Nữ diễn viên kỳ cựu nói với BBC rằng bộ phim tài liệu của bà nhằm “thay đổi trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam về quyền con người.”
Bộ phim tài liệu ‘Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi’ của nghệ sĩ Kim Chi và cộng sự hiện đang được phát trên YouTube và được Luật sư Lê Công Định bình luận là “một bộ phim làm mỗi người Việt nhức nhối nỗi đau của đất nước.”
Tháng 1/2013, bà Kim Chi từng gây xôn xao khi bà công khai từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng].
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 4/11, bà Kim Chi nói: “Thông điệp chính của phim ‘Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi’ là Việt Nam cần thay đổi, mà cái thay đổi đó như nhà văn Dương Thu Hương nói trong phim, “Cần phải có một xã hội công dân”, hay ông cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nói “cần phải thay đổi từ đất nước đến con người.”
“Sự thay đổi mà chúng tôi muốn chuyển tải là thay đổi trong nhận thức của mỗi người dân về quyền con người. Khi quyền con người được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ thì việc xoá bỏ các điều luật, điều lệ phản nhân quyền là điều mà chính phủ Việt Nam cần phải làm trước tiên.”
“Mà để cho chính quyền làm việc đó thì mỗi người dân cần phải hiểu về quyền con người đầy đủ và cần phải đồng lòng vượt qua nỗi sợ hãi để đấu tranh cho quyền đó như những người dân Mỹ đã từng làm và đang tiếp tục làm.”
BBC: Bà gặp những trở ngại và thách thức nào với phim phóng sự tài liệu Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi?
Nghệ sĩ Kim Chi: Các cộng tác viên của chúng tôi có thể đi rất nhiều nơi trên thế giới để phỏng vấn nhiều nhân vật mà không gặp bất cứ trở ngại hay nguy hiểm gì, nhưng khi chúng tôi thực hiện những việc như vậy tại Việt Nam thì chúng tôi lại bị đặt vào vòng nguy hiểm.
Đó là nỗi đau và cũng là điều nguy hiểm khi chúng tôi thực hiện quyền con người được viết ra trong hiến pháp Việt Nam tại chính đất nước mình. Thách thức khác nữa là chúng tôi bị rình rập, bị theo đuôi, bị tấn công theo kiểu bạo hành lẫn tấn công qua máy móc, virus..
BBC: Việc đối chiếu xã hội Mỹ và Việt Nam trong phim liệu có hiệu quả khi mà người xem đều biết sự khác biệt quá rõ giữa hai nước trong mọi khía cạnh?
Nghệ sĩ Kim Chi: Việc đối chiếu hai xã hội, hai đất nước với chủ đích giới thiệu một cách nhìn mới về quyền con người của một xã hội dân chủ và văn minh cho người dân Việt Nam. Dù rằng nhiều khán giả đã biết quá rõ sự khác biệt đó, nhưng đại đa số dân chúng Việt Nam chưa được nhìn thấy nước Mỹ thực sự, chưa hiểu được quyền con người đầy đủ.
Họ cũng không biết được rằng để có được quyền con người đầy đủ như ngày hôm nay, người dân Mỹ đã từng phải đổ máu khi xuống đường.
Dù chúng tôi đưa nước Mỹ ra như một hình mẫu, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề. Chúng tôi chú trọng vào hình mẫu đẹp của nước Mỹ qua quyền con người như một điểm nổi bật nhất.
BBC: Bà và cộng sự làm phim này với tư cách nghệ sĩ độc lập hay có tổ chức chính trị nào đứng sau bộ phim?
Nghệ sĩ Kim Chi: Chúng tôi là những nhà làm phim độc lập và tự nguyện. Chúng tôi tự bỏ công sức ra và chúng tôi không nhận tài trợ của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Bản thân tất cả các nhà làm phim đều không tham gia bất cứ tổ chức hay đảng phái nào. Điều này giúp chúng tôi chuyển tải thông tin mang tính chất chân thực nhất và không bị áp lực hay áp đặt từ bất cứ ai. Hay nói cho vui là chúng tôi làm phim mà không có sự chỉ thị hay chỉ đạo của đảng.
BBC: Những điều bà muốn nói thêm?
Nghệ sĩ Kim Chi: Làm một bộ phim như thế này ở Việt Nam là một điều nguy hiểm, vì chúng tôi không được tự do quay phim như ở bên Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy may mắn vì được hưởng công nghệ tuyệt vời của Internet và mạng xã hội, thành ra thay vì đi tiếp xúc trực tiếp thì chúng tôi làm qua mạng. Chúng tôi dự định làm thêm ba tập nữa. Nhưng điều đó còn tùy tình hình. Nếu thuận lợi thì sẽ có thêm ba tập nữa. Nếu khó khăn về ngoại cảnh thì rút bớt. Tôi cũng muốn nói đôi điều về cộng sự Henela Lee. Cô ấy là người thông minh và nặng lòng với đất nước. Cô ấy từng là học trò của tôi, nhưng giờ đây tôi cần phải học ở cô ấy nhiều điều. Khởi nguồn phim này là từ ý tưởng của cô ấy.