Chính phủ Việt Nam vừa ban hành một nghị định mới siết chặt hơn việc quản lý thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Nghị định số 27 của năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều trong nghị định số 72 của năm 2013.
Dư luận và báo giới chú ý nhiều đến các điều khoản trong nghị định mới đặt ra điều kiện là cá nhân, tổ chức quản lý trang thông tin điện tử hoặc với mạng xã hội phải có “cơ chế phối hợp” để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72 năm 2013 “chậm nhất sau 3 giờ” kể từ khi tự phát hiện, hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc cơ quan cấp phép. Nghị định mới không nói rõ “cơ chế phối hợp” là như thế nào.
Khoản 1 Điều 5 của nghị định 72 năm 2013 quy định các hành vi bị cấm khi sử dụng internet, trong đó có việc “lợi dụng” mạng thông tin toàn cầu để chống phá chính quyền Việt Nam, gây hại an ninh quốc gia, gây hận thù hoặc mâu thuẫn dân tộc, xuyên tạc hoặc vu khống các cá nhân, tổ chức, phát tán thông tin giả mạo hoặc sai sự thật, v.v…
Chính quyền Việt Nam từng khép một số nhà hoạt động hoặc bất đồng chính kiến, như nhà văn Phạm Viết Đào, blogger Trương Duy Nhất, hay bác sĩ Hồ Hải, người cũng là một blogger, vào tội vi phạm Nghị định 72. Trên cơ sở đó, chính quyền thu thập “bằng chứng” từ các bài viết của họ để truy tố và bỏ tù theo một số điều về “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lật đổ” trong Bộ luật Hình sự.
Nhà văn Phạm Viết Đào, người từng bị bỏ tù 15 tháng trong các năm 2013, 2014, nói với VOA rằng Nghị định 27 là một sự tăng cường của Nghị định 72, càng hạn chế hơn quyền tự do ngôn luận.
Mặc dù vậy, ông Đào cho rằng quy định gỡ “nội dung vi phạm” trong vòng 3 giờ sẽ khó khả thi đối với một số trường hợp người sử dụng:
“Họ quy định như thế tức là họ siết chặt. Nếu đặt vấn đề quy định với blog chẳng hạn, người chủ có khi đi công tác hoặc vào nơi không có mạng chẳng hạn, làm sao ông ta biết thông tin để ông ấy điều chỉnh. Có phải [như thế] là vi phạm không. Rồi Facebook là có Facebook cá nhân, có điều kiện thì người ta vào. Bài có thông tin nào đấy sai chẳng hạn, nếu cứ căn cứ 3 tiếng xử phạt người ta thì có thể là bất cập, không thể thực hiện được”.
Bên cạnh quy định về gỡ bài, Nghị định 27 cũng đặt ra điều kiện là chủ trang thông tin điện tử phải có quy trình quản lý thông tin công cộng, bao gồm xác định, kiểm soát nguồn tin, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải.
Nghị định nêu ra điều kiện cụ thể hơn về nhân sự quản lý trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội. Theo đó, phải có ít nhất một nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin và có ít nhất nhân sự bộ phận kỹ thuật.
Dù nhà chức trách đặt ra các điều kiện mới, cựu tù nhân lương tâm Phạm Viết Đào nhận định họ vẫn sẽ gặp những khó khăn. Ông nói:
“Về nhà quản lý anh có tham gia đâu mà anh phục hết các trang mạng xã hội được. Mà phạt cả [các trang] nước ngoài thực ra cũng khó chứ không phải dễ đâu”.
Bản thân từng là mục tiêu của nhà chức trách, nhà văn Phạm Viết Đào bình luận rằng các nghị định 27 và 72 được ban hành vì chính quyền cần có cơ sở pháp lý để nhắm đến một số đối tượng cần bị ngăn chặn vì tiếng nói của họ gây bất lợi cho chính quyền.
Ông cho rằng cách quản lý như vậy không giúp làm cho xã hội lành mạnh lên khi mà một phần lớn các trang thông tin điện tử và mạng xã hội vẫn đầy rẫy những thông tin xấu hoặc các cuộc tranh cãi thiếu văn minh, vì nhà chức trách không đủ nhân lực để theo dõi, quản lý hết tất cả những điều đó.
Nghị định 27/2018 sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 4 tới.