Saturday, December 14, 2024
HomeBLOGPHẠM ĐOAN TRANG: PHẢN KHÁNG PHI BẠO LỰC

PHẠM ĐOAN TRANG: PHẢN KHÁNG PHI BẠO LỰC

Người Đà Lạt Xưa

“Phản Kháng Phi Bạo Lực” là một cuốn sách nhỏ, đã được Phạm Đoan Trang viết dưới dạng cẩm nang ngắn gọn, rõ ràng và dễ đọc, với nội dung diễn đạt lại bằng tiếng Việt những nguyên tắc căn bản và kinh nghiệm đấu tranh phi bạo lực trong cuốn sách “Blueprint for Revolution” bằng Anh ngữ của tác giả Srdja Popovic.

Srdja Popovic, sinh năm 1973, người gốc Serbian, là một lãnh đạo trẻ tuổi của tổ chức chính trị Otpor (tạm dịch ra tiếng Việt là “Kháng Chiến”) của quốc gia Serbia. Otpor đã góp phần vào sự lật đổ chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa dưới quyền Tổng thống Slobodan Milošević của Cộng Hòa Liên Bang Nam Tư vào năm 2000 (thời bấy giờ Liên Bang Nam Tư chỉ còn lại hai nước Serbia và Montenegro)

Điểm mạnh trong “Phản Kháng Phi Bạo Lực” của Phạm Đoan Trang là sự diễn tả ngắn gọn những nguyên tắc đấu tranh phi bạo lực trong “Blueprint for Revolution” của Srdja Popovic và tìm cách đưa vào ứng dụng trong hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam. Đoan Trang đã rút lấy kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh của Nam Tư (Yugoslavia), khởi đầu năm 1998 từ một nhóm thanh niên sinh viên Otpor cho đến cuộc nổi dậy “Bager Revolucija” (Cách mạng xe ủi đất) vào năm 2000 tại thủ đô Belgrade, và ghép vào đó những sự kiện điển hình diễn ra hàng ngày tại Việt Nam.

Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978 tại Hà Nội, thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, được biết đến qua công cuộc vận động quốc tế, kêu gọi ủng hộ cho xã hội dân sự ở Việt Nam, đặc biệt là vận động hủy bỏ điều luật 258 mà Hà Nội thường dùng để trấn áp các ngòi bút bất đồng quan điểm với nhà nước. Năm 2014, cô nhận được học bổng nghiên cứu của Đại học Nam California và được tài trợ chỗ ở tại Villa Aurora, một biệt thự nổi tiếng tại Los Angeles, California.

Một sự kiện đáng được nhắc nhở. Sau khi hoàn tất khóa học, Đoan Trang đã quyết định trở về Việt Nam, thay vì xin gia hạn để ở lại Hoa Kỳ. Trả lời cuộc phỏng vấn của đài VOA vào ngày 14/02/2015 về quyết định quay về lại Việt Nam để tiếp tục hoạt động, Đoan Trang cho biết: “Tất nhiên, đã về nước thì chấp nhận phải có rủi ro. Nếu mình viết đi quá lằn ranh mơ hồ nào đó là họ đàn áp, bắt bớ như đã xảy ra với Anhbasam, blogger Hồng Lê Thọ, và blogger Bọ Lập. Chuyện đó xảy ra thì phải chấp nhận thôi, vì đó là cái giá phải trả cho việc thúc đẩy tự do ngôn luận.”

Trong tuần qua, khi phổ biến cẩm nang “Phản Kháng Phi Bạo Lực”, Đoan Trang đã đăng trên Facebook rằng: “Nếu vì cuốn sách này mà phải ngồi tù, chúng tôi rất vui lòng. Dù rằng tất nhiên chúng tôi cũng còn rất nhiều công việc khác phải làm.”

Nói về dịch thuật, một khó khăn lớn mà tác giả cần phải vượt qua, đó là làm thế nào để mang 11 chương sách của “Blueprint for Revolution” với 11 bài học đấu tranh của Srdja Popovic để thu gọn lại còn 8 chương sách của “Phản Kháng Phi Bạo Lực” mà vẫn diễn đạt rõ ràng và ngắn gọn cho mọi người Việt, trong mọi tầng lớp xã hội, có thể đọc hiểu dễ dàng. Hai chương sách quan trọng của Srdja Popovic bao gồm “Dream Big, Start Small” (mơ mộng lớn, khởi đầu nhỏ) và “Make Oppression Backfire” (khiến cho bọn đàn áp bị phản ứng ngược) đã được Đoan Trang diễn đạt trọn vẹn qua các đoạn viết về “làm tốt từng việc nhỏ” và “làm tăng cái giá mà những kẻ đàn áp phải trả”.

Đối với các bạn hiểu rõ lịch sử của Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư, một liên bang của 6 nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa: Bosna và Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, và Slovenia từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cho đến khi giải thể vào năm 1992, các bạn có thể cho rằng: chế độ độc tài Slobodan Milošević vào năm 2000 đã bị phong tỏa quân sự bởi thế lực khối NATO từ bên ngoài, cho nên cuộc cách mạng trong nước đã thành công dễ dàng trong vòng hai năm. Còn tình hình Việt Nam hiện nay thì khác hẵn. Thật ra, “Phản Kháng Phi Bạo Lực” không phải là cuốn sách để phân tách chiến lược toàn cầu; ở đây, tác giả chỉ muốn nhấn mạnh đến mục đích thực dụng của đường lối phi bạo lực và thể hiện sự ôn hòa.

Mặc dù “Phản Kháng Phi Bạo Lực” chỉ là một cuốn sách viết về nguyên tắc đấu tranh phi bạo lực và tác giả là một người phụ nữ luôn có tinh thần đấu tranh ôn hòa, nhưng với tình trạng đàn áp nhân quyền và chỉ số tự do báo chí đứng hàng tồi tệ 176/180 hiện nay tại Việt Nam, mọi người đều không thể nào dự đoán được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào.

Trên nguyên tắc, Phạm Đoan Trang đã “làm tốt một chuyện nhỏ”; thật ra, cuốn sách này không nhỏ đâu. Sự phổ biến cuốn sách này sẽ có tác dụng mạnh mẽ đối với phong trào đấu tranh trong nước, đặc biệt là đấu tranh dưới dạng thức bất tuân dân sự. Tuy nhiên, đối với an ninh cá nhân của tác giả, sự kiện này có thể sẽ gây nhiều rủi ro cho cô ta từ phía áp lực của chế độ độc tài. Tất cả mọi người yêu chuộng nhân quyền và các tổ chức quốc tế về nhân quyền đang quan tâm và sẵn sàng bảo vệ cho cô. Mọi sự bắt giữ, giam cầm hoặc gây nguy hại đến an ninh của Phạm Đoan Trang chắc chắn sẽ “làm tăng cái giá mà những kẻ đàn áp phải trả”

fb Người Đà Lạt Xưa
April 22, 2019
.

Đây là đường link tải sách: bit.ly/phankhang

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular