, thành phố lớn nhất và năng động nhất nước, nơi tập trung tinh thần dân chủ nhất nước, một ngày nào đó chỉ còn một tờ báo mà thôi. Rõ ràng, đề án mà chúng ta đang nói đến đã thu hẹp hoạt động của báo chí, và dĩ nhiên thu hẹp quyền ngôn luận của người dân”.
Tuy nhiên đó là câu chuyện trước khi có cơn đại dịch của con virus ‘cúm Tàu’ từ bên Vũ Hán Trung Quốc hoành hành. Bởi từ ngày 1-4-2020, nhiều tòa soạn nhật báo buộc phải là tòa soạn tạp chí, song diễn biến về tin tức vẫn cập nhật liên tục về con virus có nhiều tên gọi khác nhau này. Thể loại báo chí được gọi là ‘tạp chí’ gần như đã bị xóa nhòa.
Một chút về lý thuyết. Tạp chí trên thực tế cũng là một tờ báo viết, nhưng khác với báo ở chỗ, phạm vi chuyển tải thông tin được định hình theo chiều sâu đối với từng loại hình tạp chí.
Theo nội dung của quy hoạch báo chí mà chính phủ đã phê duyệt hôm 03-4-2019, thì khi chuyển sang loại hình tạp chí, các tờ báo buộc phải tuân thủ yêu cầu là tiếng nói của cơ quan lý luận, học thuật, khoa học, hoặc tổ chức, đoàn thể xã hội đang là chủ quản của cơ quan báo chí đó.
Khác với báo có đội ngũ tác nghiệp chủ yếu là phóng viên và cộng tác viên tích cực ở các cơ sở; đội ngũ người viết cho tạp chí chủ yếu là cộng tác viên, là những nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm thông hiểu các vấn đề nghiệp vụ và các biên tập viên là những nhà khoa học, chuyên gia vững về nghiệp vụ biên tập chuyên môn của từng lĩnh vực.
Nhìn chung, đối tượng phục vụ của tạp chí so với báo thường hạn hẹp hơn. Đối tượng đọc tạp chí, nhất là tạp chí chuyên ngành, cần có hiểu biết nhất định về nghề nghiệp để tiếp nhận và tham gia trao đổi, thảo luận, học tập kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến công việc nghề nghiệp và thông tin quan tâm.
Nếu tuân thủ nghiêm ngặt về lý thuyết nói trên, chắc hẳn trong bối cảnh thời sự nóng từng giờ về dịch bệnh, thì Việt Nam sẽ không có nhiều đầu báo kịp thời cập nhật tin tức đến với công chúng. Một khi thiếu hụt nguồn tin tức báo chí chuyên nghiệp, đương nhiên người dân chuyển sang việc tìm đọc tin tức từ các tài khoản cá nhân mạng xã hội của những nhà báo vốn quen tác nghiệp với tin tức nóng, với tuyến bài ghi nhận thời sự đời sống người dân; và những nhà báo này không nhiều khả năng viết những bài theo văn phong của tạp chí.
Rất có thể sau khi đại dịch cúm Covid-19 lui vào dĩ vãng, bình tâm ngồi kiểm điểm lại toàn bộ diễn biến, chính phủ Việt Nam sẽ nhận ra rằng bảng quy hoạch báo chí kể trên đã quá lỗi thời, không thể ‘update’ được, mà cần có một ‘hệ điều hành mới’ tương thích toàn cầu trong cách hiểu về tự do báo chí.