Monday, October 7, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmPhản biện Bảo Anh Thái 

Phản biện Bảo Anh Thái 

Hoàng Phi 

Trước giờ tôi vẫn biết rằng BAT không hiểu gì lắm chuyện quân sự, cả về lịch sử quân sự lẫn về chiến tranh hiện đại, cho nên phân tích của lão không có giá trị nhiều lắm. Nhưng mà khác với mấy con nhang Nga vàng như Thiên Lương, Trung Hoàng, vốn đã từ bỏ tính khách quan ngay từ đầu, BAT vẫn viết về chiến tranh ở Ukraine với một giọng văn có vẻ trí thức, uyên bác, dễ đánh lừa những người không hiểu sâu về vấn đề. Sau khi quân Nga rút quân khỏi Kherson (10/11), BAT lại viết một bài nữa biện hộ, và nó ngây ngô đến mức xứng đáng phải có một bài phản biện. Việc sắp xếp các luận điểm trong bài sẽ không đi theo thứ tự bài viết của BAT, mà bắt đầu từ những luận điểm ngớ ngẩn nhất, từ đó hướng đến một logic ngầm xuất hiện ở tất cả các bài viết khác của ông luật sư này. 

Bài của BAT có thể đọc được ở đây:

https://baoanhthai.substack.com/p/chien-tranh-o-ukraine-nga-rut-lui?

1. BAT thường có kiểu sử dụng dẫn chứng lịch sử quân sự một cách sai lầm, nắn lịch sử theo hướng lập luận của mình thay vì tôn trọng sự thực lịch sử. Trong bài này BAT nhắc đến chiến dịch Market Garden của quân Đồng Minh: 

“Với địa hình như trên, một khi đập ở thượng lưu sông Dnieper bị phá, toàn bộ vùng khoanh màu vàng trong hình H1 sẽ biến thành hồ nước.  Với việc cây cầu Antonovsky đã bị phá huỷ thì các cây cầu phao bắc thay thế sẽ phải có chiều dài khoảng 8,5 km (xin xem các đường vạch đứt màu đen trong hình H1).  Với một chiều dài lớn như vậy thì sẽ không có cầu phao nào có thể bền vững.  Thế nhưng tôi đã nói ở trên là quân đội không thể coi có cầu là một điều kiện tiên quyết để tác chiến.  Trong chiến dịch Market Garden năm 1944, quân Đồng Minh đã tổ chức một cuộc đổ bộ đường không có quy mô lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu chiếm 9 cây cầu trên một con đường độc đạo dài dài hơn 100 km qua Hà Lan để vào Đức.  Chiến dịch đã thất bại vì quân Đức đã kịp phá một cây cầu trong trong 9 cây cầu đó dù Đồng Minh đã chiếm được các cây cầu còn lại nhưng lại không có phương tiện để vượt sông ở chỗ cây cầu bị phá.  Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến Ukraine, cánh quân Nga tiến vào Kiev cũng đã gặp trường hợp tương tự.  Quân Ukraine đã kịp phá một cây cầu quan trọng khiến cho các đơn vị thọc sâu của Nga (được trang bị nhẹ và không có công binh đi kèm phải dừng lại).  Nói cách khác, các sỹ quan cao cấp trong trường học quân sự đều học về những kinh nghiệm này và quân Nga, ngoài sách vở ra họ còn có kinh nghiệm cay đắng ở khu vực Kiev vài tháng trước.  Nói ngắn gọn là để vượt sông, nếu không có cầu phao thì phải dùng phà.” 

Ở đây BAT nhầm lẫn giữa hai cây cầu trong chiến dịch Market Garden. Cây cầu bị quân Đức phá kịp là cây cầu tại Son en Breugel. Còn cây cầu ở điểm cuối cùng mà lính dù Anh thuộc Sư đoàn Dù số 1 không giữ được là cây cầu tại Arnhem. Cây cầu tại Son bị làm nổ, khiến cho thiết giáp quân Đồng Minh thuộc Quân đoàn 30 bị trì hoãn 12 tiếng. Nhưng sự thực lịch sử không phải là họ không vượt qua được cầu. Công binh của Anh có mang theo các mảnh cầu phao và sau khi băng qua được kênh đào tại đây, thực ra Quân đoàn 30 đã tiến nhanh hơn mong đợi, bắt kịp được với tiến độ đề ra trong kế hoạch tác chiến. Lí do họ vẫn không tới Arnhem kịp là do lính dù Mĩ thuộc Sư đoàn 82 bỏ lỡ mất thời cơ chiếm cây cầu bắc qua sống Waal tại Nijmegen ngay sau khi đổ bộ, và làm mất thêm 36 giờ quan trọng. Tức là ở đây, nếu không có một sai lầm này của người Mĩ, chiến dịch Market Garden hoàn toàn đã có thể thành công (mà kì thực, Market Garden vẫn thành công một phần). 

2. BAT lập luận rằng quân Nga vẫn có khả năng tiếp vận cho Kherson nếu họ muốn. 

Trích:

“Mặc dù tiếp vận cho bờ Tây khó khăn là lý do mà Surovikin đưa ra và Shoigu chấp nhận nhưng tôi thấy điều này không hợp lý.  Quân đội Nga, cũng như mọi quân đội khác, được xây dựng để tác chiến – tấn công và phòng thủ – trong điều kiện không có các cơ sở hạ tầng dân sự (cầu, đường).  Họ có thể lợi dụng các địa hình, cơ sở hạ tầng sẵn có để cho hoạt động tác chiến của mình thuận lợi hơn nhưng việc không có cầu, hay đường không có nghĩa là họ sẽ ngừng tác chiến (vì nếu thế họ sẽ không cần lực lượng công binh làm gì).” 

“Ở Kherson, người Nga đã có hơn 6 tháng từ lúc chiếm được tới khi quân Ukraine bắt đầu phản công và tấn công vào cây cầu Antonovsky.  Do đó, nếu người Nga không chuẩn bị các phương tiện phà để vượt sông thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn trong công tác chuẩn bị chiến trường.  Điều này khó xảy ra vì hành động của người Nga cho thấy họ đã tính toán về vấn đề này.  Cách đây 2 tuần, quân Nga đã yêu cầu tất cả các chủ phương tiện di chuyển trên sông phải đưa tàu và thuyền của mình lên bờ (tất nhiên là bờ Đông) nếu không muốn bị quân Nga phá huỷ.  Điều đó cho thấy họ đã tính đến cả trường hợp quân Ukraine trưng dụng các tàu thuyền này để vượt sông (nếu họ chiếm được Kherson).  Nếu họ đã tính tới việc quân Ukraine vượt sông như vậy thì không có lý do nào cho rằng họ không tính phần đó về phía mình.  Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Hồng quân đã duy trì việc tiếp vận cho Leningrad bị bao vây qua hồ Ladoga trong suốt gần 900 ngày vây hãm và tiếp vận cho Stalingrad qua sông Volga trong suốt thời gian trận đánh với sự oanh tạc liên tục của quân Đức và thậm chí có nhiều lúc việc vượt sông phải thực hiện dưới hoả lực bắn thẳng của bộ binh Đức.  Tôi không tin rằng về năng lực, quân đội Nga 80 năm sau không làm được điều mà Hồng quân đã làm – đặc biệt là khi họ khống chế trên không và mạnh hơn hẳn Ukraine về hoả lực.” 

Lập luận của ông ta dựa trên một số giả định dưới đây:

a) Các quân đội hiện đại có thể hoạt động ở phạm vi bên ngoài cơ sở hạ tầng dân sự

b) Nếu như thời Thế chiến thứ 2 Hồng Quân Liên Xô có thể làm được thì không lí gì vào thời hiện đại quân Nga lại không làm được. 

c) Quân Nga hoạt động trong một môi trường đơn phương, mọi quyết định của quân Nga chỉ giống như giải quyết bài toán với một vật thể tĩnh là môi trường, mà không hề có sự can thiệp, tương tác của quân Ukraine. 

Đối với giả định a), đúng là các quân đội hiện đại có được trang bị để làm đường nơi không có đường, có thể hoạt động tại những vùng xa xôi hẻo lánh không có hạ tầng dân sự. Nhưng có ba vấn đề ở đây: 

Thứ nhất, ta dễ thấy rằng một đội quân hiện đại trên lí thuyết có thể làm được điều đấy, không có nghĩa là một đội quân cụ thể, trên thực tế, ở vào một hoàn cảnh cụ thể có thể làm được. Ở đây BAT không hề suy xét đến những thông tin thực về quân Nga ở vào thời điểm hiện tại. Những vấn đề như là tình trạng của hạm đội xe tải chiến thuật của Nga, tình trạng tổ chức của lực lượng hậu cần, công binh Nga, nhu cầu thực tế của các đơn vị tại Kherson đều không được nhắc đến. Lực lượng hậu cần xe tải cấp chiến thuật của Nga vốn đã bị đánh thiệt hại rất nặng sau giai đoạn đột kích vào Kiev, cho nên hiện nay họ phải dựa nhiều vào xe tải dân sự, và ta phải đặt câu hỏi về khả năng tiếp vận cho Kherson của lực lượng này. BAT chỉ bàn khơi khơi mà không đi vào chi tiết, con số, mà kì thực những thứ đấy chỉ sau này chúng ta mới biết được, hiện giờ chỉ có các nhà phân tích quân sự chuyên nghiệp hoặc các vị chỉ huy trong cuộc mới biết, mà cũng chỉ biết một phần. Việc hậu cần không phải chỉ “tiếp vận” là xong, mà còn phải đảm bảo tiếp vận đủ, nếu chỉ đáp ứng được 1 phần thì sức chiến đấu sẽ giảm, mà nếu chỉ đáp ứng được dưới 30% thì nguy cơ vỡ trận sẽ rất cao. 40 nghìn con người trông chừng và một vài cái phà vận tải? 

Thứ hai, quy mô của một đội quân ảnh hưởng đến khả năng thực hiện những công trình hậu cần như vậy của nó. Những yếu tố như là quân số, mật độ quân số (mass), mức độ tham gia của các binh chủng khác nhau, sự cấp bách của tình huống sẽ quyết định đến khả năng một đội quân có thể “bao quát” lãnh thổ, trong đó có việc thiết lập con đường hậu cần nằm ngoài những cơ sở hạ tầng dân sự có sẵn. Nếu như một đội quân phải dành nhân lực ra chiến đấu với đối phương, hay xây dựng công sự, hay tiếp vận cho tiền tuyến, nó sẽ có ít nhân lực để thiết lập cơ sở hạ tầng dã chiến hơn. Ngược lại, nếu một đạo quân có quân số lớn, có đủ các đơn vị chuyên môn để làm những công việc chuyên trách, thì tốc độ xây dựng của họ sẽ nhanh chóng hơn. Nói cách khác, một đạo quân nhỏ hơn kì thực sẽ bị giới hạn nhiều hơn về tầm hoạt động, tác chiến của họ, còn một đạo quân lớn hơn, mặc dù có thể chậm chạp hơn, sẽ có nhiều lựa chọn trong việc kiểm soát và tiến thoái trong theatre of operation của mình hơn. Ngoài ra, các cơ sở vật của quân đội dù thế nào vẫn mang tính dã chiến. Nếu được xây dựng gấp rút, khả năng cao là chúng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong một thời gian ngắn, hoặc chỉ đóng vai trò bổ sung thêm trên nền tảng cơ sở hạ tầng dân sự có sẵn. Thiếu những cơ sở hạ tầng có sẵn, lực lượng có thể mang ra để chiến đấu sẽ bị giảm, sức chiến đấu sẽ bị giảm. Đây là lí do tại sao tới tận thế kỉ 21, các đạo quân vẫn phải chiến đấu theo các trục, các nút giao thông: vận tải đường sắt thì hiệu quả hơn vận tải đường bộ, vận tải bằng bánh lốp thì hiệu quả hơn vận tải bánh xích. 

Từ những lập luận bên trên ta, ta dễ thấy sự ngây ngô của giả định b) cho rằng vì hồi xưa Hồng Quân Liên Xô làm được một điều gì đó thì hẳn ngày nay quân Nga cũng phải làm được. Nên nhớ rằng ngày xưa Hồng quân và quân Đức đánh nhau theo cấp phương diện quân-cụm tập đoàn quân-tập đoàn quân. Con số 25-40 nghìn quân Nga hiện nay còn không bằng nổi một góc của chiến trường ngày xưa, dẫn đến khả năng “bao quát” lãnh thổ kém cỏi hơn nhiều. Ở đây không chỉ có sự khác về mật độ quân số, nguồn lực có sẵn dồn vào cho chiến dịch, mà còn về ý chí chiến đấu. Nếu như ngày xưa Hồng Quân chiến đấu một cuộc chiến Vệ quốc, thì ngày nay từng người lính và sĩ quan Nga, bất chấp những gì Putin ra sức tuyên truyền, khó mà bị thuyết phục rằng họ đang chiến đấu một cuộc chiến vệ quốc tương tự. Ý chí này sẽ ảnh hưởng đến khả năng “làm những điều bình thường là không thể”. 

Giả định c) thì là một thứ quá rõ ràng, quá hiển nhiên mà chắc hẳn nếu BAT có đọc Clausewitz thì đã không mắc lỗi ngây ngô như vậy: chiến tranh là một cuộc tương tác, không phải giống như việc giải một bài toán mà đối tượng của ta là một vật vô tri vô giác. Chiến tranh là việc tương tác với một kẻ thù biết suy nghĩ, biết phản ứng, và hành động làm sao để làm hỏng kế hoạch của quân ta. Sự hiện diện của kẻ địch chính là trở lực lớn nhất của chiến tranh. BAT nói về chuyện dùng phà và cầu phao để tiếp vận cho quân mình tại Kherson, vậy tại sao không tính đến chuyện quân Ukraine bắn phá những mục tiêu này? Bản thân tôi còn đang tự hỏi, trong bối cảnh cầu Antonovsky bị Ukraine bắn phá liên tục từ nhiều ngày trước dẫn đến việc khí tài hạng nặng không đi qua được, thì quân Nga sẽ rút các khí tài hạng nặng sang bờ bên kia như nào? Hay là bỏ lại và biến quân Ukraine thành lực lượng tăng thiết giáp top 5 thế giới? 

3. Luận điểm đầu tiên của BAT cho rằng việc quân Nga rút lui khỏi Kherson là một hành động “lạ”, và theo logic thông thường của những người như BAT thì “lạ” đồng nghĩa với không theo lẽ thường, và rằng người Nga chắc chắn phải có một số motif ẩn sau mỗi hành động. 

Trích: 

“Về phía Nga, việc rút lui khỏi Kherson cũng là một động thái lạ và sẽ có các tác động tiêu cực tới tâm lý ủng hộ của dân Nga đối với chính quyền của Putin.” 

“Đây là một viên thuốc đắng cho cả Putin lẫn bộ quốc phòng Nga.  Tuy nhiên, phương Tây lại không hành động như mọi khi (còn nhớ các quan chức phương Tây đầu cuộc chiến đã tuyên bố rất mạnh mẽ rằng nếu Nga tấn công Ukraine họ sẽ thất bại và nước Nga sẽ sụp đổ).  Không ai tuyên bố rằng đây là sự bắt đầu sụp đổ của quân đội Nga, của nước Nga.  Thậm chí báo chí phương Tây cũng chung một giọng điệu hồ nghi về sự rút lui của Nga.“ 

“Địa hình Kherson thực sự khó khăn cho việc tiếp vận.  Tuy nhiên, tiếp vận cho Kherson không thể là bất khả thi với quân Nga.  Việc phá đập có thể làm cho nước dâng lên ở sông Dnieper nhưng việc dâng nước đó không thể kéo dài quá 1 tuần vì khu vực này chính là cửa sông thông ra biển.  Ngoài ra, người Nga trong thời gian qua đã liên tục xả nước ở các đập ở thượng lưu để giảm lượng nước tràn xuống khi đập bị phá.  Người Nga cũng đã có hơn 6 tháng để chuẩn bị phòng thủ Kherson nên không thể cho rằng họ không dự trữ được số đạn dược và vũ khí tại bờ Tây cho khoảng thời gian đó.  Do đó, cần xem xét các yếu tố khác để đoán được lý do rút lui của quân Nga.” 

Như đã nói ở bên trên chiến tranh là một sự tương tác, nó mang tính hỗn loạn và khó dự đoán. Các bên tham chiến thường là “nạn nhân của hoàn cảnh”, là những đô vật bị mắc kẹt trong thế khóa của nhau, bận rộn trong việc phản ứng lại động thái của đối phương, cho nên khó mà đủ tỉnh táo để nhìn toàn cảnh sự việc một cách toàn bộ, khách quan. Xu hướng nghĩ rằng một bên có khả năng tính trước lâu dài, rồi sắp đặt sao cho mọi sự đều an bài là một lỗi tư duy mà tôi hay nghĩ là do đọc phải những tích truyện Trung Quốc về mưu sâu kế hiểm quá nhiều. Lý do rút lui của quân Nga có thể chỉ đơn giản là tình thế bắt buộc họ phải rút lui. Chuyện đi tìm những lí do cao siêu nào đó ẩn đằng sau là một trò ngớ ngẩn. 

4. Một điều làm tôi rất khó chịu khi đọc các bài viết của BAT nằm ở chỗ nó rất lan man. BAT có thói quen đưa ra các chi tiết không liên quan vào lập luận của mình, nhất là các ví dụ lịch sử, để trông cho có vẻ có kiến thức, nhưng kì thực các dẫn chứng này thường không đóng góp gì nhiều cho luận điểm cần bàn, hoặc chúng có thể được diễn đạt ngắn gọn hơn. Trong bài này BAT đưa ra các dẫn chứng về địa hình khu vực Kherson, về chiến dịch Market Garden, chỉ để phục vụ cho mỗi một ý là không dùng cầu phao được mà phải dùng phà. Hoàn toàn không cần thiết và theo tôi là để mang tính đánh lạc hướng là chính. 

BAT nói rằng một số báo chí phương Tây so sánh trận Kherson với trận Stalingrad, rồi từ đó viết nên một số đoạn dài dằng dặc so sánh giữa Kherson và Stalingrad về mặt chiến thuật, chiến dịch rồi bảo chúng không giống nhau. Vấn đề là: báo chí phương Tây nào so sánh Kherson với Stalingrad? Và so sánh về phương diện gì? Về phương diện chiến thuật-chiến dịch hay về chính trị? Ông luật sư có vẻ như đang tự tạo ra một straw man rồi tự đi phản biện nó ở đây. Tức là phân tích của ông ta mất thời gian nhưng hoàn toàn vô giá trị. 

Về chuyện sử dụng ví dụ lịch sử, BAT nên hiểu một chuyện là dựa trên điểm chung duy nhất là địa lí để so sánh giữa hai bối cảnh quân sự khác nhau là rất ngớ ngẩn. So sánh giữa Mặt trận phía Đông trong WW2 với mặt trận ở Ukraine hiện tại là một biểu hiện của một người không có kiến thức đủ rộng và sâu về lịch sử quân sự, mà chỉ quanh quẩn trong một hai chủ đề, và gặp vấn đề nào cũng mang ra so sánh với những chủ đề đó bất chấp tính tương thích. 

======================================

Dành cho những ai muốn đọc trên Google Docs 

https://docs.google.com/document/d/1t_n9TjFm_e2lUB1clLglON8modAuETC67sQiSRQPAgk/edit?

Hoàng Phi (Phi Hoàng Trịnh)

12.11.2022 

Link bài gốc: 

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=466558928902292&id=100066445658304

Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa. Kẻ thù nhất định sẽ thất bại. Chiến thắng sẽ là của chúng ta. Viva Ukraina (3 lần) 

1f1fa_1f1e6.png

#RussianInvasion 

#RussoUkrainianWar #UkraineRussiaWar 

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular