Thursday, December 26, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGNhân cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông – Hồng Kông, một lần...

Nhân cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông – Hồng Kông, một lần tôi đã gặp

Lê Phú Khải

15-8-2019

Hai triệu người đã xuống đường ở Hồng Kông. 350.000 người đã đình công. Xe lửa, xe tải, phi trường đang tắc nghẽn… Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có một Thiên An Môn sẽ diễn ra ở Hồng Kông hay không?

Người ta hay nói đến Hồng Kông là một thị trường tài chính, chứng khoán, giao dịch thương mại lớn… Nhưng ít người hiểu rằng, Hồng Kông còn là một thị trường tin tức lớn nhất thế giới. Ở Hồng Kông, anh có thể biết những gì đã xẩy ra đêm qua khi thức dậy. Những cuốn sách mới ra lò, kể cả những cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất trên thế giới cũng được người ta tóm tắt ngay nội dung để bán cho anh.

Có tiền ở đây là có thể mua được tất cả mọi tin tức trên thế giới, có cả những “hãng” sản xuất ra những thứ hàng hóa thông tin này để bán cho anh đặt mua hàng tháng, hay hàng tuần, hàng ngày… Vì thế, các hãng thông tấn lớn nhất trên thế giới đều đặt phóng viên thường trú tại đây. Mật độ nhà báo trên thế giới ở đây vào loại cao nhất. Năm 1960, Thông tấn xã Việt Nam có điều đình nhiều lần để đặt phóng viên thường trú tại đây nhưng không thành.

Chính vì vậy mà khó có thể xẩy ra một vụ đàn áp như Thiên An Môn ở Hồng Kông lúc này. Vì Hồng Kông không phải là Trung Quốc. Hồng Kông không nằm gọn trong lục địa Trung Hoa. Ống kính của một rừng báo chí thời kỹ thuật số, thời @ 4.0 chỉ chờ có biến động là bao phủ thông tin, hình ảnh lên toàn cầu.

Chính xã hội tự do và nhà nước pháp quyền đã tạo nên một Hồng Kông phồn vinh, vì thế nếu từ bỏ pháp quyền là Hồng Kông sụp đổ và không thể đảo ngược xu thế đã có bề dầy 100 năm này.

Kinh tế Hồng Kông là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển được xây dựng trên nền kinh tế thị trường, thuế thấp và ít có sự can thiệp của chính phủ. Đây là một trung tâm tài chính thương mại quan trọng và là nơi tập trung nhiều đại bản doanh công ty của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kinh tế Hồng Kông chủ yếu là dịch vụ. Tỷ trọng của khu vực này trong GDP của Hồng Kông lên đến 90%.

Trong quá khứ, chế tạo là khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế do Hồng Kông đã tiến hành công nghiệp hóa sau chiến tranh thế giới thứ hai. Với xuất khẩu làm động lực, kinh tế Hồng Kông đã tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm là 8.9% trong thập niên 1970. Hồng Kông đã trải qua một quá trình chuyển dịch nhanh sang một nền kinh tế dịch vụ trong những năm 1980, khi tốc độ tăng trưởng đạt 7.7% bình quân mỗi năm. Phần lớn các hoạt động sản xuất được chuyển qua Trung Hoa đại lục trong thời kỳ này và công nghiệp hiện nay chỉ chiếm 9% nền kinh tế.

Khi Hồng Kông đã lớn mạnh để trở thành một trung tâm tài chính, tăng trưởng chậm lại xuống còn 2.7% mỗi năm trong những năm 1990. Cùng với Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, Hồng Kông được gọi là một trong Bốn con hổ châu Á do tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh chóng trong thời kỳ từ thập niên 1960 đến thập niên 1990.

Cái “con hổ” châu Á ấy, người dân tiêu đồng đô-la Hồng Kông có tỷ giá 7.75 đến 7.85 một đôla Hồng Kông ăn 1 đôla Mỹ, sinh sống trên 262 hòn đảo có tổng diện tích 1103 km2 với hơn 5 triệu dân, nói tiếng Anh và tiếng Quảng Đông, không nói tiếng Quan Thoại như Trung Hoa lục địa. Cái “con hổ” ấy vào đêm 1 tháng 7 năm 1997 đã trở về với… đất mẹ Trung Hoa!

***

Những ngày tôi ở Hồng Kông, các nơi công cộng đều gắn những đồng hồ chạy ngược rất lớn. Những đồng hồ đó chạy giật lùi đếm những giây còn lại cho đến thời điểm Hồng Kông trở về với Trung Hoa lục địa. Một làn sóng di dời khỏi Hồng Kông diễn ra trong những ngày đó. Người ta đã làm một cuộc thăm dò sau này ở Đại học Hồng Kông vào năm 2012 thì thấy 70% người được hỏi, nói họ tự nhận là người Hồng Kông chứ không phải là người Trung Quốc.

Làm sao lại di tản trước 1 tháng 7 năm 1997? Làm sao lại muốn ly dị với chính tổ tiên cuả mình là người Hán và đất mẹ Trung Hoa, nếu không phải đó là khát vọng của Tự do và Dân chủ- xu hướng của thời đại?

Do Hồng Kông đất hẹp người đông nên việc xây dựng nhà cửa rất hợp lý. Người ta có thể bạt một triền núi đá để san một mặt bằng rồi làm nhà cao tầng bên vách núi chênh vênh, giải quyết nạn thiếu nhà. Nhưng cả Hồng Kông là một công viên cây xanh lớn, với 40% đất được dành cho công viên thôn quê và các khu dự trữ thiên nhiên. Người đến mua sắm, du lịch ở Hồng Kông nườm nượp.

Hồng Kông thường được mô tả là nơi phương Đông gặp phương Tây, điều này được phản ánh trong hạ tầng kinh tế, giáo dục và văn hóa đường phố. Trên một góc phố nào đó, có thể có các tiệm truyền thống Trung Hoa bán thảo dược Trung Hoa, các đồ dùng linh tinh có liên quan đến Phật giáo hay bát súp vi cá mập bằng chất dẻo. Nhưng tại góc phố tiếp theo, người ta có thể tìm thấy các rạp hát đang chiếu các bộ phim ăn khách của Hollywood, một quán rượu theo phong cách Anh, một nhà thờ Công giáo hoặc một quán thức ăn nhanh MacDonald’s.

Ngôn ngữ chính thức của Hồng Kông là tiếng Hoa và tiếng Anh; các biển hiệu bằng hai thứ tiếng này hiện diện khắp nơi ở Hồng Kông. Chính quyền, cảnh sát, và phần lớn các nơi làm việc đều sử dụng cả hai thứ tiếng. Sự cai trị của người Anh đã kết thúc hai thập kỷ trước nhưng văn hóa phương Tây vẫn thấm sâu vào Hồng Kông và tồn tại liền một mạch với triết lý và phong tục phương Đông.

_____

Một số hình ảnh tác giả gửi tới:

Nhà hàng nổi có sức phục vụ 3000 thực khách một lúc trên vịnh Victoria ở Hồng Kông – Năm 1997
Nhịp sống hối hả ở Hồng Kông. Ảnh: Lê Phú Khải
Tác giả ở Hồng Kông hồi tháng 2 năm 1997
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular