-
LS Lê Công Định
Tôi đã theo vụ án “trốn thuế” của anh Hải Điếu Cày từ những ngày anh chưa bị bắt (tháng 5/2008), cho đến khi anh ra tòa (tháng 11/2008). Trong vụ án này tôi gặp nhiều trở ngại và áp lực từ nhiều phía. Đầu tiên, với tư cách luật sư, tôi bị gây khó khăn vô lý để không tham gia vào giai đoạn điều tra ban đầu mà luật pháp cho phép trong các vụ án phi chính trị.
Sau đó, trước ngày xét xử, một quan chức cao cấp của Tòa án TPHCM đã gọi điện thoại cho luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn, yêu cầu Đoàn Luật sư cấm tôi biện hộ cho anh Hải. LS Trừng hỏi lại quan chức ấy rằng họ dựa trên cơ sở pháp lý nào để cấm luật sư Định biện hộ thì chỉ giúp ông. Quan chức đó đành ngậm ngùi trước sự bảo vệ tôi mạnh mẽ của LS Trừng. Nhân đây, tôi đang tự hỏi, nếu ai thay thế LS Trừng ở vị trí Chủ nhiệm Đoàn Luật sư trong tương lai, liệu người ấy có đủ dũng khí và lý lẽ nặng ngàn cân của một vị thủ lĩnh như vậy để chống lại sự can thiệp vô luật pháp kiểu đó?
Tại phiên tòa, khi tôi đòi điều tra và khởi tố Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an quận 3 lúc bấy giờ vì đã chỉ đạo sai luật vụ án này, vị đại diện Viện kiểm sát đã giận dữ hỏi tại sao tôi “dám” đòi hỏi với ngụ ý cố tình “lăng mạ” một vị lãnh đạo công an quận như thế, rồi quay sang vị thẩm phán chủ tọa yêu cầu tòa án làm việc với Đoàn Luật sư để kỷ luật và tước quyền hành nghề của tôi. Tôi từ tốn giải thích rằng đòi hỏi của tôi hoàn toàn hợp pháp và phải chăng vị đại diện Viện kiểm sát muốn đe dọa để ngăn cản luật sư giữa phiên tòa (!). Sau khi nghe tôi nói, vị thẩm phán chủ tọa nhìn vị đại diện Viện kiểm sát xua tay ra dấu dừng lại. LS Nguyễn Đăng Trừng về sau kể lại rằng vài ngày tiếp theo phiên tòa quả thật đã có chỉ đạo từ “đấng bề trên” về việc thi hành kỷ luật và tước quyền hành nghề của tôi, nhưng LS Trừng một lần nữa hỏi họ cơ sở pháp lý nào để làm việc ấy!
Phiên tòa hôm đó tuy mang tiếng là công khai, nhưng người đến dự phải trình giấy mời và bước qua máy soi kim loại như thường thấy ở các sân bay quốc tế, không ai được cầm theo điện thoại và máy ghi âm. Bước vào phòng xử, tôi ngạc nhiên vì thấy phòng đầy kín người ngồi, trong khi ngoài đường xe cộ qua lại bị hạn chế, điều không bao giờ có trong các vụ án phi chính trị đúng nghĩa. Người dự khán, mà tôi cố tin và giả định là những người dân thật sự muốn đến xem xét xử công khai, lại được tòa án phát bánh mì và nước uống vào buổi trưa, và nhận phong bì vào lúc kết thúc phiên tòa. Tôi lại cố tin và giả định rằng trong phong bì đó chỉ là một mẩu giấy ghi lời cám ơn công dân đã bỏ thời gian vàng bạc đến tham dự thôi, chứ không phải tiền bạc gì, như nhiều người hay nghĩ “xấu” mà thành “xuyên tạc”!
Từ vụ án của anh Hải Điếu Cày tôi bỗng ước ao mọi công dân có thịnh tình dự khán các phiên tòa ở nước ta, bất kể chính trị hay phi chính trị, sẽ được ra vào tự do và, quan trọng hơn, đều được phát cơm, nước và phong bì cám ơn!
Về sau, lúc ngồi trong tù, nhớ anh Hải Điếu Cày, tôi đã viết bài thơ sau đây tặng anh:
Tính cách quân nhân tâm ý thẳng,
Nạn nhân công lý tột đê hèn.
Trò hề trốn thuế vu oan vụng,
Kế xảo bám quyền nuốt nhục quen.
Nhà báo tự do thầm thắp lửa,
Tiếng dân đè nén giục thay nền.
Đa chiều ngôn luận xô màn sắt,
Ảo tưởng thiên đường bớt máu hoen!
(Fb LS Lê Công Định | 14/8/2014)