Saturday, December 14, 2024
HomeBLOGKỲ ÁN BƯU CỤC CẦU VOI: AI LÀ THỦ PHẠM?

KỲ ÁN BƯU CỤC CẦU VOI: AI LÀ THỦ PHẠM?

Bài viết thể hiện quyền hoài nghi của công dân. Khi vụ án có nhiều khuất tất, công dân có quyền hoài nghi chính đáng và đòi hỏi làm sáng tỏ. Bài viết này đi thẳng vào những điểm lạ thể hiện ngay trong các bản án và được khẳng định trong 10 trang Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Có nhiều điểm lạ trở thành kỳ bí trong vụ án Bưu cục Cầu Voi. Ngoài những điểm lạ gây tranh cãi, tôi quan tâm mấy điểm lạ sau:

1) Nạn nhân được cáo trạng xác định bị sát hại vào khoảng 20h30 ngày 13 tháng 1 năm 2008. Đúng 8h30 phút sáng ngày 14 tháng 1, điều tra viên Lê Thành Trung bắt đầu khám nghiệm hiện trường vụ án. Đúng 13 giờ 10 phút, điều tra viên Lê Thành Trung kết thúc khám nghiệm hiện trường vụ án và sau đó cho phép dọn dẹp hiện trường. Vậy là rất kịp thời, đảm bảo sự trọn vẹn, tươi mới của hiện trường.

Lạ là chỉ một người khám nghiệm hiện trường và cũng người ấy cho phép dọn dẹp hiện trường. Cũng rất nhanh, gọn.

Như vậy, không có chuyện vụ án xảy ra đã lâu, các chứng tích bị phân hủy mới bị phát hiện, hay do từ đầu giao cho công an xã, vì thiếu nghiệp vụ nên có sai sót. Điều tra viên hiển nhiên là chuyên nghiệp. Ta hình dung công an viên xã có mặt khi ấy chỉ là người chứng kiến và giúp việc.

2) Ba vật chứng quan trọng nhất, trong đó có 2 vật chứng là chiếc ghế inox và cái thớt có ghi lại trong ảnh hiện trường bị đốt bỏ ngay sau khi dọn dẹp hiện trường. Sau đó, cũng trong ngày hôm đó, 4 người dọn dẹp hiện trường phát hiện thêm con dao nhét sau tấm bảng treo tường, có báo với công an xã và huyện thì cũng được lệnh đốt bỏ luôn. Quái lạ là ngay hôm sau, ngày 15 tháng 1, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Long An quay lại tìm kiếm con dao tại nơi đốt bỏ cũng không tìm thấy lưỡi dao. Lưu ý, không chỉ cái thớt, con dao, chiếc ghế inox cũng được mua mới để thay cái ghế tại hiện trường. Cái thớt gỗ thì bị cháy thành than chứ lẽ nào chiếc ghế và lưỡi dao làm bằng kim loại cũng bị cháy thành than?

Tại sao không có bất cứ giám định nào từ 3 tang vật trên mà lại đi giám định trên những thứ không phải là vật chứng gây án?

Ai đã ra lệnh đốt bỏ và ai đã làm cho hai vật kim loại kia biến mất? Động cơ đơn giản là do thiếu hiểu biết dẫn đến sai sót nghiệp vụ ư?

3) Trong trang 5, bản án sơ thẩm 2008, có đoạn ghi rõ Hồ Duy Hải biết về tình tiết vụ án là do được nghe ông Nguyễn Văn Hải, công an viên xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân.

Lạ là ông Nguyễn Văn Hải không giết người mà sao biết rõ tình tiết cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân? Lẽ nào…

Lẽ nào nghi phạm chỉ có Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol… kể cả Hồ Duy Hải, bởi việc thu thập nhiều dấu vân tay không phải trên vật chứng biết đâu chỉ là tung hỏa mù để đánh lạc hướng dư luận? Trong khi đó có những nghi phạm khác đang ở trước mặt mà lại bị che giấu thì sao? Và cuối cùng, biết đâu thủ phạm không là một người gây án mà có đến vài người thì mới có chuyện giết người nhanh gọn đến mức xung quanh không nghe được tiếng la ó của nạn nhân? Nên nhớ thời gian xảy ra án mạng không phải là đêm quá khuya, hiện trường cũng không phải nằm ở rừng sâu!

Tiếc là 2 công an viên xã có mặt khi khám nghiệm hiện trường đã đột tử từ sau khi vụ án được tuyên nên bây giờ không thể thẩm vấn các ông này. Vậy thì điều tra viên Lê Thành Trung phải biết chắc ai là thủ phạm mới không thu giữ và không cần cho giám định vật chứng?

Biết đâu hai oan hồn nữ nhân kia đã xử thủ phạm rồi, vì họ không tin vào công lý?

Việc chỉ căn cứ vào lời khai của bị can “phù hợp với bản ảnh hiện trường, phù hợp với lời của nhân chứng” như các phiên tòa đã kết luận và kết tội được thì ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng.

Theo tôi, vụ án không phải không thể điều tra lại như Hội đồng thẩm phán tối cao đã phán đoán rồi kết luận. Việc đơn giản là khởi tố hình sự theo điều 300 Luật Hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án trước, sau đó mọi sự sẽ được làm sáng tỏ.

Các dấu hiệu lạ trên không đủ căn cứ khởi tố hình sự sao? Khó có thể biện minh những hành vi khám nghiệm hiện trường không có sự giám sát khách quan, tiêu hủy vật chứng và đưa mẫu vật giám định ngoài vật chứng là “sai sót nghiệp vụ nhưng không làm thay đỏi bản chất vụ án”. Ai chẳng biết bản chất vụ án là giết người man rợ, nhưng tại sao có những khuất tất như vậy? Giả định đó là sai sót nghiệp vụ như điều tra viên thừa nhận thì vẫn phải khởi tố hình sự, ít nhất ở đó đã phạm phải điều luật “thiếu hiểu biết gây hậu quả nghiêm trọng”, kéo theo “làm sai lệch hồ sơ vụ án” có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Không nghiêm trọng hay sao khi vụ án kéo dài dẫn đến kéo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tốn kém bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của các nạn nhân, đánh mất niềm tin của nhân dân vào công lý, kể cả cái gọi là “dư luận xấu” và “những phát ngôn nguy hiểm”, “các thế lực thù địch lợi dụng chống phá”, như chính các nhân vật của Tòa tối cao quy kết?
——

Toàn cảnh vụ án:

https://vi.wikipedia.org/…/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_H%E1%BB%93_Du…

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular