RFA
Tòa án Hà Nội vào sáng ngày 9 tháng 3, đưa nhà báo/blogger Trương Duy Nhất ra xét xử với cáo buộc ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và tuyên án 10 năm tù giam.
Bản thân ông Trương Duy Nhất và luật sư đều phản đối với lý do có nhiều điểm vô lý trong cáo trạng. Còn thân nhân, bằng hữu và những người quan tâm vụ việc có ý kiến gì về bản án 10 năm tù giam như thế?
Cô Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada, hôm 9/3 nhận định về phiên xử với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn:
“Dạ theo thông tin con được nghe từ mẹ và luật sư thì các bên đều đưa ra những chi tiết chứng minh ba chỉ thừa lệnh cấp trên chứ không vụ lợi gì cả.
Nhưng họ vẫn cố gắng cầm tù ba bằng bản án 10 năm được định chỉ trong 4 giờ đồng hồ xét xử, vậy có chăng việc con số đó đã được định sẵn từ trước. Trong lời cuối cùng trước toà, ba con có nói bản án này là “đòn thù chính trị đê hèn”.
Nhưng họ vẫn cố gắng cầm tù ba bằng bản án 10 năm được định chỉ trong 4 giờ đồng hồ xét xử, vậy có chăng việc con số đó đã được định sẵn từ trước. Trong lời cuối cùng trước toà, ba con có nói bản án này là “đòn thù chính trị đê hèn”.
-Cô Trương Thục Đoan
Dù họ có muốn cầm tù ba Nhất bao nhiêu năm thì vẫn không thể nào bẻ cong được ý chí, tư tưởng và ngòi bút của ba được.”
Truyền thông trong nước dẫn Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng ông Trương Duy Nhất còn thỏa thuận với ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) thông qua các hợp đồng nguyên tắc với nội dung thông báo sẽ bán nhà đất số 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79 bằng với giá được Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phê duyệt.
Cáo trạng này đã bị ông Nhất bác bỏ và cho rằng ông chỉ là người thừa ủy quyền của hai lãnh đạo cao nhất của tòa báo.
Trả lời RFA hôm 9/3 sau phiên xử, Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, một thân hữu của gia đình nhà báo Trương Duy Nhất, nói:
“Mọi người đều thấy, bản án này quá nặng nề và khắc nghiệt với Trương Duy Nhất, nó không đúng với thực chất của sự việc. Như bài của Luật sư Lê Công Định phân tích rất rõ các chứng lý lập luận, căn cứ vào đó thì vụ việc mua bán nhà 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng thì rõ ràng như Trương Duy Nhất nói trước tòa khẳng định mình vô tội, mình đã làm đúng theo chỉ đạo và được phép của Tổng biên tập, tức ban lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết thời Trương Duy Nhất làm việc. Trước sau Trương Duy Nhất đều nói làm đúng công việc được giao, và ông vô tội. Khi bản án tuyên như thế thì rất nhiều người nói bản án này rất nặng nề, và không đúng tội.”
Theo phân tích của Luật sư Lê Công Định đăng tải trên trang cá nhân về phiên xử Nhà báo Trương Duy Nhất (được ông đồng ý cho RFA trích dẫn), thì căn cứ vào chính tình tiết của vụ án, tại hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng, có thể kết luận rằng ông Trương Duy Nhất hoàn toàn không phạm tội.
Luật sư Lê Công Định cho rằng, hai bản Kết luận điều tra và Cáo trạng cố tình nêu 3 công văn mà ông Trương Duy Nhất ký tên gửi chính quyền Đà Nẵng xin mua nhà, thay vì xin cấp hoặc thuê, như là bằng chứng cho thấy đó là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ”.
Tuy nhiên theo ông Định, đây chỉ là sự suy diễn theo hướng có tội của cơ quan điều tra và công tố, chứ bản thân 3 công văn đó đơn thuần chỉ cho thấy ông Trương Duy Nhất đang hành động trong tư cách Trưởng văn phòng đại diện, được cơ quan chủ quản của mình ủy quyền thay mặt liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề tìm trụ sở cho Văn phòng đại diện.
Theo Luật sư Định, suy diễn theo hướng có tội là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, để buộc tội ông Trương Duy Nhất sự vi phạm nghiêm trọng này đã bị phớt lờ.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân nhân quyền, trước khi chịu án 3 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vào năm 2016, ông từng là Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV (Hochiminh City Television), trình bày với RFA hôm 9/3, về thời hiệu pháp lý trong vụ Trương Duy Nhất:
“Nhà báo Trương Duy Nhất bị kết tôi theo điều 356 Bộ luật hình sự, với mức án mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa tuyên cho anh là 10 năm. Tuy nhiên, thời hiệu của truy cứu hình sự theo điều 27, thì loại án nghiêm trọng 10 năm, chỉ được truy cứu trong vòng 10 năm, khi vụ án xảy ra. Quay trở lại việc quy tội cho anh Trương Duy Nhất, thì việc mua bán nhà đất này xảy ra từ năm 2003 đến 2004, như vậy tính đến thời điểm này là 16, 17 năm rồi, như vậy là hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, về mặt lượng hóa của tội danh này, nói nhà báo Trương Duy Nhất làm thiệt hại cho nhà nước 13 tỷ đồng, điều này sai, vì giá bất động sản ở Đà Nẵng vào năm 2003, 2004 rất thấp.
Liên quan vấn đề này, Luật sư Lê Công Định cho rằng, cơ quan điều tra không chọn cách tính công bằng và bình thường đó, mà lại cố tình lấy giá thị trường của 14 năm sau, tại thời điểm ngày 17/4/2018 (thời điểm vụ án Vũ Nhôm bị khởi tố), là 13.803.672.000 đồng để làm cơ sở tính “thiệt hại”, nên con số “thiệt hại” sau khi trừ đi giá ưu đãi năm 2004 biến thành một con số khổng lồ là 13.129.188.600 đồng. Nói cách khác theo Luật sư Định, đó là con số hoàn toàn nguỵ tạo, dựa trên tính toán hoàn toàn có chủ đích buộc tội và đầy bất lợi cho ông Trương Duy Nhất, nhằm mục đích khép ông vào Khoản 3 của Điều 356, với khung hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Một lần nữa theo ông Định, đó chỉ là sự suy diễn theo hướng tăng nặng mức độ phạm tội một cách phi lý của cơ quan điều tra và công tố. Điều này là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Tôi đã làm nhiều năm ở Đài truyền hình TPHCM, đó cũng là một cơ quan báo chí thuộc loại quan trọng của nhà cầm quyền cộng sản, tôi khẳng định 100% trước khán thính giả của RFA rằng, không có bất cứ một người cấp dưới nào có quyền quyết định gì hết, tất cả phải đưa lên cấp trên.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:
“Sai lầm thứ 3 của tòa án là sai lầm trầm trọng, có hệ thống, liên tục, xuyên suốt của toàn bộ tất cả phiên tòa từ trung ương đến địa phương, trải dài trên 63 tỉnh thành. Tôi cần phải nhấn mạnh điều đó, vì có một thuật ngữ rất ngớ ngẩn và rất là rừng, do người cộng sản đặt ra là ‘án tại hồ sơ’.”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, một phiên tòa văn minh là phải căn cứ tranh tụng trước tòa, không thể có ‘án tại hồ sơ’. Vì nếu như vậy, tòa muốn viết kiểu gì thì viết, gán ghép kiểu gì thì gán ghép. Ông chia sẻ thêm kinh nghiệm khi còn làm ở Đài truyền hình TPHCM:
“Tôi đã làm nhiều năm ở Đài truyền hình TPHCM, tức là một đồng nghiệp với anh Trương Duy Nhất, đó cũng là một cơ quan báo chí thuộc loại quan trọng của nhà cầm quyền cộng sản, tôi khẳng định 100% trước khán thính giả của RFA rằng, không có bất cứ một người cấp dưới nào có quyền quyết định gì hết, tất cả phải đưa lên cấp trên. Ở đây nảy sinh một cái rất đau khổ cho những người cấp dưới như anh Trương Duy Nhất, vì ký nháy, ký chính một bản tờ trình hay bản kiến nghị, và nó chộp cái đó và cuối cùng lãnh đủ.”
Tóm lại theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, bản án 10 năm tù cho nhà báo Trương Duy Nhất là một bản án phi pháp, là một bản án vô căn cứ, nó phản ánh trình độ của những người đang xử anh Nhất là không có một chút gì về chuyên môn luật pháp.