Thursday, December 5, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGLà kẻ vĩ cuồng hay kẻ hèn nhát?

Là kẻ vĩ cuồng hay kẻ hèn nhát?

Q TRÂN ĐINH

Gần đây, trong môn học nọ, lớp mình có các nhóm sinh viên lên trình bày chủ đề của họ và mọi người trong lớp cùng thảo luận cũng như phản biện. Có lẽ là tình cờ thôi, cuộc thảo luận lại chuyển hướng vào vấn đề xây dựng Đặc khu kinh tế.

.

Địa điểm mà bạn mình chọn giới thiệu trong bài thuyết trình vừa hay cũng là một điểm nóng mà nhà nước muốn chọn xây dựng Đặc khu, bạn cũng là người dân bản địa ở khu vực này, bạn sinh ra và lớn lên tại đó nên ít nhiều cũng khá am hiểu và có tình cảm với vùng đất ấy.

.

Khi mình chất vấn bạn về vấn đề có đồng tình với việc xây dựng một “Đặc khu” trên chính quê hương mình không. Thì mình nhận được câu trả lời là có, và hơn hết bạn cũng rất trông đợi.

Rồi mình dần ít ngạc nhiên hơn khi bạn kể về điều kiện thiếu thốn của quê hương bạn, về những thứ tưởng chừng cơ bản như điện và nước ngọt, hay cả về nhu yếu phẩm, về đường xá, về cơ sở hạ tầng,…

.

Mình hỏi bạn có biết việc đồng tình với điều đó có nghĩa là đánh đổi tất cả về tài nguyên thiên nhiên, về môi trường, bộ mặt xã hội, về tất cả mọi thứ… vốn dĩ đang bình yên; để lấy một sự ồn ào tấp nập và ô nhiễm nhưng tiện lợi, như Saigon? Và khi mất đi môi trường sinh thái tự nhiên rồi sẽ chẳng thể lấy lại được nữa…

Bạn bảo rằng bạn đã sống nhiều năm ở nơi đó, và bạn nghĩ là bạn sẵn sàng đánh đổi thiên nhiên để lấy một cuộc sống hiện đại và tốt đẹp hơn, với bạn sự thay đổi đó là lẽ thường tình của xã hội.

.

Cuộc thảo luận của tụi mình kết thúc khi bạn nói rằng sao mình đề cập vấn đề “vĩ mô” quá, tụi mình chỉ là sinh viên thôi. Vấn đề thay đổi đất nước đã có những người lãnh đạo họ lo rồi, đâu đến lượt chúng ta ý kiến?

Ừ, bạn mình nói đúng và rất thực tế. Nhưng vì thực tế nhiều quá nên chao ôi là buồn!

.

Mình tôn trọng ý kiến và quan điểm của bạn. Bởi lẽ chúng ta sinh ra trong những điều kiện và môi trường khác nhau, thế nên nhân sinh quan ít nhiều cũng khác. Mình chưa trải qua sự thiếu thốn về điều kiện vật chất nên có lẽ chẳng thể hiểu được sự khao khát đổi thay bộ mặt quê hương của bạn.

Còn mình vẫn giữ quan điểm là bảo tồn những gì thiên về tự nhiên, vì lẽ cái giá phải trả cho một cuộc sống tiện nghi và hiện đại hay một đô thị mới, là quá đắt.

.

Thế nhưng, điều làm mình bận tâm không phải là quan điểm như thế nào về một vấn đề, mà là cách chúng ta mặc định suy nghĩ của bản thân. Đối với bạn mình, đó là “chuyện của đất nước đã có người lãnh đạo sắp xếp, chúng ta là sinh viên, là người dân thì không nên có ý kiến.”

Đó không phải là cách nghĩ của riêng bạn, đó là cách nghĩ của rất nhiều người mà mình từng gặp hay quen biết, của đa số, của phần lớn xã hội Việt Nam…

.

Ủa? Lo làm gì mấy việc đó? Đã có nhà nước lo rồi? Hơi đâu lo chuyện bao đồng!

Thực tế nhất là tập trung vào việc riêng, vào cuộc sống cá nhân của mình, phải không?

Nhưng nếu tất cả mọi người trong đất nước này đều tập trung vào việc riêng của mình, thì việc lớn và khó nhọc, sẽ phần ai?

.

Mình biết bạn nhìn mình như một kẻ vĩ cuồng. Nhưng bạn biết không, chẳng phải là mình muốn làm những gì quá vĩ mô hay to tát đâu. Chỉ là tự dưng mình thấy buồn, khi đọc, hay biết, hay thấy những điều tiêu cực về đất nước mình, về Việt Nam, thế thôi.

Mình thấy buồn, và đôi lúc là tổn thương lòng tự trọng…

Mình buồn khi thấy xã hội ngày một có nhiều sự bất công hơn, khi thấy người dân thấp cổ bé họng trước cửa cường quyền, thấy những người càng nghèo khổ thì càng bị ức hiếp và bóc lột,… Sự nhiễu loạn đến từ cả luật pháp lẫn giáo dục và y tế, mọi thứ rối ren như mớ bòng bong.

.

Và mỗi khi thấy hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, mình thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Vì lẽ hình ảnh đó dường như luôn gắn với sự châm biếm từ nước bạn, sự kệch cỡm và nực cười từ nước ta. Nó luôn là một cái gì đó tiêu cực và đáng buồn.

Bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng bạn bè quốc tế nhìn người Việt dưới con mắt là một kẻ láu cá, cơ hội, luồng cúi và hèn nhát?

.

Bạn không thể đem cái tự hào dân tộc của mình ra trước vụ kidnap um sùm ở nước Đức năm 2017, bạn biết không, tại sau vụ đó thì người ta nhìn Việt Nam như một thằng lưu manh, không biết điều và vi phạm pháp luật quốc tế.

Bạn cũng không thể đem lòng tự hào dân tộc ra khi hình ảnh đại diện Việt Nam ngủ gà ngủ gật trong phiên họp của Liên Hợp Quốc đăng kín các mặt báo nước ngoài, hay tệ hơn, những lần ngủ gật của nguyên thủ quốc gia trên chính trường quốc tế…

Còn nhiều nhiều điều khác nữa, nhưng bấy nhiêu thôi, cũng đủ thấy được hình ảnh của nước Việt ngày nay.

.

Và có lẽ tất cả những thứ đó được tạo ra từ suy nghĩ “Việc lớn của quốc gia đã có người khác lo”.

Nhưng có bao giờ bạn hỏi, suy nghĩ đó hình thành từ đâu?

.

Với mình, mình nghĩ nó xuất phát từ chữ “sợ”.

Một chữ sợ đã trùm lên toàn bộ dân tộc Việt suốt hơn bảy mươi năm qua.

Giống như “ly trung hư” (tức là ngọn lửa thì rỗng ở giữa); mọi cội nguồn của biến loạn đều xuất phát từ chữ “sợ”. Ngọn lửa cháy bùng lên càng to thì bên trong rỗng càng nhiều, phần rỗng đó chính là nỗi sợ hãi vậy.

.

Mình đã từng nhiều lần chứng kiến nỗi sợ ấy, mình thấy ở bạn bè, ở người quen, và mình thấy ngay cả ở mình nữa.

.

Một dạo nọ, trong buổi học môn Economics Development, giảng viên của mình có đặt một câu hỏi như sau cho sinh viên:

“Nếu như phương Tây bị khủng hoảng về lương thực và họ muốn mua một số lượng cực kỳ lớn lúa gạo của Việt Nam với giá cao gấp ba lần bình thường. Nhưng nhà nước vì sợ bán hết đi, thì trong kho sẽ thiếu nên quyết định bỏ qua cơ hội không bán ở thời điểm đó.

Theo các bạn quyết định đó của người lãnh đạo là đúng hay sai?”

.

Mình đã trả lời một cách rất thẳng thắn và thật lòng với giảng viên, rằng, nếu mà đưa ra quyết định như vậy thì người lãnh đạo đó hoàn toàn “không có tầm nhìn”. Cơ hội đến mà không biết nắm lấy, chỉ lo cái nỗi lo quá tầm thường, vấn đề trong kinh tế là cơ hội và lợi nhuận, chứ ko phải lo bán hết không có đồ để trữ.

.

Và mình vấp phải 1001 ánh mắt giận dữ từ các bạn sinh viên khác.

Họ tức giận và phản đối không phải vì tính đúng sai của vấn đề.

Cái làm họ thấy khó chịu hơn bao giờ hết là mình đã dám mở miệng nói “lãnh đạo không có tầm nhìn”.

.

Các bạn nhao nhao lên bảo rằng người lãnh đạo luôn có lý do chính đáng của họ, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng.

Các bạn nói nếu lãnh đạo ra quyết định như vậy tức là họ đã xem xét kỹ lưỡng mọi mặt rồi, không lý gì mình lại dám phán rằng “lãnh đạo không có tầm nhìn”. Như vậy là không được.

.

Và câu chuyện này đã không dừng lại ở tính đúng sai của vấn đề, hay khía cạnh kinh tế. Nó đã bao trùm đến một phạm trù khác hơn: định kiến và tư tưởng.

.

Và, giảng viên đã phải xoa dịu các bạn sinh viên của cô bằng cách nói rằng chúng ta đừng xét đến vấn đề chính trị, hãy chỉ bàn về kinh tế thôi. Và trong kinh tế thì ra quyết định như vậy là sai rồi, muốn phát triển kinh tế thì cần phải thế này, thế nọ,… Và mình đã cảm nhận được, rất nhiều bạn sinh viên, không hài lòng cả với cô lẫn với mình.

.

Chỉ là một câu chuyện nhỏ nhặt, nhưng có lẽ mình đã bận tâm hơi nhiều. Vì rằng, nó đã phản ánh cho mình thấy cái sự thật chua chát rằng, ngay cả trong một xã hội thu nhỏ, như một lớp học chẳng hạn, thì việc bày tỏ ý kiến hay có một ý kiến gọi là “phản đối”, nó là một cái gì đó vượt quá “sự cho phép”.

.

Mình tự hỏi bao nhiêu phần trăm người Việt Nam, cảm thấy rằng chúng ta không nên có ý kiến về xã hội, về những sự kiện lớn diễn ra quanh ta hằng ngày, và, về những quyết định của người lãnh đạo đất nước?

.

Mình không biết được con số chính xác, nhưng mình nghĩ rằng chắc chắn nó rất lớn.

.

Và tại sao người ta không thích hay không dám “có ý kiến, quan điểm”? Rất đơn giản, vì họ sợ. Nỗi sợ đó ăn sâu vào nhiều thế hệ, lúc đầu họ sợ, về sau thì nó trở thành một dạng “mặc định tư tưởng”.

.

Và như Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ đã từng phát biểu:

“Khi người dân sợ chính phủ, chúng ta có độc tài. Khi chính phủ sợ người dân, chúng ta có tự do.”

.

Bạn biết không? Có lẽ chúng ta đều là những kẻ hèn nhát, cả mình, cả bạn và cả những người khác nữa. Bởi lẽ, dòng lịch sử đương đại đang khiến chúng ta câm lặng, chúng ta thấy những điều đang diễn ra, dù nó đúng hay sai, thì có vẻ việc bày tỏ ý kiến hay quan điểm, nó là một cái gì đó “quá tầm với”.

.

Như trong một tuyên ngôn để đời của Martin Luther King:

“Trong thế hệ này, chúng ta sẽ phải hối hận không chỉ vì lời lẽ và hành động đầy căm thù của những người xấu mà còn bởi sự im lặng đáng sợ của những người tốt.”

(We will have to repent in this generation not merely for the hateful words and actions of the bad people but for the appalling silence of the good people.)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular