Saturday, December 21, 2024
HomeBLOGNước Úc và phong trào ‘Black Lives Matter’

Nước Úc và phong trào ‘Black Lives Matter’

Blog VOA

Thứ Bảy vừa qua, hai chục ngàn người tại Sydney và hàng ngàn người ở các thành phố và thị trấn khác trên toàn nước Úc đã xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “Hãy chấm dứt mọi cái chết của người da đen trong giam cầm” (Stop All Black Deaths in Custody).

Phong trào “Mạng sống người da đen quan trọng” (Black Lives Matter) đã lan rộng trên toàn nước Mỹ và trên khắp thế giới trong những ngày qua sau khi ông George Floyd bị ngạt thở chết vì viên cảnh sát Derek Chauvin thuộc Minneapolis quỳ trên cổ 8 phút 46 giây vào ngày 25 tháng Năm.

Nhiều người Việt đã phẫn nộ khi nghe về những cái chết trong đồn công an tại Việt Nam, như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Tấn. Trong khi cũng có một số đông người dân trong nước không biết về trường hợp này trừ khi là theo dõi các cơ quan truyền thông độc lập từ nước ngoài. Còn nếu người dân chỉ nghe theo các cơ quan truyền thông trong nước về vụ này thì mọi dữ kiện đều hầu như hoàn toàn bị bóp méo, đảo ngược.

Người dân tại Việt Nam cảm thấy sốc khi nghe tin về ông Floyd bị chết như thế ngay tại nước Mỹ; là chính cái nôi của dân chủ, văn minh và tiến bộ. Thật ra thì nạn kỳ thị tại Mỹ đã có nguồn gốc hơn 400 năm qua, khi người da đen, phần lớn từ châu Phi, bị bắt làm nô lệ. Hơn 265 năm sau, Tổng thống Abraham Lincoln cho rằng nô lệ là tàn nhẫn, bất công và độc ác. Vì thế, ông Lincoln đã tìm cách chấm dứt tội ác này qua Tu Chính Án 13 năm 1865. Tuy vậy, nạn kỳ thị vẫn tiếp tục diễn ra sau đó. Ngay cả khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được chính thức công nhận vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, mà Mỹ là quốc gia chính trong nỗ lực này, thì nạn kỳ thị vẫn không phải vì thế mà chấm dứt. 100 năm sau Tu Chính Án 13, Tổng thống Lyndon B Johnson đã nỗ lực xóa bỏ nạn kỳ thị đã ăn sâu vào tâm khảm của người Mỹ. Chính sách Phân chia (Segregation) cũng từ đó bị xóa bỏ hoàn toàn. Nhưng vấn nạn kỳ thị thì không. Nó vẫn âm thầm tiếp diễn trong suốt mấy chục năm qua, và xem ra sẽ khó thể nào chấm dứt trong tương lai.

Vì sao? Vì kỳ thị chủng tộc (racism) là một loại niềm tin, như thành phần Da trắng Thượng Đẳng (White Supremacy) tin rằng họ là trên hết.

Đã là niềm tin thì, giống như nhiều niềm tin khác, rất khó thay đổi, trừ khi họ ý thức được rằng những gì mình tin là sai, và vô căn cứ, chẳng hạn. Nếu không, nó có thể được truyền từ đời này sang đời khác. Niềm tin rằng dân tộc mình, sắc tộc mình, là vô địch, là siêu việt, vẫn còn hiện hữu đối với nhiều thành phần khác nhau trên thế giới hiện nay.

Nhân cái chết của nạn nhân mới nhất là George Floyd, Úc đã có những cuộc biểu tình vào thứ Bảy vừa qua để ủng hộ cho phong trào Black Lives Matter và Stop All Black Deaths in Custody nhằm lên tiếng cho số người bản địa Úc đã chết khi bị cảnh sát Úc giam cầm. Kể từ năm 1991 đến nay có hơn 430 người bản địa đã chết. Một con số quá lớn, không thể chấp nhận được trong một nước văn minh như Úc.

Có ba điều đáng nói về các cuộc biểu tình tại Úc vào cuối tuần qua.

Một, thế khó xử giữa quyền tự do bày tỏ và khả năng lây lan Covid-19. Nước Úc đã quản lý được rất tốt Covid-19, và trong những ngày qua chỉ còn dưới 10 ca một ngày. Nhưng các cuộc biểu tình như cuối tuần vừa qua có nguy cơ làm bùng phát nạn dịch trở lại. Vì thế, Thủ tướng Scott Morrison, các Viên Y Tế Trưởng của liên bang và tiểu bang, và nhiều cơ quan truyền thông báo chí, khuyến cáo rằng xuống đường ủng hộ phong trào Black Lives Matter là chính đáng, nhưng diễn ra vào lúc này là nguy hiểm và không nên. Các lãnh đạo chính trị và y tế nhấn mạnh rằng những thành đạt về Covid-19 trong thời gian qua là do sự hợp tác của toàn thể người dân tại Úc, cho nên quyền tự do của mình mà có thể gây ảnh hưởng lên sự an toàn của người khác là điều người biểu tình cần cân nhắc.

Hai, sự quyết tâm cao độ của người biểu tình. Người biểu tình dù bị khuyến cáo và bị cấm một vài nơi nhưng không bị lung lay. Tại Nam Úc và nhiều nơi khác, cảnh sát đã cho phép ngoại lệ để người biểu tình tham gia mà không bị phạt vì đang trong đại dịch Covid-19. Nhưng tại Sydney và Melboure thì khác. Tại Sydney thì bị Toà ra phán quyết ủng hộ chính quyền NSW cấm biểu tình, nhưng chỉ trước vài phút khi cuộc biểu tình dự tính bắt đầu vào 3 giờ chiều, quyết định của Tòa Tối Cao phủ quyết cho phép người biểu tình thực thi quyền biểu đạt của họ. Còn tại Melbourne thì người ta vẫn tập trung biểu tình dù không được phép. Thủ hiến Dan Andrews cuối cùng trao quyền lại cho Viên Cảnh sát Trưởng để giải quyết. Và cảnh sát quyết định không phạt ai cả, vì làm sao có thể phạt cả vài ngàn người. Họ chỉ bắt giam những ai làm trái luật hoặc gây bạo động.

Ba, sự so sánh giữa nạn kỳ thị và Covid-19. Nhiều người tham gia biểu tình, bất chấp lời khuyên răn của lãnh đạo chính trị, y tế hay giới truyền thông, vì đối với họ, giọt nước đã tràn ly. Khi được phỏng vấn bởi báo The Age, cô Fadziso đến từ Zimbabwe, cho biết cảm nghĩ: “Bạn biết đấy, mọi người đang nói về coronavirus như là điều tồi tệ nhất từng có, nhưng phân biệt chủng tộc đã là một đại dịch trong cả cuộc đời tôi.”

Nhiều bạn trẻ Việt Nam mà tôi quen biết có vẻ rất quan tâm về sự kiện George Floyd, vì nhiều lý do. Nhưng một trong các lý do đó là vì đối với các bạn, cảnh sát Mỹ mà còn hung bạo như thế thì công an Việt Nam có tàn ác lắm không!

Thật ra thì mọi sự tàn ác đều đáng bị lên án tối đa để những bất công, oan ức và những cái chết vô lý như thế không xảy ra nữa. Quá đủ rồi! Tuy nhiên không nên so sánh công an Việt Nam với cảnh sát Mỹ. Ít nhất ở ba lý do. Một, là hệ thống. Ở Việt Nam là tàn ác một cách hệ thống, còn ở Mỹ là với tính cách cá nhân. Hai, ở Việt Nam là giữa người cùng chủng tộc, còn ở Mỹ thì là sự phân biệt đối xử vì khác chủng tộc. Ba, mọi cái chết ở Mỹ đều được điều tra, được truyền thông phanh phui, và người dân sẵn sàng xuống đường bày tỏ sự đồng cảm của họ với nạn nhân; còn ở Việt Nam thì công an và toàn thể giới truyền thông ém nhẹm mọi tin tức, và nếu có đưa tin thì toàn là bằng chứng tạo dựng.

Công lý không hề hoàn hảo hay tuyệt đối bất cứ nơi nào. Nhưng chắc chắn ở chế độ độc tài toàn trị thì xin miễn nói chuyện công với lý ở đây.

Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular