VOA 10/9/2019
Phạm Chí Dũng
Gần một năm rưỡi sau lần chính thể ‘đảng em’ ở Việt Nam lần đầu tiên gián tiếp thừa nhận rằng họ đã yêu cầu Repsol – một hãng dầu khí Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – dừng khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính, mà nguồn cơn thực chất là do bị ‘đảng anh’ Trung Quốc gây sức ép và phá bĩnh, đã xuất hiện thông tin không chính thức, nhưng có cơ sở, về việc chính quyền Việt Nam đã phải phủ phục nhượng bộ trước Bắc Kinh tại mỏ này.
Repsol phải dừng hẳn khai thác dầu?
Nhà báo Chu Vĩnh Hải, một hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, viết trên trang web Tiếng Dân, rằng một nguồn tin cực kỳ khả tín và có trách nhiệm ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nói với ông: Vào sáng ngày 06-9-2019, PVN và hãng dầu khí Repsol đã đi đến thỏa thuận cuối cùng là, Repsol sẽ dừng hẳn việc triển khai dự án dầu khí Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03 và lô 07.03.
Theo nguồn tin trên, PVN và Repsol sẽ không đưa nhau ra tòa trọng tài quốc tế mà sẽ tự thỏa thuận đền bù cho Repsol. Thỏa thuận đền bù dân sự này cao hơn tổng mức đầu tư mà Repsol đã đầu tư vào Cá Rồng Đỏ là 300 triệu USD nhưng không vượt quá 1 tỉ USD.
Tuy chưa được xác nhận chính thức bởi một hãng thông tấn hay tờ báo nào của nước ngoài, nhưng thông tin trên của nhà báo Chu Vĩnh Hải là khá phù hợp với bầu không khí trĩu nặng và trống rỗng tại liên doanh Cá Rồng Đỏ trong hơn hai năm qua, kể từ ngày Trung Quốc mở màn chiến dịch gây hấn tại mỏ dầu khí này từ tháng 7 năm 2017 khiến Repsol phải ‘tháo chạy’ lần đầu tiên. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác mỏ này đã bị đình trệ.
“Bản lĩnh Việt Nam” và những lần tháo chạy
Cá Rồng Đỏ, còn gọi là Red Emperor, là một phần Lô 07/03 tại bồn trũng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km.
Ước tính trữ lượng của mỏ là khoảng 45 triệu thùng dầu thô, gần 4,9 tỷ m3 khí tự nhiên và 2,3 triệu thùng condensate – một dạng dầu thô siêu nhẹ, chủ yếu là một phụ phẩm của việc khai thác khí đốt.
Nhưng lô này nằm gần đường 9 đoạn, còn gọi là ‘đường lưỡi bò’, mà Trung Quốc đã vạch ra để tuyên bố chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông. Vào năm 2017, Trung Quốc đã cho vẽ lại ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ mà đã quét qua đến 67 lô dầu khí – chiếm phần lớn trong số các mỏ dầu khí của Việt Nam. Khu vực bị ‘liếm’ nhiều nhất là Bãi Tư Chính.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại Giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam.” Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí. Sau vụ bỏ chạy không ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam – Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.
9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Tháng Ba năm 2018, một lần nữa, Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Vẫn bởi sức ép của ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc – như cái cách tụng ca một thời của giới chóp bu Việt Nam, bất chấp giới hạn dưới của phạm trù liêm sỉ.
Ngay sau vụ Cá Rồng Đỏ lần hai, Tập Cận Bình đã cử Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc – đến Việt Nam với một “tối hậu thư”: Việt Nam phải “cùng hợp tác khai thác” mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, “bản lĩnh Việt Nam” sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Cho tới lúc đó, “bản lĩnh Việt Nam” chỉ còn cách “tự xử”: nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba năm 2018, con số bồi thường nghe nói lên đến 200 triệu USD.
Còn bây giờ là từ trên 300 triệu USD đến 1 tỷ USD. Đó là cái giá phải trả vì PetroVietnam, mà đứng đằng sau nó là Bộ Chính trị Việt Nam, đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng với Repsol.
Cũng có thông tin từ giới chuyên gia dầu khí về việc PetroVietnam phải bồi thường khoảng 400 triệu USD cho Repsol.
Thông tin ngoài lề về việc PetroVietnam chấm dứt liên doanh với Repsol trong khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ cũng khá logic với phản ứng ‘kịch liệt phản đối’ đến mức nổ súng cảnh cáo còn không dám của lực lượng tuần duyên Việt Nam, khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay như vào chốn vô chủ quyền.
‘Khấu đầu’ hay tiếp tục vật lộn?
Vấn nạn hiện thời tại mỏ Cá Rồng Đỏ là chính thể Việt Nam không những rơi vào tình trạng rất có thể phải chấm dứt liên doanh và bồi thường cho Repsol, mà còn có thể đã nhúng thêm một chân xuống miệng vực thẳm nếu quả thật đã phải nhượng bộ cho Trung Quốc ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’. Nếu đúng vậy, sắp tới tàu Hải Dương 8, tàu cẩu Lam Kình và các tàu hải cảnh của Trung Quốc sẽ biến mất khỏi khu vực Bãi Tư Chính, mà thay vào đó sẽ là sự hiện diện của một công ty khai thác dầu khí Trung Quốc, để mọi chuyện lại trở về vạch xuất phát ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười Sáu Chữ Vàng’ cực kỳ đãi bôi và giả dối. Khi đó, một phần đáng kể dầu thô từ Cá Rồng Đỏ đáng lý chạy vào ngân sách để nuôi bộ máy đảng CSVN thì sẽ chui thẳng vào túi ‘đảng anh’.
Nhưng cũng còn một kịch bản khác – đỡ tệ hại hơn. Đó là chính thể Việt Nam chỉ cúi mình chấm dứt hoạt động liên doanh với Repsol, chịu bồi thường cho Repsol để tạm thời thỏa mãn yêu sách của Bắc Kinh và chấp nhận để PetroVietNam tự khai thác dầu mà không có sự hỗ trợ kỹ thuật tối tân của các quốc gia châu Âu, nhưng mặt khác cũng không để Trung Quốc can dự vào mỏ Cá Rồng Đỏ. Tuy nhiên, phần tiếp theo của câu chuyện này sẽ gay cấn không kém gì cái cách mà Bắc Kinh đã làm để đẩy đuổi Repsol trở về Tây Ban Nha. Cuộc chiến giành ăn dầu khí chỉ tạm lắng một thời gian, rồi sau đó sẽ vẫn tái diễn. Và với nỗi sợ mất mật đã trở thành bản năng, Bộ Chính trị Việt Nam sẽ khó mà khoan được thùng dầu nào từ mỏ Cá Rồng Đỏ để có tiền nuôi đảng và trả nợ nước ngoài…