Monday, December 23, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGNHỮNG NGƯỜI CON CÁCH MẠNG: PHONG TRÀO PHẢN KHÁNG MỚI TẠI VIỆT...

NHỮNG NGƯỜI CON CÁCH MẠNG: PHONG TRÀO PHẢN KHÁNG MỚI TẠI VIỆT NAM

THỜI BÁO
Hình ảnh người dân Việt Nam Biểu tình hôm 10.6.2018

Những vị lãnh đạo thủ cựu của chính quyền Hà Nội đang ngày càng bị ám ảnh bởi di sản của Hồ Chí Minh.

Việc cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước hồi tháng Sáu năm nay đã làm dấy lên nỗi sợ hãi trên diện rộng trong lòng người dân Việt Nam rằng Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam thì sẽ khiến đất nước mất đi quyền tự chủ và làm xói mòn những di sản mà vị chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên.

Trong một bài phỏng vấn với The Diplomat, cô Hương (đã yêu cầu giấu tên thật) – một nhà hoạt động môi trường và là cố vấn cho các tổ chức phi chính phủ, đã bình luận rằng “từ trước đến nay người Việt Nam lúc nào cũng tự hào về nền độc lập của mình. Họ sẵn sàng đấu tranh cho độc lập bằng bất cứ giá nào. Chúng tôi không thể chịu được việc trở thành thuộc địa hoặc bị nước khác đàn áp. Phong trào biểu tình chống lại luật đặc khu là một sự tiếp nối với những gì đã diễn ra trong quá khứ.”

Trong các cuộc biểu tình diễn ra vào mùa hè vừa qua, đã có hàng chục nghìn người đổ xuống đường ở thành phố Hồ Chí Minh. Hàng nghìn người tại sáu tỉnh thành khác cũng xuống đường tuần hành với cố gắng ngăn chặn dự luật đặc khu được thông qua, cho phép các đặc khu kinh tế tại ba vị trí chiến lược cho thuê lên đến 99 năm. Và rõ ràng các công ty Trung Quốc chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất trong chuyện này.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hy vọng rằng các đặc khu kinh tế, nằm tại vị trí đặc biệt nếu được hưởng các quyền lợi đặc biệt sẽ trở thành viên nam châm thu hút đầu tư, từ đó giúp nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển.

Mặc cho những xung đột với Trung Quốc tại vùng biển Đông và các cuộc biểu tình phản đối chống dự luật đặc khu, mới đây thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tại Hội nghị Xuất nhập khẩu Quốc tế diễn ra tại Thượng Hải vào tháng Mười Một vừa qua. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Quang Dy, cựu quan chức bộ ngoại giao, cho biết quyền lực mềm của Trung Quốc (bao gồm cả đầu tư kinh tế) chính là mối đe dọa bên cạnh việc nước này quân sự hóa các hòn đảo đang xảy ra tranh chấp tại biển Đông. “Các công ty của Trung Quốc sẽ tiếp quản các đặc khu kinh tế giống như một cuộc xâm lược mềm mà không cần giao chiến, đúng như những gì viết trong Binh Pháp Tôn Tử. Đối với những vị trí quan trọng trên đất liền mà Trung Quốc không thể chiếm giữ bằng vũ lực, họ sẽ cố gắng giành lấy bằng cách đầu tư kinh tế.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy: “Các công ty của Trung Quốc sẽ chiếm lấy các đặc khu kinh tế bằng cách xâm lược ‘mềm’”.

Những nghịch lý của đặc khu kinh tế

Các quan chức cấp địa phương tham nhũng liên tục bị chỉ trích bởi cả các blogger trên truyền thông xã hội và phong trào “phản đối việc bán đất Việt Nam cho các nhà đầu tư Trung Quốc ở các đặc khu kinh tế”. Các nhà phê bình nói rằng việc thiếu vắng cơ quan quản lý tốt trong các khu kinh tế hành chính đặc biệt sẽ đe dọa nền độc lập của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã ra tuyên bố sau các cuộc biểu tình thừa nhận mối lo ngại của người dân Việt Nam. Ông Phúc phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng chính phủ hoan nghênh phản hồi nhiệt tình của người dân về dự luật này và hứa sẽ sửa đổi một số điều trong dự luật đó.

Chính vì quá bất ngờ và bối rối trước sự phản ứng và thái độ của người dân nên quốc hội đã quyết định dời lịch bỏ phiếu thông qua dự luật đến tận tháng Năm năm 2019.

Sự phản đối chính phủ quá phụ thuộc vào đặc khu kinh tế và đầu tư của Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế đã lan rộng ra cả những người không thuộc giới bất đồng chính kiến. Những người biểu tình mới bao gồm các cựu chiến binh, trí thức, các tổ chức xã hội dân sự và các cán bộ bất mãn trong Đảng Cộng sản, những người cảm thấy rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thất bại trong việc duy trì các nguyên tắc công bằng xã hội.

Ông Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập của tờ báo Nhân Dân đã được tị nạn tại Pháp từ năm 1990 với tư cách là một người chỉ trích cánh tả. Vào năm 1997, ông đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn tại Paris rằng trong Đảng Cộng sản có đầy những kẻ cơ hội và những kẻ được hưởng đặc quyền. Chẳng ai quan tâm đến vấn đề đạo đức cả. Mục đích lúc nào cũng là vì tiền thôi.

Về mặt này thì ông Bùi Tín không hề đơn độc. Ngày nay nhiều người ở Việt Nam vẫn ấp ủ những lý tưởng cách mạng của “vị cha già dân tộc” Hồ Chí Minh, được truyền cảm hứng nhiều phần lớn bởi một chủ nghĩa dân tộc sâu sắc chứ không phải là sự trung thành đối với chủ nghĩa cộng sản.

Ông Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn cho bộ trưởng kế hoạch và đầu tư (2001 – 2006) và là đảng viên, là một trong số nhiều trí thức đã ký thỉnh nguyện lên Quốc hội, kêu gọi hoãn thông qua dự luật đặc khu kinh tế.

Trong quá khứ, các nhóm bất đồng chính kiến kêu gọi nhân quyền và dân chủ đa đảng, được hỗ trợ bởi các cộng đồng lưu vong Việt Nam tại Hoa Kỳ và Pháp, chỉ có các tác động và gây được tiếng vang nhỏ đến công chúng.

Cách thức biểu tình rầm rộ và thu hút trí sự chú ý của công chúng dường như bắt nguồn từ một chiến dịch hồi năm 2007 được phát động chống lại một dự án đầu tư gây tranh cãi của Trung Quốc vào một mỏ bauxite ở Tây Nguyên.

Đây là cuộc biểu tình trên diện rộng đầu tiên bao gồm các trí thức, nhà khoa học và các đảng viên có tiếng nói, cũng như các nhà hoạt động Công giáo và các sư thầy Phật giáo.

Phong trào đã đạt được một sự ủng hộ từ vị đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. 55 năm sau khi ông lãnh đạo quân đội đánh bại thực dân Pháp trong trận Biên Điện Phú, ông lại nổi lên ở tuổi 98 khi trở thành nhà vận động môt trường lớn tuổi nhất thế giới.

Trong một bức thư ngỏ gửi tới thủ tướng khi đó, ông Giáp kêu gọi rằng hợp đồng khai thác phải được hủy bỏ dựa trên cơ sở môi trường và ông cũng cảnh báo về bùn thải độc hại và thiệt hại mà nó sẽ gây ra cho cộng đồng người Thượng, dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhiều lần kiến nghị hủy bỏ dự án bauxite ở Tây Nguyên.

Trước sức ép từ công chúng, Thủ tướng đã mời các chuyên gia khoa học tư vấn cho chính phủ và phối hợp để giảm thiểu thiệt hại về môi trường gây ra từ việc khai thác bauxite.

Giáo sư Võ Quý, một trong những chuyên gia được giải quốc tế về vấn đề môi trường và bảo tồn, cũng là một trong các nhà khoa học lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối dự án bauxite này.

Vào năm 2015, chính quyền Hà Nội tiếp tục phải đối mặt với một thách thức khác khi hàng trăm người đã tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần tại Hà Nội để phản đối kế hoạch đốn hạ 6700 cây trên những con đường rợp bóng cây xanh. Các cuộc biểu tình gây áp lực cho các quan chức thành phố phải từ bỏ kế hoạch của họ và cuối cùng quyền lợi của người dân đã chiến thắng.

Theo chuyên gia Đông Nam Á Anton Tsvetov, ngày nay, tầm quan trọng của di sản Hồ Chí Minh chính là “câu chuyện về việc xây dựng đất nước ở Việt Nam không chỉ xoay quanh ‘tư tưởng của Hồ Chí Minh’, mà là về cuộc chiến của người Việt chống lại sự cai trị của nước khác.”

Theo Tsvetov, trong cuốn Southeast Asia Globe, “Đó là động lực để đánh đuổi Pháp và Hoa Kỳ, và sau đó đẩy lùi sự xâm lược của Trung Quốc vào năm 1979. Đảng cộng sản tự coi mình là người kế thừa các anh hùng và các lãnh đạo được tôn kính vì đã bảo vệ đất nước khỏi những kẻ xâm lược, đặc biệt là Trung Quốc.”

Những người biểu tình nghi ngại rằng nước Việt Nam độc lập đang bị Trung Quốc đe dọa một lần nữa. Phong trào này là sự hội tụ của các nhóm khác nhau – tập hợp những người bất đồng chính kiến phương Tây, những người từng tham gia cuộc chiến giành độc lập, cựu chiến binh và các nhà hoạt động xã hội dân sự mới nổi.

Làn sóng giận dữ hiện nay nhắm vào Trung Quốc và sự thiếu minh bạch, quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ và khiến chính phủ ngày càng khó kiểm soát làn sóng phẫn nộ này.

Một học giả xã hội dân sự với bút danh là Nguyen Trinh đã quan sát thấy rằng trong nhiều chuỗi sự kiện khác nhau đã kết hợp lại thành phong trào phản kháng hiện nay, có hai chương trình nghị sự khác nhau: thứ nhất là cải cách và thứ hai là hành động quyết liệt hơn.

Ông giải thích như sau: “Có ít nhất hai phong trào ở đây. Cái thứ nhất được sắp xếp, kiểm soát và nhắm tới thương lượng để duy trì chế độ hiện tại. Những người đi theo lối này có thể bình an trở về nhà sau các cuộc biểu tình” hoặc khi ký các thư kiến nghị.

Nhiều nhà phê bình tỏ ra ủng hộ đường lối tìm cách đưa đảng cộng sản trở lại với lý tưởng ban đầu là phấn đấu cho một xã hội bình đẳng hơn dựa trên công bằng xã hội.

Nhưng một phần khác của phong trào, ông Trinh giải thích, là nhằm mục đích thay đổi triệt để hơn với những tư tưởng dân chủ, và khiến công an phản ứng lại bằng bạo lực.  Các tư tưởng dân chủ này bao gồm thiết lập một nền dân chủ đa đảng và từ bỏ chế độ độc đảng.

Chín thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã phải nhận được những bản án khắc nghiệt vì đã tham gia các cuộc biểu tình hồi tháng Sáu vừa qua.

Thành viên Hội Anh Em Dân chủ phải chịu bản án nặng nề vì tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu.

Cô Hương cũng giải thích rõ hơn về động lực thay đổi: “Trong khi hầu hết những người được đào tạo ở nước ngoài muốn có một hệ thống đa đảng kiểu phương Tây, nhiều người dân Việt Nam có thể vẫn thấy ổn với chế độ độc đảng. Điều mà hầu hết mọi người thực sự quan tâm là có một hệ thống phù hợp cho tất cả, [một hệ thống] ít tham nhũng hơn và có trách nhiệm hơn.”

Một điều rõ ràng nữa là, bất chấp sự bất cân xứng về quyền lực giữa Trung Quốc và Việt Nam, phe đối lập vẫn yêu cầu chính phủ phải có thái độ kiên quyết hơn với Trung Quốc với sự cảnh giác cao hơn trong việc bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

Bởi vì, như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do.”

Hoàng Trang – Thoibao.de tổng hợp theo bài viết của Tom Fawthrop trên Tạp chí Ngoại giao

Nguồn: https://thediplomat.com/2018/12/sons-of-revolution-vietnams-new-protest-movement/


 

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular