Nguyễn Đình Ngọc
_______________________________
Người hùng cô đơn”, “người chiến sĩ dân chủ thầm lặng” là các danh xưng mà độc giả yêu mến dùng để nói về blogger Nguyễn Ngọc Già – người từng là một trong những cây bút ẩn danh nổi tiếng nhất trên trang blog Dân Làm Báo.
Nguyễn Ngọc Già (tên thật là Nguyễn Đình Ngọc) từng làm việc tại Đài truyền hình (cái gọi là) TP Hồ Chí Minh với chức vụ Phó trường phòng Kế hoạch dự án. Tư tưởng tự do, cốt cách của một người chân chính đã thúc đẩy Nguyễn Đình Ngọc từ bỏ công việc sau 12 năm công tác để cất lên tiếng nói của lương tâm. Đấu tranh trong thầm lặng là sự lựa chọn đòi hỏi nhiều thử thách hơn của Nguyễn Ngọc Già so với những người cùng chí hướng khác, như ông đã từng viết “Tôi yêu sự cô đơn tự nguyện”.
Suốt hơn 5 năm cái tên Nguyễn Ngọc Già đã trở nên quen thuộc với độc giả, với những người quan tâm đến hiện trạng đất nước. Người ta muốn biết nhưng không ai biết Nguyễn Ngọc Già là ai cho đến ngày ông bị bắt 27/12/2014. Tất nhiên, cũng chỉ là vài chi tiết rất hiếm hoi và ít ỏi. Blogger Phạm Thanh Nghiên từng viết trong bài Tôi nhớ Nguyễn Ngọc Già: “Cho đến lúc này, Nguyễn Ngọc Già có lẽ là blogger duy nhất bị bắt với nghịch lý “ông rất nổi tiếng nhưng không ai biết ông là ai”.
Trong thời gian Nguyễn Ngọc Già ở tù, người con trai út của ông là Nguyễn Đình Vĩnh Khang đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông đầy thương tâm.
Nguyễn Ngọc Già ra tù ngày 27/12/2017, sau 3 năm bị giam cầm trong nhà tù cộng sản.
Hôm nay, chúng tôi may mắn được tiếp chuyện với ông trong một cuộc phỏng vấn mà chúng tôi tin rằng được sự trông đợi của rất nhiều độc giả yêu mến cái tên Nguyễn Ngọc Già.
Mời quý độc giả trong thôn cùng theo dõi câu chuyện giữa CTV Danlambao với Blogger – Tù Nhân Nhân Quyền Nguyễn Ngọc Già.
CTV Danlambao: Thưa anh, câu hỏi đầu tiên, anh có thể chia sẻ cảm xúc khi ra tù?
Tù Nhân Nhân Quyền (TNNQ) Nguyễn Ngọc Già: Cảm xúc đầu tiên là bồi hồi và bùi ngùi, khi về đến nhà, với quá nhiều đau buồn vây lấy quanh tôi. Tôi không ngủ được nhiều. Thường thức giấc vào nửa đêm, khoảng hơn 2 giờ sáng mới ngủ lại. Nhưng tôi cố gắng tập thể dục sáng để sức khỏe không xuống dốc quá nhiều. Đến hôm nay, tôi cũng chưa ngủ được sâu và tinh thần cũng chưa hoàn toàn minh mẫn, bởi còn quá nhiều việc làm tôi bận tâm.
CTV Danlambao: Khi anh bị bắt, nhiều người gọi anh là “Người hùng cô đơn”, “Người chiến sĩ dân chủ thầm lặng”, anh có thấy điều này đúng với mình không?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Đó là tình cảm của độc giả và bằng hữu dành cho tôi, dù chưa một lần giáp mặt, nhưng mọi người đều nhận thấy ở tôi là một con người: chánh tâm, thiện tâm và thành tâm. Tôi rất cám ơn những tình cảm đó.
CTV Danlambao: Vì sao anh chọn hình thức đấu tranh ẩn danh? Và tất nhiên, chúng tôi cũng rất muốn biết vì sao anh lại quyết định ra mặt để rồi đón nhận con đường tù đày?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Thật ra, ẩn danh hay không, đối với tôi không quan trọng bằng nội dung những gì tôi nghĩ, tôi viết, miễn sao khi chia sẻ và giải bày làm sao có ích cho đời. Đặc biệt là có lợi, dù ít nhất, cho dân oan và những người bạn tù oan, bất kể họ đã ra tù hay còn trong lao khổ.
Tôi lặng thầm “viết và viết”. Tôi biết, rất nhiều độc giả và bằng hữu cần biết “Nguyễn Ngọc Già là ai”. Cũng như tôi thôi, khi mình quý mến ai đó, mình cũng muốn biết con người đó ra sao. Dù bề ngoài không phải là cái quyết định nhưng là cái bắt đầu. Chính vì lẽ đó, tôi luôn muốn hình ảnh của tôi phải khỏe mạnh, lạc quan. Đó không phải là sự giả dối, bởi trình bày hình ảnh bản thân như vậy, tức là tôi đang trân trọng mọi người.
Như bạn biết đấy, ở đời không có ai lại muốn ở tù. Ba năm tù giam của tôi dù rất khốc liệt và bi đát, nhưng ở đời có gì mà không phải trả giá. Bạn hỏi câu này, làm tôi nhớ tới nhạc phẩm “Đời Đá Vàng” của nhạc sĩ Vũ Thành An, có mấy câu như thế này:
“Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng.”
Tôi “nhận” chứ không “đón” nó – “con đường tù đày”, bởi tôi viết như là một sự sám hối cho bản thân tôi và có lẽ cho gia đình tôi nữa.
CTV Danlambao: Anh có bao giờ hối hận về quyết định của mình và về con đường mình đã chọn không?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Tôi chỉ đau buồn về sự ra đi mãi mãi của con trai tôi. Đối với tôi, cháu nó đang ở một nơi rất xa. Đến một ngày nào đó, tôi và vợ tôi sẽ cùng tới đó và chúng tôi thanh thản vui sống với nhau.
CTV Danlambao: Anh có tiếp tục đi con đường này không?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Tôi chọn con đường “cô đơn trong tự do tư tưởng” để đi và tôi nghĩ “con đường này” phù hợp với tôi. Có lẽ trong sự cô đơn, tôi chiêm nghiệm và ngẫm ngợi được nhiều điều, như tôi nhớ khi Dân Làm Báo tròn 4 tuổi, tôi từng chia sẻ trong bài “Tôi đón bạn về thôn”: “…Tôi yêu sự cô đơn tự nguyện. Nỗi “Cô Đơn” dễ chịu như tiếng hát trầm ấm cất lên với giai điệu bán cổ điển dặt dìu, trong chiều hoàng hôn bình yên bên bãi biển đời người. Tôi yêu cả sự hoang vắng và tĩnh lặng như thế, giữa xô bồ ngang ngổn hôm nay. Cũng như tôi yêu sự gai góc và dẻo dai của Xương Rồng – giữa vùng khô cháy trên sa mạc, hoa vẫn nở. Trong chênh vênh tâm trạng đó, tôi nhìn ra chiều sâu tâm hồn mình hơn một chút, cố tìm cách diễn đạt bình dị để chuyên chở thông điệp đến bạn đọc…”.
Tôi cảm thấy dễ chịu và bình an, khi mới đây, tôi ngồi cùng vài người bạn đàn hát và uống đến say trong một căn gác trọ tuềnh toàng, chật chội, chứ không phải trong những nhà hàng sang trọng bậc nhất nhì Sài Gòn. Uống đến mềm môi mà cái đầu vẫn phải rất tỉnh để quan sát và ứng phó.
CTV Danlambao: Độc giả rất tò mò về xuất thân gia đình cũng như là thời gian anh làm việc tại Đài TH TP HCM, vậy anh có thể chia sẻ để quý độc giả được biết không?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Như tôi đã viết trong bài “Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hoà”, đó là tất cả sự thật. Nhân đây, tôi xin phép khẳng định một lần nữa, tôi bị bắt là từ 3 bài viết “Tôi biết ơn VNCH”, “Bàn về câu chuyện lá cờ” và “Hội Nhà báo độc lập mất đoàn kết?”, không phải từ bất kỳ báo đài hay cá nhân nào “bán đứng” tôi cả.
Nói một cách tổng quát nhất, ĐTH Tp.HCM cũng như các cơ quan truyền thông khác của ĐCSVN, cách đưa tin hay bình luận chỉ một chiều, theo ý của đảng. Tuy nhiên, tôi làm bên “mảng quản lý”, nên quý vị độc giả tạm hiểu là, “cái đầu” của tôi không bị “thít” quá chặt bằng “cái vòng kim cô” gọi là “đảng viên”, bởi vì tôi không vào đảng, mặc dù ban TGĐ lúc bấy giờ nhiều lần chiêu dụ.
CTV Danlambao: Có quá nhiều điều để nói trong thời gian ba năm ở tù, nhưng để chọn một đề tài khiến anh cần chia sẻ nhất trong bài phỏng vấn này, anh sẽ nói về điều gì?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Đã từ rất lâu, tính vô trách nhiệm, được “ươm mầm, bén rễ, ăn sâu và lan rộng” vào mảnh đất VN này, như mọi người đều thấy.
Bạn hãy ngẫm cùng tôi mà xem: Có trách nhiệm ắt có tình yêu, dù là tình yêu gia đình hay đôi lứa cho đến lớn hơn rất nhiều, đó là tình yêu quê hương. Có tình yêu mà vô trách nhiệm, tình yêu đó không bao giờ là bền chặt.
Hãy thử tưởng tượng, tôi tự tay may cho người thương yêu nhất của mình một chiếc áo sơ-mi, nhưng không có… nút áo! Và tôi hãnh diện nói rằng tôi “đã hoàn thành cơ bản”. Chiếc áo dù đã “hoàn thành cơ bản” vẫn không thể mặc được. Sau đó, vì bị phàn nàn, tôi chữa thẹn rằng, tôi chỉ “thiếu trách nhiệm”. Không chỉ là một chiếc áo mà còn vô khối những việc, tôi cứ làm dở dang như thế. Liệu như vậy, tôi có là một người thành tâm yêu thương? Tệ hơn nhiều, khi tôi bị càm ràm quá, tôi đổ quạu và trút sự phẫn nộ lên người thương của mình!
Bất hạnh thay, ngay trong luật Hình sự (mới) vẫn còn tồn tại loại tội “thiếu trách nhiệm” (!) Dường như ĐCSVN, không thấy chính vì tính vô trách nhiệm mà cả xã hội đang “sa lầy” trên mọi lĩnh vực.
Giá như ĐCSVN giật mình và “bừng hai con mắt” để thấy nhỉ?!
Tính trách nhiệm và vô trách nhiệm là cội rễ của một nền kinh tế – văn hóa đối với bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển hay phải chịu trì trệ.
Ngày xưa, tôi chỉ được Thầy – Cô dạy “tính trách nhiệm” và “tính vô trách nhiệm”. Khái niệm gọi là “thiếu trách nhiệm” (dù gây hậu quả nghiêm trọng hay gây hậu quả không nghiêm trọng) là khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với nền giáo dục Nhân bản và Khai phóng. Ở góc độ khác, khái niệm “thiếu trách nhiệm” chẳng qua chỉ là một cách né tránh và trốn chạy. Khái niệm đó thật nửa vời, mang đầy tính ngụy biện.
Đã quá trễ, để vực dậy tính trách nhiệm và đó là điều mà ĐCSVN phải làm, bởi điều 4 Hiến pháp quy định “…ĐCSVN gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về mọi quyết định của mình…”
Nếu tính vô trách nhiệm không mau chóng được vực dậy đúng với ý nghĩa của nó, ĐCSVN sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề nan giải dù đó là đối nội hay đối ngoại.
CTV Danlambao: Nếu cho anh nói một câu về nhà tù Cộng sản Việt Nam, anh sẽ nói câu gì?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Tàn nhẫn, vô nhân đạo đến tận cùng!
CTV Danlambao: Xin anh cho biết cảm nhận “mới” của anh về hiện tình đất nước?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Thời gian ba năm tù, về mặt thông tin, phải nói là “ngồn ngộn” mà tôi không thể “tiêu hóa” ngay lập tức. Biết bao nhiêu vấn đề quan trọng đã chạy lướt qua trong tôi. Vì ngày chưa bị bắt, tôi dõi theo tin hàng ngày, nắm khá sát tình hình thời cuộc. Tuy nhiên, cảm nhận đầu tiên xuất hiện trong tôi bây giờ là sự bi đát đang hiện hữu thật rõ và ngày càng lớn dần.
Tôi nhớ, khi Đoàn Văn Vươn vì giữ đất mà buộc phải nổ súng và đi tù, mới đó đã 6 năm! Về nhà, tôi lại thấy não nề hơn, khi biết tin Đặng Văn Hiến cũng vì đất đai mà lãnh án tử hình trong phiên sơ thẩm vừa rồi.
Đất đai vẫn là tư liệu sản xuất không thể thiếu được đối với Việt Nam – một nền nông nghiệp vẫn còn yếu kém về mọi mặt. Đất đai lại chính là vấn đề gây xung đột lợi ích lớn nhất giữa người dân và nhà cầm quyền VN. Không sửa Luật Đất đai, nhất định còn sẽ phải thấy những Đoàn Văn Vươn, những Đặng Văn Hiến hay Đặng Ngọc Viết v.v… tiếp tục xuất hiện.
Tôi phải lấy câu chuyện “người nông dân nổi dậy”, bởi lẽ, dù ĐCSVN đang cố gắng hướng đến một nền nông nghiệp văn minh, cố bắt kịp trình độ nông nghiệp quốc tế, nhưng Luật Đất đai hiện nay vẫn là rào cản quá cao và chính nó góp tay rất lớn, tạo ra những nghịch lý “chết người” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Nhưng, sửa làm sao phù hợp với chuẩn mực quốc tế, khi mà Hiến pháp 2013, tại điều 53, 54 đã quy định quá rõ (?).
Vì thế, tôi lại phải nhắc về khái niệm “sa lầy” đối với hiện tình đất nước.
Về đối ngoại, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã không còn ngại ngần gì nữa với quá nhiều biểu hiện. Thêm nữa, Nhân Quyền thụt lùi không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trong khối Asean.
Nhân Quyền – quyền căn bản và phổ quát, những tưởng nó không dính dáng gì đến các lĩnh vực khác sao? Không đâu! Nhân Quyền chi phối trên mọi mặt đời sống, từ đối nội tới đối ngoại. Như tôi đã trả lời đài RFA, vì lẽ đó, rất mong độc giả và bằng hữu gần xa hãy gọi tôi là Tù Nhân Nhân Quyền – đó mới khái quát hóa được tình cảnh của xã hội chúng ta, bởi TNLT chỉ là một khái niệm hẹp, ra đời cách đây khoảng 60 năm. Chính khái niệm “Tù Nhân Nhân Quyền” mới phản ánh đầy đủ nhất hiện trạng xã hội Việt Nam.
CTV Danlambao: Anh có thể dành đôi câu để chia sẻ, tâm tình với quý độc giả DLB – những người luôn yêu mến anh không?
TNNQ Nguyễn Ngọc Già: Chính vì hiểu rõ sự thương mến của độc giả và bằng hữu dành cho, nên tôi lại càng cảm thấy trách nhiệm của mình với tư cách là một blogger. Tôi thấy “viết” bây giờ khó lắm. Viết sao vẫn giữ đúng tư tưởng của mình, lại phải đảm bảo thuyết phục được độc giả, không những vậy còn phải làm sao để nhà cầm quyền VN có muốn “bắt bẻ” cũng “bắt bẻ” ít nhất, bởi như bạn biết, Luật Hình sự mới ngày càng siết chặt Nhân Quyền trên lý thuyết, cũng như trên thực tế với án tù ngày càng nhiều và càng cao.
Vì lẽ đó, nếu tôi có những bài viết không thể làm hài lòng hết mọi người, rất hy vọng độc giả và bằng hữu miễn chấp.
Người ta thường nói về “truyền thống yêu nước” của người Việt Nam. Riêng tôi, tôi lại thấy rõ người Việt Nam mình có “truyền thống bao dung”, nhưng với điều kiện, khi biết sai, nhận lỗi và phải thành tâm sửa chữa. Tôi yêu và trân trọng truyền thống đó.
CTV Danlambao: Xin cảm ơn blogger Nguyễn Ngọc Già. Một lần nữa thay mặt cho quý độc giả, xin chia sẻ với anh nỗi đau mất con. Xin chúc anh sức khỏe, sự bình an và rất mong sẽ được gặp gỡ anh nhiều hơn trong thôn Dân Làm Báo.
23/1/2018