VOA
Tương lai của nhóm quan chức cao cấp ăn đất Thủ Thiêm đang trở nên mờ mịt và nguy khốn hơn hẳn năm 2018. Vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) Lê Tấn Hùng vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 vì ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng lại rất có thể dẫn đến ông anh ruột là ‘bố già’ Lê Thanh Hải – từng một thời là chủ tịch và bí thư TP.HCM đầy tai tiếng và cả tội ác ngút trời ở vùng đất Thủ Thiêm.
Có gì khác trong kết luận 2109 với 2018?
Ít hôm trước khi em trai Lê Thanh Hải bị bắt, cơ quan Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm.
Bản kết luận trên tuy chẳng thèm đả động gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, cũng không trả lời được những câu hỏi như “Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh?”, “160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào?”, “Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào?”…, nhưng lại khá chi tiết khi quy trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… Về tầm vóc và chiều sâu, bản kết luận thanh tra này là sắc bén hơn nhiều so với bản kết luận kiểm tra – cũng của Thanh tra chính phủ – được ban hành vào tháng 9 năm 2018 theo cung cách ‘cho có’ và ‘chẳng chết ai’.
Chi tiết đắt giá nhất liên quan đến chuyện sống chết là ngoài kết luận thanh tra Thủ Thiêm được công bố, Thanh tra chính phủ còn có một văn bản không công khai đề cập đến những quan chức sai phạm thuộc diện quản lý của Ban bí thư và Bộ chính trị. Văn bản này chắc chắn đã được Thanh tra chính phủ gửi cùng kết luận thanh tra cho Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư và ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.
Những cái tên nào có thể nằm trong văn bản không công khai trên?
“Hai – Ba – Sáu…”
Ở Sài Gòn, cái tên Lê Thanh Hải (bí danh Hai Nhựt) bị người dân và cả một số công chức gọi là “Hải Heo,” là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất.
Vào thời còn là chủ tịch thành phố, Lê Thanh Hải đã “dọn đường” cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Tiếp đến là Nguyễn Văn Đua (Ba Đua) – cựu phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM. Sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, Nguyễn Văn Đua đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một “sát thủ” đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Đua bị “tố” là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ.
Đặc biệt là Tất Thành Cang (Sáu Cang) – người được xem là “đệ ruột” của anh Hai (Lê Thanh Hải), bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành phó bí thư thường trực TP.HCM và lại dính đậm ở một vụ “ăn đất” khác: Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy TP.HCM bán trái phép với giá bèo 32 hécta đất Nhà Bè cho tư nhân.
Gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bức ảnh được chụp từ cự ly gần về những “lều đày tớ” quá đồ sộ và hoàng tráng của Tất Thành Cang và Nguyễn Văn Đua, hay cảnh Sáu Cang ăn nhậu với một số quan chức và báo chí cánh hẩu ngay trong nhà khách thành ủy… Chỉ có người trong nội bộ “‘đảng ta” mới có thể chụp gần như vậy.
Trong khi đó, Lê Thanh Hải kín đáo tung tích hơn. Nhưng rất nhiều người dân và công chức ở Sài Gòn cho rằng đây mới là “chuột cống” với vô số nhà cửa và đất đai tích góp được qua 15 năm làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Nhiều tờ báo đã bắt đầu nêu đích danh trách nhiệm Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm.
Ngoài ra, còn phải kể đến cái tên Lê Hoàng Quân (Hai Quân) – cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, là nhân vật có tiếng là ‘ngoan hiền dễ bảo’ và được ‘anh Hai Nhựt’ đặt vào cái ghế chủ tịch.
Chưa kể đến một số quan chức khác như hai cựu phó chủ tịch TP.HCM là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài đang nằm trong xà lim, Vũ Hùng Việt cũng là cựu phó chủ tịch thành phố được xem là đã ‘hạ cánh an toàn’…
“Song kiếm hợp bích”
Một động thái đáng chú ý khác là sau khi bản kết luận thanh tra Thủ Thiêm được Thanh tra chính phủ công bố, nhiều tờ báo nhà nước đã một lần nữa, kể từ thời ‘viết như chưa từng được viết’ vào tháng 5 năm 2018, mạnh miệng bóc xé trách nhiệm của các quan chức ‘ăn đất’, đặc biệt là về Lê Thanh Hải cùng nhiều dấu hỏi liên quan đến từng vụ việc được nêu trong kết luận thanh tra.
Tuy nhiên động thái thông tin báo chí về Thủ Thiêm vào năm nay có vẻ khác biệt khá nhiều năm 2018. Nếu vào tháng 5 năm 2018, báo chí quốc doanh chỉ được giới tuyên giáo trung ương cho ‘mở miệng’ vừa vặn một tuần lễ và ‘bắt câm mồm phải câm mồm’ vào ngay tuần lễ sau đó, thì đợt tin bài về Thủ Thiêm vào tháng 6 và lan sang tháng 7 năm 2019 có vẻ ‘bền vững’ hơn, trong khi chưa có dấu hiệu Ban Tuyên giáo trung ương can thiệp thô bạo và ‘ngăn sông cấm chợ’ như thường thấy trong rất nhiều vụ việc trước đây.
Cũng khác với năm 2018 khi chính phủ bị xem là chểnh mảng đáng nghi ngờ, thái độ về vụ Thủ Thiêm của các quan chức Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng, Trương Hòa Bình – Phó thủ tướng thường trực phụ trách nội chính, kể cả Phạm Bình Minh – Phó thủ tướng ‘thường’ kiêm Bộ trưởng ngoại giao là ‘sâu sát’ hơn vào năm 2019.
Nếu vào năm 2018, chính phủ của Nguyễn Xuân Phúc còn có biểu hiện như thể ‘đá’ toàn bộ trách nhiệm xử lý vụ Thủ Thiêm cho chính quyền TP.HCM, thì vào năm nay có thể ông Phúc đã được ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng từ giường bệnh nhắc nhở, hoặc chính ông Phúc và cấp phó là Trương Hòa Bình đang muốn lấy điểm chính trị, trong bối cảnh nội bộ đảng cầm quyền đang dần nóng rẫy cuộc đua tranh được giới thiệu nhân sự vào Bộ chính trị cho đại hội 13, mà khả năng nhiều khung nhân sự đó sẽ phải hoàn thành tại Hội nghị trung ương 12 sẽ diễn ra vào cuối năm 2019.
Tình hình trên, cùng những biến động nội hàm của bàn cờ chính trị, đang khiến cho ‘bè lũ ăn đất Thủ Thiêm’ gần với ‘cẩu đầu trảm’ hơn bao giờ hết. Giờ đây, chủ thể tấn công vụ Thủ Thiêm không chỉ là Ủy ban kiểm tra trung ương như năm 2018, mà còn xuất thế từ phía những cơ quan chống tham nhũng của chính phủ.
Thế ‘song kiếm hợp bích’ đang hình thành.
Trong bối cảnh đó, rất nhiều người cho rằng không thể là ngẫu nhiên khi Lê Thanh Hải chợt xuất đầu lộ diện – ngay sau khi Thanh tra chính phủ thông báo kết luận thanh tra về vụ Thủ Thiêm – trong “Hội Thảo Khoa Học 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh” do Thành ủy TP.HCM của Nguyễn Thiện Nhân tổ chức…
“Hãy đối xử với bị cáo như một con người!”?
Kẻ quyền biến một thời ấy một lần nữa đã xoay sở để được ‘lên lớp’: ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa “, suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…” – như một hành động công khai thách thức công luận và lương tâm xã hội.
Nhưng cũng không ít người nhắc lại một câu chuyện gần tương tự về Trương Minh Tuấn – cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông. Cho đến đầu năm 2019, ngồi trên cái ghế mới Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, Trương Minh Tuấn vẫn nghiễm nhiên là tác giả của một cuốn sách về ‘chống diễn biến hòa bình’ và vẫn răn dạy báo chí về ‘học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông ta đã chính thức được ‘mời ở lại’ sau một lần bị triệu tập đến trại giam Bộ Công an – chỗ dừng chân không thể thiếu trước khi ra tòa nhận án ‘bóc lịch’.
Rồi không biết là vô tình hay hữu ý, chỉ vài ngày sau khi hiện ra ‘tấm gương đạo đức’ Lê Thanh Hải, em ruột ông ta là Lê Tấn Hùng đã không những bị Bộ Công an trực tiếp bắt mà còn bị di lý ra Hà Nội trong cùng ngày, phát ra một thông điệp vỗ mặt về việc ‘trung ương’ không hề tin tưởng các cơ quan điều tra và tư pháp của chính quyền TP.HCM – vốn vẫn còn đầy rẫy người của ‘anh Hai Nhựt’ cài cắm trong suốt 15 năm thống trị.
Cho đến giờ phút này, kịch bản vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể. Vấn đề còn lại chỉ là Lê Thanh Hải và nhóm quan chức cao cấp ‘ăn đất’ trong Thành ủy TP.HCM sẽ phải chịu hậu quả đến mức nào – xử lý kỷ luật đảng hay sẽ theo chân Đinh La Thăng để phải gào lên trong một phiên tòa lịch sử “Hãy đối xử với bị cáo như một con người!”.…
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.