Người Đà Lạt Xưa
Mặt Trận Nhân Quyền Công Dân, tiếng Anh gọi là Civil Human Rights Front (CHRF), đã nộp đơn báo cho cảnh sát biết về cuộc biểu tình vào 2 giờ 30 trưa Chúa Nhật cuối tuần này 16/06/2019. Địa điểm tập trung khởi đầu tại Victoria Park và đoàn người biểu tình sẽ đi theo lộ trình như trước để hướng về tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Đoàn biểu tình cuối tuần này sẽ nhắm vào 3 mục tiêu: thứ nhất, lên án cảnh sát về việc đàn áp người biểu tình; thứ nhì, hủy bỏ dự luật dẫn độ; và thứ ba, đòi hỏi bà Carrie Lam phải từ chức Đặc khu trưởng Hồng Kông.
Thêm vào đó, Mặt Trận CHRF nộp đơn với cảnh sát để tổ chức một biểu tình mới trước tòa nhà Hội đồng Lập pháp vào thứ Hai, ngày 17 tháng 6, để phản đối dự luật dẫn độ được mang ra tranh luận và có thể biểu quyết vào ngày 20 tháng 6.
Mặt Trận CHRF sẽ không thể ngừng lại trước khi dự luật dẫn độ bị hủy bỏ, bởi vì họ lo ngại nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ ghép tội một cách cố ý và bừa bãi để dẫn độ các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông về Hoa Lục xử án theo hệ thống của Trung Quốc.
Ngược lại, phe thân Trung Quốc gồm có Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam và các đại biểu thân Trung Quốc đang dùng mọi thủ đoạn để dự luật dẫn độ được thông qua nhằm thỏa mãn ý đồ của Bắc Kinh triệt hạ các lãnh đạo dân chủ Hồng Kông.
Khi chính phủ Anh thỏa thuận trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997, phái đoàn Anh đã chủ trương không chấp nhận luật dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông về xử tại Hoa Lục bởi vì chính phủ Anh hiểu được sự khác biệt quá xa giữa hệ thống luật pháp của Hồng Kông (thuộc hệ thống thông luật của Anh) và nền luật pháp tồi tệ của Trung Quốc.
Sau phong trào Dù năm 2014, nhiều vụ mất tích người ở Hồng Kông đã xảy ra dưới bàn tay tình báo của Bắc Kinh gởi sang Hồng Kông để bắt cóc một cách phi pháp; điển hình là vụ 5 chủ tiệm sách ở Hồng Kông bị mất tích năm 2015 trong số đó, có ông Lam Wing-kee, 62 tuổi, bị bắt cóc và giam cầm 8 tháng ở Trung Quốc.
Nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh không muốn xài tình báo theo kiểu luật rừng, để quay sang việc sử dụng pháp lý đang bị giới hạn hiện nay, Bắc Kinh cần phải yêu cầu, dựa theo căn bản từng trường hợp một (case by case basis), để chính quyền Hồng Kông cứu xét và thông qua các đại biểu. Tất nhiên, những thủ tục khó khăn đó đã hạn chế Trung Quốc bắt người ở Hồng Kông qua hệ thống công pháp quốc tế.
Nếu dự luật dẫn độ của bà Carrie Lam được thông qua, thì Bắc Kinh sẽ được phép yêu cầu dẫn độ tội phạm ở Hồng Kông mà không cần phải thông qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Điều này đưa đến quá nhiều rủi ro cho các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và các nhà hoạt động người nước ngoài đến sinh hoạt hoặc thăm viếng Hồng Kông.
Tạm thời, sau những cuộc biểu tình rầm rộ, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, ông Andrew Leung, thành phần thân Bắc Kinh, đã công bố hủy bỏ phiên họp đại biểu trong hai ngày thứ Năm (hôm qua 13/06/2019) và thứ Sáu (hôm nay 14/06/2019). Phiên họp tranh luận về dự luật dẫn độ được dời đến tuần sau.
Fb Người Đà Lạt Xưa
June 14, 2019