NỖI CAY ĐẮNG KHÔNG CỦA RIÊNG AI…

0
58
Di tích Nghè Vẹt/thanhnhaho.vn

Nguyễn Anh Tuấn cùng với Nhuong Tran 

Sau khi đọc stt C A Y Đ Ắ N G của nhà giáo Thái Hạo, tôi cũng chợt thấy cay đắng, nẫu lòng, và tự lý giải thêm: vì sao mình đã lặng lẽ “chia tay” với dòng họ Trịnh trong một dự án phim lớn…

Ở stt trên, Thái Hạo phản ánh một sự thật đau lòng : “20 quan lớn thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa được gọi tên trong “án” kỷ luật của Trung ương vì những vi phạm “gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn về tiền, tài sản Nhà nước”, kéo dài suốt từ 2010 đến 2021, tức hơn 10 năm. Trong vụ này, có đến 2 nguyên Bí thư tỉnh dính chàm vì nhiều sai phạm, trong đó có việc liên quan đến FLC và AIC…

“Theo báo chí, cả 7 dự án FLC ở Thanh Hóa đều “có vấn đề”. Chỉ điểm qua một việc “vặt” trong số ấy thôi: “khi chưa có tập đoàn FLC về xây dựng, dọc bãi biển Sầm Sơn là nơi mưu sinh qua bao nhiêu thế hệ. Đến nay khi FLC xây dựng xong thì người dân không được vào bãi biển để đánh bắt cá, cào ngao, mặc dù phần bãi biển trên không thuộc quản lý của tập đoàn. (hhttps://vietnamnet.vn/dan-tu-tap-truoc-ubnd-tinh-doi-flc)” ( Hết trích)

Tôi từng được tham dự và quay nhiều tư liệu quý về lễ tế trang trọng kỷ niệm 445 năm ngày mất Thái vương Trịnh Kiểm ở Phủ Trịnh, gần Nghè Vẹt ở xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá – ngôi nghè độc đáo, lạ lùng hàng đầu trong số hàng nghìn đình – nghè ở Việt Nam. Sau đó, được mời tham dự lễ “Rửa tượng” chúa Trịnh Tùng tại một đền thờ khang trang do tư nhân dòng họ tại Hải Dương… Được biết tôi là thằng làm phim có tìm hiểu về các chúa Trịnh, lại đang có dự án Điện ảnh liên quan tới Phủ Chúa và các nhân vật lịch sử khét tiếng thời “lưỡng đầu chế”, một số người dòng họ đã trân trọng mời tôi làm phim chân dung về Bình An vương Trịnh Tùng. Tôi có nói: “Theo lẽ thường, nếu là phim đặt hàng thì tôi sẵn sàng thực hiện – nhất là với đề tài tôi yêu thích. Song, với riêng về chúa Trịnh Tùng, tôi đề nghị dòng họ cần tổ chức một Hội thảo KH đã, tôi mới có thể làm phim…”. 

Sau khi giải thích cho họ lý do cốt tử, tôi có xi-nê  mồm một truyện phim của mình về “bà chúa Kim Cương” Trịnh Thị Ngọc Trúc, mà thời thiếu niên của nàng được sự dạy dỗ chu đáo của cha, và đặc biệt là người ông Trịnh Tùng, về thơ văn, hội họa, âm luật, kiến trúc…

Phim bắt đầu vào lúc nhân vật chúa Trịnh Tùng đã cởi bỏ giáp binh, rời gươm giáo và dạy cháu gái là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Trúc. Tôi có miêu tả một trường đoạn phim: Người ông đầu bạc trắng vén cánh tay áo lên, chỉ cho cháu gái những vết sẹo ngang dọc và bảo: “Để có được giang sơn này, ông và nhiều chiến binh dưới quyền ông đã phải đổ máu; nhưng để giang sơn trường tồn và tươi đẹp, thì lại cần tới người có văn hóa, cháu ạ. Ông sẽ dạy cháu…” Tôi còn đưa một họa sĩ thiết kế phim truyện về Vĩnh Lộc, bàn về xây dựng bối cảnh phim- trong đó sẽ dựng lại Phủ Chúa ở Thăng Long đã bị đốt cháy hết thời vua Lê Chiêu thống…

Tôi được giới thiệu đến một vài đại gia dòng họ Trịnh, trong đó có đại gia danh nổi như cồn bởi các dự án – trong đó có dự án FLC lộng lẫy dọc bãi biển Sầm Sơn và đẫm nước mắt của ngư dân vùng đó… Thực đáng quý trọng khi các đại gia này mong muốn tôn vinh cha ông mình một cách xứng đáng, bằng phim ảnh, và bày tỏ tinh thần đầu tư không kém thậm chí hơn là xây các lăng mộ lớn của dòng họ, và bảo tôi hãy yên tâm là bên trên họ có những thế lực chính trị rất đáng tin cậy… Nhưng, khi tiếp xúc với họ vài ba lần nữa, tôi đã nghe thấy, nhìn thấy hình bóng những nông dân ngư dân mất đất, mất bãi biển than khóc, những “thiên thần thổ địa hiện lên vái lạy rối rít”… Thế là người làm phim “không bằng mọi giá” là tôi cứ thế lặng lẽ rời xa họ…

Cho tới hôm nay, trước những tin tức rõ ràng, cụ thể về “Lợi ích nhóm” được phanh phui – như tin của nhà giáo người xứ Thanh, tôi bỗng toát mồ hôi hột… Quả là, nếu cứ đâm đầu làm phim bằng mọi giá, tôi sẽ không ngồi đây để viết những dòng này, trong nước mắt cay xè bởi cay đắng và thương xót cho bao nông dân, ngư dân đã/ đang bị tước đoạt sinh kế…

(Ảnh: Nghè Vẹt ở Thanh Hóa)

MA NAT

729230cookie-checkNỖI CAY ĐẮNG KHÔNG CỦA RIÊNG AI…