Thursday, December 26, 2024
HomeBLOGPhần 2: Cuộc vực dậy như mơ, bước đầu theo Việt Minh

Phần 2: Cuộc vực dậy như mơ, bước đầu theo Việt Minh

Nguyễn Thùy Dương

NỮ KIỆT THỦ THIÊM
+++++++++++++++++

Tác giả chiến tích “Toma-dép”, Nguyễn Thùy Dương viết về gia đình mình qua bao nhiêu năm tháng, thăng trầm khổ ải trên giải đất tổ tiên!
Thật bất ngờ! Một giọng văn Nam Bộ ngọt ngào như nước nguồn sông Đồng Nai!
Những câu văn ngắn, rắn chắc, chân tình như lục bình trôi về biển, như trần tình trước nhân dân!… NĐH

Phần 2: Cuộc vực dậy như mơ, bước đầu theo Việt Minh
Ngã ba sông
Ngày hôm sau, dù là sợ nhưng ông Bảy cũng tới phủ quan trong thành Cát Lái. Gặp quan ông khúm núm chắp tay xá hai Quan. Quan Việt nhai trầu, Quan Tây phì phèo điếu thuốc phất tay ra hiệu cho ông Bảy nói chuyện:
– Dạ, thưa hai quan. Hôm bữa trước, con có tới xin ruộng. Được hai quan cho, con mừng lắm. Hai vợ chồng con nhờ bà con phụ mần cỏ, dọn bàng cũng được khá khá, ngặt nỗi. Vợ chồng con nghèo, có đứa con gái nhỏ, vợ con thì bầu bì. Tình thiệt với quan, tụi con phải đào củ mài ăn qua ngày. Nay qua đây xin quan thương cho con xin lúa giống về làm tiếp.
– Mày mần được mấy mẫu rồi? Hồi giờ, mày có mần ruộng chưa? Tao nghe lính báo mày khai hoang gần mé sông.
– Thưa quan lớn! Sáu mẫu hơn. Hồi giờ, con chỉ chăn trâu bò, cắt cỏ, mần mướn thôi quan. Con tính khai gần mé sông cho đỡ dẫn nước thưa quan!
– Ừa! Liệu mà làm, ba năm hông đóng thuế là tao lấy lại ruộng. Tao cho mày hai chục giạ lúa, dư để làm giống. Còn thì để cho vợ con làm cái ăn, mần mà gặp Việt Minh ở đâu về báo quan chưa?
– Dạ, thưa quan! Việt Minh ra sao quan? Con hổng biết.
– Mày về thấy người lạ lúp lén báo tao. Thôi đem lúa về đi.
Ông Bảy xá hai quan rồi theo chú lính qua cổng sau lấy lúa. May sao có xe bò dân đi qua, ông gửi nhờ đi về chứ làm sao mà vác cho nổi. Bà Bảy thấy xe bò bỏ lúa xuống bà mừng lắm. Bữa đó, nhà ông bà có một bữa cơm trắng với cá lóc kho, rau muống luộc.
Mùa lúa năm đó, ông Bảy không trúng lắm nhưng cũng đủ ăn, đủ sống. Ruộng gần sông tiện thì có tiện về con nước, mà khổ cũng khổ vì con nước. Ông lên quan xin khai khúc ruộng trên rồi chịu khó khai nước lên, làm dưới này đắp lại bờ không cũng muốn chết. Xong mùa lúa cũng là lúc bà Bảy đẻ được cho ông đứa con trai đầu. Ông cưng lắm, vừa được con trai. Trong nhà vừa có cái bồ hơn ba trăm giạ lúa.
Ông vừa lo chợ búa, vừa khai ruộng trên, làm ruộng dưới, đi sớm về khuya. Ra tháng bà tự lo được, ông với mấy anh em trong xóm phụ nhau làm dần công. Mãn mùa năm đó, ông mua được hai con trâu. Ruộng trên thì qua mùa lúa năm sau là làm được. Cách năm sau đó, bà Bảy đẻ được đứa con trai nữa. Cũng năm đó, dịch trái rạ bùng phát. Đứa con gái lớn may mắn qua khỏi nhưng hai đứa con trai nhỏ không qua nổi. Bà Bảy ngồi nhìn con như vô hồn, bà không chịu cho ai đem con bà ra đồng chôn. Ông Tám em trai bà đứng ôm vai chị: Chị Bảy ơi! Đừng buồn mà. Tui thương chị mà chị Bảy! Tui cũng thương thằng Tí với thằng Tèo nữa.
Bà Bảy như manh lá chuối khô quắt queo trong gió. Ông im lặng hút thuốc. Xóm không có thầy chùa, phải qua xóm trong kiếm thầy. Hòm đóng bằng mấy tấm ván đóng lại. Ông Bảy đem con đi chôn ở đâu bà cũng không biết. Năm sau, ông bà trúng lúa đóng đủ thuế lúa cho quan. Trong nhà lúa ngàn giạ. Ông Bảy qua sông, về quê thăm anh chị em, gói ghém mua mấy bao thuốc vấn cho anh em trai, sấp vải cho chị hai.
Ông về tới nhà ông Sáu đã giữa trưa. Ngồi hút điếu thuốc, uống ly nước trà rồi thủng thẳng nói chuyện. Đêm đó, ông ngủ lại nhà ông Sáu. Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông Bảy ngủ ở nhà trên lên tiếng: Ai?
Ngoài kia im bặt, ông Sáu bưng đèn dầu ra dấu cho ông Bảy giữ im lặng rồi nói nhỏ: “Thằng con lớn của anh Năm với chú Tám mình. Họ đi Việt Minh, ban ngày Tây lùng dữ lắm. Tối mới về đây“.
Ông Sáu mở cửa hé cho đám người mặc đồ đen đi vô. Người có súng, người có dao. Vợ chồng ông Sáu dọn cơm ra cho họ ăn, cửa đóng chặt lại. Ánh đèn dầu loe loét sáng, ăn xong họ nói chuyện gì mà ông Bảy không rõ. Họ rút đi, ông Tám với thằng Hai ở lại nói chuyện với ông Bảy:
– Sao tụi mày đi theo Việt Minh, phạm pháp, quan bắt chết, sống chui nhũi như vậy nữa.
– Anh Bảy à! Để giặc Tây trên đất nước mình mới là phạm pháp, phạm cái pháp làm người, cái pháp quân tử với ông cha. Tây họ đâu phải người mình đâu anh Bảy. Tui mấy lần qua bên anh, ngặt nỗi tui thấy anh thân với quan Tây quá, tui hông ghé. Quan Tây cho anh ruộng để mần chẳng qua lấy lòng dân, bình định lòng dân thôi chứ họ thương gì dân mình. Mình tiếp tay cho Tây là phường phản quốc đó anh Bảy!
Ít học thiệt nhưng nghe tới chữ phản quốc là ông biết rất nghiêm trọng. Ông hỏi ông Sáu:
– Vậy tao làm sao để không phản quốc?
– Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách, mỗi người phụ một tay, hy sinh một chút để quốc gia sớm ngày độc lập. Nhiệm vụ tui sẽ báo anh sau. Hẹn anh đêm mùng 1 tháng sau, tui sẽ ghé thăm anh.
Ông Sáu với thằng Hai đi rồi, ông Bảy ngồi châm thuốc hút, một lát cũng ngã lưng lên tấm ván chợt mắt. Sáng ra ông về sớm, phần vì lo vợ con, trâu bò ở nhà, phần vì nhiều suy tư. Ghe qua tới bến sông, ông đi vô xóm. Vừa đi vừa lên tiếng: “Hai à! Siêng à!”
Đứa con gái nhỏ chạy ra ôm chân ông. Ông đồng con gái lên cổ đi vô nhà. Ông cởi áo dài, máng lên sào, lấy đôi guốc trong giỏ ra bỏ lên kệ. Đời nghĩ cũng ngộ, mang guốc cho khỏi đau chân, dậm gai. Mà mang thì sợ mau hư nên không kẹp nách thì cũng bỏ trong giỏ xách. Ông vấn thuốc rê hút rồi hỏi bà: “hai bữa rày, ai coi trâu bò?”
– Tui nhờ cậu Tám coi dùm, cẩu được nghỉ học mấy bữa. Tui nấu cơm đem ra cho công cấy họ ăn. Cậu Tám giờ lớn bộn, cao hơn tui luôn, tiếng Tây nói cũng rành. Hôm qua, quan xuống thăm xóm, cẩu ra nói chuyện chạy ro ro. Quan khoái lắm. Cẩu nói, nửa mà cẩu lớn cẩu đi lính như quan Tây.
Ông Bảy nghe như sét đánh ngang tai! Ông thở dài rồi vô nhà trong nằm. Ông nghĩ tới ngày ăn củ mài của hai vợ chồng, ông nhớ vẻ hoảng sợ của bà Bảy khi nước vô lở bờ, ông nhớ ngày bà lấy ông cả người toàn dấu đòn roi, ông nhớ ánh mắt đẹp mà vô hồn của bà ngày chiếc xe bò chở hai cái hòm đi. Ông muốn bà sung sướng, ông muốn bà vui vẻ sau bao nhiêu đau khổ mà sao khó quá.
Cái câu: Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách và hai chữ phản quốc cứ lởn vởn trong đầu ông. Đời! Sống khó lắm!
***

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular