ÔN CỐ TRI TÂN

0
460

Dzõ Quệ

Chắc ai cũng hiểu ôn cố tri tân là nhớ cái cũ mà biết cái mới, Sách Luận Ngữ trong thiên Vi Chính – Làm Chính Trị viết: “ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ – Ôn cái cũ mà biết cái mới thì có thể làm bậc thầy”. 

Người Việt chúng ta có lẽ rất có tinh thần bảo thủ, hoài cổ. Thời ở Houston, tôi có 2 người bạn thân đều đã mất, một anh chuyên viết sách và truyền bá tư tưởng trở về với thời đại lũy tre xanh, “làng xã tự trị – phép vua thua lệ làng”.  Một anh chuyên viết bài, viết sách hoằng dương triết lý Kim Định, cho rằng người Việt phải Về Nguồn, trở về thời đại Vua Hùng. 

Tôi chưa từng sống trong thời đại “phép vua thua lệ làng”, và dĩ nhiên cũng chưa từng sống trong thời đại Hùng Vương nên chỉ lắng nghe, dù tôi là người luôn cho rằng, thế hệ trước mình, thế hệ xa xưa đều có những gia trị tốt đẹp đáng học hỏi, cần phải học hỏi, nhưng nhân loại mỗi ngày mỗi tiến bộ, người Việt muốn đất nước và dân tộc tiến bộ, thì phải ôn cố tri tân. 

Nước Mỹ là nước lãnh đạo thế giới tự do sau Thế Chiến II, nhưng mãi tới năm 1964 mới có Đạo Luật Dân Quyền (Civil Rights Act) chấm dứt sự phân biệt chủng tộc, sắc dân, tôn giáo, giới tính hay quốc gia gốc nơi công cộng. Từ năm 1975 người Việt mới tới Hoa Kỳ, nghĩa là nếu chúng ta tới Mỹ trước đó 10 năm, thì chưa hưởng được sự bình đẳng nơi công cộng, lên xe bus phải ngồi đàng sau, không thể ngồi các chỗ phía trước dành cho người da trắng. Chúng ta cũng chưa hưởng được sự bình đẳng nơi làm việc, đi xin việc làm, trước tòa án, ngồi trong tiệm ăn..

Con người của mấy chục năm trước ở Phi Châu, Á Châu là những con người chỉ mới tiếp xúc với giá trị tự do dân chủ, những con người dễ dàng tôn xưng “lãnh tụ” và những “lãnh tụ” của mấy chục năm trước, khi lên cầm quyền cũng không mấy ai là người có cái tâm tạo nên một quốc gia dân chủ tự do thật sự. 

Với một bài viết hạn hẹp, tôi không thể nói nhiều về tình hình các nước Phi Châu sau khi chấm dứt chế độ thuộc địa, giành được độc lập. Không nói tới các nước theo CS độc tài toàn trị, duyệt qua một vài nước Á Châu“dân chủ” sau khi được thực dân trao trả độc lập, thì thấy rõ tinh thần dân chủ phải cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện.

Ở Indonesia, sau khi tuyên bố độc lập năm 1945, chống Hòa Lan thành công và được Hòa Lan trao trả độc lập vào năm 1949, Tổng thống Sukarno có công bình định đất nước, dẹp tan tình trạng phe phái trong nước và khi tình hình ổn định, ông ta bắt đầu muốn làm tổng thống trọn đời. Năm 1956, ông ta đưa ra chính sách “Dân Chủ Chỉ Đạo”, “Kinh Tế Chỉ Đạo”, vận động dân chúng tôn vinh ông ta là “lãnh tụ vĩ đại” và chấp nhận ông ta làm tổng thống trọn đời. Và để có thể làm tổng thống trọn đời, ông ta quay lưng với Hoa Kỳ, đi theo Nga, Tàu. Tướng Suharto thành công lật đổ Sukarno, trở thành tổng thống năm 1968 và cai trị đất nước này trên 30 năm, phải từ chức năm 1998 sau khi bị sinh viên, dân chúng toàn quốc đứng lên biểu tình, phản đối.  

Ở Phi Luật Tân, sau khi Hoa Kỳ công nhận độc lập năm 1946, ông Manuel A. Roxas lên làm TT và làm TT chỉ 2 năm, chết vì trụy tim, thì từ ông Roxas tới TT Magsaysay gần 10 năm, trong 10 năm này với các đời TT đều có dấu vết tham nhũng. Vị tổng thống kế nhiệm ông Quirino là ông Ramon Magsaysay, mới  được coi là vị TT trong sạch nhất trong lịch sử của Phi Luật Tân. Nhưng Tổng thống Magsaysay đã bị chết trong một tai nạn phi cơ vào năm 1957. Sau khi TT Magsaysay mất, 2 nhiệm kỳ TT kế tiếp được coi là những vị tổng thống tương đối tốt, thì tới thời ông Ferdinand Marcos lại trở thành một ông TT cai trị 20 năm, vô cùng độc tài, tham nhũng.

Nam Hàn, vị tổng thống đầu tiên của nước này là ông Lý Thừa Vãn là một lãnh tụ cứng rắn chống Cộng, nhưng sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 1956, liền sửa đổi hiến pháp, bỏ việc giới hạn 2 nhiệm kỳ, cho phép tổng thống tái ứng cử vô hạn định, vào năm 1960, đã 84 tuổi, ông ta ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 4 và nhậm được 100% số phiếu trên toàn quốc! Điều này làm tức giận dân chúng và sinh viên trong nước cũng như dưới áp lực của Hoa Kỳ, Lý Thừa Vãn phải từ chức. Hoa Kỳ đưa vợ chồng ông ta ra khỏi Nam Hàn, sống lưu vong ở Honolulu cho đến lúc mãn phần, thọ 90 tuổi. 

Miến Điện có lẽ là quốc gia bị nạn độc tài kéo dài lâu nhất ở Đông Nam Á sau khi được độc lập. Từ năm 1962 đến nay là quân phiệt Miến cầm quyền, cuộc bầu cử năm 2015 được coi là chiến thắng lớn của Liên Minh Dân Chủ, ông Win Myint được làm tổng thống, bà Aung San Suu Kyi làm cố vấn quốc gia, nhưng chỉ huy trưởng quân đội Miến có quyền chỉ định 25% dân biểu quốc hội, Chỉ định bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng biên phòng, bộ trưởng nội vụ chỉ huy lực lượng cảnh sát và kiểm soát tổng công ty kinh tế Miến. Những điều này cho thấy, quân đội vẫn tiếp tục nắm quyền thực sự trong nước chứ không phải chính phủ dân cử. Cuộc bầu cử quốc hội vừa qua Liên Minh Dân Chủ cũng chiến thắng lớn, nhưng quyền lực của quân đội vẫn ngự trị thì nước này còn lâu mới trở thành một nước dân chủ. 

Qua vài nước Đông Nam Á nói trên, ta thấy hình như tinh thần độc tài, tham nhũng là dòng máu của các nhà lãnh đạo sau khi giành được độc lập.

Việt Nam cũng không ngoại lê. Miền Bắc theo chế độ độc tài CS, miền Nam theo chế độ tự do nhưng không thể coi là chế độ hoàn toàn tự do theo tiêu chuẩn hiện nay.

TT Ngô Đình Diệm

Tôi lớn lên ở Miền Nam nên tôi nghĩ tôi phải tri ân TT Ngô Đình Diệm trước khi bày tỏ cái nhìn của mình.

Sinh ra trong thời Việt Minh ăn uống thiếu thốn dinh dưỡng: “đồng bào nên nhớ ăn rau, đừng ăn cá thịt mà đau dạ dày” nên tui nhỏ con. Ông cụ tôi sinh thời Pháp Thuộc bóc lột dù nhà nghèo cũng cao 1.75m, tui cao lúc cao nhất chỉ 1.65m. Hiện giờ sụn khô, xương rút chỉ còn 1.63m. Nhớ lại thời đi học trung tiểu học, mấy đứa cùng tuổi, cùng lớp không có thằng nào to con, lớn xác như thế hệ cha anh. 

Khi tới thời đệ nhất VNCH tôi mới bắt đầu đi học.  Đệ nhất Cộng Hòa là thời kỳ người dân được ấm no, không còn phải ăn cơm ghé sắn, ghé bắp nữa. 

Thời tôi bắt đầu đi học, mỗi sáng chào cờ, hát quốc ca rồi hát bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống”  – Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muôn năm, toàn dân VN quyết theo Ngô Tổng thống..” Chúng tôi hát bài suy tôn Ngô Tổng Thống suốt 5 năm tiểu học.  Lúc bấy giờ  mọi nhà đều phải treo hình Ngô Tổng Thống. 

Với tuổi thiếu nhi, hát là vui, nhưng tới tuổi biết suy tư, tôi nghĩ ở Miền Bắc người dân phải suy tôn Bác Hồ, thì ở Miền Nam Tự Do lại suy tôn Cụ Ngô.

Hơi trùng hợp, khi ông Hồ Chí Minh lên làm chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì khoảng 55 tuổi, ông Diệm lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cũng khoảng 54-55 tuổi. Nhưng một ông thì dân chúng phải gọi là Bác (ông Hồ còn được kêu Bác nhiều năm trước khi làm chủ tịch nước thì phải), một ông thì người dân miền Nam phải gọi là Cụ. Hiện giờ đang có hiện tượng Cụ Hồ được đúc tượng đưa vô thờ tại nhiều ngôi chùa ở VN. Cụ Ngô đang được những người suy tôn ở hải ngoại gọi là Thánh Vương Ngô Đình Diệm.

Sau đảo chánh 1963, báo chí tố cáo nhà Ngô độc tài gia đình trị, quyền lực quốc gia nằm trong tay 3 anh em Cụ Diệm, và đảng Cần Lao. Tôi không phê phán cá nhân và gia đình TT Diệm, có phải là độc tài gia đình trị hay không phải để điều này cho lịch sử phê phán. Nhưng một điều không thể chối cãi, là dưới thời Ngô Đình Diệm chỉ có một đảng chính trị duy nhất được hoạt động là đảng Cần Lao. VNCH bấy giờ Công Giáo chỉ chiếm 10% dân số, nhưng quốc hội luôn luôn do một người Công Giáo làm chủ tịch.  Tôi không dám lên án TT Ngô Đình Diệm là nhà độc tài, ông ta có thể là người có đạo đức, một nhà chánh trị liêm khiết, nhưng tôi khó tin tưởng những nhà lãnh đạo VN trong thời gian sau thực dân là người thật sự có tinh thần dân chủ. Tôi từng là đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng, và tôi từng có ý nghĩ nếu những nhà lãnh đạo của tôi như ông Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký có cơ hội làm tổng thống Việt Nam thì cũng trở thành những nhà độc tài. Có thể còn hơn cụ Diệm. 

Theo bản hiến pháp năm 1956,  quyền lực của tổng thống cũng rất lớn, như viện bảo hiến có 9 người, thì TT đã chỉ định 5 người (điều 86). Tổng thống không không cần điều trần trước quốc hội, chỉ khi thấy cần, tổng thống mới thông báo cho quốc hội tình trạng quốc gia bằng thông điệp (điều 39). Khi TT phủ quyết một đạo luật, thì quốc hội phải cần 3/4 số phiếu mới có thể tái biểu quyết (điều 58). Với bản hiến pháp như vậy, tổng thống không muốn độc tài thì cũng là ông vua con, không có cơ quan nào kềm chế quyền lực TT.

Với tôi, bản hiến pháp Đệ Nhị VNCH năm 1967 là bản hiến pháp tiến bộ, dân chủ nhất. Ấn định tam quyền phân lập rõ rệt. Quốc hội có 2 viện, thẩm phán tối cao pháp viện do quốc hội chọn và TT bổ nhiệm có thể giữ vai trò trung lập của tư pháp. Bản Hiến Pháp 1967 tuyên bố rõ các đảng chính trị được tự do hoạt động. Và thực tế là trong thời đệ nhị VNCH, dù trong tình trạng chiến tranh, các đảng chính trị như Tân Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Cách Mạng Đảng, Dân Xã đảng…đều công khai và tự do hoạt động. 

TT Nguyễn Văn Thiệu

Với tôi, TT Thiệu là một nhà lãnh đạo giỏi, ông ta đã ổn định tình trạng các tướng tranh quyền. Dù trong chiến tranh, VNCH vẫn là một nước có đặc tính dân chủ, báo chí tự do, đảng phái hoạt động tự do. Nhưng chính phủ ông ta cũng bị tố cáo tham nhũng. Vào năm 1973-74, Linh Mục Trần Hữu Thanh đã tổ chức giáo dân xuống đường chống tham nhũng, góp phần làm bất ổn nội bộ VNCH trong lúc Hà Nội gia tăng tấn công và đồng minh Hoa Kỳ đang sắp xếp những bước tiến để bỏ rơi VNCH. Có nhiều tướng lãnh VNCH bị tố đại tham nhũng như tướng Đặng Văn Quang, thì ông tướng này đã phải sống nghèo nàn và chết trong nghèo nàn ở Canada. TT Thiệu từng bị tố chở theo 16 tấn vàng, nhưng thực tế số vàng này đã bị giới lãnh đạo CSVN chia chác sau khi chiếm Sài Gòn. Tôi không nghĩ TT Thiệu là một người tham nhũng, nhưng không thể chối cãi, tình trạng tham nhũng là tình trạng thực sự ở Miền Nam. Trong tình trạng chiến tranh, việc lo lót cho con cái về hậu cứ cho an toàn, chạy chọt chức vụ, chạy chọt chỗ tốt hình như là chuyện phổ thông.! Tổng thống Thiệu từng nói nếu ông ta trừng trị hết tham nhũng thì không còn ai chống Cộng! 

Ôn cố tri tân, nhớ lại quá khứ và phải thấy khuyết điểm của quá khứ. Cứ cho rằng quá khứ rất đẹp, mong trở về với quá khứ, thì không phải chính mình đi thụt lùi, mà tai hại hơn là khi mình có khả năng hô hào một số người, một đám người cũng tôn sùng quá khứ. 

Việc suy tôn lãnh tụ là chuyện của thời đại theo sau thời thực dân, phong kiến. Con người ngày nay, đang ở các nước dân chủ tiến bộ không còn hiện tượng tôn sùng lãnh tụ, thì hà cớ gì trong thế kỷ 21 này người Việt lại hùa nhau suy tôn lãnh tụ. Nhất là suy tôn Donald Trump.

Phong trào ồ ạt tung hê Tổng thống Donald Trump, tấn công mọi sự tranh đấu cho công lý như BLM, cho môi trường dù không trực tiếp chỉ trích Trump cũng bị chụp cho cái mũ CS, bị nhồi sọ. Phong trào đòi bảo vệ môi trường của giới trẻ trên thế giới với sự thúc đẩy của cô học sinh Greta Thunberg 16 tuổi, người Thụy Sĩ, đã  bị nhiều người Việt lên FB cho rằng Greta  bị nhồi sọ, bị tẩy não. Ôi! CS đã tàn tạ trên thế giới vẫn còn quá nhiều phép lạ, qua tận Thụy Sĩ tẩy não, nhồi sọ một cô học sinh như Greta Thunberg!! 

Trong cái phong trào nhìn đâu cũng CS, chỉ có Donald Trump mới chống Cộng, có những nhà “lãnh tụ” các đảng phái chống Cộng, có những nhà báo tên tuổi, có phong trào Việt Nam Cộng Hòa đang tranh đấu tái lập Việt Nam Cộng Hòa. Tôi kính ngưỡng những người tranh đấu cho đất nước, nhưng tôi muốn góp ý rằng con người phải luôn tiến bộ, tiến về phía trước.  Con người của mấy chục năm về trước khác với con người ngày nay. Việc tung hê Trump cho thấy, người Việt đang ở một quốc gia tân tiến, lại đua nhau quay về làm con người sau thời mới chấm dứt thực dân.

Donald Trump có phải là một người có nhân cách đáng kính, đáng trọng? Một ông từng trốn lính, trốn thuê, chơi bời, gần gũi đĩ điếm, một ông tổng thống thiếu kiến thức, lơ là trách nhiệm làm hàng trăm ngàn người phải chết vì dịch bệnh, một TT mở đường cho Tàu, cho Nga tạo thêm ảnh hưởng trên thế giới, lại xúm nhau cùng tung hê, ca tụng làm cho tôi có cảm tưởng không phải họ quay về thời kỳ sau thực dân, mà đã đi tới một thời đại quái đản nào đó chưa từng có trong lịch sử loài người.

585350cookie-checkÔN CỐ TRI TÂN