Thursday, December 5, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGChóp bu Việt Nam chỉ 'bảo vệ dầu khí', không phải ngư...

Chóp bu Việt Nam chỉ ‘bảo vệ dầu khí’, không phải ngư dân!

Blog VOA

Phạm Chí Dũng

Ngay sau chuyến công du đến Hà Nội vào ngày 24/1/2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, lần đầu tiên kể từ sau khi cuộc chiến Việt – Mỹ kết thúc vào năm 1975, một hàng không mẫu hạm mang tên USS Carl Vinson của Mỹ đến Việt Nam.

Hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam ngày 5/3/2018.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Nam có khuynh hướng gần gũi hơn với Mỹ về quân sự và các đồng minh quân sự của Mỹ. Mọi việc đều có nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp.

Vì sao Việt Nam cần dầu khí?

Đầu năm 2017, chính tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra lời cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Tình trạng ngân sách cho đến lúc đó là “khó khăn gấp bội năm 2016” – như tiết lộ của vài chuyên gia tài chính của chính quyền.

Một trong những “khó khăn gấp bội” như thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm ngân sách Việt Nam bị hụt thu trên 3% so với dự toán đầu năm, phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân đang lao vào suy thoái năm thứ 10 liên tiếp, cùng ngày càng nhiều phản kháng xã hội nổi lên đối với chính sách thuế “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” của Bộ Tài chính.

Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và “bán mình” – tức phải bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để có tiền trám vào khoảng trống toang hoác của ngân sách quốc gia.

Đó chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến chính quyền Việt Nam phải tìm mọi cách tăng thu ngân sách, dù lẽ ra họ cần kéo giãn tiến độ khai thác dầu để “bảo đảm an ninh năng lượng” như những từ ngữ hoa mỹ và thời thượng hiện nay.

Thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol và Exxonmobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.

Nhưng vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.

Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh – dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.

Một khả năng có thể xảy ra là trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ.

Chỉ khoảng nửa tháng sau biến cố Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã vội vã “thăm Hoa Kỳ,” trong đó có cuộc hội đàm quan trọng với Bộ Trưởng James Mattis, để nhận được lời hứa hẹn của phía Mỹ về việc sẽ có một tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam vào năm 2018. Đó là kết quả mà Việt Nam cần ngay trước mắt để “hù” Trung Quốc.

Đến tháng Mười năm 2017, một thứ trưởng Bộ Quốc Phòng là tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tiếp bước Tướng Ngô Xuân Lịch đến Washington với món quà bất ngờ dành cho Thượng Nghị Sĩ John McCain: một bó thư của người nhà gửi cho tù binh McCain khi ông bị giam tại Hỏa Lò, nhưng đã bị phía Việt Nam ém đi.

Hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

Còn những cái chết của ngư dân Việt?

Nhưng bất chấp đà phát triển ngày càng rõ hơn giữa giới chóp bu Việt Nam trong tư thế “dựa Mỹ đối Trung”, một sự thật trần trụi và đau đớn là giới chóp bu này đã chỉ quan tâm đến việc bảo vệ những mỏ dầu và khí đốt phục vụ cho lợi ích cùng sự tồn tại của đảng cầm quyền, trong khi chẳng hề quan tâm đến nhiều cái chết của ngư dân Việt bị bắn giết bởi tàu Trung Quốc.

Quan hệ Việt – Trung đã và đang “cải thiện” thấy rõ. Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt… chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì gần đây hành vi “đám người lạ” nhảy thẳng sang tàu cá Việt Nam để bắn chết ngư dân là chưa từng thấy. Vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị “tàu lạ” dùng súng AK bắn chết vào tháng 11/2015 là một minh chứng quá đau đớn.

Vào năm 2017, Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Rất nhiều tàu cá và ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.

Đặc biệt, các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 – thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol – liên doanh với Tây Ban Nha – ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí.

Thái độ bị xem là quá phụ thuộc và quá ươn hèn của chính thể Việt Nam đã “di truyền” từ quá khứ đến tận hiện tại, khi cả chính phủ lẫn các bộ ngành liên quan của Việt Nam tuyệt đối “cấm khẩu” trước hàng loạt tàu cá Việt bị “tàu lạ” đâm chìm, còn ngư dân Việt tiếp tục bị người Trung Quốc bắn giết.

Bản lĩnh “quân đội nhân dân Việt Nam”?

Có một so sánh chua chát: vài năm trước tại quân cảng Học Viện Hải Quân ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Quân chủng Hải Quân đã tổ chức thượng cờ, chính thức đưa vào hoạt động tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn, được đánh giá là “hiện đại nhất thế giới, có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, giúp Hải Quân huấn luyện, bảo vệ biển đảo tổ quốc”. Nhưng đúng vào thời điểm đó, lại có thêm tàu của năm ngư dân Việt (Khánh Hòa) bị “tàu lạ” đâm chìm trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ít nhất từ năm 2011, 2012 đến nay, đã chẳng có một cái chết nào của ngư dân Việt được nhà chức trách Việt Nam điều tra làm rõ và công bố cho người dân biết. Tất cả đều “chìm xuồng”.

Đã có quá nhiều hiển hiện chứng minh rằng Bộ Quốc Phòng là một trong những địa chỉ biểu lộ tính thụ động nhất và cũng đáng nghi ngờ nhất. Không những không có động tác dứt khoát nào ngăn chặn tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc xâm nhập, bộ này còn tỏ ra quá chểnh mảng trong việc bảo vệ an ninh hải phận.

Trong khi đó, một báo cáo của cơ quan dự báo toàn cầu (iCD Research) cho biết, theo thống kê, ngân sách quốc phòng Việt Nam hàng năm đã tiêu tốn đến 5 tỷ USD tiền đóng thuế của dân.

Nhưng hoàn toàn trái chiều lương tâm dân tộc, vào năm 2015 một trong số những đơn vị bảo vệ hải phận là Hải Đội 2 – Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị còn được “nổi tiếng” trên mặt báo chí bằng động tác tuần tra khống trên biển để rút ruột ngân sách ít nhất hàng tỷ đồng. Dù vụ việc này mau chóng được “rút kinh nghiệm,” nhưng chẳng ai tin nổi chỉ có riêng Quảng Trị mới tuần tra khống như thế.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular