Friday, December 27, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGLễ tang cho những đồng chí đã “mắc những lỗi lầm nghiêm...

Lễ tang cho những đồng chí đã “mắc những lỗi lầm nghiêm trọng”

Blog VOA

Trân Văn

Tuy tin đồn ông Lê Đức Anh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng (1987 – 1991), cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992 – 1997), cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN (1982 – 1997), đã qua đời hôm 23 tháng 2 không chính xác nhưng vài nguồn thạo tin (trong đó có cả con trai ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thủ tướng Việt Nam) đã đưa ra một số chứng cứ, cho thấy ông Anh đang trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”.

Liệu hệ thống công quyền Việt Nam có tổ chức quốc tang cho ông Anh, người đã được nhiều đồng chí của mình loan báo công khai đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng?

***

Nhắc tới ông Lê Đức Anh, người ta liên tưởng đến việc Việt Nam mất hàng loạt bãi đá ở quần đảo Trường Sa và vụ thảm sát tại bãi đá Gạc Ma.

Năm 1988, lần đầu tiên Trung Quốc đổ quân chiếm các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Ngày 31 tháng 1 năm 1988, Việt Nam mất bãi đá Chữ Thập. Ngày 18 tháng 2 năm 1988, Việt Nam mất thêm bãi đá Châu Viên. Ngày 26 tháng 2 năm 1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm bãi đá Ga Ven. Ngày 28 tháng 2 năm 1988, tới lượt bãi đá Tư Nghĩa lọt vào tay Trung Quốc…

Để ngăn chặn Trung Quốc chiếm toàn bộ các bãi đá, cô lập những hòn đảo mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa, Hải quân Nhân dân Việt Nam đổ người và phương tiện xuống một số bãi đá còn lại và ngày 14 tháng 3 năm 1988, xung đột Việt – Trung bùng phát tại bãi đá Gạc Ma, 64 người lính của Hải quân Nhân dân Việt Nam mất mạng, ba tàu vận tải bị bắn chìm.

Lúc đầu, người ta gọi Gạc Ma là trận hải chiến thứ hai giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông (trận hải chiến đầu tiên xảy ra ngày 19 tháng 1 năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc), tuy nhiên theo thời gian, một số binh sĩ, sĩ quan của Hải quân Nhân dân Việt Nam may mắn sống sót, tiết lộ, hai bên không hề giao tranh. Bởi những người lính của Hải quân Nhân dân Việt Nam bị cấm dùng súng, kể cả bắn trả, thành ra họ đã trở thành bia sống cho Trung Quốc tác xạ.

Nói cách khác, sự kiện Gạc Ma hồi 14 tháng 3 năm 1988 chỉ là một cuộc đổ bộ nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển nhưng Việt Nam đã không vũ trang cho những người lính lại còn cấm họ kháng cự, thành ra chỉ trong vài phút, kẻ thù giết gần như sạch sẽ một nửa đại đội.

Năm 2011, tại một cuộc hội thảo về sự kiện Gạc Ma 1988 do Trung tâm Minh Triết tổ chức, tướng Lê Mã Lương, Anh hùng các Lực lượng Vũ trang nhân dân, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chính thức thừa nhận có lệnh cấm kháng cự ngoại xâm ở Gạc Ma. Tuy nhiên tướng Lương chỉ không nêu tên người ra lệnh mà chỉ nói đó là một “lãnh đạo cao cấp”. Năm 2012, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cung cấp thêm, “lãnh đạo cao cấp” đó là ông Lê Đức Anh (1).

Sau khi bãi đá Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc ngày 14 tháng 3 năm 1988. Ngày 23 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc làm chủ bãi đá Xu Bi…

Những bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Xu Bi mà Trung Quốc chiếm giữ hồi 1988 giờ đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo. Chuỗi căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo này đang giúp Trung Quốc biến giấc mơ kiểm soát toàn bộ biển Đông thành hiện thực.

***

Nhắc tới ông Lê Đức Anh người ta còn liên tưởng tới “Hồi ức và suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam (1986 – 1994) (2).

Trong “Hồi ức và suy nghĩ”, ông Cơ – nhân vật từng từ chối hàm Ngoại trưởng khi được giới lãnh đạo Đảng CSVN “phân công” thay ông Nguyễn Cơ Thạch (1980 – 1991), có 40 năm làm việc trong lĩnh vực ngoại giao (1954 – 1994) và được những viên chức ngoại giao cao cấp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem là người “bảo vệ tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc đến tận cuối đời” (3), rồi vì bất lực, ngán ngẩm khi quanh ông chỉ gồm toàn những “con bạc khát nước” nên tuyên bố từ bỏ cuộc chơi (xin rời khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN – BCH TƯ Đảng CSVN, rời ngành ngoại giao không hề do dự) (4) – đã khắc họa rất rõ tâm, tầm của ông Lê Đức Anh.

Trong số các nhân vật tham gia hoạch định và chỉ đạo xúc tiến việc “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc hồi đầu thập niên 1990, ông Lê Đức Anh chính là người chủ động sắp đặt mọi thứ, cả công khai lẫn kín đáo để cuối cùng hướng Việt Nam tới kết quả mà ông Phạm Văn Đồng, cựu Thủ tướng Việt Nam suốt từ 1957 đến 1987, phải buột miệng than trong một cuộc họp Bộ Chính trị diễn ra trong ba ngày từ 15/05/1991 đến 17/05/1991: “Đã hớ, đã dại rồi mà còn nói đặt sự nghiệp cách mạng lên trên hết… Người lãnh đạo không nên làm như vậy. Với Trung Quốc, vừa qua không phải là chúng ta bình thường hóa, mà là chúng ta đã bị ‘phụ thuộc hóa’ quan hệ” (Trần Quang Cơ – “Hồi ức và suy nghĩ”, Phần “Thành Đô là thành công hay là thất bại của ta?”) (5).

***

Tháng 8 năm ngoái, ông Trần Hùng – Trưởng nam của tướng Trần Độ, kể về tang lễ của cha mình hồi 2002.

Lễ tang tướng Trần Độ thuộc loại xưa nay chưa từng có. Tướng Trần Độ – một trong những công thần của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – được gọi gọn lỏn là “ông”. Hàng chữ “vô cùng thương tiếc” trên bức trướng được Ban Tổ chức lễ tang che lại. An ninh vây kín Nhà tang lễ, tạm giữ các vòng hoa để lột bỏ cho bằng hết những chữ liên quan đến việc bày tỏ sự tiếc thương hay xưng tụng ông Trần Độ là tướng. Ban Tổ chức lễ tang còn toan thu Sổ tang mà những người quý mến tướng Trần Độ đã chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của họ về ông. Nỗ lực thu giữ bất thành thì xé bỏ những trang mà nội dung… không thích hợp.

Kịch tính lên tới đỉnh khi ông Vũ Mão, lúc đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lên đọc điếu văn với tư cách Trưởng Ban Lễ tang. Dẫu là Điếu văn nhưng nội dung thì rất nghiêm khắc, nhấn mạnh ông Độ “đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng”. Khi đáp từ, Trưởng nam của ông Trần Độ tuyên bố, gia đình Trần Độ không chấp nhận Điếu văn. Hàng ngàn người đến tiễn đưa tướng Trần Độ đồng loạt vỗ tay (6).

Năm năm sau (2007), lúc đã nghỉ hưu, ông Vũ Mão mới phân trần rằng, ông được “tổ chức” chỉ đạo đọc Điếu văn trong lễ tang tướng Trần Độ. Biết ông không đồng tình với nội dung Điếu văn, các “đồng chí” trấn an, “khi đọc về những đóng góp của tướng Trần Độ thì đọc to, đoạn nói về thiếu sót, khuyết điểm thì đọc nhỏ thôi”. Ông Mão đã làm đúng như thế vì không còn lựa chọn nào khác (7).

Tướng Trần Độ – người từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, từng là Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ BCH TƯ Đảng CSVN, Phó Ban Tuyên huấn BCH TƯ Đảng CSVN, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước – “đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng” nào để hệ thống công quyền Việt Nam phải tổ chức phân biệt đối xử cho thật rõ ràng đến như vậy?

“Những lỗi lầm nghiêm trọng” của tướng Trần Độ là việc truyền bá công khai các nhận định riêng như: “Nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng”. Thành ra: “Đảng phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ ‘hiệp thương’ mà thực chất là gò ép”…

***

Tháng 3 năm 1974, ông Trần Độ và ông Lê Đức Anh cùng được phong trung tướng. Họ vẫn được xem như những nhân vật cùng thời. Vì đã “mắc những lỗi lầm nghiêm trọng” nên dẫu “nhắm mắt, xuôi tay”, tướng Trần Độ cũng chưa được tha.

Vậy tướng Lê Đức Anh có “mắc những lỗi lầm nghiêm trọng” nào không? Giới lãnh đạo Đảng CSVN chưa xác định. Chuyện mà nhiều nhân chứng như ông Trần Quang Cơ đã bạch hóa: “Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc” bằng mọi giá, kể cả “phụ thuộc hóa” vào Trung Quốc vì cả hai đều là cộng sản, có thể dựa vào nhau để cùng tồn tại… hình như không phải chỉ là mơ ước và nỗ lực riêng của ông Lê Đức Anh.

Xem mơ ước và những nỗ lực kiểu đó là “mắc những lỗi lầm nghiêm trọng” sẽ giảm đáng kể số lượng quốc tang.

Chú thích

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-ord-no-fir-in-garma-03122015052720.html

(2) http://www.truyen-thong.org/so14/so14.html

(3) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150629_tranquangco_profile

(4) http://www.viet-studies.net/THDung/DocLaiHoiKyTQCo_HongKhiem.htm

(5) http://www.truyen-thong.org/so14/43.html

(6) http://trandotacpham.blogspot.de/2017/08/co-mot-am-tang-rat-buon.html

(7) http://www.hophammientrung.vn/tin-tuc-moi-cap-nhat/17/350/thu-ong-vu-mao-ve-dam-tang-tuong-tran-do-/cong-nghe-so.html

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular