NHUẬN BÚT VÀ… PHONG BÌ

0
443

 

Bạn nhớ rất rõ khoản nhuận bút đầu tiên mà mình nhận được trong đời làm báo nhưng sẽ lờ đi khi ai đó đả động đến chuyện phong bì họp báo. Sự thật thì không thể phủ nhận, có một số người làm báo sống nhờ phong bì chứ không phải nhuận bút.

Nhuận bút bõ công hay không?
Trên lý thuyết, một nhà báo chân chính sống nhờ nhuận bút mà anh kiếm được nhờ đổ mồ hôi sôi nước mắt trong quá trình thực hiện bài vở. Do vậy, mức nhuận bút phải đáng kể để người làm báo thấy bõ công, nhất là những bài phóng sự điều tra đòi hỏi bạn phải thâm nhập thực tế, có nguy cơ bị kẻ xấu đe dọa, hành hung…
Thực tế, không có nhiều tòa soạn báo mà phóng viên, biên tập viên có thể sống thoải mái nhờ những khoản thu nhập chính danh bao gồm: lương, nhuận bút, các khoản thưởng, phụ cấp trách nhiệm… Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lượng báo in sụt giảm, khó kiếm khách hàng quảng cáo, đối tác tài trợ event…
Đó là chưa kể khoảng cách chênh lệch về nhuận bút giữa báo lớn và báo nhỏ, báo giấy và báo điện tử chênh nhau khá xa. Trong lúc nhuận bút một bài trên báo điện tử dao động quanh mức 200.000 – 400.000 đồng, một tờ nhật báo có khi trả 6 – 7 triệu đồng cho một bài viết mang tính công phu.
Nhìn chung, nếu làm báo mà kỳ vọng quá nhiều ở nhuận bút, sẽ có lúc bạn rơi vào tình huống éo le khi chi phí thực hiện bài vở còn cao hơn nhuận bút. Hoặc giả là tình huống mà bạn không ngờ tới: một tạp chí lifestyle do khó khăn về ngân sách nên đề nghị trả nhuận bút cho cộng tác viên bằng… mỹ phẩm, nước hoa, thậm chí voucher đi spa, nhà hàng, khách sạn.

Phong bì có “thơm” hay không?
Có rất nhiều bi hài kịch xảy ra quanh chiếc phong bì mà ban tổ chức các cuộc họp báo gửi cho phóng viên kèm theo trong tập thông cáo báo chí. Cách đây đã lâu, khi đến dự một cuộc họp báo, tôi nhận được cuộc gọi của một bạn đồng nghiệp báo khác: “Ông đang dự họp báo bên XYZ hả, mở phong bì ra coi được nhiêu vậy? Khá thì tôi đi, không thì thôi, chả bõ công!”. Lần khác, khi tôi đến cuộc họp báo trễ 15 phút, ban tổ chức lập tức phân trần: “Xin lỗi, chúng tôi không còn tài liệu và phong bì gửi anh được vì lúc nãy quá nhiều nhà báo không mời mà tới đã đòi hết”.
Để đối phó với một số người làm báo kém tự trọng, không ít ban tổ chức sắp đặt sẵn hai chồng tài liệu, một cho những người có thư mời và một cho những người bỗng dưng xuất hiện.
Một số phóng viên có thói quen hành xử cực đoan: khi nhận được phong bì ít tiền, họ sẽ không thèm đặt câu hỏi trong phần Q&A hoặc dự họp chiếu lệ và bỏ về sớm. Thậm chí có người còn hỏi thẳng ban tổ chức là phong bì ở mức bao nhiêu để họ quyết định có tham dự hay là từ chối do… bận việc.
Tất nhiên, như ngạn ngữ phương Tây có nói “Không có bữa trưa nào miễn phí”, những chiếc phong bì họp báo thường đi kèm những cuộc điện thoại đòi tin bài về sự kiện của nhân viên PR. Mà oái ăm là lắm khi tin bài dự họp báo rất khó đăng, hoặc nếu có đăng được thì phần liên quan đến thương hiệu, sản phẩm khách hàng của PR cũng bị biên tập cắt mất.
Trong khi việc nhận phong bì tại cuộc họp báo mang tính khả dĩ (vì ai sao mình vậy), chuyện nhận tiền bồi dưỡng để viết bài theo yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp/tổ chức nào đó bị xem là điều cấm kỵ và vi phạm đạo đức nghề báo.
Nhân đề cập đến chuyện này, cũng xin trích đăng lại một đoạn trong bài ký sự nhân vật do tôi viết cách đây không lâu:
“Buổi sáng một ngày tháng 9/2014, tôi gọi điện đến quán phở Cao Vân, đường Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn, để xin hẹn gặp phỏng vấn ông Trần Văn Phồn, chủ quán. Đầu dây bên kia, nghe giọng Bắc trầm ấm của ông: “Cậu nói to lên, tôi già rồi, tai nghễnh ngãng… Mà cậu ơi, cậu đến gặp tôi viết bài có tính tiền không?”. Khi nghe tôi trấn an là đến phỏng vấn viết bài và không nhận tiền, ông xởi lởi hơn và bảo rằng tôi có thể đến ngay trong buổi chiều cùng ngày…”.

#songtotvoinghebao

254620cookie-checkNHUẬN BÚT VÀ… PHONG BÌ