Tác giả: Chanh Nguyễn
Chính quyền Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh mạng (ANM), một đạo luật không liên quan gì đến an ninh của mạng mà chỉ là cơ sở pháp lý để truy tố những người lên tiếng phản đối chính quyền trên mạng. Tuy tư duy chủ đạo vẫn rất hủ lậu, nhưng sự kiện chính quyền muốn có luật, dù để trấn áp ngôn luận, vẫn là một thay đổi tích cực, một chiều hướng bắt đầu chấp nhận vai trò của lý lẽ và tranh luận thay vì chỉ dựa vào niềm tin và bạo lực như ngày trước. Vì thế tôi tin con đường trước mặt đòi hỏi sự trực diện tranh luận hơn là một mạng xã hội khác.
ANM khiến nhiều người Việt trong nước gần đây lập tài khoản với mạng xã hội Minds. Tôi không nghĩ Minds là một phương tiện thích hợp để đối phó với ANM, để có tiếng nói không bị ngăn chận như một số người vẫn lầm tưởng. Sau vài năm hoạt động, Minds chỉ thu hút được một số lượng người sử dụng rất thấp so với Facebook, đối tượng Minds muốn cạnh tranh trực tiếp. Minds quảng cáo là có những chức năng tương tự như Facebook nhưng tôn trọng quyền riêng tư và mạng tự do – privacy rights and internet freedom. Thực tế thì giữa Minds và Facebook không có khác biệt gì đáng kể trong sự phát triển hay ngăn chận hoạt động và tiến trình dân chủ ở Việt Nam theo suy luận dưới đây.
Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, và Bill Ottman, CEO của Minds, đều thống thiết ca ngợi quyền riêng tư và tự do biểu đạt của người sử dụng. Ngày nay ta có thể nghi ngờ đây là mánh lới quảng cáo của Facebook. Minds còn quá nhỏ, chưa có sự thử thách đòi hỏi chọn lựa giữa lý tưởng và lợi nhuận để ta có thể kết luận. Một điều quan trọng cần chú ý: Chọn lựa thế nào tùy thuộc vào lãnh đạo của mỗi công ty, không phải là bản chất tất yếu do kỹ thuật hay cấu trúc của những mạng xã hội này. Dùng “phần mềm mở” (open-source software) đơn giản chỉ là tiết kiệm đầu tư cho Minds, có thể dựa vào năng lực kỹ thuật của cộng đồng. Phần mềm mở không nhất thiết bảo đảm sự minh bạch của mạng lưới hay cách áp dụng nếu chủ nhân không muốn. Ngược lại sở hữu phần mềm hay thuật toán (algorithm) không nhất thiết là thiếu minh bạch trong cách hoạt động. Đấy chỉ là phương tiện của doanh nghiệp, dù là Facebook hay Minds.
Thay vì đặt niềm tin vào tâm hồn cao thượng của những người luôn cần vốn đầu tư để thu lợi, ta hãy tìm hiểu mô hình kiếm tiền của họ. Ta có thể nghĩ đến Facebook và Minds như hai quảng trường ảo mà mọi người đến để trao đổi tư tưởng, nhắn tin, chia sẻ tin tức miễn phí nhưng chủ quảng trường sẽ thu phí quảng cáo và giao dịch thương mại.
Tất cả những hoạt động và chức năng miễn phí chỉ có mục đích thu hút người đến quảng trường vì nếu quảng trường vắng thì không thể lấy giá quảng cáo cao được. (ANM vô tình là một cái may hiếm có cho Minds, hiện vẫn chưa có triển vọng sẽ tồn tại lâu dài.) Phương pháp làm tiền không khác gì truyền hình và ra-dô. Điều khác biệt thú vị là nội dung cuốn hút quần chúng do chính những người tham dự tạo ra, không phải do đầu tư của chủ quảng trường (trái ngược với truyền thông cũ). Có người cho rằng như thế là chủ quảng trường, Facebook, đã lợi dụng hay “bóc lột” sở hữu trí tuệ của người tham dự. Đây là một trong vài lý do Minds ra đời với mô hình trả “tiền” (token) cho người dùng tùy theo giá trị thu hút của nội dung, tương tự như Youtube. Token của Minds hiện không có giá trị gì ngoài mạng này. Hơn nữa, đây có lẽ cũng không phải là mối quan tâm của những người đang dùng mạng xã hội để góp tiếng nói đấu tranh cải thiện xã hội.
Minds được những người đầu tư cho là minh bạch hơn Facebook về cách xử lý quảng cáo, số lượng người xem. Người trả tiền quảng cáo hẳn không muốn bích chương của mình dán trong hẻm tối nơi ít người qua lại. Vấn đề là trên quảng trường ảo thì họ hoàn toàn tùy thuộc vào thuật toán của chủ quảng trường. Cả hai đều đòi thêm “tiền” nếu muốn nhiều người xem hơn là số followers hay subscribers. Minds tuyên bố sẽ công khai mọi algorithm điều hành thay vì giữ kín như Facebook. Đây không hẳn là sự minh bạch cần thiết hay quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Chuyển tải thông tin, kiến thức, nội dung tiến bộ đến nhiều người là một hoạt động không thể thiếu. Về kỹ thuật nó cũng tương tự như quảng cáo. Facebook bị nghi ngờ là đã thay đổi thuật toán xử lý nội dung newsfeed để buộc khách hàng phải mua nhiều quảng cáo hơn. Minds cho rằng với mô hình dùng token để tăng số lượng xuất hiện (boost), người dùng Minds có thể quảng cáo đến nhiều người hơn. Chi tiết vẫn còn mù mờ, nhưng với tổng số lượng người tham dự trên Minds còn rất thấp so với Facebook thì ưu điểm của mô hình này dù sao cũng chỉ có tính chất kinh viện, chưa quan trọng trong thực tế. Có lẽ những người dùng không dùng mạng xã hội để kinh doanh cũng không quan tâm đến điều này.
Có người tin theo rằng Minds mật hóa (encryption) tốt hơn và tôn trọng quyền riêng tư hơn Facebook. Mật hóa là kỹ thuật thông thường trong mọi giao dịch thương mãi ngày nay. Nhưng mật hóa chỉ có giá trị chống hacking bảo đảm an ninh mạng (đúng nghĩa học thuật, không phải ANM), tự nó không có tác dụng bảo đảm quyền riêng tư với chủ nhân mạng hay chính quyền. Quyền riêng tư là một khái niệm luật pháp, thuộc về nhân quyền đối với một số nước và khế ước giữa chủ mạng và người có tài khoản. Minds tốt hay xấu hơn Facebook tùy thuộc Ottman tốt hay xấu hơn Zuckerberg, có thể thay đổi một sớm một chiều.
Có thông tin Bill Ottman sẽ trả lời câu hỏi của các nhà báo về cách Minds sẽ xử sự với ANM. Tôi đoán ông sẽ có câu trả lời dứt khoát, có lẽ thành thật, khiến mọi người hài lòng vì hoàn cảnh hiện nay của Minds rất đơn giản. Minds hiện vẫn không có lợi tức, hoàn toàn không có hoạt động thị trường ở Việt Nam, và chỉ có vài triệu người đăng ký trên cả thế giới. ANM không có hiệu lực pháp lý hay kinh tế gì với Minds. Nhưng nếu thêm được một triệu người Việt lập tài khoản thì quả là một sự kiện tốt cho Minds mà Ottman có nằm mơ cũng không dám tin. Tốt cho Minds nhưng có lẽ không có ảnh hưởng gì tích cực hơn cho xã hội Việt vì ba lý do chính.
Thứ nhất, mức độ phát triển của Minds còn rất thấp từ hạ tầng cơ sở đến nội dung và số lượng trao đổi trên mạng. Sinh hoạt cộng đồng Minds Việt sẽ là phe ta nói với phe mình. Khó có thể có những cuộc đối thoại nghiêm túc khi trốn chạy ANM thay vì công khai bất tuân phục, đường hoàng chống đối theo lương tâm và lý trí. Cốt lõi của vấn đề không phải là chọn mạng xã hội nào mà chính là sự chà đạp tự do ngôn luận bằng ANM. Vẫn phải chống đối, vẫn phải trả giá như Mẹ Nấm, Trần Huỳnh Duy Thức, Basam. Tôi không tin là có thể phản kháng hữu hiệu bằng cách tuyên truyền nặc danh, chửi bới giải trí. Làm thế cũng không tạo được sự ủng hộ của dư luận cấp tiến hay ngay cả những cá nhân tiến bộ trong guồng máy chính quyền hiện hành.
Thứ hai, với những điều luật ngớ ngẩn và nghịch lý, chính quyền Việt Nam có thể dễ dàng tuyên bố mạng xã hội như Minds là “thế lực thù địch” chống phá chế độ (tài trợ bởi CIA, do Việt Tân điều hành với những âm mưu bại hoại… tùy trí tưởng tượng và óc khôi hài của người đọc). Nếu tôi đoán không lầm thì số người tin vào những luận điệu vớ vẩn này còn khá cao. Thế là một lần nữa cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ vì hiện thực và tương lai của đất nước lại bị gắn nhãn hiệu khiến nhiều người lầm tưởng với “bọn dân chủ giả cầy dựa hơi ngoại bang để phá hoại, muốn lật đổ chính quyền”.
Thứ ba, với thực lực và cơ sở hiện nay của Minds thì chính quyền có thể đánh phá về kỹ thuật và ngăn chận sư tham dự của người trong nước khá dễ dàng. Không nên bỏ qua khả năng đoàn tin tặc của chính quyền Trung quốc nhập cuộc chống phá để hổ trợ chính sách độc tài.
Túm lại, Minds không phải là giải pháp thích hợp để đối phó với ANM. Vấn đề không phải là mạng xã hội nào mà là luật pháp như thế nào. Facebook vẫn là môi trường quen thuộc với quần chúng. Ta phải lên tiếng chống đối, đưa chứng cớ và vạch rõ với truyền thông quốc tế sự hợp tác, nếu có, giữa Facebook và chính quyền để trấn áp ngôn luận và nhất là truy tố người đối lập. Minds có thể là lời cảnh cáo cho Facebo ok, nhưng vẫn chưa thể thay thế Facebook được. Và chắc chắn chẳng có mạng xã hội nào có thể thay thế nỗ lực tranh luận và thuyết phục quần chúng.