Hôm 5/12, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đã có cuộc gặp với các nhà hoạt động Việt Nam tại Hà Nội, để tìm hiểu về hoạt động của xã hội dân sự.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong bốn nhà hoạt động tham dự cuộc gặp kéo dài hơn hai giờ, nói với VOA rằng ông Michaelis có đề cập đến Hiệp định Thương mại Tự do EU và Việt Nam (EFVTA), và quan tâm đến vấn đề nhân quyền.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết:
“Về EFVTA, ông ấy có nhắc đến. Họ quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Khi mà Hiệp định thương mại này phê chuẩn thì sẽ có những ràng buộc về vấn đề nhân quyền mà Việt Nam phải thực hiện”.
“Họ tìm hiểu kỹ về vấn đề này thì có thể họ sẽ tác động như thế nào đó để cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện”, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm.
Họ tìm hiểu kỹ về vấn đề này thì có thể họ sẽ tác động như thế nào đó để cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện.
“Trên cơ sở các mối quan tâm chung, Đức và Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ hợp tác trong khuôn khổ việc đổi mới quan hệ đối tác chiến lược của mình”, quan điểm này đã được Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng khẳng định tại phiên hội đàm Đức-Việt diễn ra năm nay tại Hà Nội hôm 4/12, theo một thông cáo của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam cho biết dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Quốc vụ khanh Michaelis và Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã thông qua bản kế hoạch hành động chiến lược là cơ sở cho các hoạt động hợp tác song phương đa dạng trong hai năm tới.
“Hai bên đã thông qua bản kế hoạch hành động cho năm 2020/2021 với cam kết đảm bảo việc duy trì trật tự trên cơ sở luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ các quyền con người cũng như các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền và nhà nước pháp quyền”, thông báo của Đại sứ quán Đức cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quang A cho VOA biết tại gặp với các nhà hoạt động, ông Michaelis cũng hỏi ý kiến những người tham dự để làm thế nào để Đức có thể giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Tiến sĩ Quang A thuật lại ý kiến đề xuất của ông:
“Ông ấy muốn tìm hiểu tình hình và chúng tôi cũng đã nói rằng tình hình nhân quyền Việt Nam với ban lãnh đạo mới từ đại hội Đảng vừa rồi đã tồi tệ hơn như thế nào”.
“Phía Đức hỏi chúng tôi rằng họ có thể làm gì cho việc này. Tôi góp ý rằng điều quan trọng nhất là Việt Nam phải thể chế hóa những sự thay đổi, tức là biến các cam kết [quốc tế] thành luật của Việt Nam và thực thi chính các luật của Việt Nam”.
Vào tháng trước, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài và đại diện các nhóm vận động cho nhân quyền Việt Nam đã gặp gỡ các dân biểu và kêu gọi chính phủ Đức hãy quan tâm và gây áp lực hơn nữa lên chính quyền Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, trong đó có việc trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, tù chính trị.
Nhóm đề nghị các dân biểu của hai đảng SPD và đảng Xanh trong Nghị viện Châu Âu không ủng hộ việc thông qua EVFTA cho đến khi tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện và có thể kiểm chứng được.
Trong một bài viết gửi cho VOA, ông Nguyễn Văn Đài trích lời dân biểu Gabriela Heinrich cho biết bà sẽ đưa hồ sơ vi phạm nhân quyền của Việt Nam ra để Quốc hội Đức theo dõi. Ông Đài cho biết thêm: “Dân biểu Heinrich cho rằng việc nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt làm cho chính giới Đức lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam”.