Mai Hưng dịch
Hiện đang có những đồn đại ở Washington rằng đã có các bản cáo trạng cho các thành viên thân hữu của Maduro và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang chờ đợi thời điểm thích hợp để công bố. Thời điểm để theo đuổi các cáo trạng mới chống lại các thành viên của chế độ Maduro đã chín muồi.
Chỉ mới vài tháng trước, người dân Venezuela vẫn còn tràn đầy hy vọng: sẽ có một vị tổng thống mới, sẽ có sự trợ giúp đỡ nhân đạo vốn đang rất cần thiết, sẽ có một nền dân chủ được khôi phục ở đất nước của họ. Nhưng với thất bại của cuộc nổi dậy do lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó lãnh đạo hồi tháng Tư, năm 2019 này đã trở thành một năm thất vọng cho người dân Venezuela. Trong vài tuần qua, họ đã một lần nữa xuống đường để đòi hỏi tự do và dân chủ. Tuy nhiên, Nicolás Maduro vẫn tiếp tục bấu víu vào quyền lực bất hợp pháp.
Chính quyền Hoa Kỳ và một liên minh bao các quốc gia láng giềng của Venezuela có quyền bắt buộc Maduro và thân hữu phải trả giá để tiếp tục các hoạt động kinh doanh được như bình thường. Nhưng trừng phạt kinh tế có thể đã đạt đến giới hạn. Các thành viên của liên minh cần phải gia tăng áp lực lên chế độ Maduro bằng cách đưa chế độ này ra trước tòa án của chính họ vì các hoạt động tham nhũng của chế độ Maduro.
Ông Maduro và thân hữu bị cáo buộc giấu tiền đánh cắp của chính phủ Venezuela trong các tài khoản ngân hàng cá nhân trên khắp thế giới; trục lợi từ các hoạt động buôn bán ma túy; tham gia vào các hoạt động khai khoáng trái phép; và vi phạm nhân quyền gồm cả tra tấn và giết người.
Những tội ác này có những hậu quả sâu rộng. Tuy nhiên, cho đến nay rất ít cáo trạng được công bố chống lại Maduro hoặc thân hữu. Năm 2017, Tareck El Aissami, lúc đó là phó tổng thống của Manduro, đã bị truy tố theo Đạo luật liên quan đến ma túy và tài sản của ông này đã bị đóng băng tại Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Nhưng chắc chắn ông El Aissami không phải là người duy nhất đáng bị xử theo luật pháp.
Đã có tiền lệ để Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tập trung hành động vào các lĩnh vực phù hợp với các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của đất nước này. Năm 1988, Bộ Tư pháp đã truy tố Tổng thống Manuel Noriega của Panama và thân hữu khi quan hệ giữa Panama và Washington bị phá vỡ. Gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố và tìm cách dẫn độ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei, vì Hoa Kỳ đã lên tiếng về đe dọa an ninh do hãng công nghệ Huawei và Trung Quốc gây ra.
Hiện đang có những đồn đại ở Washington rằng đã có các bản cáo trạng cho các thành viên thân hữu của Maduro và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang chờ đợi thời điểm thích hợp để công bố. Thời điểm để theo đuổi các cáo trạng mới chống lại các thành viên của chế độ Maduro đã chín muồi.
Điều này không chỉ dành riêng cho Hoa Kỳ, dù Hoa Kỳ có những năng lực tình báo mạnh mẽ hơn cho phép chúng ta có được nhận thức tốt hơn về những người có thể dang phạm những tội ác gì. Các quốc gia như Colombia mà nhiều người Venezuela đã bỏ trốn sang; Peru, nơi người tị nạn Venezuela đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người; và Argentina, hệ thống tư pháp hình sự quốc gia có một trong những định nghĩa pháp lý rộng nhất về việc truy tố “các tội ác chống lại loài người”, tất cả cần phải điều tra xem cộng sự của Maduro có phạm tội hay không trong phạm vi quyền hạn của họ.
Một số người sẽ lập luận rằng việc đưa ra các cáo buộc hình sự đối với các thành viên thân hữu của chế độ Maduro là vô ích. Chắc chắn họ sẽ không bị dẫn độ về Hoa Kỳ hay đến bất cứ một nơi nào khác. Điều đó có thể là đúng, nhưng những hành động như vậy vẫn có trọng lượng nào đó.
Trước hết là, các hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác ở Châu Mỹ vẫn được tôn trọng vì độc lập với các nhánh hành pháp của các quốc gia đó. Mặc dù đã có tiền lệ cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để tập trung vào lợi ích của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhưng vẫn có một sự tách biệt quan trọng giữa biện pháp trừng phạt, có thể được thực hiện theo yêu cầu của ngành hành pháp, và cáo trạng cần phải có bằng chứng trình cho tòa án. Cáo trạng chỉ được ban hành khi có đủ bằng chứng để thuyết phục luật pháp độc lập.
Thứ hai là, một khi bị truy tố, Maduro và thân hữu có thể sẽ là đối tượng “truy nã” của Interpol, một bản truy nã như vậy sẽ hạn chế rất nhiều khả năng đi ra khỏi Venezuela. Có lẽ họ sẽ vẫn đến được Cuba và Liên bang Nga, nhưng sẽ không còn chọn đi mua sắm ở Madrid, Paris và London nữa. Họ sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng tất cả số tiền bất hợp pháp sẽ không còn có ích gì nữa nếu không còn có nơi nào để mua sắm.
Thứ ba là, bằng chứng thu thập được bởi các quốc gia ký kết Quy chế Rome, một quy chế quốc tế mà đã góp phần tạo dựng Tòa Hình sự Quốc tế, đều có thể được chuyển sang tòa án để điều tra riêng. Hầu hết các quốc gia châu Mỹ Latinh đều là quốc gia thành viên của quy chế này, mặc dù Hoa Kỳ thì không. Một cuộc điều tra sơ khởi của tòa án về các cáo buộc tra tấn của nhà nước Venezuela đã được mở vào tháng Hai năm 2019 sau khi chính quyền sáu quốc gia đưa ra yêu cầu chính thức.
Thu thập bằng chứng để đưa ra cáo trạng chống lại các thành viên thân hữu khác của chế độ Maduro đòi hỏi nỗ nhiều lực. Tình báo Hoa Kỳ sẽ phải cung cấp cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhiều bằng chứng cần thiết cho từng người. Các quốc gia đối tác của chúng ta ở Châu Mỹ sẽ cần phải thành lập các nhóm công tố. Chia sẻ các thông tin tình báo mà Hoa Kỳ thu thập được với các đối tác nước ngoài sẽ phải được ưu tiên, có thể theo chỉ thị của tổng chưởng lý hoặc tổng thống.
Trong khi người dân Venezuela đang tiếp tục thể hiện khả năng kháng cự của mình, cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục thể hiện quyết tâm của họ. Các hệ thống tư pháp của châu Mỹ sẽ soi xét Venezuela và buộc những kẻ trong chế độ Maduro đang làm giàu và nắm giữ quyền lực bằng cái giá của những người dân khốn khổ phải chịu trách nhiệm.
Nguồn: https://www.nytimes.com/…/…/03/opinion/maduro-venezuela.html